Một trăm ngày thay đổi định mệnh Ukraina
Hàng loạt gánh nặng nề chờ tân Tổng thống Ukraina Petro Porochenko : tái lập quyền lực nhà nước tại miền đông, quản lý và cải cách nền kinh tế suy sụp. Tổng thống thứ năm của Ukraina từ khi độc lập còn phải thương lượng với Matxcơva món nợ khí đốt. Với tư cách nguyên thủ do dân bầu (54%), ông cam kết sẽ đem lại hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ và ký thỏa thuận liên kết chính trị với Liên Hiệp Châu Âu.
Chỉ trong vòng ba tháng, người dân Ukraina bằng quyền dân tộc tự quyết đã đưa đất nước vào một hướng đi mới. Sau những cuộc biểu tình tại quãng trường Maiden kết thúc bằng xung đột, họ đã lật tổng thống tham ô và thân Nga Victor Ianoukovitch. Để củng cố nền độc lập, người dân Ukraina khẳng định chiều hướng thắt chặt quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, quyết tâm tiêu diệt tham nhũng và tàn tích quá khứ xô-viết.
Ngay lập tức, nguyện vọng của đại đa số người dân Ukraina đã bị chính quyền Nga cản trở bằng các hành động xâm chiếm Crimée. Nhà phân tích Alain Guillemos, cựu phóng viên của AFP tại Kiev, tác giả quyển sách “Même la neige était orange” (đến tuyết cũng màu cam) cho rằng thái độ này chỉ đào rộng thêm hố sâu chia cắt Ukraina với Nga và càng làm cho người dân nước vệ tinh cũ của Liên Bang Xô Viết quyết liệt hơn trong tinh thần bảo toàn chủ quyền lãnh thổ và quay theo Âu Mỹ.
Chiều hướng này đã được xác định qua cuộc bầu cử tổng thống ngày 25/05/2014 vừa qua, được đặt dưới sự cố vấn của một chiến lược gia Đức mà nhà phân tích Âu Dương Thệ sẽ trình bày trong phần phỏng vấn dưới đây.
Tuy phe ly khai thân Nga sử dụng bạo lực cưỡng chế, phong tỏa các phòng phiếu ở Donetsk, chỉ có 20% phòng phiếu mở cửa tại miền Đông cho cử tri đi bầu, nhưng trên toàn quốc tỷ lệ người đi bầu rất đông đảo.
Quan sát viên của tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu OSCE nhận định đây là một cuộc bầu cử nghiêm túc trừ một số phòng phiếu có « vấn đề », nhưng tất cả các « bất thường » này xảy ra trong vùng có bạo loạn.
Đúng như dự đoán, Petro Porochenko, doanh nhân tỷ phú thân tây phương, cựu ngoại trưởng, đắc cử ngay vòng một với hơn 54% phiếu bỏ xa đối thủ nặng ký nhất là cựu nữ thủ tướng Ioulia Timochenko đến hơn 30 điểm.
Một chi tiết làm an tâm công luận là trong khi phe cực hữu lên điểm trong cuộc bầu cử Nghị viện Liên Hiệp Châu Âu thì tại Ukraina, ứng cử viên tổng thống của phe dân tộc chủ nghĩa chỉ được có 1% phiếu tín nhiệm. Sự kiện này tự nó đã phản bác lập luận của tổng thống Nga Putin cho rằng phong trào tranh đấu tại Ukraina là « phát-xít ».
Tối chủ nhật 25/05, ngay sau khi biết chắc đắc cử với hơn 54%, tổng thống tương lai Ukraina đưa ra lời cam kết : đem lại hòa bình cho miền đông, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chiếm lại Crimée và đưa con tàu đất nước nhắm hướng châu Âu.
Cùng lúc ông bắn tiếng muốn gặp giới lãnh đạo Nga để đối thoại.
Tổng thống mới để cho lãnh đạo đối lập Ioulia Timochenko phát biểu một nguyện vọng khác của Ukraina, nhạy cảm đối với Matxcơva, là « vận động gia nhập » Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Nato, chiếc dù quân sự ngăn chận Nga xâm lấn.
Để khẳng định các quyết tâm chính trị trên đây, tổng thống tương lai cho biết : trong nước ông sẽ đến thăm miền Đông Ukraina và bên ngoài ông sẽ công du Ba Lan, quốc gia láng giềng hết lòng bênh vực Ukraina trong Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Là một người có tiếng « thực dụng » tổng thống tương lai của Ukraina bắn tiếng muốn gặp giới lãnh đạo Nga để đối thoại. Nhưng Ukraina 2014 không phải là Ukraina vô tư của cách mạng màu cam 2004. Mười năm trước sau khi tranh đấu thành công, dân chúng quay về nhà với niềm tin lý tưởng. Giờ đây, tổng thống Petro Porochenko bị Maidan canh chừng từng cử động nhỏ trong quan hệ với Nga.
Theo nhận định của báo Mỹ Wall Srteet Journal thì Ukraina «đã dứt khoát chọn con đường theo Âu Mỹ và mặc dù súng vẫn nổ ở Donetsk, nhưng niềm hy vọng đã bừng lên».
Quan hệ Nga- Ukraina tương lai sẽ đi về đâu?
Năm 1997, ông Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã đưa ra nhận định như sau: «Ukraina độc lập sẽ đẩy nước Nga vào tận cùng miền viễn đông của châu Âu. Không có Ukraina, nước Nga chấm dứt vai trò của một cường quốc Âu-Á. Ngược lại, nếu kiểm soát được Ukraina, Nga sẽ nắm được các phương tiện để phục hồi sức mạnh của một đế quốc». Theo nhiều nhà quan sát, câu trả lời tùy thuộc vào khả năng của Ukraina củng cố nền độc lập và sự lựa chọn của Putin có muốn sang trang sử mới hay tiếp tục hận thù và tham vọng địa lý chiến lược.
Được RFI đặt câu hỏi, Tiến sĩ chính trị kinh tế Âu Dương Thệ, từ Dormund, Liên bang Đức, phân tích qua cuộc phỏng vấn sau đây:
Tương lai Ukraine sau cuộc bầu cử Tổng thống thành công
Kết quả bầu cử Tổng thống ở Ukraina ngày 25. 5 nói lên những gì đặc biệt?
Mặc dù có khủng hoảng nghiêm trọng trong nội bộ và sự đe dọa rất lớn của Nga, nhưng ngày Chủ nhật 25.5, 65% trong tổng số 35 triệu cử tri Ukraina đã tham gia bầu cử rất đông, rất trật tự, ngoại trừ vài khu vực phía Đông do quân khủng bố kiểm soát. Chỉ ít ngày trước đó dư luận quốc tế rất quan ngại là liệu bầu cử này có thể diễn ra được không.
Đặc điểm nữa là cử tri Ukraina đã bầu tập trung cho ứng cử viên Tổng thống, ông Petro Porochenko, một tỉ phú và chủ nhân một hãng sản xuất sô-cô-la nổi tiếng ở Ukraina, khiến ông đã chiếm được 56% tổng số phiếu, tức là đắc cử ngay trong vòng đầu, không cần một cuộc bỏ phiếu lần thứ hai. Nhờ vậy Tổng thống mới được coi như có hậu thuẫn rộng rãi của nhân dân Ukraina và nhờ thế có uy tín quốc tế tốt để tạo thế đàm phán vững vàng với Nga.
Vận động của Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và đặc biệt của Đức? Từ đâu mà bầu cử ở Ukraina có thể diễn ra tốt đẹp mặc dù phe thân Nga kiểm soát miền đông?
Dĩ nhiên, lý do đầu tiên phải nói là nhân dân Ukraina đã tỉnh táo trong cuộc bầu cử, nên đã không bầu cho các nhóm cực đoan mà chỉ tập trung bầu cho Porochenko một chính trị gia tương đối còn trẻ (48 tuổi), nhưng có nhiều kinh nghiệm chính trường trong nhiều năm. Nhân dân Ukraina kỳ vọng là làm như thế sẽ tạo ra một chính quyền có chính nghĩa trong cuộc đàm phán với Putin.
Nhưng mặt khác cũng phải thấy, kết quả tốt trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraina có sự đóng góp rất tích cực về nhiều lãnh vực của Hoa kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, trong đó đặc biệt sự ủng hộ của chính phủ Đức dưới quyền Thủ tướng bà Angela Merkel. Như chúng ta biết, sau cuộc hội đàm suốt 4 giờ với Tổng thống Obama tại Tòa bạch ốc vào đầu tháng 5 mà chủ đề chính là cuộc khủng hoảng Ukraina; với kết quả là Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel đã thống nhất với nhau trong phương pháp và lịch trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina, đặt ưu tiên hàng đầu là phải tranh thủ để cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraina diễn ra đúng như dự tính là ngày 25.5. Cả hai nguyên thủ Mỹ-Đức cũng đã đồng ý là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu phải gia tăng áp lực ngoại giao và tài chánh với Putin và cảnh cáo có thể phải phong tỏa cả kinh tế của Nga.
Liền đó một loạt các biện pháp đã được khai triển: Tổng thống Thụy sĩ Burkhalter, đồng thời là Chủ tịch đương nhiệm của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu OSCE đã hội đàm với Tổng thống Putin ở Matxcơva. Mở Hội nghị bàn tròn giữa chính quyền tạm thời ở Ukraina với đại diện các tổ chức chính trị, kinh tế, tôn giáo và nhân sĩ Ukraina để tạo một không khí hòa giải và thông thoáng cho không khí chính trị trước cuộc bầu cử Tổng thống dưới sự cố vấn của nhà ngoại giao kỳ cựu Đức ông W. Ischinger, Giám đốc Viện Chiến lược của Đức.
Song song nữa là các cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Merkel với Tổng thống Putin và mới đây cuộc điện thoại tay ba của hai người trên với Tổng thống Pháp Hollande.
Vì thế cuộc bầu cử thành công ở Ukraina đã tạo một không khí nhẹ nhõm không chỉ trong chính giới và dư luận Đức, mà cả trong Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.
Thái độ “hòa dịu” của Putin sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine được nhìn như thế nào?
Ngay sau khi cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraina thành công, ông Putin đã công khai cho biết sẽ nhìn nhận quyết định của nhân dân Ukraina và trong cuộc điện đàm tay ba với Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel ông cũng lập lại ý tương tự. Tiếp đó Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng tuyên bố sẽ sẵn sàng đàm phán với chính quyền mới của Ukraina.
Thái độ gọi là “biết điều“ của Tổng thống Putin có thể giải thích từ một số lý do khiến ông đã có những cân nhắc mới: 1. Các áp lực ngoại giao, tài chánh của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu từ vài tháng nay đã gây những hậu quả bất lợi rất rõ ràng cho Nga, như tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm nay ở mức Zero; các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt Liên Hiệp Châu Âu , có thế rút tới 100 tỷ USD khỏi Nga trong năm nay. Đây là những điều mà Tổng thống Putin không thể không cân nhắc. 2. Nay Ukraina đã có một chính phủ mới với sự hậu thuẫn của đa số nhân dân, lập luận trước đây của Putin là không đàm phán với chính quyền đảo chánh ở Ukraina không còn đứng vững. 3. Ngoài ra, nhiều kênh ngoại giao giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu vẫn diễn ra âm thầm ở nhiều cấp trong thời gian qua. Đặc biệt các cuộc điện đàm song phương thường xuyên với Thủ tướng Merkel và mới đây với cả Tổng thống Hollande có thể giúp Putin giải tỏa được khó khăn tâm lý là không bị mất mặt trong việc xuống thang trong cuộc tranh chấp với Ukraina.
Tương lai của Ukraina tùy thuộc những điều kiện nào?
Tổng thống mới của Ukraina cho biết chủ trương và lịch trình làm việc đầu tiên: Hợp tác tốt với Liên Hiệp Châu Âu và tái lập quan hệ với Mạc-tư-khoa. Sau lễ nhậm chức Tổng thống vào 8.6, ông sẽ đi Ba Lan để gặp Tổng thống Obama và đại diện của Liên Hiệp Châu Âu, sau đó sẽ thăm Nga gặp Putin. Về chính sách nội trị, ông chủ trương tha thứ cho những ai từ bỏ bạo động và những người gốc Nga ở Ukraina có quyền giữ ngôn ngữ của họ.
Qua các tuyên bố đầu tiên này cho thấy, trong nước ông Porochenko muốn hòa giải với nhóm người gốc Nga ở phía Đông và Nam Ukraina và về ngoại giao ông muốn dựa lưng vào Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu để thương lượng trong thế tốt với Putin. Cuộc hành quân đang diễn ra của quân đội Ukraina chiếm lại phi trường ở Donetsk từ nhóm phiến loạn có thể là thước đo về thiện chí thực sự cả cho Tổng thống Nga Putin lẫn tân Tổng thống Ukraina Petro Porochenko.
Tương lai Ukraina trong thời gian tới sẽ như thế nào tùy thuộc: 1. Sự ủng hộ của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu cả trong ngoại giao, kinh tế và tài chánh. 2. Mức độ thức tỉnh của Putin như thế nào, thực sự hay chỉ là xảo thuật? 3. Hai việc trên lại tùy thuộc rất lớn tới sự khôn ngoan của tân Tổng thống Ukraina: Có hòa giải được các lực lượng trong nước để cô lập các nhóm quá khích không? Có cải thiện mau chóng và hiệu quả trong kinh tế, tài chánh và chống tham nhũng không? Nếu giải quyết tốt được các khó khăn trên thì ông Porochenko sẽ trở thành Vua“ sô-cô-la „ngọt“, bằng không thì chỉ là “sô-cô-la tồi”, gặp nóng chảy thành nước vô dụng!
Riêng đối với Việt Nam , nếu cuộc khủng hoảng Ukraina sớm được giải quyết thì sách lược chuyển trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Obama sẽ được triển khai nhanh, điều này sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.