Một vòng chợ Tết Phước Lộc Thọ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Một vòng chợ Tết Phước Lộc Thọ

February 5, 2018

 

Chợ hoa Phước Lộc Thọ, kẻ mua người bán đông vui. (Hình: Uyên Nguyễn/ Người Việt)
Uyên Nguyễn/ Người Việt
WESTMINSTER, Calif. (NV) – Chợ Tết Phước Lộc Thọ, lúc 11:30 sáng Thứ Bảy, 3 Tháng Hai, nhằm ngày 18 Tháng Chạp, Đinh Dậu. Theo cách gọi của các bậc cao niên người Việt thì Tháng Mười Một và Tháng Mười Hai của năm cũ được coi như vào năm mới, nên gọi Tháng Mười Một là Tháng Một và Tháng Mười Hai là Tháng Chạp.
Ban Quản Trị khu thương xá Phước Lộc Thọ năm nào vào dịp này cũng tổ chức chợ Tết với danh xưng là Chợ Hoa Tết, nhưng cộng đồng người Việt lại thường gọi là Chợ Tết Phước Lộc Thọ. Địa điểm là bãi đậu xe trước thương xá. Sáu dãy lều dài được dựng lên thường là khoảng ba tuần trước Tết.
Vì là chợ hoa Tết nên những năm đầu, các gian hàng hoa chiếm hơn một nửa các dãy lều, và có người mướn cả ba, bốn gian cho cửa tiệm của mình, mà phần lớn đó là các nhà vườn trồng lan của người Việt.
Những lều còn lại là các gian hàng bán đồ Tết, chủ yếu là mặt hàng trưng ngày Tết trên bàn thờ Gia Tiên.
Một bó mai rừng Cali khoe sắc trong chợ hoa Phước Lộc Thọ. (Hình: Uyên Nguyễn/ Người Việt)
Từ bao đời nay, với người Việt, hoa tượng trưng cho Mùa Xuân, cho Tết là hoa mai ở miền Nam và hoa đào ở miền Bắc. Nhưng từ ngày lưu lạc nơi quê người, mai vàng của người miền Nam không đâu có vì không hợp khí hậu, thủy thổ các xứ lạnh. Do thế mà các nhà buôn tìm cách có hoa thế mai rừng California vào hoa mai Việt Nam. Tuy mai rừng hoa nhỏ, cành cứng và thẳng đuột nhưng cũng nở chi chít trên cành vào đúng dịp Tết Nguyên Đán nên người Việt tị nạn cũng lấy làm vui mua về chưng ba ngày Tết để nhìn màu hoa vàng mà nhớ lại những Mùa Xuân tươi thắm đã qua.
Hơn 40 năm, nhiều nhà vườn có máu nghệ sĩ đã tìm đủ mọi cách để ươm trồng cho được mai vàng Việt Nam, nhưng kết quả cho đến nay cũng chả được bao nhiêu.
Trong số những nhà vườn tha thiết gây trồng giống mai Việt trên đất Mỹ, có nhà vườn mang tên “Hoa Mai Cali” của vợ chồng ông bà Phương Đặng và Văn Nguyễn, hai vợ chồng đã bỏ rất nhiều công sức để gây giống loại cây đặc biệt này. Từ nhiều năm qua, năm nào nhà vườn của ông bà Phương Đặng và Văn Nguyễn cũng có một gian hàng trưng bầy các chậu mai quý hiếm được gọi là Mai Cali, giá cả có chậu lên đến cả ngàn đồng.
Trước hơn một chục chậu Mai Cali đang trổ hoa đón mừng một mùa xuân mới, bà Phương Đặng cho biết: “Với niềm đam mê của hai vợ chồng, chúng em đã tìm mọi cách để đưa mai Việt Nam vào Mỹ, nhưng có khá nhiều khó khăn vì luật pháp Mỹ qui định. Nhưng có khó khăn thì khi thành công mới vinh quang. Nay thì chưa hẳn là đã có được mai vàng Việt Nam chính gốc nhưng chúng em cũng đã thành công lai tạo được loại mai tương tự mai vàng Việt Nam. Tuy cây và hoa vẫn còn nhỏ nhưng cánh hoa, nụ hoa thì hoàn toàn là đóa hoa mai Việt Nam. Ở quê mình mai cũng có nhiều loại như loại ‘mai trâu,’ mai dảo’ hoa thường to hơn các loại mai khác. Với những loại mai như mai Bình Định, mai Yên Tử, mai Hương Huế, Mai Huỳnh Ty thường ra hoa 5 cánh, 7 cánh thậm chí có loại ra hoa đến 15 cánh.”
“Ngũ Linh Công Chúa”, 5 chị em ruột Hạnh, Nga, Hoa, Sen và Mỹ Dung đi chọn hoa ngày Tết trong chợ hoa Phước Lộc Thọ. (Hình: Uyên Nguyễn/ Người Việt)
Vườn mai của ông bà Phương Đặng Văn Nguyễn ở trên đường Alcester, thành phố Westminster, có nhận chăm sóc hoa mai để đồng hương chơi Tết cũng như bán các cây mai vàng bonsai để trưng phòng khách trong những ngày Tết.
Rời gian hàng Mai Cali, tiến vào một tiệm hàng hoa lan chiếm tới ba bốn gian, chúng tôi được bà Tuyết Orchid, chủ gian hàng, niềm nở tiếp chuyện: “Mấy năm trước, chợ hoa Tết tràn đầy các gian hàng hoa lan, năm nay có ít hơn nhưng khách đến cũng không nhiều hơn mọi năm. Phần nhiều là những khách quen từ các năm trước đã mua hàng của chúng tôi, được chúng tôi chỉ dẫn các chăm sóc cho mỗi loại lan nên hầu hết đã không bỏ chúng tôi.”
Được hỏi về nghề nghiệp trồng và bán lan, bà Tuyết vui vẻ kể: “Nói là làm giầu qua nghề trồng lan thì thật là mơ tưởng. Vợ chồng chúng tôi theo nghề này trước nhất là cái tình với hoa lan. Cả hai vợ chồng chúng tôi theo nghề này đã hơn 20 năm. Nếu không vì sự đam mê loại hoa vương giả này thì có khi đã bỏ nghề rồi vì những khó khăn phức tạp, bận bịu tìm giống mới, theo dõi học tập những phương pháp nuôi trồng mới… Nhưng chúng tôi được cái lợi lớn là luôn luôn được thưởng thức cái đẹp, phong nhã, vương giả của từng loại lan mà không tốn đồng xu nào cả.”
Trưng bầy bán tại gian hàng này, thấy có nhiều loại lan khác nhau như lan Hoàng Hậu có mùi thơm, lan Cattleyas (cát lan), oncidium (lan vũ nữ), dạng thức mầu sắc rất lạ mắt, lan Phượng Vĩ, lan Phước Lộc Thọ, lan Hồng Môn thanh lọc không khí trong nhà.
Gian hàng lan Tuyết Orchids dành riêng một dẫy kệ trưng toàn lan Hồ Điệp đủ mọi mầu sắc. Đó là loại lan có thể gọi là “bình dân” vì giá rẻ, chỉ trên dưới $20 cho một chậu hoa trung bình với 2,3 cành đầy hoa. Lan Hồ Điệp là loại lan dễ nuôi dưỡng nhất và hoa thường tươi thắm được trên 3 tháng, lại ra hoa quanh năm nên rất thích hợp cho mọi gia đình không kể gì ngày Tết.
Bước dọc theo những căn lều là những gian bán đồ trưng bầy ngày Tết trong đó là những bó mai rừng lớn nhỏ đã được mang về từ rừng núi California. Màu vàng tươi thắm của mai rừng Cali trên những cành mai cứng thẳng đã quen với con mắt cộng đồng người Việt khi đi sắm Tết. Giá mai rừng năm nay có hơi nhỉnh hơn mọi năm. Mỗi bó 10 nhánh có giá trên dưới $50. Ít năm gần đây lại thấy xuất hiện loại mai rừng Hawaii cũng gọi là Mai Nhật. Hoa to hơn mai rừng Cali và chi chít trên cành nhiều hơn, cũng mầu vàng và có như vàng đậm hơn mai rừng California. Tất nhiên loại mai này giá có đắt hơn mai rừng Cali nhưng bán lại khá chạy.
Năm cô gái chị em ruột Hạnh, Nga, Hoa, Sen và Mỹ Dung, “ngũ linh công chúa” của một gia đình cựu quân nhân, ríu rít đi chọn hoa ngày Tết vui vẻ cho biết: “Cả nhà chỉ thích hoa mai dù là mai rừng Cali nhưng nó vẫn gợi đến xuân và Tết quê nhà.”
Chủ nhân nhà vườn Mai Cali đang trình bày về Mai California. chợ hoa Phước Lộc Thọ. (Hình: Uyên Nguyễn/ Người Việt)
Bác Lai Chương, cư dân Westminster, ôm bó mai rừng, thận trọng tránh người qua lại như sợ những cánh mai nhỏ bé xinh xinh rụng mất, bác cười cười nói: “Bó hoa này tuy đã nở rộ rồi nhưng được cái là rẻ, có ba chục bạc thôi. Mang về trưng là thấy Tết. Ngày xưa ‘chinh chiến kỷ nhân hồi,’ nhạc sĩ Nhật Trường có ghi hộ tâm trạng cho chúng tôi rằng ‘Nếu mai (ven rừng hành quân) chưa nở thì không biết xuân về hay chưa.’ Bây giờ sống trong cảnh yên bình, dù trong tuổi hiu hắt về già thì bó mai này là quê hương chưa biết ngày nào được trở lại của những người lính cũ”.
La cà vào những gian hàng bán đồ trang trí cho ngày Tết, thì thôi thật là hoa mắt. Từ những đồ chơi trẻ em “xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng” đến những chậu hoa giả mà đẹp như thật, được bầy la liệt xen với những bánh pháo điện kêu lẹt đẹt cũng vui tai. Có một điều là năm nay, các phong bao mừng tuổi bầy bán đã thay đổi lối trình bầy. Không còn những câu chữ Tàu Phước Lộc Thọ, Cung Chúc Tân Xuân với những em bé và hình ảnh đỏ rực mầu sắc Trung Hoa như trước, mà là những phong bao mang hình thái Việt Nam với những hình ảnh hái dừa, quê hương đất nước và những dòng chữ “nôm na” Chúc Mừng Năm Mới, Mọi Điều Như Ý, Hạnh Phúc No Đủ… Không biết đây có phải là kết quả của anh chị em Viện Việt Học đã phát động thành công kêu gọi đồng hương thay đổi những phong bao mang nặng văn hóa Tầu, thay bằng những hình ảnh dân dã Việt Nam từ ba bốn năm nay không?
Còn mười ngày nữa mới đến Tết nhưng phố phường ở Little Saigon đã nôn nao nhộn nhịp. Dọc đường Bolsa, đoạn từ Brokhurst đến Magnolia đã được thành phố Westminster chuẩn nhận tên đường mới là Trần Hưng Đạo St, cờ Vàng lại cùng quốc kỳ Hoa Kỳ tung bay trong nắng đầu xuân ấm áp tình người Việt Nam đang đón Tết.
Tết đang đến với cộng đồng người Việt tị nạn không chỉ ở khu Phước Lộc Thọ mà lan tràn tại các khu “chợ xép” bên cạnh Super Market ABC, rải rác trong các khu phố quanh trung tâm Little Saigon.
Quả thật người Việt di tản đã “Mang Theo Quê Hương”góp vào nền văn hóa đa chủng của xứ sở văn minh phồn thịnh nhất thế giới này.
Mời độc giả xem phóng sự cộng đồng “Khai mạc chợ hoa xuân Tết Mậu Tuất 2018”