Mỹ-Cuba: Hòa giải bằng nỗ lực đàm phán bí mật

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ-Cuba: Hòa giải bằng nỗ lực đàm phán bí mật

Điện Capitol (Viện hàn lâm khoa học quốc gia), Havana, thủ đô Cuba, ngày 15/4/2015- REUTERS/ Alexandre Meneghini

Theo RFI – Tú Anh – Phát Thứ năm, ngày 16 tháng tư năm 2015

Tổng thống Mỹ Barack Obama, Nobel Hòa bình 2009, tìm mọi cách đi vào  lịch sử bằng cổng hòa bình. Từ Iran cho đến Cuba, lãnh đạo siêu cường nghiêng về đối thoại. Cuộc gặp gỡ giữa hai kẻ thù gần 60 năm tại Panama ngày 11/04/2015 vừa qua thật ra là kết quả của một tiến trình đàm phán bí mật trong nhiều năm. Liệu nỗ lực này sẽ đem lại kết quả mong muốn:  dẹp tan những cản lực nội bộ để giúp Cuba lật qua trang sử độc tài? Không ai có thể kết luận được, nhưng điều chắc chắn là trong giới lãnh đạo Cuba, có thành phần viễn kiến và trong xã hội Cuba, có Giáo Hội Công Giáo.

RFI chuyển đến quý vị bài phân tích của nhật báo độc lập Le Monde: “Giữa Mỹ và Cuba, những bí ẩn của (tiến trình) hòa giải“.

Lần đầu tiên sau 54 năm chiến tranh lạnh giữa vùng nhiệt đới, Barack Obama và Raoul Castro hội kiến suốt một tiếng đồng hồ  nhân hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ Latinh tại Panama. Lãnh đạo hai nước thù nghịch đã gặp nhau một lần,  một cú bắt tay, một vài câu trao đổi xã giao ngày 15.12.2013 khi cùng tham dự tang lễ cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, mà cả cuộc đời tranh đấu xóa bỏ oán thù kỳ thị mới từ trần.

Mật đàm

Vào thời điểm đó, không một nhà phân tích nào dám đánh cược hai kẻ thù ở vịnh Florida sẽ noi gương tinh thần Mandela và đằng sau lời thăm hỏi công khai đó che dấu một tiến trình đàm phán bí mật đã diễn ra từ nửa năm trước.

Đúng một năm sau, vào ngày 17.12.2014, từ Washington và từ La Habana, Barack Obama và Raoul Castro đồng loạt thông báo tái lập bang giao bị gián đoạn từ ngày 03.01.1961, làm cả thế giới  bất ngờ sửng sốt.

Theo Le Monde, bí mật đàm phán đã được giữ kín trong suốt 18 tháng.

Raoul Castro và Barack Obama có lý do để bảo mật các cuộc tiếp xúc vì trong mỗi bên,  thành phần hoài nghi vẫn rất đông.

Năm 2009, khi tân chính quyền Obama thông báo quyết định giảm nhẹ cấm vận Cuba, phe cộng hòa và cộng đồng Cuba tỵ nạn đã phản ứng tức khắc.

Do vậy, các cuộc thương lượng đã được tập trung vào tay một nhóm nhỏ thân cận với tổng thống, tách xa bộ máy cồng kềnh của bộ ngoại giao. Những cuộc gặp gỡ được tổ chức tại Canada, đối tác đáng tin cậy của cả đôi bên, bảo đảm không để tiết lộ bí mật.

Cuộc mật đàm đầu tiên diễn ra vào tháng 6.2013. Phái bộ Mỹ, rất ít người,  do Ben Rhodes, nhân vật thân cận, người viết diễn văn cho tổng thống Obama, dẫn đầu. Ben Rhodes, sau đó trở thành cố vấn ngoại giao trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Ông lôi kéo vào cuộc «phiêu lưu» này một thành viên khác của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia là Ricardo Zuniga,  một cựu nhân viên đặc biệt trong «tổ quyền lợi Mỹ tại La Habana» mà gia đình đến từ Honduras, châu Mỹ Latinh.

Raoul Castro không sợ Mỹ mà chỉ lo ngại ông anh Fidel cản mũi

Tại La Habana, không khí cũng căng thẳng tối đa. Bề ngoài, chính quyền Raoul Castro vẫn tiếp tục cai trị một cách độc đoán và che dấu tối đa mọi bất đồng nội bộ. Thực ra, người em lãnh đạo này lo sợ chiến lược đổi mới của mình, âm thầm thực hiện từ năm 2006, sẽ bị cản trở từ bên trong mà cản lực nguy hiểm nhất là… Fidel Castro.

Bên cạnh ông anh 88 tuổi vẫn tiếp tục đóng vai trò «chỉ đạo» từ biệt thự dưỡng lão sang trọng, còn có một bộ phận cán bộ lo sợ mất hết đặc quyền đặc lợi một khi guồng máy kinh tế được tư hữu hóa.

Bộ máy công an (an ninh chính trị) sống trong nỗi ám ảnh bị  nạn nhân  và thân nhân  những người bị hãm hại  đòi mạng, trả thù.

Nhà sử học Manuel Cuesta Morua và cũng là nhà đối lập, từ La Habana nhận định : Cơ quan tuyên huấn của chế độ sử dụng hình ảnh kẻ thù Mỹ bên ngoài để biện minh cho chính sách đàn áp bên trong.

Trước Barack Obama, năm 1996, một tổng thống Dân chủ khác là Bill Clinton cũng đã tìm cách hòa giải với Cuba, bị cô lập và cô đơn, sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Kinh tế Cuba suy sụp, người dân kiệt quệ khi Liên bang Sô Viết tan rã không trợ cấp. Đáp lại động thái hòa bình của Bill Clinton,  Fidel Castro phản ứng  một cách thô bạo: ông ra lệnh bắn hạ trên không một chiếc máy bay cứu hộ của hiệp hội Mỹ-Cuba Hermanos al Rescat, có nhiệm vụ cứu thuyền nhân Cuba vượt biển. Hoa kỳ  cũng đáp trả tức khắc với nghị quyết Helms –Burton tăng cường cấm vận Cuba. Cuối năm 2009, La Habana bắt giam Alan Gross, một nhân viên  làm việc theo hợp đồng với cơ quan viện trợ Mỹ USAID, kèm theo bản án 15 năm tù với tội danh gián điệp. Theo giới phân tích, biện pháp này của Fidel Castro là nhằm phá hoại mọi nỗ lực hâm nóng quan hệ với Washington.

Sự kiện một nhà lãnh đạo da đen đắc cử tổng thống Mỹ đã gây nhiều cảm hứng trong xã hội  Cuba, vì chứng minh rằng những luận điệu tuyên truyền của chính quyền Cuba từ nửa thế kỷ qua  là sai trật. Nước Mỹ thay đổi thì  Cuba  cũng sẽ  thay đổi. Nhận định này làm người dân Cuba hy vọng khi thấy Barack Obama tuyên thệ nhậm chức vào tháng giêng 2009, và tuyên bố muốn lật qua trang sử hiềm khích với Cuba. Tuy nhiên, vụ án «gián điệp» Alan Gross đã buộc tân tổng thống Mỹ phải «kiên nhẫn» chờ thời cơ.

Phải mất 4 năm sau, ở Washington, Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Tại La Habana, Raoul Castro cần tìm một lối thoát mới cho nền kinh tế, sau khi Venezuela, đồng minh khu vực bị phá sản vì khủng hoảng.

Mặc dù bề ngoài, quan hệ hai nước có vẻ đình trệ, nhưng thực tế chưa bao giờ mật đàm gián đoạn. Các nhà ngoại giao Mỹ là cả binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến mặc quân phục tiếp tục làm việc bên trong tòa nhà khổng lồ, đại sứ quán Mỹ, nhìn ra  bờ biển Malecon.Trên lý thuyết, nhân viên trong tòa nhà này chỉ là một «nhóm» theo dõi bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ bên cạnh Sứ quán Thụy sĩ. Tuy nhiên,  dù cho tìm đỏ mắt, không ai thấy một nhân viên Thụy Sĩ nào ở đây. Theo một báo cáo ngoại giao của Mỹ mà WikiLeaks tiết lộ năm 2010 thì “nhân viên Mỹ trong  sứ quán làm việc ngày đêm. Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, nhân viên ngoại giao Cuba cũng gấp rút chạy đua với thời gian”

Di dân là bình phong để mật đàm

Thỉnh thoảng, các nhà ngoại giao gặp nhau để xem xét tiến triển trong hiệp ước di dân nhập cư ký kết năm 1995 vào thời điểm có làn sóng vượt biển, mà Fidel Castro bật đèn xanh để giảm bớt áp lực nhân khẩu và chính trị. Trên thực tế, không một chủ đề nào bị bỏ qua. Tại Guantanamo, sĩ quan hai nước vẫn gặp nhau thường xuyên để tránh trước mọi sự cố có thể làm «xáo trộn» sinh hoạt chung sống hòa bình.  Do đó, các sĩ quan cao cấp hai bên có cơ hội thông hiểu nhau hơn và bàn thảo… những vấn đề khác. Các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ và Cuba được nhiều cơ hội và thời gian để trao đổi và học tập kinh nghiệm đối thoại vô cùng to lớn. Cố vấn ngoại giao của tổng thống Pháp đặc trách châu Mỹ Latinh và cũng là cựu chủ tịch Thượng viện Pháp Jean-Pierre Bel tiết lộ với Le Monde: Tôi không ngờ, qua những cuộc tiếp xúc tại La Habana, nhận thấy kiến thức của người Cuba hiểu biết nước Mỹ rất sâu xa.

Thế mà, giới ngoại giao Cuba và sĩ quan quân đội là thành phần ủng hộ và thi hành chính sách hòa giải với Mỹ. Điều kiện còn thuận lợi hơn nữa vì những sĩ quan nào nắm trọng trách trong kinh tế đều ý thức nhu cầu hội nhập vào kinh tế thế giới, nếu Cuba muốn sống còn. Một trường hợp cụ thể là để canh tân, cải tiến hải cảng Mariel, một dự án chiến lược của chế độ,  Cuba phải bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Đến đây có cần phải nhắc lại ai là bộ trưởng quốc phòng Cuba từ trước đến nay và là kiến trúc sư chính sách tiến gần với Mỹ: Raoul Castro. Dù vậy, ông luôn luôn tập trung tối đa vào bàn tay của mình những cuộc mật đàm với Hoa kỳ vì vấn đề cực nhạy cảm. Trừ một số ít cộng sự viên thân thiết, không ai đánh hơi được tiến trình này. Nhà văn Brazil, Fernando Morais, người có «kênh liên lạc» đặc biệt với La Habana từ 40 năm nay tiết lộ.

Giáo Hội Công Giáo: điểm tựa và cứu tinh của Raoul 

Bí mật, thận trọng chưa đủ để phòng ngừa mọi phá hoại từ bên trong. Để tạo một xu hướng ủng hộ cải cách đưa Cuba thoát ra khỏi tình trạng chậm tiến trì trệ, Raoul Castro không ngần ngại «kéo áo dòng» của Đức Giáo Hoàng Phanxico,  người châu Mỹ Latinh đầu tiên lãnh đạo Giáo Hội La mã.

Tòa thánh Vatican chưa bao giờ cắt đứt quan hệ với chế độ cộng sản Cuba.

Bản thân anh em Fidel, Raoul học trường nhà dòng, tiếp cận nền văn hóa Thiên Chúa giáo. Chuyến viếng thăm Tòa thánh Vatican của Fidel Castro năm 1996, sau đó là chuyến công du của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lồ đệ nhị năm 1998 và Bênêdictô 16 xác nhận mối quan hệ tốt đẹp này.

Trong Tòa thánh, cũng không thiếu những vị linh mục «chuyên gia» thấu rõ tình hình chính trị Cuba. Hồng y Pietro Parolin, ngoại trưởng, nhân vật số hai của Tòa thánh từng là khâm mạng của Giáo Hoàng từ năm 2009 đến 2013 tại Venezuela, đồng minh của Cuba và cũng là nguồn cung cấp dầu khí miễn phí cho hải đảo.

Trợ lý của Ngoại trưởng Pietro Parolin, đức cha Angelo Becciu là  khâm mạng sứ thần tại Cuba trong hai năm 2009-2011. Chính Đức cha Angelo Becciu đã góp phần  trung gian hòa giải đàm phán với chính quyền và đối lập mà kết quả là Cuba trả tự do cho 75 nhà tranh đấu. 75 bản án nặng nề trừng phạt đối lập Cuba năm 2003 đã làm cho Fidel Castro trả giá nặng nề với 10 năm bị cấm vận và cô lập.

Trao đổi tù nhân: trắc nghiệm thiện chí đôi bên muốn đi tới….

Năm 2012, các nghị sĩ Mỹ, nóng lòng vì tình hình sức khỏe của Alan Gross, cầu cứu khâm mạng của Tòa thánh tại Washington.  Alan Gross, bị Cuba xem «cá mập» nên rất khó mà trả tự do dưới sức ép chính trị. Nữ thượng nghị sĩ Barbara Mikulski, bang Maryland, quê hương của Alan Gross sau này cho biết số phận của tù nhân nặng ký này «nằm trong ra-đa của Tòa thánh».  Đích thân Đức Giáo Hoàng Phanxicô, gửi thư cho Obama và Raoul Castro yêu cầu «trao đổi tù binh». Vatican tổ chức những cuộc đám phán vào tháng 10.2012.

Hai ngày sau khi Hồng y Parolin tiếp Ngoại trưởng Mỹ tại Tòa thánh, ngày 17.12.2014 một phái bộ «chuyên gia lỗi lạc của Mỹ về tình hình Cuba» do Peter Kornbluh dẫn đầu đến La Habana tham dự hội nghị «bàn tròn» do chính quyền tổ chức. Mọi người chứng kiến trực tiếp thông điệp lịch sử của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Cuba thông báo, lật qua trang sử xung khắc.

Theo Peter Kornbluh, người từng vào nhà tù thăm Alan Gross năm 2013, thì tù nhân này là yếu tố thúc đẩy Cuba phải tăng tốc đàm phán. Nếu Alan Gross chết trong tù thì tình hình sẽ bế tắc lâu dài, vì quốc hội Mỹ sẽ không tha thứ.

Tổng thống Obama không đặt điều kiện tiên quyết đòi Cuba phải thay đổi chế độ chính trị. Cuối cùng hai bên đồng ý trao đổi tù nhân. Cuba thả Alan Gross và một nhân viên CIA tên Rolando Sarraff. Mỹ phóng thích ba điệp viên Cuba. Nhà Trắng còn đòi và được Cuba chấp thuận thả 53 tù nhân chính trị và lương tâm.

Hy vọng nhưng thận trọng

Cuộc hội kiến lịch sử Obama-Raoul Castro tại Panama vừa qua đã tạo cơn «sốc» tại Cuba.

Nhưng theo AFP, người dân Cuba cố gắng không để cơn xúc động biến thành ảo tưởng. Vẫn còn không ít người cho rằng Mỹ tìm cách  lật đổ chế độ và làm mất những «thành quả cách mạng». Giới trẻ chỉ mong sao hai bên hòa giải để Cuba có thể cải cách chính trị. Giới trung niên thì e rằng chính quyền không thực hiện thay đổi về nhân quyền. Nhạc sĩ Jorge Luis Perez, người đi tiên phong tập dợt   nhạc Mỹ  để đón chờ du khách, có lẽ phản ảnh được tâm lý đông đảo nhất, tuyên bố: chỉ mong sao đừng chết trước khi hai nước hòa giải thực thụ, chung sống hài hòa như nhiều nước láng giềng.