Moulin Rouge và những bí quyết thành công
Cabaret Moulin Rouge, một buổi tối tháng Tư năm 2011.CC / Christine Zenino
Theo RFI
Phát Thứ sáu, ngày 18 tháng ba năm 2016
Hộp đêm Moulin Rouge (Cabaret du Moulin Rouge) là một trong những địa điểm nổi tiếng tại Paris mà du khách không nỡ bỏ qua. Nằm trên đại lộ Clichy, quận 18 Paris, Moulin Rouge nổi bật nhờ chiếc cối xay gió đỏ rực rõ ánh đèn được làm theo đúng kích thước thật ngay trên lối vào.
Nổi tiếng từ năm 1889, cùng với Tháp Eiffel, Moulin Rouge (khai trương ngày 06/10/1889) trở thành địa điểm giải trí thu hút hàng chục nghìn du khách tới Thành Phố Ánh Sáng Paris (la Ville de la Lumière) tham dự Triển Lãm Hoàn Cầu lần thứ 16.
Hai nhà sáng lập Joseph Oller và Charles-Joseph Zidler cho xây Cabaret Moulin Rouge ngay dưới chân đồi Montmartre, mà « vào thời kỳ đó giống như đại lộ Champs-Elysée ngày nay », theo lời giải thích với đài RFI của ông Jean-Jacques Clerio, chủ tịch Hội Đồng Giám Sát và là chủ sở hữu Moulin Rouge từ năm 2009. Montmartre là nơi ở của nhiều họa sĩ nổi tiếng, như Renoir, Picasso, Utrillo, Modigliani và thường được các nhà văn, nhà thơ Aristide Bruant et Guillaume Apollinaire ngợi ca trong tác phẩm của mình. Còn cối xay gió là biểu tượng của khu đồi Montmartre, vì trong “ngôi làng giữa lòng thành phố” này có hàng chục chiếc cối xay gió dựng trên triền đồi.
Ngoài lối kiến trúc tân tiến của Moulin Rouge và là nơi mọi người có thể tới uống rượu, nhảy múa và xem biểu diễn, hai nhà sáng lập còn muốn người xem đắm chìm trong những trang phục lộng lẫy và thu hút theo cảnh trí sân khấu được thay đổi trong chớp mắt. Những điểm đặc biệt này chính là chìa khoá thành công còn được duy trì tới ngày nay.
Chương trình “Féerie” quyến rũ
Giá vé để tham dự một chương trình biểu diễn “Féerie” huyền thoại cùng bữa tối tại Moulin Rouge không hề rẻ một chút nào, từ 174 euro đến 220 euro. Thế nhưng, hai xuất trình diễn mỗi tối tại Moulin Rouge luôn kín chỗ, với khoảng 1.800 khách.
Ban giám đốc Moulin Rouge đầu tư hơn 8 triệu euro cho chương trình “Féerie”, được hình thành từ tháng 12/1999, trong đó có 2 triệu euro dành cho âm nhạc với sự tham gia của 80 nhạc sĩ và dàn đồng ca 60 người. Dù không thay đổi nhiều so với chương trình gốc, từ năm 1999 đến nay, “Féerie” đã thu hút được hơn 10 triệu người xem.
Ông Thierry Outrilla, giám đốc sân khấu, không tỏ ra lo lắng vì tối nào cũng diễn cùng một tiết mục, vì « một khi tiết mục đã được lên chương trình và một khi đã vào guồng, thì chỉ cần duy trì chất lượng của buổi trình diễn. Không có nhiều chi tiết được thay đổi từ 17 năm nay, trừ các phương tiện kỹ thuật, do phải thích nghi với những tiến bộ công nghệ ».
Hấp dẫn nhất vẫn là màn nhấc váy xòe làm bằng đăng ten nhiều lớp ba màu xanh-trắng-đỏ (màu cờ Pháp) và nhấc chân cao sát đỉnh đầu trong điệu nhạc vui nhộn của điệu nhảy “French Cancan”. Thế nhưng, đây cũng là tiết mục khó thực hiện nhất vì, theo Justyna Zientek, vũ nữ người Ba Lan tại Moulin Rouge, « cần rất nhiều sức và năng lượng để nhấc chân nhiều lần trong khoảng thời gian cực ngắn và trên nền nhạc cực nhanh. Chính vì vậy, chúng tôi cần phải khởi động kỹ trước khi lên sân khấu ».
Trở lại lịch sử của điệu nhảy này, Đức Bình từng giải thích trong chuyên mục tạp chí Âm nhạc của RFI (12/12/2009), rằng « sự kết hợp giữa nhạc và múa của “French Cancan” mang tính đột phá nhất trong lịch sử của nhà hát Moulin Rouge… Vũ điệu “French Cancan” được mô phỏng dựa trên vở tạp kỹ Le Quadrille (Vũ điệu đấu bò), do Charles Morton, một trong những bậc thầy về nhạc tạp kỹ (Music Hall) nghĩ ra tại Luân Đôn vào năm 1861.
Thuật ngữ “Cancan” nhằm miêu tả những tiếng động của gót giầy nhẩy mà các vũ nữ đập xuống sàn diễn, cốt để tạo thành một âm thanh bổ xung trên nền nhạc vui nhộn hào hứng, đồng thời kết hợp với những cử chỉ vén váy hơi lộ liễu và táo bạo hướng về phía khán giả, quay cuồng theo điệu nhạc ».
Dàn vũ công đẹp « nghiêng nước nghiêng thành »
Không chỉ có du khách là nam giới, mà cả nữ giới cũng bị quyến rũ trước những vũ công duyên dáng, đẹp như hoa hậu và chân dài “miên man“, tươi cười cuốn theo những vũ điệu và các màn nhào lộn trong tiếng nhạc dồn dập.
Hai giờ biểu diễn là kết quả của nhiều giờ luyện tập của các vũ nữ tại đây. Họ từ khắp nơi trên thế giới, rời gia đình để về Paris thực hiện giấc mơ của mình. Hiện nay, nhiều nhất là vũ nữ người Úc và Anh. Bà Janet Pharaoh, người Anh, từng là một Doriss Girl của Moulin Rouge, hiện là trợ lý giám đốc nghệ thuật, giải thích với RFI :
« Việc tuyển nhân viên hoàn toàn phụ thuộc vào từng năm. Năm 2014, tôi đi xét tuyển ở Úc. Nên vào cuối năm sau, có thể có nhiều cô gái người Úc hơn. Sau đó đến lượt Canada hay bán đảo Scandinavi hoặc Anh Quốc. Số lượng quốc tịch còn tuỳ thuộc vào nơi tôi đi xét tuyển. Nhưng trong nhóm cũng có nhiều vũ nữ Pháp ».
Bà Janet Pharaoh cũng là người quyết định các cuộc xét tuyển sẽ diễn ra ở đâu. Đơn xin việc được gửi trực tiếp qua đường bưu điện hoặc trên website của Moulin Rouge. Cho tới khi có đủ số lượng hồ sơ xin việc từ một nước và sau khi đã loại bớt những hồ sơ không đủ điều kiện, bà sẽ tới nước đó tổ chức thi tuyển, như tại Úc, cứ hai năm bà lại đến một lần. Riêng tại Pháp, mỗi năm có từ 3 đến 4 buổi phỏng vấn.
Năm 2014, bà Janet Pharaoh đã phỏng vấn 650 thí sinh cho 20 vị trí. Số lượng này cũng thay đổi tuỳ theo năm, nhưng thường có khoảng 20 đến 25 chỗ mỗi năm, thậm chí có năm không có chỗ nào cả ! Điều gì khiến ban giám khảo chú ý nhất trong buổi phỏng vấn ?
« Khi chúng tôi nhìn các cô gái, đầu tiên chúng tôi có thể nói « Ừ, tôi thấy ưng cô này » vì cô ấy cao, xinh xắn và có ngoại hình đẹp. Nhưng sau đó, khi cô ấy bắt đầu nhẩy, có những cô gái làm chúng tôi thất vọng ngay lập tức. Rất dễ nhận ra được một vũ nữ có trình độ. Nhưng đôi khi, nhiều thí sinh thường mất bình tĩnh lúc đầu, đặc biệt là với các cô gái trẻ, nên chúng tôi cho họ thêm chút thời gian ».
Nghệ sĩ của Moulin Rouge trong trang phục vũ hội BrazilREUTERS/Rickey Rogers
Để được tuyển vào nơi nổi tiếng như Moulin Rouge, các vũ nữ phải cao tối thiểu 1,75 m và phải theo học múa cổ điển. Khi kí hợp đồng, các cô phải cam kết không được vượt quá 2 kg so với cân nặng khi được tuyển. Justyna Zientek nói với phóng viên AFP : « Chúng tôi chỉ cần ăn uống cẩn thận thôi, chứ không cần phải kiêng khem gì cả. Chúng tôi có thể ăn mọi thứ, vì không được quá gầy khi làm vũ nữ để đủ sức mang những trang phục biểu diễn rất nặng ».
Các vũ công ở Moulin Rouge phải làm việc 6 ngày trên 7 với hai buổi biểu diễn mỗi tối. Buổi sáng, họ được nghỉ ngơi. Ngoài một số buổi chiều có lịch luyện tập, họ có thời gian đi ăn uống với bạn bè, thường cũng là những đồng nghiệp. Đúng 19 giờ 30 là giờ “điểm danh” ở Moulin Rouge. Sau nửa giờ trang điểm là bước khởi động, vô cùng cần thiết cho buổi biểu diễn.
Độ tuổi trung bình của những cô gái tại Moulin Rouge là 23, tuy nhiên, vẫn có một trường hợp ngoại lệ, vũ nữ nhiều tuổi nhất là 39 tuổi. Justina hy vọng tiếp tục là vũ nữ tại điểm du lịch huyền thoại này lâu nhất có thể khi cơ thể cô còn chịu đựng được.Tuy nhiên, cũng có nhiều nghệ sĩ muốn thay đổi tiết mục. Vì thế, họ rời Moulin Rouge và làm việc trên du thuyền hay chuyển sang New York. Hay một số người khác không chịu được nhịp độ làm việc ở đây cũng tự động nghỉ việc. Đối với một nghệ sĩ, hai buổi trình diễn mỗi tối là việc vô cùng vất vả.
Ngoài nhịp độ làm việc, các cô gái của Moulin Rouge còn phải vượt qua một vài “định kiến” do một số màn trình diễn với bộ ngực trần. Alexandra Freeman, vũ nữ người Mỹ, chia sẻ với RFI :
« Lúc đầu, mẹ tôi hơi lo vì biết là tôi sẽ để ngực trần khi múa, vì các bà mẹ luôn muốn bảo vệ con mình. Hơn nữa, khi nói đến « ngực trần », người ta nghĩ ngay tới “tình dục” hay “khiêu dâm”. Nhưng tiết mục này không hề như vậy. Đây là một hộp đêm trình diễn nghệ thuật chứ không phải là câu lạc bộ thoát y (strip-tease). Nghệ thuật ở đây là mang lại giá trị cho cơ thể của người phụ nữ nhờ những bộ trang phục lộng lẫy, thay vì nhấn mạnh vào sự trần trụi của cơ thể ».
Trang phục và đạo cụ ấn tượng, lộng lẫy
Ngoài tài năng và vẻ đẹp của các vũ nữ, khán giả còn phải trầm trồ trước số lượng các vũ công trình diễn cùng lúc trên sân khấu, cũng như những trang phục lộng lẫy và quyến rũ của họ. Moulin Rouge có 450 nhân viên, trong đó có 60 vũ nữ và 20 vũ công nam. Mỗi tối có khoảng 70 nghệ sĩ lên sân khấu và cũng có nghĩa là cần chừng đó phục trang và đạo cụ. Mỗi buổi trình diễn “Féerie” cần tới 100 trang phục và 20 cảnh trí khác nhau.
Các vũ nữ của Moulin Rouge, năm 2014Pierre René-Worms
Bà Mine Vergès là một huyền thoại trong nghề và chịu trách nhiệm về phục trang cho các nghệ sĩ ở Moulin Rouge. Với bà, « khó khăn nhất của nghề này là mặc đồ cho một phụ nữ để ngực trần. Trước hết, vì đó là tài sản đắt nhất và là việc khó nhất. Chẳng có tí vải gì cả ! Chỉ độc chiếc quần string. Nhưng trên chiếc quần string này lại được gắn đầy lông vũ. Vì vậy, công việc này còn khó khăn và phức tạp hơn cả thiết kế một bộ trang phục dã sử.
Những bộ trang phục đó cần phải đẹp, phong phú và không hề dễ dàng chút nào ! Đối với các nam vũ công thì dễ hơn rất nhiều. Ví dụ, chúng tôi không được dùng tơ vì tơ rất dễ rách. Cần phải có những bộ trang phục có thể giặt được và phải chắc chắn. Các bạn đừng quên là có hai buổi diễn mỗi tối và đôi khi trang phục được hoán đổi người mặc. Vì thế, cần phải có những trang phục “chắc như đá”. Chúng cũng phải dễ dàng tháo ra và mặc lại được, đôi khi các nghệ sĩ chỉ có 1 phút để thay đồ ».
Một bộ mũ của vũ nữ có 450 chiếc lông được cắt tỉa bằng tay từng cái một. Lông đà điểu được sử dụng nhiều nhất trong các trang phục của Moulin Rouge, ngoài ra còn có 5 loại khác, cùng với lông gà và lông ngỗng. Những chiếc lông đà điểu được mua từ châu Phi, có nguồn gốc hoang dã, ít nhất 8 tuổi để đảm bảo chất lượng tốt. Moulin Rouge bảo đảm không con vật nào bị giết chết chỉ để lấy lông. Sau đó, những chiếc lông được mang về Pháp để nhuộm mầu, tương tự như quá trình nhuộm len và cuối cùng được diệt trùng ở nhiệt độ 300°C.
Cuối cùng, cần phải nhắc tới “bộ sưu tập giầy” khoảng 800 đôi cỡ từ 37 đến 46, của Moulin Rouge do nhà đóng giầy Maison Clairvoy (hiện thuộc quyền sở hữu của Moulin Rouge) thực hiện năm từ 1960. Mỗi vũ công mới, nam hay nữ, đều được làm từ 7 đến 10 đôi giầy theo số đo của họ. Mỗi đôi có tuổi thọ từ 3-4 năm, có nghĩa là khoảng 3.000 đến 4.000 buổi diễn tập. Tất cả các đôi giầy đều được làm bằng tay và từ da, trừ đế giầy được đóng bằng gỗ. Một đôi giầy bệt cần tới 15 giờ làm việc và phải mất tới gần 60 giờ để có những mẫu giầy đặc biệt.
*****
Nổi tiếng khắp thế giới, Moulin Rouge hiện là một doanh nghiệp gia đình từ khi công ty Bal du Moulin Rouge thuộc gia đình Clerico mua lại và hiện do thế hệ thứ 4 quản lý. Tại Moulin Rouge, du khách có thể chiêm ngưỡng một địa điểm huyền thoại, in dấu ấn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như La Goulue (Louise Weber), Mistinguett (Jeanne Florentine Bourgeois), Line Renaud, Edith Piaf đã từng hát với Yves Montand tại đây. Moulin Rouge cũng trở thành địa điểm quen thuộc của các nghệ sĩ nổi tiếng nhất mọi thời đại như Maurice Chevalier, Frank Sinatra, Liza Minnelli, Elton John, Elvis Presley…
Hộp đêm Moulin Rouge không hẳn chỉ dành riêng cho khách du lịch nước ngoài, vì lượng khách Pháp chiếm tới 51%. Rất nhiều người hàng năm vẫn quay lại, dù vẫn xem cùng một tiết mục, vì họ được sống lại bầu không khí náo nhiệt, vui nhộn và khám phá thêm một điều thú vị khác. Và điều quan trọng đối với ông Jean-Jacques Clerico là « mọi người có những giây phút giải trí, thoải mái, vui đùa, nói chuyện với nhau trong buổi biểu diễn và khi kết thúc, mọi người đều vỗ tay hài lòng và ra về với nụ cười trên môi ».