Mỹ bắn tín hiệu gì khi đưa 3 tàu sân bay Mỹ tới châu Á – Thái Bình Dương?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ bắn tín hiệu gì khi đưa 3 tàu sân bay Mỹ tới châu Á – Thái Bình Dương?

Ngày 28/10/2017

BĐN

Việc hai cụm tàu sân bay của Hải quân Mỹ tiến vào châu Á – Thái Bình Dương mới đây đã tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực lên mức kỷ lục trong vòng một thập kỷ. Đáng lưu ý, khi bàn về hoạt động của cụm tàu sân bay Mỹ, người ta thường có câu “một cụm là tuần tra, hai cụm phát tín hiệu răn đe, ba cụm để chuẩn bị khai chiến”.
Tàu USS Theodore Roosevelt. Ảnh: US NAVY
Vì vậy, giới quan sát cho rằng việc ba tàu sân bay lớn của Mỹ cùng lúc có mặt tại châu Á – Thái Bình Dương chính là một “dấu hiệu của chiến tranh” hoặc là một thông điệp cảnh báo đáng lo ngại đối với Triều Tiên hay Trung Quốc.
Hải quân Mỹ thông báo, tàu sân bay USS Nimitz đã đi vào vùng biển phía tây Thái Bình Dương ngày 25/10 để tham gia chiến dịch của Hạm đội 7. Hạm đội 7 là hạm đội triển khai trước lớn nhất của Hải quân Mỹ với vùng hoạt động trải dài từ Đường ngày quốc tế (IDL) tới biên giới Ấn Độ – Pakistan và từ phía bắc quần đảo Kuril tới phía nam vùng Nam cực.
Trước đó, ngày 23/10, tàu sân bay năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt cùng với tổ hợp tác chiến bao gồm các khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Howard, USS Shoup, USS Pinckney, USS Kidd và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Princeton đã quay trở lại Hạm đội 7 để làm nhiệm vụ và đang có mặt trên Thái Bình Dương.
Sự triển khai của hai tàu sân bay nói trên là bước tiếp nối của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đóng tại căn cứ hải quân Yokosuka ở Nhật Bản. USS Ronald Reagan vừa tham gia một cuộc tập trận chung trên Bán đảo Triều Tiên và đang neo đậu ở cảng Busan của Hàn Quốc.
USS Theodore Roosevelt sẽ tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải và hợp tác an ninh trong khu vực cũng như thăm các cảng nước ngoài trong thời gian được triển khai tại châu Á – Thái Bình Dương.
Tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết: “Các tàu sân bay của Hải quân Mỹ được triển khai định kỳ tới Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Sự triển khai này là một phần của chu kỳ hoạt động theo kế hoạch trước đó và không có gì bất thường liên quan đến tính đan xen về thời điểm đến và đi của các tàu sân bay, bởi một tàu bắt đầu triển khai thì chiếc khác được rút về”.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, nhà nghiên cứu quốc phòng Adam Mount cho biết việc Mỹ đưa ba cụm tàu sân bay tinh nhuệ nhất tới khu vực đã “gửi đi một tín hiệu rõ ràng”. “Đó là một sự triển khai lớn về mặt lực lượng bất cứ khi nào có một tàu sân bay tiến vào một khu vực. Những đối thủ của Mỹ sẽ nhận ra điều gì đó từ việc này”, ông Mount nhận xét.
Các hoạt động tập trận của Mỹ với đồng minh trong khu vực đã bị Triều Tiên chỉ trích nặng nề và đánh giá như một sự chuẩn bị cho chiến tranh.
Sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Nimitz và Roosevelt cùng với 9 tàu tuần dương cùng tàu khu trục trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis được xem như một bước phòng vệ chiến lược trước bất kỳ vụ tấn công tên lửa tiềm tàng nào từ Bình Nhưỡng.
Mặt khác, theo lời nhà phân tích quân sự John Kirby tại CNN, không chỉ với Triều Tiên, động thái triển khai bất thường này cũng bắn một thông điệp tới Trung Quốc.
Bắc Kinh thường xuyên chỉ trích các hoạt động của Hải quân Mỹ trong khu vực. Một bài bình luận trên nhật báo China Daily của Trung Quốc đã gọi lực lượng Hải quân Mỹ là “một mối nguy hiểm ở vùng biển châu Á”, cho rằng “các hoạt động gia tăng của các tàu chiến Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương… đang khiến họ ngày càng có nhiều rủi ro trong việc vận chuyển thương mại.”