Một Thời Để Thương, Một Thời Để Nhớ… – Phan Văn Song
Tản Mạn Mùa Tảo Mộ: hay Một Thời Để Thương, Một Thời Để Nhớ…
Il ya un temps pour tout, …un temps pour aimer,…
un temps pour faire la guerre, un temps pour la paix. –
Chúng ta có một thởi cho mọi viêc, …một thời để thương,
một cho chiến tranh, một thời cho hòa bình.
Sách Ecclésiaste 3 : 1 -8
Phan Văn Song
1/ Mùa Tảo Mộ, Lễ Các Thánh: Thương, Nhớ và Trân Quý:
Hôm nay, ngày 31 tháng 10, đã hơn nửa mùa Thu rồi mà thời tiết như mùa hè nóng bức. Năm nay thời tiết của arrière-saison – tiếng Pháp không dùng tên gọi été indien để chỉ một đầu mùa Thu đẹp – quá đặc biệt, ấm và đẹp! Quả nhiên, đầu Thu năm nay, Pháp đẹp thiệt! Lá đỏ ửng hồng trên một bầu trời xanh trong sáng, với những buổi chiều đầy nắng ấm. Các bãi biển vẫn đầy người, vẫn còn người tắm, vẫn còn người phơi nắng; các sân vỉa hè-terrasses trước các tiệm càphê khách ngồi đầy, cà kê thưởng thức, nhâm nhi kẻ ly bia, người ly cà-rem, ly nước ngọt giải nhiệt, ngắm người qua lại, nói chuyện trời trăng. Trái với thông hường mùa nầy, không còn terrasses, khách hàng chen chúc, co ro vào tận trong cùng các quán càphê, kẻ tách nhỏ cà phê nóng uống vội, người tà tà ôm trọn tách cối chôcôla sữa nóng trong lòng hai bàn tay, vừa thổi vừa uống.…
Và chiều nay, chiều thứ sáu cuối tuần, bắt đầu ba ngày mùa tảo mộ, ba ngày lễ Toussaints-lễ Các Thánh. Đúng vậy, xứ Pháp chúng tôi, truyền thống Thiên chúa Giáo La-mã giành ngày đầu tháng 11 làm ngày Tảo mộ. Khác với truyền thống Á Đông văn hóa Hán thuộc (Tàu, Nhựt, Hàn, Việt?), lễ tảo mộ vào tiết Thanh Minh đầu tháng ba mùa Xuân: Thanh Minh trong tiết tháng ba, lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh… (Kim Vân Kiều, Nguyễn Du). Ngày 1/11 còn được Công luật và luât Lao động Pháp biến thành ngày nghỉ lễ –jour férié, ở nhà ăn lương. Riêng ngày 2 tháng 11, luật đạo Thiên Chúa đặt thêm Ngày Lễ cho các Người Chết – Fête des Morts, được các giáo hữu Thiên Chúa Giáo La mã chuyển dịch thành lễ Toussaints – Ngày Lễ Các Thánh – làm như ai chết cũng thành thánh cả!
Do đó ngày thứ sáu hôm nay, giao thông Pháp bị nạn kẹt xe tùm lum. – các con cháu lo trở về làng xã, nơi có mồ mả cha mẹ tổ tiên để tảo mộ, sơn quét dọn dẹp và đặt hoa trên mồ mả ông bà. Các cửa hàng bán hoa tha hồ hốt bạc bán hoa, loại đặc biệt cho mùa tảo mộ là hoa Cẩm chướng, tiểu đoá hoặc đại đóa– Chrysanthème. Hoa chrysanthème – hoa tượng trưng cho Hoàng Gia Nhựt bổn (mầu trắng) – ở Pháp đủ mầu, là hoa chỉ giành riêng cho các mồ mả, không ai chưng ở nhà cả, mà cũng chẳng ai trồng trong vườn cả, nên muốn có Chrysanthéme đành phải đi mua thôi!
Riêng phe Việt Nam Cộng Hòa ta, ngày 1 tháng 11 cũng là ngày kỷ niệm cuộc lật đổ đệ nhứt Cộng hòa và khai sanh đệ nhị Cộng hòa. Cũng có lúc ngày 1 tháng 11 cũng được làm Ngày Quốc Khánh Việt Nam Cộng Hòa. Theo thiển nghĩ, chúng ta nên biết trọng nhau, để qua một bên một trang sử đau buồn của miền Nam Việt Nam. Hãy quên đi tôi phò ông Bảo Đại, trách ông Diệm, bác phò ông Diệm, Cần Lao, chống ông Thiệu và các Tướng lãnh. Chẳng qua là gặp thời thế, thế thời phải thế. Chúng ta nên trân trọng tất cả những cố gắng, những đóng góp của các tiền nhơn, đi tìm Độc lập cho Việt Nam, đi tìm lại một quốc gia Việt Nam Thống nhứt, Độc lập, Tự do của tất cả những người quốc gia yêu nước.
Hãy trở lại cái khởi thủy- la génèse- trở lại cái khai sanh của tinh thần Quốc gia Việt Nam, cái thành hình của Quốc gia Việt Nam cụ thể và thật sự: Với Hiệp Ước Élysée ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Vincent Auriol nhơn danh Cộng Hòa Pháp trả độc lập lại cho Việt Nam cho cựu Vua Bảo Đại.
Pháp cướp Độc lập Việt Nam trong tay Vua nhà Nguyễn – Vua Tự Đức năm 1885, trả Độc lập năm 1949 trong tay vua Nhà Nguyễn – Vua Bảo Đại. Một biểu tượng phải trân quý: Tham khảo, đối thoại, ký kết, ngoại giao, không đổ máu, không hiềm khích, tranh chấp đất đai, giữa những gentlemen với nhau. Đây là một văn bản ngoại giao, một văn kiện lịch sử, một gentlemen agreement, giữa hai lãnh đạo hai quốc gia, một bên Tổng thống Pháp, một bên một cựu lãnh đạo đã được nhơn hào dân sĩ và tất cả các đảng phái chánh trị quốc gia nhiệt liệt ủng hộ và đồng tâm bầu lên, ngày 27 tháng 5 1949 tại HongKong.
Với lá Quốc kỳ vàng ba sọc đỏ, với Quốc ca Tiếng gọi Công dân, với Thủ đô Sài gòn, Quốc Gia Việt Nam ra đời ngày ngày 1 tháng 7 năm 1949.
. Cựu Hoàng Bảo Đại là Quốc Trường đầu tiên. Thủ đô là Sài-gòn.
Sài gòn thủ đô, sau Huế và Hà nội, để nói lên cái thống nhứt ba miền, cái tân thời của Nam Việt do cuộc Nam Tiến tạo thành, cái phì nhiêu của vùng đất mới. Đất miền Nam là đất mới, sung mãn, tương lai, cởi mở. Sài gòn cũng là bến cảng, là thương mại, ngoại thương, là cửa ngõ ra Thế giới. Đối lại với Hà nôi ngàn năm văn vật, đối lại với Huế cổ kính, Thần kinh, nhưng cả hai là những thủ đô của thời quân chủ xa xưa, đóng kín, bế môn tỏa cảng, và cũng đã là thủ đô của hai vùng tranh chấp Đàng Trong Đàng Ngoài, 200 năm nội chiến phân tranh.
Chánh phủ lâm thời chuyển tiếp là Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân. Và ngay sau đó là chánh phủ Bảo Đại, Vua Bảo Đại vừa Quốc trưởng vừa là Thủ tướng khai mạc mở màn vận nước từ nay Độc lập, Tự do và hoàn toàn không Cộng sản.
. Quốc ca là bài Tiếng gọi Công dân
. Quốc kỳ Quốc gia Việt Nam mầu vàng ba sọc đỏ phất phới từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà mau từ 1 /07/1949 đến 20/7 /1954.
Thể chế Quốc gia Việt Nam kết thúc ngày 26 tháng 10 năm 1955. Tuy nhiên, sau ngày 20/7/1954, đất nước ranh giới Quốc gia Việt Nam, dủ chỉ còn nửa nước, nhưng tinh thần quốc gia và sau nầy dù có đổi tên chế độ thành Cộng hòa vẫn được duy trì, vẫn tâm huyết ngày đêm tiếp tục đến ngày 30 tháng 4, ngày mất nước và vẫn sống mãi đến tận ngày hôm nay, năm 2014, công khai, trong sáng, hợp pháp trên xứ tỵ nạn, hợp lý trên quê người, ở Hải ngoại, và âm thầm, và giấc mơ của người dân quốc nội.
Tinh thần quốc gia đã tạo thành Quốc gia Việt Nam. Tinh thần Quốc gia cũng sau nầy, tiếp tục chuyển sang tạo thành Việt Nam Cộng Hòa dưới hai chánh thể: 26/10/1955 – 1/11/63 Đệ Nhứt Cộng Hòa, và 1/11/63 – 30/04/1975 Đệ Nhị Cộng Hòa
Hôm nay Mùa Tảo mộ, chúng ta nên giành một khoảng thời gian để thương, để nhớ, để trân quý:
Giỗ ngày mất của cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm, và ông Ngô Đình Nhu đã đành. Sao ta không nhơn cơ hội làm một cuộc giỗ lớn cho tất cả những anh hùng Vị quốc Vong Thân cho Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa? Quốc Gia trong nghĩa rộng.
Bài học ngày 1/11/63 cũng là bài học để thấy đây là tinh thần Dân chủ.
Dân bầu được thì dân lật được.
Bao nhiêu người lãnh đạo, một thời gian cầm quyền, say máu ngà, quên dân chủ, bắt đầu độc tài, ở lì, ở miết, dân nổi dậy lật đổ.
Mùa Xuân Ả Rập, Cách mạng Mầu, … tất cả là những bài học Dân chủ.
2/ Một Thời Để Thương, Một Thời Để Ghét:
Cách đây hai tuần chúng tôi có viết một bài tham luận nói quan điểm chúng tôi sau khi đọc cuốn Đèn Cù của tác giả Trần Đĩnh. Thú thật, sống và lớn lên ở Nam Việt Nam, được giáo dục trong tinh thần công dân một Quốc gia Việt Nam, làm việc, hoạt động trong không khí văn hóa tự do dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa, được huấn luyện và đào tạo bởi một gia đình và một đại gia đình đảng viên Đại Việt, cá nhơn chúng tôi không «hạp» với Công sản, với ý thức hệ cộng sản, với con người của những đảng viên Cộng sản, cũ hay mới, tại chức hay về hưu, xét lại, hay tỉnh ngủ, giả dối hay ngây thơ, Atêka, hay đi B… Trường Sơn Đông hay Trường Sơn Tây… và kể luôn cả não trạng, văn hóa, văn phong, nói tóm lại, tôi hổng chơi, dẹp, và để qua một bên, không thèm để ý.
Tôi sở dĩ lên tiếng về cuốn Đèn Cù vì tự nhiên tôi thấy thiên hạ «khen» một cuốn sách của một nhơn vật, bổng nhiên tỉnh ngủ và kể chuyện đời xưa, và đập phá thần tượng, nên tôi đâm ra nghi ngờ, nên tôi phải lên tiếng cảnh giác, mở Đèn Warning thay thế Đèn Cù, cảnh báo bà con cô bác họ hàng, chiến hữu, bằng hữu gia đình thằng tui. Trần Đĩnh đập phá thần tượng? Thần tượng nào? Chủ tịch nước? Thủ tướng nước ngày nay? Đâu có phải thần tượng của bây giờ đâu? Thần tượng hồi đó… hồi tác giả đã thấy, đã sống ngay hồi cái thời xa xưa ấy rồi, chẳng những sống, phục vụ, điếu đóm thần tượng mà tác giả còn thuộc loại công tử quý phái, ăn trên ngồi trốc nữa! Và tôi khinh cái tỉnh ngủ trễ tàu, cái tỉnh ngủ theo thời đại, cái tỉnh ngủ viết để bán sách, để người ta biết mình, xu thời, vớt vát, lợi dụng. Thà như Tô Hoài dám tự nhận mình là thằng hèn. Nhưng cũng phải chờ đến 80 tuổi mới nhận mình hèn.
Kính mời quý độc giả nếu có dịp đọc bài tham luận «Đừng để ánh sánh Đèn cù che lấp Quyền nổi dậy lật đổ Bạo quyền» của chúng tôi, quý vị sẽ nhận rõ quan điểm của chúng tôi.
Với tôi, Đèn Cù là một hiện tượng «Xã Xúp báp» có chỉ đạo. Người đọc Đèn Cù, lòng dạ hả hê, được đọc cái tố, được đọc cái chưởi, nghe người chưởi, và ăn có mình cũng chưởi theo, quên rằng cái thằng cha chưởi và thằng cha bị chưởi, hai thằng cùng cá bè một lứa, đã từng cùng nhau bóc lột, lợi dụng ta, lợi dụng người dân.
Tôi cũng không thích và tôi ghét. Khi tôi ghét là tôi ghét cả, văn phong, cách viết, cách xài từ, cách phát biểu. Tôi lớn và sống trong Nam, trong chế độ Việt Nam Quốc Gia, Việt Nam Cộng Hòa, tôi không nói và viết tiếng Việt như vậy, vì đấy là không phải văn hóa của tôi. Tôi không cùng văn hóa, nên tôi không cùng não trạng. Không xách mé, không úp mở. Không nói nửa chừng xuân, không nói lóng, không nói xa, nói gần. Không dùng tên giả, tên bịa, tên láo. Không ngày giả tháng láo, không bịa ngày sanh, tạo ngày chết.
Và có một ông độc giả báo Việt Luận – Sydney – Úc châu, đọc bài tôi, không bằng lòng bèn viết vào mục độc giả góp ý. Tôi không đăng lại lời ông độc giả. Bài trả lời của tôi nói rõ cái ý kiến, và quan niệm của tôi đối với bài viết, văn phong của tôi và quan niệm chữ nghĩa của tôi.
Đôi lời kính gởi quý độc giả, gọi là chia sẻ. Xin lỗi trước tất cả những bạn nào bảo rằng đây là chuyện riêng giữa cá nhơn tôi và người độc giả báo Việt Luận. Thiển nghĩ rằng không, vì tôi mong được chia sẻ cùng quý độc giả đã cùng tôi trao đổi những nhân định, nhơn sanh quan và quan niệm từ mấy năm nay.
3/ Đôi lời cảm ơn những góp ý của ông Trần Văn Cầm, độc giả báo Việt Luận ở Sydney–Úc đại Lợi.
Kính thưa ông Trần Văn Cầm,
Trước hết cho phép tôi gởi đến ông những lời cảm ơn chơn thành và nồng nhiệt nhứt, sau đó đôi lời cám ơn đặc biệt báo Việt Luận đã mở mục ý kiến độc giả cho hai bài góp ý của ông Trần Văn Cầm. Đó là một vinh hạnh lớn cho người viết. Bất cứ một tác giả bài tham luận nào cũng rất hân hạnh được hồi đáp, phản biện, đóng góp, từ các độc giả. Tôi cố tình dùng từ Tham luận chứ không dùng từ bình luận, vì tôi tham gia luận bàn với các độc giả báo Việt Luận hay với các độc giả các báo điện tử (tôi hoàn toàn không biết rằng từ tham luận chỉ dành riêng cho các hội nghị, đúng hay sai xin chỉ giáo) Thiển nghĩ rằng tất cả chúng ta họp thành một bàn tròn rộng lớn trên thế giới, tham gia suy nghĩ bàn luận đến những vấn đề chúng cần quan tâm hay tò mò để hiểu biết hay tham gia đóng góp, trao đổi, giải trí kiểu chuyện tiếu lâm hay thời sự văn hóa. Vì vậy tôi đánh dấu hỏi trên tựa đề, vì đây là một đề nghị chứ không là một xác định, kêu gọi. hay yêu cầu. Tôi đề nghị cái nhìn của tôi, gợi sự tham gia, đồng ý hay không là việc thứ. Vì vậy tham luận.
Còn bình luận? Cao siêu quá! Cá nhơn tôi không dám phê bình phân tách một văn phẩm hay một bài viết của ai cả, tôi chỉ là một cựu thầy giáo, không phải là một người viết văn, hay một người viết phê bình văn học. Mà nghề thầy giào là chia sẻ kiến thức, chuyển đạt hiểu biết thông tin văn hóa, khoa học hay nghề nghiệp. Bài viết chỉ phát biều ý kiến, nói tôi không thích hay tôi thích. Khi tôi thích, thích tất cả, kể cả những cái tật, khi tôi không thích, tôi không thích tất cả kể những cái, có thể là tốt đối với người khác ý kiến tôi. Cho phép tôi dùng một ngạn ngữ ngoại quốc để nói lòng tôi đối với quốc gia tôi «It’s right, it’s wrong it’s my country!». Và Việt Nam Cộng sản ngày nay không phải là country- quốc gia của tôi. Tôi sanh trưởng ở Nam Việt Nam, giọng nói, cách hành văn, phát câu của tôi do cha mẹ thầy giáo giảng dạy tôi sao, bây giờ tôi nói và viết vậy. Ngày mất nước- nước của tôi là nước Việt Nam Cộng Hòa- tôi hụt hẩng hẳn khi phải làm việc với Ban K9 Quân Quản của Quân đội (Cộng sản) chiếm đóng, tôi nhiều lần phải phụ đề «bắc việt cộng ngữ» thí dụ tôi nói «tôi xin thuyết trình», xong tôi dịch luôn «tôi xin thuyết minh» cho họ hiểu ý rằng họ đang ở trên đất người, họ tuy phải nghe tiếng người, nhưng được tôi «chuyển ngữ» ra «tiếng họ» để họ hiểu… Tôi đúng tôi sai? Tôi đã trả giá bằng 4 năm tù rồi, và tôi vẫn hãnh diện với thái độ ấy. Giá phải trả quá rẻ, rẻ hơn giá tù đày của thằng em trung úy quân vận của tôi (9 năm). Trần Đĩnh, với tôi, không nói, không viết tiếng mẹ đẻ của tôi, vì vậy văn phong Trần Đĩnh tôi không hiểu. Mong ông Trần Văn Cầm và quý bạn thông cảm tôi và tôn trọng quyền lựa chọn của tôi. Tôi nhờ Ơn Chúa và cha mẹ, nhờ ráng học, nên nay tôi viết và nói được Pháp ngữ, Anh ngữ để nuôi thân. Nhưng tội nghiệp tôi, đừng buộc tôi học thêm Việt Cộng ngữ. Tôi không cần học «tiếng nói cộng sản» để chống Cộng – như ông đã dạy tôi – vì tôi chỉ biết chống bọn xâm lăng Hán ngụy đang đô hộ nước tôi thôi! và tôi không viết cho địch, tôi viết cho người dân trong nước những nạn nhơn của bọn Hán ngụy, nên tôi không cần học chữ viết và cách hành văn Hán ngụy! Tôi quá khích chăng? Có thể, vì từ năm tôi bị trục xuất, từ năm 1980, tôi không về lại Sài gòn, cha chết, mẹ mất cũng không về chịu tang. Bất hiếu? Hay quá khích?
Xin ông Trần Văn Cầm thông cảm cũng đừng bắt bí tôi rằng «Cộng Hòa» là một thể chế, và tên nước ta là nước Việt Nam ngắn gọn hai từ thôi, và ông nói đúng! Nhưng cái đau khổ của người Việt chúng ta là nước Việt Nam của chúng ta đang bị xâm chiếm, bị đô hộ, nên với tên Việt Nam đơn thuần, người ta sẽ hiểu lầm. Việt ngữ không có những tiếp-vĩ-ngữ để tạo một từ mới, tất cả dùng chung chung một từ «người Việt», bất kể đó công dân Việt Nam (Cộng sản), hay đó người Việt Nam tỵ nạn ở hải ngoại, chưa kể có kẻ còn lạm dụng ức hiếp chúng tôi, người Việt tỵ nạn cộng sản một cách vũ phu, chúng tôi «bị gọi là Việt Kiều»! Sự chiếm đóng của thế lực và quân đội ngoại lai – quân đội cộng sản quốc tế được việt hóa – hay lai ngoại quốc (ngày nay lai Tàu) – nầy không giúp cá nhơn tôi nhìn nhận cái đất nước nơi chôn nhao, cắt rún của tôi, với đất, biển, lãnh thổ, lãnh hải ấy là quê hương tôi. Nhưng đó là quan niệm riêng của tôi, tôi chỉ nói, gọi là tự giới thiệu, không chia sẻ và cũng không kêu gọi.
Tôi tiếp tục dùng những từ ngữ, ngữ vựng và cả văn phạm của người Đàng Trong, quê hương từ thế kỷ thứ 17 của gia đình giòng họ tôi. Những từ ngữ nầy theo tôi vẫn có mặt trong những án văn của những nhà đại văn hóa Việt Nam của tôi như Cụ Đồ Chiểu, Cụ Hồ Biểu Chánh,… xin phép chỉ nói riêng đến hai Cụ thôi. Thiết nghĩ nếu từ «nhơn» thay cho «nhân» mà các sanh viên học sanh trong nước xem là «xa lạ» thì tội nghiệp cho việt ngữ và tiếng việt của tôi quá! Tiếp tục viết văn với giọng văn của nơi sanh quán của mình là để chứng minh cái phong phú, giàu có của Việt ngữ. Tại sao ta phải tự bắt buộc và chấp nhận chỉ dùng những từ ngữ hay ngữ vựng hay cú pháp do văn hóa đô hộ (ngày nay là cộng sản Bắc Việt) sắp đặt, với những «đăng ký, chất lượng, ùn tắc, khẩn trương, giải phóng mặt bằng, có vấn đề, rất ấn tượng»… chúng tôi xin ghi nhận, không phủ nhận và có thể dùng như đã dùng những ngữ vựng vay mượn « cà phê, manivên, xàrông, mãtà, bẻghi, lốp xe hay cu li, xích lô, lô can, tapi, hủ tiếu, xíu mại, mại dô, phông tên, bẻ cua, lấy le, áo đầm, sơmi, quần sọt… xìlíp, xúchiêng…» của văn hóa thuộc địa Tây vậy! Tất cả nên thêm, không nên cột lại. Ông trách tôi viết sai với lý do là không tôn trọng tiêu chuẩn văn hóa, ký tự, văn phạm! tiêu chuẩn nào? thước đo ở đâu? Tại sao phải viết theo tiêu chuẩn Bắc Việt, chuẩn văn phải là Tự lực Văn đoàn, chuẩn thơ phải là Kiều của Nguyễn Du? mà không là thơ với Nguyễn Đình Chiểu với Lục Văn Tiên? hay văn với Hồ Biểu Chánh?… Tại sao khi hát tân nhạc phải hát giọng Bắc? Hãy nghe Trần Văn Trạch hát Chiều Mưa Biên Giới của Nguyễn Văn Đông với giọng Nam. Và hãy nghe kép Hoàng Giác, của gánh Kim Chung, Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô, ca Vọng cổ với giọng Bắc! Nhưng xin lỗi báo Việt Luận, xin lỗi Ông Trần Văn Cầm tôi đã lạc đề – ọt rơ hors jeu– việt vị rồi. (Ngày nay còn ai nói việt vị không?).
Còn nói về Trần Đĩnh và Đèn Cù, xin phép miễn bàn.
Tại sao tôi không thích mà tôi vẫn ráng đọc? Vì cuốn sách do người em tặng tôi, (khi tôi nói tiếc 25 dollars và cước phí là tôi tiếc tiền của chú em, tôi ở Pháp không có dollars).Vì tôn trọng em tôi, tôi phải ráng đọc cho hết, và sau khi đọc xong tôi mới trả lời với em tôi, sẽ cho ý kiến, và sẽ cám ơn chú em. Và đưa vào tủ sách, sắp chung với những sách việt ngữ với cùng các tác giả Việt Nam vần T- tôi sắp thứ tự theo Họ chứ không theo tên – tôi còn là người Việt không? Và tôi cũng không cho, không bán lại, không cho mượn, vì đó là món quà tặng, vì không phải của riêng của tôi. Cũng như khi mình đi ăn cơm khách, phải nếm và ăn sạch chén tất cả những gì bà chủ nhà mời mình. Đó là lễ phép. Kính lạy ba mẹ, con cám ơn ba mẹ đã giáo dục con như vậy. Đi ăn khách là không còn có ăn kiêng, không có lựa chọn. Vì đó là lễ phép, phải tôn trọng bà chủ nhà.
Cám ơn Báo Việt Luận
Cám ơn ông Trần Văn Cầm
Trả lời bài 2.
Riêng phần bài 2 về Nhơn quyền và Dân quyền.
Kính thưa ông Trần Văn Cầm.
Trước hết xin cám ơn Báo Việt Luân đã cho phép chúng tôi cùng ông Trần Văn Cầm trao đổi quan điểm nhận định.
Xin cám ơn ông Trần Văn Cầm lần nầy đã giao banh cho tôi.
Nhơn quyền là cái quyền tối thượng,
Bàn Tuyên Ngôn Nhơn Quyền và Quyền Công dân 1789-Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen 1789 là văn kiện duy nhứt nói đến Quyền Công dân.
Văn kiện đầu tiên nói về Nhơn quyền là Tuyên Ngôn Độc Lập Huê Kỳ ra đời năm 1776, đó là Bill of Rights. Sau đó là Tuyên Ngôn Nhơn Quyền và Quyền Công Dân (1789). Sau đấy có Bản Tuyên Ngôn Nhơn Quyền Phổ Quát Déclaration Universelle des Droits de l’Homme ngày 10 tháng 12 năm 1848. Lý do tại sao ngày 10/12 là Ngày Nhơn quyền của Thế giới. Và cuối cùng là Bàn Tuyên Nhơn Quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 tại San Francisco.
Xin nhắc rằng quyền Công dân cũng là một Nhơn quyền. Những Dân quyền (Droits Civils) cũng là Nhơn Quyền.
Mời Ông Trần Văn Cầm, nếu có dịp, nên đọc cuốn sách của Thomas Paine (1737-1809) tên là Rights of Man– Những Quyền Con Người (1791) viết để biện hộ cuộc Cách Mạng 1789 Pháp, trả lời bài viết của Edmond Baker chỉ trích Cách Mạng Pháp- answer to Mr Edmund Baker on French Revolution. Trong cuốn sách ấy Thomas Paine nói rõ quyền người dân nổi dậy làm Cách Mạng là một Nhơn Quyền tối thượng. Lúc bấy giờ trước Cách Mạng Pháp, người dân Pháp làm gì có Dân quyền. Dân Pháp là sujet– thần dân của Vua, chứ đâu phải Công dân- citoyen.
Chúng tôi có dịp, nếu Việt Luận cho phép, sẽ viết một bài đóng góp về những bản Tuyên Ngôn Nhơn quyền khác nhau. Cám ơn ông Trần Văn Cầm đã cho tôi dịp chia sẻ hiểu biết.
Riêng về Thiên Mệnh. Các Vua Chúa từ Đông đến Tây đều cho mình là Con Trời cả, không riêng gì Á đông hay Khổng tử. Clovis ông Vua đầu tiên của nước Pháp lên ngôi năm 481 cũng nhờ một ông Linh mục, Thánh Rémi, nhơn danh Thiên Chúa đội mão cho Vua. Napoléon Đệ Nhứt 1802, lên ngôi Hoàng đế cũng nhờ ông Giáo Hoàng làm lễ, Vox Dei là Ý Chúa. Nhưng Vox Populi, tiếng nói người dân cũng là Vox Dei. Tiếng nói cuối cùng vẫn là tiếng nói của Dân.
Trưa ngày hôm nay 9/10/2014, nhận được Báo Việt Luận qua bưu điện, đọc được bài góp ý thứ hai của ông Trần Văn Cẩm vội vàng trả lời. Tuy biết rằng sẽ không đăng kịp vào số báo ra ngày mai thứ sáu 10/10/ 2K14. Thế nhưng muốn viết trả lời cho kịp ngày kỷ niệm ngày 9/tháng 10/năm 1989. Đêm ấy, năm ấy, cả thành phố Leipzig-Đức (lúc ấy còn Đông Đức) không ngủ, xuống đường, thắp nến biểu tình đòi Dân chủ, với những tiếng la to: «Chúng tôi là Nhơn dân», «Chúng tôi nói tiếng nói Nhơn dân», «Chúng tôi đòi Tự do, đòi Dân Chủ»… Từ đêm ấy phong trào đòi Dân chủ lan rộng cả Đông âu, biểu tình liên tục. Đúng một tháng sau ngày 9, tháng 11, năm 1989 Bức Tường Bá Linh sụp đổ.
Ý Dân là Ý Trời. Ý Dân đã làm sụp đổ Bức tường Bá linh.
Cám Ơn ông Trần Văn Cầm một lần nữa.
Cám ơn Báo Việt Luận.
Phan Văn Song kính bút.
Kết Luận:
Những ngày gần đây có vài bạn cũng lên mạng chia sẻ những bực mình về Đèn Cù, về nhơn vật Trần Đĩnh, về từ ngữ lung tung khác lạ của cách nói trong nước, về văn phong và từ ngữ trong nước. Xin vài hàng chia sẻ và kêu gọi, mỗi anh em ta cố gắng khi viết bài ráng tránh dùng từ gọi là trong nước, nếu lặp lại, vì không tránh được nên dùng trong móc đôi.
Tôi không phải là nhà văn, nên lời văn tôi không chải chuốc, như tôi ráng viết chữ của «thời mình» hầu «tránh xâm phạm tiết hạnh văn hóa Việt Nam».
Hồi Nhơn Sơn, Mùa Tảo Mộ 2014.
Phan Văn Song