Mỹ rút chân, Việt Nam có nên phê chuẩn TPP?
Những người biểu tình chống TPP tại Mỹ. |
Friday, December 2, 2016
Trà Mi
Theo VOA
Nhật Bản và Singapore vừa cam kết làm việc với nhau để phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) càng sớm càng tốt.
Quyết định được đưa ra sau cuộc họp ngày 1/12 giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Singapore, Tony Trần Khánh Viêm, nhân chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Trần tới Nhật.
“Chúng tôi nhất trí tiếp tục cùng làm việc với nhau hướng tới việc sớm đưa TPP vào thực thi cũng như hoàn tất các cuộc thương thuyết của ASEAN hầu không đảo ngược xu hướng tự do thương mại,” ông Abe phát biểu tại cuộc họp báo chung cùng ngày.
“Chúng tôi đã thảo luận tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của TPP và nhất trí rằng sẽ là lợi ích của tất cả các đối tác TPP khi bảo đảm cho hiệp định được phê chuẩn và thực thi,” Tổng thống Singapore nói.
Hôm 9/11, Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore đã tuyên bố rằng nước ông sẽ tu chính luật lệ để đưa TPP vào thực thi trong năm tới.
Tại Nhật, Hạ viện cũng đã phê chuẩn TPP và hiện đang chờ Thượng viện quyết định.
Lãnh đạo hai nước Nhật Bản-Singapore kỳ vọng TPP sẽ được thông qua và có hiệu lực càng sớm càng tốt.
Singapore và Nhật đều là thành viên tham gia TPP gồm 12 nước ước chiếm 40% kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tương lai của hiệp định do Hoa Kỳ dẫn đầu này đang bị đe dọa sau lời tuyên bố của Tổng thống tân cử Donald Trump rằng sẽ rút Mỹ ra khỏi TPP ngay ngày đầu nhậm chức.
Để có hiệu lực, thỏa thuận TPP phải được ít nhất 6 nước chiếm 85% sản lượng kinh tế trong nhóm 12 thành viên phê chuẩn trước tháng 2 năm 2018.
Vậy nếu Mỹ rút chân, liệu TPP có còn cơ hội thành hình?
Luật sư Vũ Đức Khanh, Giáo sư luật tại Đại học Ottawa (Canada) chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế, và luật pháp quốc tế nhận định với VOA Việt ngữ:
“Theo điều 30.5 của Hiệp định TPP, tức phải ít nhất 6 nước chiếm 85% tổng sản lượng quốc dân trong 12 nước phê chuẩn, TPP mới có thể đi vào hiệu lực. Không có Mỹ tham gia, điều 30.5 này sẽ không có giá trị, TPP sẽ không có hiệu lực thi hành. Theo thống kê, Hoa Kỳ chiếm 62% tổng sản lượng của 12 nước và Nhật Bản chiếm 18%. Mười nước còn lại chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng 12 nước. Tuy nhiên, chúng ta có thời gian từ đây đến 4/2/2018 để có thể ảnh hưởng, kêu gọi tân chính quyền Hoa Kỳ đi đến thống nhất thông qua TPP.”
Hôm 21/11, cùng ngày ông Donald Trump loan báo việc đầu tiên sẽ làm khi lên Tổng thống là rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận TPP mà chính quyền Tổng thống Barack Obama khởi xướng và dày công vun đắp, Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, đã tuyên bố Hiệp định TPP sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có Hoa Kỳ. Dẫu vậy, Nhật vẫn tiếp tục cố gắng thúc đẩy các nước phê chuẩn TPP. Luật sư Khanh cho rằng Tokyo có lý do để hy vọng.
Ông nói:
“Ông Abe đã đi tới gặp ông Donald Trump ở New York thì ông ấy cũng nắm được tình hình thế nào về quan điểm của ông Trump về TPP. Thứ hai, ngay tại Hội nghị APEC ở Peru vừa qua, Thủ tướng New Zealand và Thủ tướng Úc cũng có nhấn mạnh tới vấn đề sẽ thông qua TPP. Cùng lúc, Thủ tướng Malaysia cũng nói sẽ ủng hộ TPP. Ở Bắc Mỹ, Mexico cũng đã ngỏ ý sẽ thông qua. Tôi nghĩ, Nhật và các nước muốn thông qua TPP ở các nước để làm áp lực lên chính phủ của ông Donald Trump.”
Quốc hội Việt Nam hôm 22/11 nói Hà Nội vẫn chờ đợi diễn biến ở chính trường Mỹ trước khi có quyết định chính thức và sẽ cùng các nước bàn về tương lai TPP nếu Mỹ rút.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được báo chí nhà nước dẫn lời rằng: “Ông Trump chưa chính thức trao đổi với phía Việt Nam; bên cạnh đó quá trình vận động bầu cử và sau khi đắc cử vẫn có sự thay đổi nên chúng tôi vẫn chờ đợi.”
Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia về quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế Vũ Đức Khanh thì Việt Nam_nước được xem là sẽ hưởng lợi nhiều nhất nếu TPP được thông qua_nên phê chuẩn TPP cho dù chung cuộc Mỹ có tham gia hay không.
Luật sư Khanh:
“Tôi vẫn nghĩ rằng Hà Nội nên thông qua TPP khi mà Nhật đã thông qua. Hiện bây giờ, New Zealand đã thông qua, Úc cũng sắp sửa thông qua, Malaysia và Singapore cũng định thông qua vào mùa xuân 2017. Việt Nam cũng nên làm việc đó để bắt kịp con tàu. Tham gia vào TPP mà không có Mỹ đi chăng nữa Việt Nam vẫn hưởng lợi. Đây là cơ hội để Hà Nội có thể tạo cho mình một vị trí quan trọng để đối trọng lại với cái bóng quá lớn của Trung Quốc đối với Việt Nam. Dựa vào thế của Nhật, Úc, Singapore, và New Zealand, Việt Nam hoàn toàn hưởng lợi trong vấn đề này.”
Nhật và các nước Châu Á tham gia TPP mong muốn thiết lập một đối trọng với chính sách bành trướng của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương trong lúc Trung Quốc đang tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế, chính trị tại đây.
Chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama kỳ vọng thỏa thuận này sẽ giúp Hoa Kỳ đề ra nghị trình mậu dịch toàn cầu trước sức trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông Obama đã cảnh báo rằng không có TPP sẽ là một thua thiệt lớn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong lúc Bắc Kinh đang thúc đẩy một hiệp định tự do thương mại khu vực với các luật lệ bất lợi cho người lao động và doanh gia Mỹ.
Thế nhưng, Tổng thống tân cử Donald Trump lại xem TPP là một thảm họa cho nước Mỹ, viện dẫn lý do không được thương lượng công bằng và không phục vụ lợi ích nước Mỹ.
Ngoài hai cường quốc Mỹ, Nhật ở hai bờ Đông-Tây, TPP còn bao gồm sự tham gia của 10 nước khác như Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.