Mỹ cần bắt tay với các đồng minh để đối phó tham vọng của Trung Quốc

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ cần bắt tay với các đồng minh để đối phó tham vọng của Trung Quốc
05/11/2019

Giới phân tích nhận định Mỹ có nguy cơ ngày càng bị cô lập trừ khi nước này liên kết với các đồng minh để đối phó với các chính sách kinh tế bá quyền của Trung Quốc.

Mỹ cần bắt tay với các đồng minh để đối phó tham vọng của Trung Quốc - 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6/2019 (Ảnh: AP)

Báo cáo do Cơ quan quốc gia về Nghiên cứu châu Á, một tổ chức phi lợi nhuận và phi đảng phái, công bố gần đây đã đề xuất chiến lược gồm 4 nội dung để đối phó với những nguy cơ về an ninh và kinh tế do Trung Quốc gây ra, bao gồm các động thái cấp bách để thúc đẩy việc hợp tác và chia sẻ thông tin với các đồng minh của Washington.

Báo cáo đề xuất một thỏa thuận “ngừng chiến” cho cuộc chiến thương mại kéo dài 16 tháng qua giữa Mỹ và Trung Quốc, củng cố biện pháp phòng vệ nhằm giúp Mỹ giảm thiểu nguy cơ thiệt hại trước sự do thám hoặc gây tổn hại của Trung Quốc, đồng thời gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cũng như sáng tạo của Mỹ.

“Không có điều gì dễ thực hiện, đặc biệt với chính quyền hiện nay. Tuy nhiên Quốc hội đang đề xuất các biện pháp thay thế cho thuế quan. Thuế quan dường như không phải là một chiến lược chặt chẽ và toàn diện”, Charles Boustany, cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Lousiana, đồng tác giả của báo cáo, cho biết.

Cả phe Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ phần lớn đều nhận thức được sự cần thiết của việc phải đẩy lùi các hành vi của Trung Quốc như trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước, áp đặt hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đánh cắp sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, lưỡng đảng Mỹ cho rằng việc Mỹ áp đặt thuế quan để trả đũa Trung Quốc không phải là cách thức phù hợp.

Trong khi đó, Trung Quốc cho đến nay vẫn phủ nhận cáo buộc của Mỹ về các chính sách thương mại không công bằng.

Đòn áp thuế của Tổng thống Donald Trump, trong đó bao trùm gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đã tác động tới chính những người tiêu dùng, người nông dân và các ngành công nghiệp tại Mỹ. Trong khi đó, các biện pháp đáp trả của Trung Quốc lại ảnh hưởng trực tiếp tới nông dân Mỹ.

Theo báo cáo, việc Tổng thống Trump áp thuế và đe dọa áp thuế đối với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã gây ra sự bất ổn và khiến các nước này khó tìm được tiếng nói chung với Washington, ngay cả khi Mỹ và các đồng minh đều có chung sự quan ngại về các hành vi của Trung Quốc.

Theo chuyên gia Boustany, Mỹ nên tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin, chẳng hạn chia sẻ thông tin về các chính sách của Trung Quốc nhằm tái thiết mối quan hệ với các đồng minh then chốt.

Aaron Friedberg, giáo sư tại Đại học Princeton và cũng là một tác giả của báo cáo, cho rằng Washington nên dừng đối đầu với các đồng minh, thay vào đó, nên tập trung vào một mục tiêu là Trung Quốc.

“Việc đó (đối đầu với các đồng minh) không có ý nghĩa gì cả. Mức độ nghiêm trọng của các thách thức do Trung Quốc mang lại lớn hơn nhiều so với bất kỳ sự bất bình nào mà chúng ta đang có với EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc về các vấn đề thương mại”, ông Friedberg nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, việc phối hợp cùng nhau sẽ cho phép Mỹ và các đồng minh tạo thành cán cân mạnh nhất có thể nhằm buộc Trung Quốc phải chấm dứt các chính sách công nghiệp và thương mại gây tổn hại thị trường. Khi đó, nếu Trung Quốc không tuân thủ theo các tiêu chuẩn và chuẩn mực, Bắc Kinh sẽ gặp ngày càng nhiều bất lợi trong nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, việc hợp tác tốt hơn với các đồng minh cũng giúp dập tắt quan điểm tại một số nước châu Âu cho rằng, Mỹ đặt ra lo ngại về các sản phẩm của Trung Quốc chủ yếu nhằm mục đích hỗ trợ cho các công ty Mỹ trước các đối thủ cạnh tranh từ bên ngoài.

Nếu hợp tác với nhau, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các nước khác có thể cùng nhau xây dựng lại hệ thống thương mại tự do, vốn đang gặp khó khăn kể từ thập niên 1970 bởi sự gia tăng của các rào cản phi thuế quan, cũng như các hình thức bảo hộ và thay đổi về công nghệ.

Hơn nữa, việc chia sẻ các nguồn lực cũng cho phép các nước cng nghiệp phát triển như Mỹ và các đồng minh đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại các nước đang phát triển, thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Sáng kiến này giúp Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua các dự án cơ sở hạ tầng với số vốn “khủng” tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đẩy mạnh Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, tăng cường cam kết với các nước đối tác và đồng minh trong khu vực. Cùng với Australia, Washington cũng đẩy mạnh hợp tác với các quốc đảo ở Thái Bình Dương, khu vực Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập ảnh hưởng. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Australia Scott Morrison tại Nhà Trắng hồi tháng 9, Tổng thống Trump không ngần ngại chỉ đích danh Trung Quốc là “mối đe dọa đối với thế giới”.

Trước đó, báo cáo do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng 1 cũng đưa ra đánh giá về những nỗ lực mở rộng của Trung Quốc cả trong lĩnh vực quân sự và phi quân sự, bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường, chiến lược công nghiệp “Made in China 2025” và những tác động đối với Mỹ trên toàn thế giới. Báo cáo của Lầu Năm Góc đã đặt ra nhiều quan ngại về các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và kinh tế của Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh tìm cách đạt được các công nghệ dùng cho cả mục đích quân sự và dân sự.

(Tổng Luận)