Mỹ cần làm gì sau rắc rối do thám Đức?
Theo BBC – PJ Crowley – Cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ – 16:21 GMT – thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014
Quan hệ của Mỹ – Đức bị rạn nứt thời gian gần đây do các vụ do thám tình báo.
Mỹ đang trải qua một thời điểm không thoải mái vì câu chuyện “Tôi do thám” của họ với nước Đức, trong lúc xuất hiện những khám phá mới mà các cuộc điều tra phản gián của Berlin cáo buộc đã phát hiện các gián điệp cài trong Bộ quốc phòng và cơ quan tình báo nước ngoài của Đức.
Chính phủ Đức trả đũa bằng cách trục xuất giám đốc chi nhánh CIA, một bước đi bất thường thể hiện nước Đức coi cuộc tranh cãi về gián điệp này nghiêm trọng tới mức nào.
Với Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Angela Merkel, có lẽ họ cảm thấy như đang gặp phải một chuỗi các diễn biến bị lặp đi lặp lại.
Dù họ có nỗ lực đến mấy để xử lý các hậu quả của các chiến dịch tình báo xâm nhập và tìm cách đưa mối quan hệ trở lại như cũ, thì họ lại đang trở lại đúng nơi họ đã bắt đầu và đối mặt với những câu hỏi như cũ một lần nữa.
“Khi vụ tranh cãi về điện thoại di động của bà bà Merkel nổ ra vào mùa Thu năm ngoái, Tổng thống Mỹ thừa nhận rằng việc đó chỉ có nghĩa là tình báo có khả năng thực hiện một số hoạt động đặc biệt, nhưng không có nghĩa là họ nên làm như vậy” – PJ Crowley, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ
Câu trả lời của Mỹ tiếp tục là các nước đang do thám nhau. Mỹ do thám. Và Đức cũng vậy.
Nếu một chức năng quan trọng của các cơ quan tình báo là phải hiểu được môi trường quốc tế hiện hữu và dự đoán các chính phủ sẽ phản ứng như thế nào với các sự kiện trong tương lai, việc tìm ra được các nhà lãnh đạo thế giới đang suy nghĩ gì, nói gì và làm gì là cần thiết.
Ông Obama có một số mối quan hệ gần gũi với các đối tác toàn cầu, nhưng Thủ tướng Đức là một ngoại lệ.
Khi vụ tranh cãi về điện thoại di động của bà bà Merkel nổ ra vào mùa Thu năm ngoái, Tổng thống Mỹ thừa nhận rằng việc đó chỉ có nghĩa là tình báo có khả năng thực hiện một số hoạt động đặc biệt, nhưng không có nghĩa là họ nên làm như vậy.
‘Chỉ riêng một người’
Tiếp đó, trong khi không thừa nhận những gì đã làm trong quá khứ, Nhà Trắng mạnh mẽ đề nghị rằng tương lai sẽ đổi khác.
Rõ ràng điều này được áp dụng với Thủ tướng Đức, nhưng không phải là áp dụng với phần còn lại của chính phủ Đức.
Về mặt tình báo, điều không có gì đáng ngạc nhiên với bất cứ ai là các nước đang nhắm mục tiêu vào các đặc vụ tình báo hoặc các sỹ quan quân sự từ các quốc gia khác và trả tiền cho họ để đổi lấy các thong tin hữu ích.
Đó là việc làm của các cơ quan tình báo.
Mặt khác, trong khi Đức hiểu gián điệp là gì, thì nước này nói họ vạch ra một giới tuyến về bạn thân.
Từ quan điểm của Berlin, nếu đã là một đối tác thực sự, nước Đức phải được hưởng cùng một mức độ tin cậy và – trên lý thuyết –không bị do thám như mức độ hiện hữu với các đồng minh then chốt khác như Anh, Canada, Úc và New Zealand, cái được gọi là khối “ngũ nhãn” (Five Eyes), được hưởng.
Đức và Hoa Kỳ rõ ràng đã bàn thảo về một thỏa thuận như vậy, một bước mà dường như Washington khiên cưỡng.
Nhưng những mối quan ngại của Mỹ về sự khác biệt chiến lược đã được phóng đại.
“Mặc dù áp chịu những áp lực đáng kể, bà Merkel đã có công lao khi đã giữ cho các trọng tâm được tập trung vào các vấn đề khu vực, đặc biệt là bế tắc giữa Hoa Kỳ – Liên minh Châu Âu và Nga về Ukraina” – Ông PJ Crowley
Nếu Mỹ có thể duy trì liên minh với New Zealand bất chấp các dị biệt sâu sắc về vấn đề hạt nhân, thì Mỹ chắc chắn cũng có thể xử lý bất cứ bất đồng nào tồn tại với nước Đức, một mối quan hệ mà sẽ chỉ làm tăng thêm hậu quả trong tương lai.
‘Nỗ lực Merkel’
Mặc dù áp chịu những áp lực đáng kể, bà Merkel đã có công lao khi đã giữ cho các trọng tâm được tập trung vào các vấn đề khu vực, đặc biệt là bế tắc giữa Hoa Kỳ – Liên minh Châu Âu và Nga về Ukraina cũng như tập trung vào các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra với Iran.
Bà thậm chí không đưa ra những tiết lộ mới nhất về gián điệp trong cuộc hội thoại gần đây nhất của bà với ông Obama – một điều tốt vì rõ ràng các nhân viên Nhà Trắng hoặc Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã không thể cảnh báo ông Obama trước khi cuộc gọi.
Đây là vấn đề vì nó có thể là chỉ dấu cho thấy Washington đang đánh giá thấp tác động chính trị theo lối ‘giọt nước tràn ly’ với các tin xấu được gom tích lại trong mối quan hệ với Đức và châu Âu trong 10 tháng qua.
Vấn đề này đặc biệt xác đáng khi mà Washington đang chờ đợi tiếp tục có thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nữa giáng vào nước Nga. Nước Đức sẽ là một chủ thể quan trọng trong bất cứ điều gì mà EU quyết định làm.
Nước Mỹ không nên coi nhẹ các căng thẳng theo lối ‘giọt nước tràn ly’ với Đức và châu Âu gần đây.
Mỹ có thể đang hy vọng rằng cái cấp bách sẽ át đi cái tạm thời – rằng EU sẽ nhận ra vì sao các hậu quả lâu dài của cuộc khủng hoảng hiện nay với Nga là quan trọng hơn rất nhiều so với những tác động ngắn hạn của việc các hoạt động tình báo của Mỹ bị phát giác.
Đối với giới chuyên gia, điều này có một ý nghĩa hoàn hảo, nhưng không nhất thiết như vậy với một công chúng châu Âu rộng lớn hơn hiện đang tái đánh giá bản chất của các mối quan hệ ở châu Âu và xâu xa hơn nữa.
‘Không thể coi nhẹ’
Mỹ không thể coi nhẹ câu câu chuyện này với nước Đức hoặc châu Âu. Cần phải có một câu trả lời rõ hơn là điều nói rằng “tất cả các nước đều do thám gián điệp với nhau”.
“Washington nên cầu nguyện để nước Đức thắng trong trận chung kết World Cup, điều mà chắc chắn tuyển Đức xứng đáng được hưởng sau một màn trình diễn hoàn toàn lấn lướt trước tuyển Brazil. Việc này sẽ làm thay đổi chủ đề, ít nhất là cho một thời gian ngắn” – Ông PJ Crowley
Khi ông Obama tự nói trong một phát biểu gần đây tại West Point, “khi chúng ta không thể giải thích được những nỗ lực của chúng ta một cách rõ ràng và công khai, chúng ta phải đối mặt với… mối nghi ngờ quốc tế, chúng ta làm xói mòn tính hợp pháp với các đối tác và với nhân dân của chúng ta, và chúng ta sẽ giảm thiểu tính tự chịu trách nhiệm trong chính phủ của chúng ta”.
Nước Đức không đủ điều kiện để tham gia nhóm ‘Ngũ nhãn’, nhưng cần phải có một sự hiểu biết mới về các hoạt động tình báo để phục hồi một mức độ thích hợp về niềm tin trong quan hệ Mỹ-Đức.
Cần phải có cam kết của hai bên nối lại một đối thoại cấp cao về những vấn đề đã nói càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, Washington nên cầu nguyện để nước Đức thắng trong trận chung kết World Cup, điều mà chắc chắn tuyển Đức xứng đáng được hưởng sau một màn trình diễn hoàn toàn lấn lướt trước tuyển Brazil.
Việc này sẽ làm thay đổi chủ đề, ít nhất là cho một thời gian ngắn.
PJ Crowley là cựu trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Ngoại giao Công chúng & Truyền thông toàn cầu thuộc Đại học George Washington.