Mỹ, Nhật, Ấn và Úc kêu gọi khôi phục dân chủ tại Miến Điện

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ, Nhật, Ấn và Úc kêu gọi khôi phục dân chủ tại Miến Điện

19/02/2021 – Cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực với chính quyền quân sự Miến Điện. Mỹ, Nhật, Ấn và Úc kêu gọi phục hồi «khẩn cấp» nền dân chủ tại Miến Điện.

Binh lính kiểm soát các văn phòng của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) sau cuộc đảo chính, Rangoon, Miến Điện, ngày 15/02/2021.
Binh lính kiểm soát các văn phòng của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) sau cuộc đảo chính, Rangoon, Miến Điện, ngày 15/02/2021. REUTERS – STRINGER

Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm « Đối thoại An ninh Bốn bên » Mỹ, Nhật, Ấn và Úc, gọi tắt là Bộ Tứ, có cuộc họp qua mạng ngày hôm qua, 18/02/2021, do phía Mỹ tổ chức.

Trong cuộc họp này, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken yêu cầu « khẩn cấp tái lập chính quyền được bầu lên bằng con đường dân chủ tại Miến Điện ». Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, lập trường của Hoa Kỳ là cần dành « ưu tiên cho việc tăng cường sức bền vững dân chủ tại khu vực, trên một quy mô lớn hơn hiện nay ». Về phần mình, ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi hối thúc « quân đội Miến Điện ngừng ngay lập tức các hành động bạo lực nhắm vào thường dân », biểu tình chống đảo chính và đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi bị giam giữ từ ngày 01/02. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh đến việc « tôn trọng Nhà nước pháp quyền và tiến trình chuyển sang chế độ dân chủ » tại Miến Điện. Lập trường của Ấn Độ là « các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình ».

Đây là lần đầu tiên Bộ Tứ nhóm họp kể từ khi tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhậm chức. Cơ chế Bộ Tứ được manh nha hình thành từ năm 2007, theo sáng kiến của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với chủ trương chính là duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương « mở và tự do », dựa trên « luật pháp quốc tế », nhằm đối trọng lại sức mạnh gia tăng của Trung Quốc. Kể từ năm 2019, Bộ Tứ tổ chức hàng năm một cuộc họp cấp bộ trưởng. Theo báo chí Nhật Bản, cũng trong cuộc họp này, lãnh đạo ngoại giao Bộ Tứ phản đối « mạnh mẽ » mọi nỗ lực của Bắc Kinh dùng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. 

Anh, Canada trừng phạt nhiều tướng lĩnh Miến Điện

Hôm qua, Vương quốc Anh thông báo trừng phạt ba viên tướng của tập đoàn quân sự do « các xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng », và đã có nhiều biện pháp để ngăn cản các doanh nghiệp Anh hợp tác với quân đội Miến Điện. Ba viên tướng nói trên là bộ trưởng Quốc Phòng Mya Tun Oo, bộ trưởng Nội Vụ Soe Htut và thứ trưởng bộ Nội Vụ Than Hlaing. Canada cũng có các trừng phạt tương tự nhắm vào nhiều tướng lĩnh Miến Điện.Publicité

Các hiệp hội ủng hộ dân chủ Miến Điện cho rằng các biện pháp của Anh Quốc là chưa đủ. Bởi vì, theo tổ chức Burma Campaign UK, được AFP trích dẫn, thì quyết định trừng phạt nói trên gần như không ảnh hưởng gì đến các lãnh đạo quân sự Miến Điện, bởi các đương sự « không có tài sản ở Anh quốc ». Tổ chức Global Witness, mong muốn các trừng phạt mạnh hơn nhắm vào các cơ sở kinh tế chủ chốt của tập đoàn quân sự Miến Điện. Cô Thinzar Shunlei Yi, một trong những nhà tranh đấu khởi xướng « phong trào bất tuân dân sự » tại Miến Điện, kêu gọi các trừng phạt từ phía Liên Hiệp Châu Âu, kể từ thứ Hai tới 22/02.

Tại Miến Điện, đêm thứ năm liên tiếp internet bị cắt, hoạt động trên internet trở lại bình thường vào khoảng 9 giờ sáng nay. Biểu tình ôn hòa diễn ra tại nhiều nút giao thông chính tại thủ phủ Rangoon hôm nay, với khẩu hiệu kêu gọi trả tự do cho lãnh đạo chính quyền dân sự Aung San Suu Kyi. Tại Paris, cộng đồng người gốc Miến Điện biểu tình hôm qua trước sứ quán nước này để phản đối cú đảo chính quân sự.

Người biểu tình đầu tiên qua đời vì đạn của cảnh sát 

Cô Mya Thwate Thwate Khaing, 20 tuổi, bị thương do đạn trúng đầu hồi tuần trước, đã qua đời sáng nay tại bệnh viện. Đây là người biểu tình chống đảo chính tử vong đầu tiên. Trong cuộc biểu tình tại thủ đô Naypyidaw hôm 09/02, cảnh sát đã bắn đạn cao su vào người biểu tình phản đối đảo chính, tuy nhiên, theo các bác sĩ, ít nhất có hai người bị trúng đạn thật, trong đó có người phụ nữ nói trên.

Một bác sĩ của bệnh viên, xin ẩn danh, cho biết, bệnh viện đã chịu áp lực rất lớn kể từ khi cô Mya Thwate Thwate Khaing nhập viện. Một số người bị thương phải rời khỏi bệnh viện do áp lực. Người phát ngôn của chính quyền quân sự thừa nhận cô «Mya» bị trúng đạn, và cam kết chính quyền sẽ điều tra để làm sáng tỏ vụ việc này.

Giới tranh đấu xem người phụ nữ qua đời là «anh hùng đầu tiên hy sinh» trong phong trào chống đảo chính. Dân mạng Miến Điện truy tìm thủ phạm sát hạt cô Mya. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International ra thông cáo khẳng định: «cần xác định danh tính của viên sĩ quan đã bấm vào cò súng (sát hại cô Mya), và đương sự phải bị bắt và bị truy tố».

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210219-m%E1%BB%B9-nh%E1%BA%ADt-%E1%BA%A5n-v%C3%A0-%C3%BAc-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-kh%C3%B4i-ph%E1%BB%A5c-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-t%E1%BA%A1i-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n