Mỹ đẩy mạnh chiến lược an ninh vào lúc TC làm khu vực lo ngại

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ đẩy mạnh chiến lược an ninh vào lúc TC làm khu vực lo ngại
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng, Việt Nam, tháng 3/2018

Các sự cố gần đây liên quan đến tàu TC ở các vùng biển Đông Nam Á đang làm lung lay lòng tin của khu vực về sự thành thật của Bắc Kinh muốn thấy hòa bình trên biển, đồng thời tiếp sức cho nỗ lực của Mỹ đẩy mạnh xây dựng liên minh với các quốc gia không khuất phục trước hành động lấn tới của TC.

Hành động của TC trên các vùng biển giàu năng lượng ở Biển Đông, kể cả vụ đối đầu tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, sẽ là chủ đề trong nghị trình thảo luận tại hội nghị an ninh giữa các ngoại trưởng ASEAN và đại diện các cường quốc thế giới vào ngày thứ Sáu 2/8.

Trong số các cường quốc đó có Hoa Kỳ, nước đã đề ra Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thách thức cao vọng bá quyền về hàng hải của TC và tìm cách thắt chặt quan hệ với các quốc gia phản kháng lại Bắc Kinh.

“Vai trò của Hoa Kỳ là không thể phủ nhận và rất quan trọng, và họ cần gây thêm áp lực đối với Trung Quốc”, ông Nguyễn Hồng Hải, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Queensland, Úc, nói.

“Cộng đồng quốc tế cũng cần phải làm điều đó. Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền cần quốc tế hóa điều đó”, ông Hải nói thêm.

Việc Việt Nam gần đây kêu gọi tập hợp cộng đồng quốc tế là bước đi rời khỏi những phản ứng thận trọng thường thấy của Việt Nam đối với TC, nước tìm cách giải quyết các tranh chấp qua con đường song phương.

Theo chuyên gia về Biển Đông Carl Thayer, việc TC gần đây gia tăng các hành vi lấn tới không phải là điều ngẫu nhiên, mà là một phản ứng đối với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cũng như vì Hoa Ky gia tăng điều động máy bay ném bom và tàu hải quân Hoa Kỳ thực hiện tuần tra ở Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá 3,4 nghìn tỷ đô la đi qua hàng năm.

Ông Thayer cho rằng TC đang tích cực ngăn chặn các nước láng giềng Đông Nam Á tiến hành thăm dò, khai thác các mỏ năng lượng ngoài khơi mà không có sự tham gia của TC, đồng thời làm nản lòng các liên doanh nước ngoài.

“Việc Trung Quốc sử dụng ‘chiến thuật vùng xám’ chắc chắn sẽ khiến các quốc gia trong khu vực phải có biện pháp đối phó và chống đối”, ông Thayer đưa ra ý kiến. Theo ông, “Điều này mang lại rủi ro là các cuộc đối đầu trên biển sẽ leo thang”.

Bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Zhao Jianhua, nói hôm 29/7 rằng TC cam kết tuân theo luật pháp quốc tế và làm việc tích cực với ASEAN để hình thành bộ quy tắc ứng xử hàng hải trong vòng ba năm tới.

“Từ những bên ở đầu chiến tuyến như Hồng Kông và Đài Loan, cho đến Philippines, Malaysia, Indonesia và chắc chắn là cả Việt Nam nữa – quý vị có thể thấy sự chống đối mạnh mẽ của rất nhiều quốc gia nhỏ hơn”, Richard Heydarian, một tay bút kiêm nhà phân tích thường trú ở Manila, đưa ra nhận định.

“Chắc chắn là Washington có không gian chiến lược đó để mà hành động”, ông Heydarian nói.