Mỹ không ủng hộ độc lập của Tây Tạng. John Kerry làm dịu tình hình sau chuyến thăm của Dalai Lama
Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Phòng Bản đồ, ngày 16 tháng 7 năm 2011 (wikimedia commons)
Đại Kỷ Nguyên
Tác giả: Andrei Pricopie | Dịch giả: Kim Xuân
22 Tháng Sáu , 2016
Ngay sau chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi điện cho Ngoại trưởng John Kerry để yêu cầu Mỹ không can thiệp vào vấn đề Tây Tạng. Câu trả lời đã rất rõ ràng: người Mỹ không ủng hộ sự độc lập của khu vực.
Mỹ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Tây Tạng, là thông điệp được truyền đi hôm thứ Bảy, trong một cuộc điện thoại của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, tới Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc điện đàm, John Kerry nhắc lại rằng Mỹ không ủng hộ Tây Tạng độc lập, mà coi đây là một phần của Trung Quốc. Nói cách khác, chính sách của Mỹ về vấn đề này đã không thay đổi sau chuyến thăm của Dalai Lama tới Nhà Trắng vào tuần trước.
Cuộc gặp gỡ của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong – người mà những người cộng sản Trung Quốc cáo buộc “tiến hành từ lâu các hoạt động ly khai chống Trung Quốc trên trường quốc tế, dưới chiêu bài tôn giáo” – với Tổng thống Mỹ Barack Obama đã làm dấy lên sự bất bình của chế độ độc tài ở Bắc Kinh khi cảnh báo rằng cuộc gặp này “sẽ làm suy yếu sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau” giữa hai nước.
Quảng cáo
Hơn nữa, cuộc gặp diễn ra tại thời điểm khi những căng thẳng vốn đã gia tăng đáng kể giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh các yêu sách về lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Bắc Kinh nhiều lần gây áp lực đối với các nhà lãnh đạo thế giới không được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, người mà Trung Quốc cáo buộc đang tìm cách giành độc lập cho Tây Tạng. Tuy nhiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố ông chỉ muốn bảo vệ người Tây Tạng và bản sắc văn hóa của khu vực bị chế độ cộng sản xâm chiếm trong những năm 50.
Từ nhiều năm nay, do áp lực của chế độ ở Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo nước ngoài ngày càng trở nên miễn cưỡng để gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trung Quốc đã phản đối và hủy bỏ chuyến thăm cấp cao tới Anh sau khi Thủ tướng David Cameron đã gặp gỡ với Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2012. Khi nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong đến thăm Anh ba năm sau đó, vào năm 2015, thì Cameron đã tránh mặt. Tại thời điểm đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng hành động của Thủ tướng Anh là do những lo ngại về một khả năng làm xấu đi quan hệ thương mại giữa London và Bắc Kinh.
Các quan chức Mỹ đã tiếp tục gặp gỡ với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tuy nhiên Nhà Trắng tránh không trao đổi về những vấn đề quan trọng. Obama đã gặp gỡ với Đức Đạt Lai Lạt Ma nhiều lần trong thời gian cầm quyền của ông, gần đây nhất là vào năm 2014. Còn trong năm 2015, cả hai người đã tham dự Buổi cầu nguyện Quốc gia ở Washington, mặc dù họ không gặp gỡ riêng.
Obama thường tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Phòng Bản đồ (Map Room) ở Nhà Trắng, chứ không phải trong phòng Bầu dục, cho thấy các cuộc gặp gỡ ít mang tính chính thức. Ngoài ra, các cuộc gặp thường không được quay phim, vì vậy những hình ảnh được Nhà Trắng công bố là những hình ảnh duy nhất của các cuộc gặp này.
Năm 2010, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được chụp ảnh khi rời Nhà Trắng khi đi qua một lối chất đầy túi đựng rác, bức ảnh đã gây ra một làn sóng bất bình và chỉ trích bởi vì nhà lãnh đạo Tây Tạng đã không được đối xử với sự tôn trọng cần có.
Từ lâu, Mỹ đã công nhận Tây Tạng, nơi mà quân đội Cộng sản Trung Quốc đã xâm lược và chiếm đóng vào năm 1950. Đồng thời, Nhà Trắng đã chỉ ra sự ủng hộ đối với “con đường trung đạo” của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đã cho rằng Tây Tạng không cần phải độc lập cũng không phải bị Trung Quốc thống trị, mà bằng lòng với quyền tự chủ được luật pháp Trung Quốc hứa hẹn. Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng tình trạng hiện tại của Tây Tạng không thể đem đến một sự bảo vệ cần thiết cho tôn giáo, cho văn hóa và cho ngôn ngữ Tây Tạng.
Trong những năm gần đây, nhiều người Tây Tạng đã biểu tình phản đối sự cai trị tàn bạo do Bắc Kinh áp đặt và trong một hành động cực đoan hơn 140 người đã tự thiêu để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về tội ác của Trung Quốc ở Tây Tạng.
Hơn 100.000 người Tây Tạng sống lưu vong, chủ yếu ở Ấn Độ, nơi đã cưu mang Đức Đạt Lai Lạt Ma từ năm 1959, khi ông chạy khỏi Tây Tạng sau một cuộc nổi dậy thất bại chống lại chế độ cộng sản của Mao Trạch Đông.
Mao đã áp đặt “những cải cách dân chủ” trên khắp Tây Tạng, tịch thu tài sản và đẩy hàng ngàn người vào “các cuộc đấu tranh giai cấp”. Trong đó một số đã bị tra tấn và giết chết ở nơi công cộng để thiết lập một triều đại khủng bố.
Trong nhiều thập niên bị Trung Quốc chiếm đóng, hơn một triệu người Tây Tạng đã chết, là kết quả của sự diệt chủng của chế độ cộng sản và hơn 6.000 tu viện đã bị cướp phá và san bằng khi Trung Quốc đã phá hủy có hệ thống nền văn minh cổ xưa.
Trong khi tuyên truyền cộng sản cho rằng Đảng đã “giải phóng” khu vực Himalaya vào năm 1950 khỏi “ách” của một chính trị thần quyền tàn bạo, thực tế lại cho thấy khác hẳn. Người Tây Tạng và các nhóm bảo vệ nhân quyền cáo buộc Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng trong khu vực này.