Mỹ thiết lập sức mạnh cho đồng USD và chiến lược lật đổ USD của Tàu
Để đưa đồng đô la Mỹ trở thành đồng tiền mạnh nhất thế giới như hiện nay thì nước Mỹ đã thực hiện 3 chiến lược quan trọng, rất có tính toán. Những chiến lược đó như sau:
Chiến lược thứ nhất là năm 1944, Mỹ tập hợp các nền kinh tế lớn gồm Mỹ , Canada , Tây Âu, Úc , và Nhật gặp nhau tại khách sạn Mount Washington ở Bretton Woods, bang New Hampshire, Hoa Kỳ để tham dự Hội nghị Tài chính và Tiền tệ Liên hợp quốc. Lúc đó, các quốc gia này đã ký với nhau một thỏa thuận được gọi là hiệp định Bretton Woods. Trong hiệp định này có quy định 2 điều vô cùng quan trọng đối với đồng đô la Mỹ: Thứ nhất là quy định đô la Mỹ là đồng tiền duy nhất được đổi lấy vàng đối với chính phủ nước ngoài, với các đồng tiền còn lại sẽ cố định biên tỷ giá với đô la Mỹ; Thứ nhì là việc phát hành đồng đô la phải có bảo chứng bằng vàng trong kho dự trữ, nghĩa là Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ – FED muốn in tiền thì phải mua vàng cất vào kho để bảo chứng cho giá trị đồng USD luôn đúng với tỷ giá 35 USD/ounce. Chế độ này người ta gọi là chế độ Bản Vị Vàng (Gold Standard).
Như vậy hiệp định Bretton Woods đã đưa đồng USD lên vai trò thống trị trên thế giới, và nó cũng trở thành đồng tiền chính để các quốc gia khác dự trữ ngoại tệ phòng rủi ro. Từ đó nhu cầu đô la trên toàn thế giới tăng lên vì nhu cầu dự trữ ngoại tệ các quốc gia luôn tăng theo GDP. Tuy nhiên chế độ Bản Vị Vàng cũng đã làm chính phủ Hoa Kỳ và Cục Dự Trữ Liên Bang – FED như bị trói chân. Vì sao? Vì khi gặp khủng hoảng, FED rất khó in tiền bung ra kích cầu nền kinh tế nên việc ra chính sách tiền tệ kìm hãm đà khủng hoảng không hiệu quả. Nếu muốn in bao nhiêu tiền, FED phải mua bấy nhiêu vàng tống vào kho dự trữ theo đúng tỷ giá 35 USD/ounce. Chính vì vậy mà từ năm 1968 chính quyền Nixon đã ngấm đòn vì sự ràng buộc phi lí đó. Đến năm 1971, tổng thống Nixon chính thức bãi bỏ chế độ Bản Vị Vàng, như vậy xem như hệ thống Bretton Woods sụp đổ. Tuy hệ thống Bretton Woods sụp đổ nhưng vị thế của đồng USD đã đã thiết lập, USD trở thành đồng tiền được sử dụng phổ biến nhất thế giới.
Sau khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ, chính quyền Mỹ biết rằng, họ cần lập nên hệ thống mới thay thế hệ thống Bretton Woods trước đó để nâng thêm sức mạnh cho đồng USD hay chí ít là giữ nguyên sức mạnh hiện có cho đồng tiền này. Vì thế, năm 1974, Tổng thống Richard Nixon đã giao cho Bộ trưởng Ngân khố William Simon đàm phán và kí thỏa thuận với Ả rập Saudi là nước chỉ nhận thanh thóa tiền mua dầu của các quốc gia khác bằng đồng USD, đổi lại quốc gia này được hải quân Mỹ đóng ở vịnh Aden bảo vệ. Thỏa thuận này cũng giúp kho dự trữ ngoại tệ của Ả rập Saudi có nhiều USD để phòng rủi ro cho nền kinh tế. Người ta gọi thỏa thuận này gọi là hệ thống Petrodollar hay Tiêu Chuẩn Dầu. Từ đó, đồng USD trở thành đồng tiền huyết mạch lưu thông song hành cùng với sự buôn bán dầu mỏ của quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới này. Mà đã lưu thông song hành cùng dầu mỏ thì hầu như không quốc gia nào mà không giao dịch đồng USD, chỉ điều là giao dịch ít hay nhiều mà thôi. Đó là chiến lược thứ nhì của Mỹ thay thế sự hết thời của hệ thống Bretton Woods nâng sức mạnh cho đồng USD.
Để củng cố thêm sức mạnh cho đồng USD, Mỹ đã đưa ra chiến lược thứ ba. Đó là vào năm 1970, Mỹ cho thành lập Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu -SWIFT (The Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication). Mục đích là giúp cho nhu cầu lưu thông ngoại tệ (mà chủ yếu là đồng USD) thông suốt trên toàn thế giới. Hiện nay tổ chức này có 11.000 ngân hàng thành viên trải rộng trên 200 quốc gia trên khắp thế giới. Ngân hàng nào muốn tham gia giao dịch ngoại tệ quốc tế thì phải đăng kí thành viên hội này và mỗi ngân hàng nhận một mã riêng để tham gia hệ thống chuyển khoản liên ngân hàng quốc tế, người ta gọi là mã SWIFT hay mã BICS. Để dễ hiểu thì có thể ví SWIFT như là hệ thống xa lộ, còn các ngân hàng thành viên là những trạm nghỉ chân trên xa lộ ấy, và ngoại tệ (chủ yếu là USD) là xe cộ lưu thông. Hệ thống này trong tay Mỹ nên một khi Mỹ muốn cấm vận quốc gia nào thì họ cho chặn đường dẫn ngoại tệ đến quốc gia đó thì lập tức quốc gia đó sẽ bị cô lập hoàn toàn với hệ thống giao dịch quốc tế và vì thế chặn đứng ngành ngoại thương của quốc gia đó. Ngoài hệ thống SWIFT, Mỹ còn nắm trong tay Hệ Thống Thanh Toán Bù Trừ Liên Ngân Hàng Quốc Tế– CHIPS (Clearing House Interbank Payment System). Cả SWIFT và CHIPS là 2 hệ thống xa lộ chính, những hệ thống khác chỉ là những con đường mòn, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong giao dịch quốc tế. Đồng tiền nào muốn lật đổ đồng USD, thì phải lật đổ 2 hệ thống xa lộ vĩ đại này trước đã. Chuyện này khó còn hơn lên trời hái sao.
Như đã nói ở bài “Vì sao đồng đô la vẫn mạnh bất chấp việc Mỹ bung 5000 tỷ?” thì để lật đổ đồng USD, Tập Cận Bình đã lôi kéo Nga và một số nước khác lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu – AIIB, với số vốn ban đầu là 100 tỷ đô la để tạo sân chơi cho đồng Yuan Tàu. Ý họ là muốn AIIB sẽ lật đổ “hệ thống xa lộ” SWIFT và CHIPS của Mỹ nhưng họ đã thất bại. Tuy nhiên, Tập không phải là vừa, ông ta đang cho Ngân Hàng Trung Ương Tàu (Bank of China) thử nghiệm đồng tiền điện tử. Mục đích là họ muốn đi trước Mỹ nhằm chiếm lĩnh thị trường giao dịch tiền điện tử như Mỹ đã thực hiện 3 chiến lược lớn để đưa USD thành đồng tiền có sức mạnh toàn cầu như hiện nay. Nói chung Tàu rất tham mọng.
Ngày 19/3, tờ Nikkei Asian cho biết, Ngân Hàng Trung Ương Tàu (Bank of China) đang bắt đầu thử nghiệm giao dịch đồng tiện tử của họ, mục đích là để mồi cho đồng tiền này được lan tỏa và trở nên phổ biến. Được biết, đồng Yuan điện tử đang trong giai đoạn thử nghiệm tựa như đồng Picoin mà người Việt Nam đang tham gia. Thực chất là họ đang gầy dựng thói quen tiêu dùng bằng tiền điện tử cho người dân Tàu. Sau khi bước đầu đã thành công, hệ thống ngân hàng thương mại của Tàu sẽ vào cuộc và điều khiển sự lưu thông đồng tiền này. Nói chung là rất triển vọng.
Cho tới bây giờ, đồng Bitcoin hay các đồng tiền điện tử khác nó đang được giao dịch giống như là cổ phiếu của thị trường chứng khoán hơn là đồng tiền thật sự. Vì sao? Vì giá trị của nó trồi sụt thất thường theo tin đồn và nhu cầu chứ nó không được bảo chứng bởi thứ hàng hóa nào cả. Chính vì điều đó, ai buôn bán Bitcoin thì chấp nhận rủi ro như cổ phiếu. Yếu tố không ổn định này chắc chắn đồng Bitcoin không bao giờ thay thế được đồng USD trên thị trường ngoại hối, trên thị trường tiền tệ, và trên thị trường hàng hóa. Không tập đoàn tỷ đô nào dám nhận Bitcoin khi bán lượng hàng hóa hàng tỷ đô cả. Đồng tiền mà giá trị của nó không được bảo chứng, nếu họ nhận, ngày mai nó rớt giá 30% hay 50% thì công sức lao động, lợi nhuận công ty, tài sản công ty đi tong chỉ vì dùng Bitcoin sao? Sẽ không bao giờ có chuyện Bitcoin thay thế USD để điều khiển sự lưu thông hàng hóa quốc tế được. Vì lí do đó, nếu đồng Yuan ra đời thì các đồng Coin kia khó mà có chỗ đứng. Đấy là viễn cảnh mà có lẽ Bank of China ắt nhận ra.
Hiện nay tổng giá trị của Bitcoin là 1000 tỷ USD, nghe như lớn, nhưng nếu đồng Yuan điện tử Tàu thay thế đồng tiền giấy của họ thì lúc đó tổng giá trị đồng Yuan điện tử giao dịch là 14000 tỷ USD (bằng GDP Tàu), trong khi đó nó ổn định hơn Bitcoin vì giá trị của nó được bảo chứng bởi tổng giá trị hàng hóa nước Tàu làm ra thì nó đủ sức đè bẹp Bitcoin hay đồng tiền điện tử khác. Đấy là viễn cảnh đồng tiền Yuan điện tử, ra trước rất là lợi thế. Hiện nay chưa thấy FED động tĩnh gì về vấn đề này, nhưng có lẽ FED không thể ngó lơ được. Người Mỹ thường không ồn ào, nhưng về đích trước tiên như Vaccine vậy, Putin tuyên bố thật sớm nhưng Mỹ lại có trước và họ lại sẽ là nước đầu tiên dập tắt hoàn toàn Covid. Và trong vấn đề đồng tiền điện tử cũng vậy, nếu Tàu có thành công về ý đồ đưa đồng Yuan điện tử thành đồng tiền giao dịch chính thì họ cũng khó mà soán ngôi đồng USD được. Bởi dù cho đồng tiền điện tử, nó cũng phải chạy trên “hệ thống xa lộ có sẵn” mà Mỹ đã tạo ra. Việc lật đổ đồng USD không dễ chút nào. Nếu đồng Yuan điện tử và đồng USD điện tử mà ra đời thì những đồng tiền kỹ thuật số hiện nay cũng đến hồi cáo chung thôi. Tuy nhiên đấy chỉ là phán đoán, thực tế thì vẫn phải chờ xem?!
FB Đỗ Ngà