Mỹ chưa nhận được đề nghị rút cố vấn ra khỏi miền nam Philippines
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong cuộc họp báo tại sân bay Davao, miền nam đảo Mindanao, Philippines, ngày 05/09/2016REUTERS/Lean Daval Jr
RFI
Đăng ngày 13-09-2016
qua 12/09/2016, theo AFP, tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố ra lệnh cho toàn bộ cố vấn quân sự Mỹ ra khỏi miền nam Philippines. Nhưng sau đó, bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo chưa nhận được đề nghị chính thức nào từ phía Manila.
Người phát ngôn bộ Quốc Phòng Mỹ Gary Ross cho biết, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trao đổi với đối tác Philippines để « điều chỉnh sao cho việc hỗ trợ của Mỹ là phù hợp » với mục tiêu của Manila. Lầu Năm Góc cũng nói là đã biết về tuyên bố của tổng thống Philippines, nhưng chưa thấy Manila chính thức đề cập vấn đề này.
Hôm qua, trong một cuộc họp với các viên chức chính quyền Davao, thành phố lớn nhất miền nam Philippines, tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định là việc Philippines đi theo phương Tây chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy Hồi Giáo kéo dài dai dẳng tại miền nam. Ông Duterte nói thêm là người theo đạo Hồi đang tức giận, nếu họ thấy một người Mỹ, họ sẽ giết. Tổng thống Philippines không nói rõ cố vấn Mỹ sẽ phải rời khu vực miền nam vào thời điểm nào.
Ngoại trưởng Perfecto Yasay cố gắng làm dịu căng thẳng, với lời giải thích : tổng thống Duterte tuyên bố như trên, vì lo ngại cho an toàn của các cố vấn Mỹ. Trả lời đài truyền hình Philippines ABS-CBN, ông khẳng định Manila và Washington chưa thảo luận gì về đề nghị của tổng thống Duterte. Theo ngoại trưởng Philippines, không có bất cứ thay đổi nào trong quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Ernesto Abella, người phát ngôn của tổng thống, tuyên bố hôm qua của Rodrigo Duterte thể hiện việc Manila « đang hướng đến một chính sách đối ngoại độc lập ».
Quân đội Philippines – một đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực – thuộc loại yếu nhất châu Á. Hậu thuẫn của Hoa Kỳ lại càng trở nên quan trọng hơn, trong bối cảnh Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Hoa Kỳ gửi hàng trăm cố vấn quân sự tới Philippines từ năm 2002, để hỗ trợ Manila đối phó với phe nổi dậy Hồi Giáo tại đảo Mindanao. Vào thời điểm cao nhất, số cố vấn lên đến 600, nhưng sau đó giảm dần. Vào năm 2014, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết có kế hoạch giảm số cố vấn xuống 200 người. Kể từ tháng 8/2016, tân tổng thống Philippines tái khởi động đàm phán với Mặt Trận Hồi Giáo Moro, tổ chức lớn nhất trong số các lực lượng đòi ly khai Hồi Giáo.
Đọc thêm:
TT Duterte phát biểu khó hiểu về lực lượng đặc biệt Mỹ ở Philippines
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói chỉ riêng sự hiện diện của các lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ góp phần tạo nên bất ổn ở Mindanao.
Các quan chức ở Philippines đang cố gắng giải thích về tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte rằng lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ cố vấn cho các đối tác Philippines trong cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo ở miền nam cần phải ra đi. Một phát ngôn viên quân đội, Chuẩn Tướng Restituto Padilla, nói tuyên bố hôm 12/9 sẽ chỉ ảnh hưởng đến một phần trong số các quân nhân Hoa Kỳ. Ông mô tả rằng quan hệ quốc phòng giữa Philippines và Hoa Kỳ tổng thể là rất vững chắc.
Hôm thứ Ba, 13/9, ông Duterte nhấn mạnh Manila sẽ không cắt “dây rốn” của mình với những nước đồng minh. Bộ trưởng Ngoại giao của ông, Perfecto Yasay, cho biết Philippines sẽ tôn trọng và tiếp tục tuân theo các nghĩa vụ và cam kết trong hiệp ước.
Nhà lãnh đạo Philippines hôm 12/9 nói chỉ riêng sự hiện diện của các lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, với quân số hàng trăm người và là một phần trong một sứ mệnh bắt đầu từ năm 2002, góp phần tạo nên bất ổn ở Mindanao. Ông còn kể ra việc quân đội Hoa Kỳ giết người Hồi giáo trong thời kỳ thuộc địa hồi nửa đầu thế kỷ 20.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói quân đội Mỹ có mặt ở đó theo đề nghị của các nhà lãnh đạo Philippines trước đây.
Nhà phân tích khu vực Đông Nam Á Gerard Finan, nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Viện Đông Tây ở Hawaii, nói với đài VOA ông không ngạc nhiên về những nhận xét của tổng thống Duterte. Ông Gerard Finan cho biết ông không thấy có sự thay đổi trong chính sách của Philippines đối với Hoa Kỳ dưới thời ông Duterte. Nhà phân tích này mô tả đó là một mối quan hệ rất vững mạnh.
Tổng thống Philippines: Lực lượng Mỹ phải rút khỏi miền Nam
Tổng thống Philippines tuyên bố muốn tất cả lực lượng Mỹ ra khỏi miền Nam nước này, nơi lực lượng Hoa Kỳ đang cố vấn cho các binh sĩ địa phương chiến đấu chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Tổng thống Philippines tuyên bố muốn tất cả lực lượng Mỹ ra khỏi miền Nam nước này, nơi lực lượng Hoa Kỳ đang cố vấn cho các binh sĩ địa phương chiến đấu chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Phát biểu trước các giới chức chính phủ mới được bổ nhiệm hôm 12/9, ông Rodrigo Duterte đổ lỗi cho Hoa Kỳ về tình trạng bất ổn của các phần tử chủ chiến Hồi giáo trong khu vực. Đây là lần đầu tiên ông công khai phản đối sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Philippines.
Ông Duterte không đề ra thời hạn chót và cũng không cho biết tiến trình rút lui của lực lượng Mỹ sẽ diễn ra thế nào, chỉ nói rằng người Mỹ là các mục tiêu giá trị cao đối với phe Abu Sayyaf có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo trong lúc các hoạt động chống nổi dậy đang được tăng cường.
Ông Duterte nói:
“Các lực lượng đặc nhiệm đó phải ra đi. Tôi không muốn có một sự sứt mẻ với Mỹ nhưng họ phải rời khỏi nơi này. Tình hình sẽ chỉ càng thêm căng thẳng. Các phần tử chủ chiến Hồi giáo thấy người Mỹ ở đó, chúng sẽ giết họ. Chúng sẽ tìm cách đòi tiền chuộc, rồi giết họ.”
Bộ Ngoại giao Mỹ nói phát biểu của ông Duterte ‘vô bổ.’
Người phát ngôn John Kirby nói: “Chúng tôi chưa thấy có sự thông tin liên lạc chính thức nào từ chính phủ Philippines về hiệu ứng và kết cục đó. Quan trọng hơn, chúng tôi sẽ duy trì những cam kết đồng minh tại Philippines.”
Phát biểu của Tổng thống Philippines được đưa ra 1 tuần sau những lời mạ lị của ông đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, khiến nhà lãnh đạo Mỹ hủy cuộc họp song phương đã lên lịch tại thượng đỉnh ở Lào. Tuy nhiên, đôi bên sau đó có gặp nhau không chính thức trong thời gian thượng đỉnh.
Kể từ khi lên làm Tổng thống Philippines hồi tháng 6, ông Duterte tạo ra mối quan hệ không mấy suôn sẻ với Mỹ và công khai chỉ trích các chính sách an ninh của Hoa Kỳ. Trong chiến dịch tranh cử, ông từng tuyên bố sẽ vạch ra một chính sách đối ngoại không lệ thuộc vào Mỹ, một đồng minh hiệp ước của Manila.
Năm 2002, quân đội Mỹ triển khai binh sĩ để huấn luyện, cố vấn, và cung cấp tình báo-võ khí cho lực lượng Philippines chống lại phe chủ chiến Abu Sayyaf có liên hệ với al-Qaida ở mạn Nam Philippines.
Khi lực lượng Mỹ rút đi vào tháng 2 năm ngoái, các giới chức Hoa Kỳ cho biết một nhóm nhỏ cố vấn quân sự vẫn còn lưu lại đây.