Mỹ và Việt Nam: Bài học từ ‘dân chủ khiếm khuyết’ của Việt Nam Cộng Hòa
Mỹ và Việt Nam: Bài học từ ‘dân chủ khiếm khuyết’ của Việt Nam Cộng Hòa
-
3 tháng 6 2020
Thực thi nền dân chủ ở miền Nam Việt Nam giữa dòng cuộc chiến là hành động nguy hiểm, như người biên tập báo Từ Chung đã trả giá cho tự do bằng mạng sống.
30/4: Phụ nữ ở Sài Gòn qua ảnh
TS Phạm Đỗ Chí: ‘Di sản của việc xây dựng miền Nam nay vẫn còn quan trọng’
Người Việt trẻ gọi 30/4 là ‘một biến cố buồn’
30/4: Đi tới tương lai từ quá khứ 45 năm trước thế nào?
Ông Chung biên tập báo Chính Luận, một tờ báo ở Sài Gòn có thiên hướng chống cộng và rơi vào tầm ngắm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tổ chức nổi dậy cộng sản do Hà Nội kiểm soát ở miền Nam.
Tháng Sáu 1965, Võ Công Minh gửi thư cho Chung tố cáo ông là “phụng sự ông chủ Mỹ” và đe dọa ám sát.
Chung và chủ báo, Đặng Văn Sung, phản hồi bằng xã luận khẳng định cam kết tường thuật cân bằng, ghi nhận rằng Chính Luận cũng đã đăng bài chỉ trích chính quyền Sài Gòn và can thiệp Mỹ.
Sáu tháng sau, Mặt trận Giải phóng gửi thêm lá thư cho Chung, lần này là “lời cảnh cáo cuối cùng” hứa hẹn sẽ diệt bỏ bọn “cừu ghẻ” đang nắm tờ báo.
Không e ngại, ông Chung và Sung đăng lá thư đó cùng phản hồi của họ, một lần nữa tuyên bố sứ mệnh của Chính Luận là cho người đọc biết về những gì đang xảy ra ở miền Nam. Trong đó có việc lên án hành động của Mặt trận, chính quyền miền Nam và Mỹ nếu có nguyên do.
Mặt trận không dọa chơi. Ngày 30/12/1965, các cán bộ bắn ông Chung bốn phát khi ông vừa bước ra khỏi xe về tới nhà. Ông Chung chết ngay tại chỗ, trong lúc nhóm ám sát tẩu thoát bằng xe máy.
Diễn ngôn chủ đạo về chiến tranh Việt Nam ở Mỹ và Việt Nam thường mô tả xung đột này là giữa người Mỹ và Việt, nhưng nó không xét tới sự đa dạng trong bình luận giữa công dân Việt Nam về tương lai hậu thuộc địa.
Ở Việt Nam Cộng Hòa, tức Nam Việt Nam, các phe chống cộng, trung lập và cộng sản đánh lẫn nhau bằng từ ngữ và bằng súng để đòi đại diện cho Việt Nam độc lập.
Là người chống cộng ở Nam Việt Nam có nghĩa là chống viễn kiến của Hà Nội cho một Việt Nam thống nhất dưới sự chỉ huy của Đảng Lao Động Việt Nam theo cộng sản. Nó không nhất thiết là ủng hộ chính thể Sài Gòn hay sự can dự của Mỹ vào Việt Nam.
Các nhà hoạt động chính trị, sinh viên, giới tu hành Công giáo, Phật giáo, chính trị gia, và dân thường đều hy vọng có tiếng nói để ảnh hưởng các định chế chính trị thay vì chấp nhận hệ thống cai trị áp đặt bởi lãnh đạo tại Hà Nội, Washington hay nơi nào khác.
Trong chiến tranh, Sài Gòn là thành phố năng động thể hiện tiềm năng dân chủ của Nam Việt Nam trong đời sống hàng ngày.
Nhiều tờ báo đăng xã luận, bình phẩm dân chúng, các góc nhìn thân và chống chính phủ. Bầu cử giúp đưa nghị sĩ đối lập vào quốc hội. Các nhà hoạt động bày tỏ mình qua biểu tình ở Sài Gòn và các thành phố khác.
Nam Việt Nam có nền dân chủ hoạt động ở thập niên 1960 và đầu 70. Nó thất bại vì đàn áp chính trị của các chính quyền miền Nam, chứ không phải vì nhân dân Việt Nam đa số chống cộng.
Nam Việt Nam cho công dân nếm mùi tự do, rồi lại giật đi khi tự do ngôn luận có vẻ quá nguy hiểm cho ổn định chính quyền. Đàn áp của cảnh sát và nhà nước lên các nhóm đối lập vào cuối thập niên 1960 đã cực đoan hóa một số người Công giáo, sinh viên và các nhà hoạt động, đẩy họ đi sâu hơn vào nhóm ủng hộ hòa giải và kết thúc chiến tranh, ngay cả nếu nó có nghĩa là trả quyền kiểm soát miền Nam, và Việt Nam thống nhất, cho người cộng sản.
Hoạt động chính trị, đa dạng báo chí, và đa dạng thái độ về tương lai Việt Nam đã tạo nên một văn hóa quốc gia gần với dân chủ tuy hỗn loạn, mà chính phủ không biết cách kiểm soát.
Việc đàn áp các giọng nói phản kháng, bỏ tù lãnh đạo đối lập chỉ củng cố hình ảnh mà nhiều người ở Tây phương nghĩ về chính phủ Sài Gòn như là phe độc đoán và không chính danh. Không thể hòa đồng với các công dân đi theo truyền thống hoạt động chính trị Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, các lãnh đạo và cảnh sát miền Nam đã bóp nghẹt sự phát triển của quá trình chính trị hiện đại. Chính trong bối cảnh đó mà Mặt trận Giải phóng có thể tự nhận chính danh đạo đức trước khán giả quốc tế.
Trong lúc thế giới đang nhìn, nhờ vào phóng viên và mạng lưới quốc tế, danh tiếng chính phủ Sài Gòn lung lay khi báo chí đăng hình công dân phẫn nộ biểu tình vì việc bỏ tù sinh viên, hay khi cựu tù chính trị nói với một linh mục chống chính phủ về việc bị an ninh tra tấn.
Những cốt lõi của cơ cấu dân chủ có ở đó: bầu cử vào quốc hội, bầu tổng thống, báo chí năng động ở Sài Gòn, biểu tình đường phố có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tham gia. Nhưng thật khó cho người Việt hay người nước ngoài hiểu được bộ xương dân chủ ẩn trong làn da độc đoán.
Thay vì giao thiệp với các nhà hoạt động và tổ chức phi cộng sản, các cố vấn Mỹ chỉ tập trung vào ủng hộ chính phủ Sài Gòn ngay cả khi giới chức dùng tới đàn áp, bỏ tù.
Việc Mỹ không hiểu gốc rễ và tính chất của hoạt động chính trị công dân ở Nam Việt Nam chính là thể hiện xã hội tự do, đã khiến người Mỹ bỏ lỡ cơ hội giúp xây dựng một đất nước ổn định ở Nam Việt Nam.
Trong mắt một số trí thức miền Nam, có vẻ họ phải chọn giữa hai lựa chọn chính trị không hay ho gì. Họ có thể chấp nhận một chính phủ sống bằng trợ giúp tài chính và quân sự Mỵ, hay họ có thể đầu hàng trước phong trào chuyên chế do Đảng Cộng sản kiểm soát từ Hà Nội.
Giới chức sứ quán Mỹ và cố vấn Mỹ thường nghĩ rằng ai không ủng hộ chính phủ Sài Gòn thì đều là cộng sản.
Đóng góp vào hỗn loạn ở Sài Gòn và miền Nam là chính sách khủng bố của Mặt trận Giải phóng (NLF terrorism). Gây khiếp sợ là yếu tố trung tâm của chiến lược Mặt trận. Douglas Pike, từ U.S. Information Agency, vạch trần điều này trong nghiên cứu về Mặt trận.
Pike, một cựu binh Thế chiến Hai, ghi chép việc Mặt trận dùng chính sách khủng bố, gồm cả việc tàn sát hàng ngàn dân thường ở Huế trong trận Mậu Thân. Sự ngẫu nhiên của thả bom xe chỗ này, nổ chợ nơi kia thực ra là có tính toán, là chiến thuật chính của Mặt trận trong chiến lược chiến tranh.
Năm 1959, các lãnh đạo Hà Nội quyết định đã tới lúc hướng vào “giải phóng miền Nam”. Thông qua chính sách khủng bố, Mặt trận muốn reo rắc sợ hãi trong công dân, gây bất ổn cho hệ thống chính trị Sài Gòn, phá nỗ lực xây dựng xã hội dân chủ.
Giới chức Sài Gòn đáp trả tấn công khủng bố bằng việc bắt giam đối kháng chính trị, nghĩ rằng bất kỳ ai phản đối chính phủ đều là cộng sản.
Việc bóp nghẹt tự do dân sự lại củng cố cáo buộc của Mặt trận và các nhóm chống chính phủ rằng lãnh đạo Sài Gòn chỉ độc đoán. Sứ mệnh của chính sách khủng bố thế là hoàn thành.
Sau chiến tranh, tin tức về các trại cải tạo, hành quyết, lấy tài sản và các vi phạm nhân quyền của chính phủ Hà Nội dần dần lan ra khỏi Việt Nam.
Ngày 30/5/1959, ca sĩ Joan Baez và 80 người khác ký Thư ngỏ gửi Cộng hòa XHCN Việt Nam, được các báo như New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, đăng thành trang quảng cáo. Lá thư bày tỏ lo ngại về trại cải tạo, việc biến mất của các “kẻ thù nhà nước”, và việc ép người dân gỡ mìn mà không có đào tạo hay thiết bị.
Từ góc nhìn những người trải qua đàn áp chính trị ở Nam Việt Nam, có vẻ người Việt chỉ đổi một chính phủ chuyên chế này sang chính phủ khác.
Hậu quả lâu dài của chiến thắng của Hà Nội vẫn hiển hiện trong thế kỷ 21, khi blogger và những người khác sẵn sàng nói ra chống chính phủ Việt Nam thì đối mặt theo dõi, bắt giữ, cầm tù.
45 năm sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, tự do chính trị vẫn chưa tới với công dân Việt Nam.
Có nhiều nguyên do vì sao Nam Việt Nam vẫn chỉ ở bên lề của diễn ngôn chủ đạo, mặc dù nhiều sử gia, nhà báo đã viết về chiến tranh.
Tại Việt Nam, người chiến thắng viết lịch sử chính thức. Các bảo tàng, tượng đài mô tả xung đột là chiến đấu giữa người Việt và người Mỹ, không đếm xỉa tới các góc nhìn người Việt, hay thừa nhận những người Việt đã ủng hộ, chiến đấu cho chính phủ Sài Gòn.
Nhiều cây bút Mỹ tập trung vào góc nhìn Mỹ để hiểu cách ra chính sách, cách chiến tranh ảnh hưởng người lính và dân Mỹ, và chính trị Mỹ.
Một số học giả Mỹ dùng Chiến tranh Việt Nam làm bằng chứng chính để lên án chính sách đối ngoại chung của Mỹ.
Việc đưa tiếng nói người miền Nam ủng hộ Sài Gòn thách thức sự đồng thuận rằng, trong Chiến tranh Lạnh, can thiệp toàn cầu của Mỹ chỉ phục vụ các chính quyền con rối mà không có dân ủng hộ. Tuy vậy tại Việt Nam, một chiến thắng của Hà Nội không phải là định mệnh, và đảng Lao Động và Mặt Trận không đại diện cho toàn bộ quan điểm của người Việt.
Chiến tranh Việt Nam vẫn là điểm mốc để các nhà phân tích chính sách nhìn về, khi cố hiểu sự can thiệp của Mỹ tại Afghanistan và Iraq trong thế kỷ 21.
Vì thế không đủ khi chỉ nhai lại diễn ngôn cũ mà không mở rộng để bao hàm người Nam Việt Nam như nhân tố hợp pháp trong xung đột.
Không đủ khi chỉ hỏi Hoa Kỳ lẽ ra có nên vào Việt Nam hay không. Hoa Kỳ đã đến, dính líu cuộc chiến lâu dài, tàn khốc – chúng ta đã biết điều này.
Để hiểu đầy đủ hậu quả của sự can thiệp Mỹ, chúng ta cũng phải hỏi người Mỹ hiểu gì về Việt Nam, đặc biệt các đồng minh, vì sao nhân viên sứ quán Mỹ và những người khác ở hiện trường Việt Nam đã tương tác với người Nam Việt Nam như thế. Những góc nhìn chính trị khác nhau nào đã tồn tại ở Nam Việt Nam trong cuộc chiến. Điều gì ảnh hưởng tới dư luận quốc tế và khu vực về vấn đề Việt Nam.
Chính trong lúc đi tìm trả lời cho các câu hỏi này mà chúng ta mới có thể hiểu sâu hơn vì sao việc xây dựng quốc gia mà Mỹ dẫn dắt lại bế tắc và thất bại.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bà Heather Marie Stur, là giáo sư lịch sử, có bằng tiến sĩ, đang dạy ở Đại học Southern Mississippi, Hoa Kỳ. Bà đã viết ba sách, mà cuốn mới nhất là Saigon at War: South Vietnam and the Global Sixties (NXB Đại học Cambridge, 2020). Các bài báo của bà từng in ở báo New York Times, Washington Post, National Interest, Orange County Register, Diplomatic History, và War & Society.
Năm 2013-14, bà là học giả Fulbright ở Việt Nam, dạy ở Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Xã hội Nhân văn, TPHCM.