Mỹ muốn gia tăng thao dượt quân sự ở Biển Đông
Đô đốc Harry Harris – Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của Hoa Kỳ.
Người đứng đầu các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương hôm thứ Tư nói các cuộc hành quân khẳng định tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông có mục đích làm giảm căng thẳng trong khu vực. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của Hoa Kỳ, cũng nhấn mạnh rằng Mỹ muốn mở rộng các cuộc thao dượt quân sự ở Biển Đông.
Ông Harris đưa ra nhận định vừa kể tại cuộc gặp một nhóm nhà báo của các nước Đông Nam Á đang trên đường đến Mỹ đưa tin về hội nghị thượng đỉnh tuần tới ở California giữa tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Tại trụ sở của PACOM ở Hawaii, Đô đốc Harris nói: “Những cuộc tuần tra chúng tôi thực hiện, đơn phương hay chung với nước khác, không chỉ ở Biển Đông mà cả trong khu vực, giúp giảm căng thẳng và cải thiện sự ổn định vì việc đó củng cố cho khái niệm là tự do hàng hải thật quan trọng”.
Ông nói ông hoan nghênh các nước vùng Thái Bình Dương tham gia các cuộc hành quân với Mỹ khẳng định tự do hàng hải, điều được xem như là việc Mỹ thách thức lời tuyên bố chủ quyền của TC đối với gần 3,5 triệu kilomet vuông diện tích Biển Đông.
Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền về một số phần trong vùng biển này.
Tư lệnh PACOM Harris tuyên bố với đoàn nhà báo Đông Nam Á:“Tôi ủng hộ quyền của tất cả các nước được tuần tra ở Biển Đông vì theo nghĩa rộng Biển Đông không thuộc về bất cứ nước nào cả. Tôi hoan nghênh triển vọng Nhật Bản sẽ tuần tra ở Biển Đông, tôi cũng hoan nghênh Ấn Độ và khả năng hải quân của các nước của các bạn tuần tra ở đó”.
Tuy nhiên tại cuộc gặp, ông Harris từ chối xác nhận tin tức về việc Mỹ và Ấn Độ lên kế hoạch thực hiện tuần tra chung ở Biển Đông. Còn Philippines đã đề xuất tiến hành tuần tra chung với Mỹ và một nhà ngoại giao Mỹ nói trong tháng này đó là một khả năng.
Đề cập đến TC, Đô đốc Harris nói: “Chúng tôi ý thức rõ về các hoạt động của TC ở Biển Đông. Tôi tin rằng các hoạt động của họ có tính khiêu khích. Tôi nghĩ rằng các việc đó góp phần vào căng thẳng trong khu vực”, và ông đưa ra nhận xét rằng: “Các bạn phải làm việc mạnh mẽ hơn cùng nhau với tư cách là khối ASEAN. Tôi khen ngợi các nỗ lực của Việt Nam và Philippines buộc TC phải có trách nhiệm giải trình”.
Philippines, đồng minh của Mỹ, đã đưa vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với TC ra Tòa trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc ở La Haye để giải quyết. Việt Nam, đối tác chiến lược của Mỹ và Philippines, đã củng cố cho vụ kiện của Philippines với văn kiện nêu quan điểm gửi đến tòa. Dự kiến tòa sẽ đưa ra phán quyết vào tháng 6.
Giữ chức vụ chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương hồi năm 2013, ông Harris lưu ý rằng những diễn biến ở Biển Đông đòi hỏi phải hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý đối với tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tháng trước, TC cáo buộc Mỹ vi phạm luật TC và mưu tìm chiếm bá quyền hàng hải sau khi một khu trục hạm Mỹ thực hiện hành quân khẳng định tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp.
Theo Inquirer.net, Todayonline, Channel News Asia.