(Viết để bái vọng hương linh tướng Nguyễn Ngọc Loan, người đã một thời đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc CSQG)
Ở tuổi bảy mươi, người ta thường nghĩ đến hưởng nhàn, quên đi mọi sự đời để vui chơi đây đó cho khoẻ cái thân già. Tôi thì khác, tuổi càng cao, ký ức thời gian càng cuồn cuộn dâng lên, lôi kéo hồn tôi tìm về quá khứ, một thời mà tôi đã sống và làm việc cùng với bạn bè, cấp trên, cấp dưới của tôi trong cái gia đình Cảnh Sát Quốc Gia đầy nhọc nhằn vất vả ấy.
Hơn bốn chục năm trôi qua, lòng tôi vẫn mang nặng những hoài niệm về một vị Tướng, người đã một thời đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia và Cục Trưởng cục An Ninh Quân Ðội.
Ông có cái tên gọi lên êm ái như tên của một nữ nhân, nhưng giới truyền thông và bạn bè đương thời thường gọi ông bằng một biệt danh “Sáu Lèo”. Chẳng biết biệt danh này do đâu mà có, nghe như đượm chất khôi hài, thế mà ông vẫn hề hà chấp nhận như một cái tên trời cho.
Ðó là tướng Nguyễn Ngọc Loan!
Ngày ông về làm trưởng tộc gia đình CSQG, tôi chỉ một lần được thấy ông mặc quân phục ka-ki màu vàng, đội chiếc mũ chào mào và đeo hững hờ cặp lon ba bông mai bạc trên đôi vai gầy guộc khi ông bước lên lễ đài trong buổi bàn giao.
Sau đó, chẳng biết ông để quên cặp lon ở đâu mà chỉ thấy ông đến nhiệm sở trong bộ cảnh bèo nhèo, quần dài, áo sơ mi cộc tay và đôi dép nhựa lẹp xà lẹp xẹp.
Ngay cả khi lên cấp tướng trang phục cũng vẫn thoải mái như vậy. Có ai cắc cớ hỏi ông ngôi sao để đâu, ông chỉ tủm tỉm trả lời:
– “Ngôi sao tớ gửi trên trời!”
Thời gian đó, tôi đang làm việc tại sở Tâm Lý Chiến dưới quyền chỉ huy của chánh sở Võ Lương, một quận trưởng CSQG có nhiều thâm niên công vụ và dày dạn kinh nghiệm. Ông vừa có tài ứng biến lại vừa khéo léo trong cách cư xử với mọi người.
Tôi và thi sĩ Quách Ðàm phụ trách soạn bài vở cho chương trình phát thanh hằng tuần của CSQG trên đài Saigon. Anh Quách Ðàm, ngoài tài viết đầy truyền cảm mà nhiều thính giả đã được thưởng thức mỗi khi anh cất tiếng lên trong chương trình Thi Văn Tao Ðàn do anh Ðinh Hùng làm chủ sự. Con người tài ba đó lại mang một cái tật “bất cần đời”, không xu nịnh cấp trên, không bon chen danh lợi để đến khi nhắm mắt lìa trần cũng vẫn chỉ là một phó Thẩm Sát Viên nhỏ bé.
Tướng Loan ngồi chức vụ chưa được bao lâu thì miền Trung và thủ đô Saigon bỗng bùng lên những cuộc chống đối chính phủ do nhà sư Thích Trí Quang phát động nhằm hạ bệ tướng Nguyễn Cao Kỳ ra khỏi chức vụ chủ tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương.
Miền Trung ồn ào biểu tình, lính tráng công chức thi nhau rã ngũ đào nhiệm!
Thành phố Saigon, vang động hò hét xuống đường, phố xá ngổn ngang bàn thờ Phật!
Trước cảnh dầu sôi lửa bỏng, tướng Loan đã tức tốc điều động một số sĩ quan an ninh quân đội và một số viên chức CSQG ra miền Trung để thay thế những cấp chỉ huy nhút nhát bạc nhược hoặc bị lôi cuốn vào những âm mưu đen tối. Những người được ông tuyển chọn đều có đầy đủ khả năng ứng phó và lòng can đảm dám gồng mình chấp nhận những hậu quả rủi ro đến với bản thân. Ðiển hình cho những nhân tố tích cực này là quận trưởng Võ Lương được bổ nhiệm giám đốc nha CSQG vùng I, quận trưởng Trần Minh Công giữ chức vụ trưởng ty CSQG Ðà Nẵng.
Tại thủ đô Saigon, tướng Loan đã cương quyết làm tròn sứ mạng của mình không phải bằng cách ngồi tại văn phòng chỉ tay hò hét ra lệnh mà bằng cách đưa cá nhân mình vào nơi sôi động. Vị tướng không giày không lon đó đã chấp nhận những ngày giờ sống bụi đời trên đường phố, sát cánh cùng đội ngũ nhân viên, trực tiếp nhận trách nhiệm và chia xẻ nỗi gian nan nhọc nhằn cùng thuộc cấp. Từng nơi từng lúc, ông tiến thẳng đến đám đông cuồng nộ, giải thích thuyết phục ai về nhà nấy, đồng thời kính cẩn vái lạy trước các bàn thờ Phật, xin phép được đưa ảnh tượng hương khói trở lại chùa chiền cho xứng đáng với vị trí trang nghiêm thờ phượng.
Bóng đen u ám của một biến cố ngậm ngùi đã được xua đi, Saigon và miền Trung lại rạng lên những tia sáng thanh bình.
Tướng Loan sau đó, đã thi hành quyết định của Hội Ðồng Quân Lực đích thân tiễn đưa “người hùng” Nguyễn Chánh Thi lên đường sang Mỹ chữa bệnh “thối mũi”, một căn bệnh thâm căn cố đế, hiểu theo nghĩa bóng, mà ông này đã nhiễm từ ngày 1-1-1960 sau cuộc đảo chánh hụt tổng thống Ngô Ðình Diệm.
Lần đầu tiên tôi được tháp tùng tướng Loan là dịp đi theo ông chánh sở Tâm Lý Chiến làm tin cho buổi phát quà Trung Thu tại cô nhi viện Gò Vấp.
Khi xe chúng tôi vào trong sân cục An Ninh Quân Ðội, đã thấy tướng Loan ngồi chờ sẵn trên xe Jeep lùn của ông, miệng phì phèo điếu thuốc, tay cầm chai bia 33 lắc qua lắc lại. Ông Dẫn tiến đến đứng nghiêm toan giơ tay chào thì tướng Loan phất tay như ra hiệu bảo về xe đi và nói:
– “Thôi, mình đi chứ.”
Lúc sắp khởi hành, tướng Loan bỗng xuống khỏi xe, tiến về phía chúng tôi và nói với tài xế của ông Dẫn:
– “Chú em ra ngồi phía sau, để tớ lái xe cho ông chánh sở.”
Trước một tình huống quá bất ngờ, ông Dẫn bị lúng ta lúng túng, chỉ còn biết ngồi cứng người như tượng gỗ, hai tay thu gọn trong lòng bắp vế. Tôi và tài xế đã phải nín cười đến đau cả bụng.
Tới cổng cô nhi viện, tướng Loan rời bỏ tay lái, lè phè lê đôi dép nhựa đi cạnh ông chánh sở uy nghi sắc phục lon mũ chỉnh tề đang giơ tay chào hàng quân tiếp đón. Thình lình, ông trưởng chi Gò Vấp, người phụ trách dàn chào chạy đến bên tôi hỏi nhỏ:
– “Nghe nói có chuẩn tướng đến, sao giờ này chưa thấy?”
Tôi chỉ tay về phía trong và nói:
– “Ông tướng kia kìa, người mặc thường phục đó.”
Trưởng chi thảng thốt kêu lên:
– “Chết cha! Tôi cứ tưởng đó là anh tài xế của ông chánh sở!”
Tướng Loan là vậy đó! Một con người bình dị, không câu nệ hình thức, không đặt nặng lễ nghi.
Hôm đó, chính vị tướng tổng giám đốc CSQG là người đã tạo nên một bầu không khí đầy ấm cúng, sưởi ấm những tâm hồn trẻ thơ sớm mang một số phận hẩm hiu từ lúc chào đời khi ông đến trò chuyện nâng niu vỗ về và tặng quà cho từng em nhỏ.
Câu ví: “Tướng Loan hiền như ma-sơ” có lẽ từ đó mà ra.
Thời gian sau, tôi được điều động về làm phóng viên cho toà soạn nguyệt san Rạng Ðông dưới quyền chỉ huy của đại tá Trần Văn Thăng, phó tổng giám đốc kiêm chủ nhiệm, thiếu tá chánh văn phòng Vũ Huy Ðức kiêm chủ bút và biên tập viên Nguyễn Hồng Nhuận Tâm giữ vai trò tổng thư ký.
Số báo đầu tiên vừa phát hành xong, bỗng anh Nguyễn Hồng Nhuận Tâm xin từ nhiệm, kéo theo hai nhân viên khác làm theo. Toà báo bảy người, giờ mất hết ba, bốn anh em còn lại cảm thấy buồn buồn, mặt ai cũng chảy dài như mặt ngựa.
Một buổi chiều, thiếu tá Ðức gọi chúng tôi, ông chậm rãi nói:
– “Người ta không muốn làm, ông tướng cũng không ép. Mấy anh em còn lại cố gắng làm cho tốt.”
Rồi ông quay sang tôi khẽ bảo:
– “Ðây là lệnh ông tướng, cậu sẽ làm tổng thư ký toà soạn. Mai sẽ có giấy tờ chính thức. Nếu cần thêm người, cứ cho tôi biết, văn phòng sẵn sàng giúp đỡ.”
Hôm sau, tôi lập phiếu trình xin thêm hai nhân viên bổ sung cho toà soạn. Một có khiếu về ăn nói, quần áo lúc nào cũng chỉnh tề, sẽ phụ trách đi xin quảng cáo để bảo đảm có đủ tiền trang trải ấn phí. Một có tài về hội hoạ lãnh phần trang trí và sắp xếp bài vở. Cả hai đều mang cấp bậc khiêm nhường phó thẩm sát viên. Tướng Loan đã chấp thuận ngay với lời phê “OK, viết cho beau (hay) vào.”
Hơn nửa tháng trời, anh em chúng tôi đã liên tục vật lộn với công việc. Phần tôi, khi về nhà lại phải lo đến nhà các ông Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng & để lo xin bài vở. Nói chung, tất cả mọi người đều nô nức làm việc, cố gắng tranh thủ thời gian để nguyệt san được ra đúng ngày cuối tháng.
Chuyện đời có lắm cái kỳ thú và trớ trêu bất ngờ!
Khi số báo mới vừa được xuất xưởng khỏi nhà in Xây Dựng, tôi được thiếu tá chánh văn phòng gọi lên tươi cười cho biết tướng Loan quyết định thưởng cho anh em chúng tôi mỗi người một chút tiền “bồi dưỡng”. Nói là một chút chứ thực ra rất rộng rãi khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Ưu đãi đó sau trở thành thông lệ làm ông chánh sở Tâm Lý Chiến Trần Văn Ðệ thốt lên:
– “Mỗi thằng làm báo là một ông vua!”
Vài anh ký giả báo ngoài nghe được tin này, ùn ùn kéo đến xin với tướng Loan cho đóng góp công sức với tờ nguyệt san không cần nhuận bút mà chỉ cần tướng Loan ký cho một giấy chứng minh thư cộng tác để đi đây đi đó cho tiện. Ông cảm ơn thiện chí của họ, nhưng không chấp thuận ngay mà lại uỷ thác việc cấp giấy cho thiếu tá chánh văn phòng. Ông này lại giao phó cho tôi xem xét đề nghị. Tôi nghĩ có điều gì không ổn, nên cứ tà tà ngâm việc dù họ đã giục tôi mấy lần.
Bừng một buổi sáng, thiếu tá Ðức ra lệnh cho tôi huỷ bỏ việc cấp giấy chỉ vì hai tay ký giả Quốc Quân và Kỳ Hùng đã có những đòi hỏi quá đáng, người thì xin bao thầu quảng cáo cho tờ báo, người thì dẫn ông kia bà nọ đến xin giúp đỡ áp phe này áp phe kia khiến tướng Loan bực mình không bao giờ cho gặp nữa.
Bất ngờ, vài bữa sau, ký giả Duyên Anh tức Vũ Mộng Long, dưới bút hiệu Thương Sinh, đã phạng anh em chúng tôi bằng một bài báo nhếch nhác trong mục “Sống Sượng” của nhật báo Sống do ông Chu Tử làm chủ nhiệm. Nội dung bài báo đầy tính chất tưởng tượng, moi móc lung tung, nào là chúng tôi làm việc lề mề chậm chạp, nào là văn phòng làm việc vắng như chùa bà Ðanh.
Tôi đọc bài báo thấy nóng cả mặt nên chạy ngay ra toà báo Sống tìm gặp Duyên Anh để hỏi cho ra lẽ. Một vài người quen cho tôi biết DA đi khỏi và hỏi tôi tìm anh ta có việc gì. Tôi than phiền về bài báo rồi lặng lẽ ra về .
Hai hôm sau, vừa bước vào sở đã nghe anh em kể lại vừa rồi ông chánh sở Tâm Lý Chiến Trần Văn Ðệ đến hỏi từng bàn xem ai là người đã đến toà soạn báo Sống tìm Duyên Anh. Tôi vội gõ cửa xin vào và nói cho ông biết tôi chính là người ông muốn tìm.
Ông không nói gì, lặng lẽ thảy ra trước mặt tôi tập phiếu trình điểm báo và lạnh lùng bảo:
– “Chú đọc đi.”
Cũng vẫn bài báo trong mục “Sống Sượng” của Thương Sinh với tựa đề “Xin cho tôi một tuýp Optalidon”. Optalidon là loại thuốc trị nhức đầu, nếu uống nhiều sẽ bị chết. Trong bài báo, Duyên Anh cũng chính là Thương Sinh tự cho mình là một ký giả chân chính có thiện chí nên mới viết bài chấn chỉnh lề lối làm việc của một số nhân viên sở Tâm Lý Chiến để rồi phải hứng chịu những lời chửi bới hăm doạ thủ tiêu của một “bạn dân” đến từ sở này v.v….
Thật là một sự vu cáo quá sức tưởng tượng. Ngay chuyện Duyên Anh đề quyết nhóm chúng tôi là nhân viên sở Tâm Lý Chiến cũng đã không đúng sự thật vì sở này chỉ là nơi tạm trú của chúng tôi để làm việc, chỉ tội cho sở Tâm Lý Chiến tự nhiên bị mắc hàm oan.
Tôi nói với ông Ðệ:
– “Xin ông chánh sở cứ trình bài báo lên chuẩn tướng, tôi xin nhận lãnh mọi trách nhiệm.”
Sau đó, tôi lên gặp thiếu tá Ðức trình bày tự sự và xin ông cho tôi được vào yết kiến chuẩn tướng tổng giám đốc. Ông đồng ý ngay và bảo tôi ngồi để ông vào trình trước.
Vào trong, tôi thấy tướng Loan đang đọc bài báo, ông ngẩng mặt lên ra lệnh cho tôi ngồi. Thú thật lúc đó tim tôi đập thình thịch, tự hỏi chưa biết hậu quả sẽ ra sao.
Ðọc xong bài báo, ông nhìn tôi và hỏi:
– “Làm gì mà hăng quá vậy? Bộ cậu muốn giết ký giả chân chính sao?”
Tôi trình những ý nghĩ của mình đối với bài báo trước và mọi diễn tiến về việc đi tìm ký giả Duyên Anh.
Nghe xong, tướng Loan gấp tập hồ sơ điểm báo và phán một câu:
– “Cậu hãy tìm ngay gã ký giả này, bợp tai cho hắn ba cái. Nhớ nói với hắn đây là lệnh của tướng Loan. Thôi, hãy về yên tâm làm việc.”
Tôi đứng lên chào ông rồi ra khỏi văn phòng với một tâm thái nhẹ nhàng cùng niềm cảm kích kính mến sâu xa trước tấm lòng của một vị tướng dám đem tên tuổi của mình để bênh vực nỗi oan cho một nhân viên nhỏ bé như tôi.
Sau đó, tôi không dám làm theo lời ông, nhưng vẫn đi tìm Duyên Anh để nói cho hắn biết. Hắn trốn như con cáo, tôi đành gặp ông Chu Tử và cha Lãm, chủ nhiệm báo Sống và báo Xây Dựng để bắn tin cho họ biết nỗi bực bội của tướng Loan đối với những gì Duyên Anh đã viết một cách độc ác về chúng tôi.
Vài bữa sau, mục “Sống Sượng” đã biến mất trên nhật báo Sống.
Vào những ngày tháng giữa năm 1967, thời kỳ tiền bầu cử Tổng Thống, tôi được tướng Loan gọi ra gặp riêng ông hai lần tại cục An Ninh Quân Ðội để gợi ý cho tôi viết một số bài quan điểm liên quan đến cuộc vận động bầu cử đồng thời ông cho biết một số kỹ xảo sẽ áp dụng trong việc thông tin tuyên truyền yểm trợ cho một liên danh. Tôi xin mạn phép không kể ra đây vì người được ông ủng hộ đã làm ông quá thất vọng đến nỗi có lúc ông phải kêu lên “đem bắn tên đó cho rồi.”
Ðối với người bạn đồng minh Hoa Kỳ, tướng Loan không tin cậy cho lắm từ khi CSQG bắt một người có dấu tích là một cán bộ Việt Cộng nội tuyến trong toà đại sứ Hoa Kỳ mà toà đại sứ này cứ khăng khăng đòi thả. Bực mình vì người Mỹ quá xen sâu vào nội bộ Việt Nam nói chung và hoạt động CSQG nói riêng, tướng Loan xin từ chức, nhưng tổng thống Thiệu không chấp thuận.
Nhưng ngày giáp tết Mậu Thân, trong lúc đồng bào đang nô nức chuẩn bị đón Xuân, tướng Loan đã âm thầm cùng đoàn tuỳ tùng rong ruổi đến thăm các ty CSQG xa xôi hẻo lánh, những nơi được mệnh danh là chốn khỉ ho cò gáy, ngày đêm phải đương đầu với những áp lực quấy phá của lũ phiến cộng bạo tàn. Phước Long, Bình Long, Kiến Tường, Kiến Hoà, Nhinh Thuận, Quãng Ðức, Hậu Nghĩa là những nơi tôi được theo gót chân ông.
Mỗi buổi sáng, chúng tôi tụ tập tại tư dinh của ông trong trại Phi Long, Tân Sơn Nhất để rồi từ đó lên hai chiếc trực thăng đến các nơi trên. Ông đến để nắm rõ tình hình địa phương, để thăm hỏi nhân viên các cấp và để tặng chút tiền làm tiệc tất niên cho anh em.
Ðến bất cứ đơn vị nào, ông đều đi quanh xem xét hệ thống phòng thủ và cho ý kiến tại chỗ. Với các đơn vị có nhiều vọng gác xây bằng bê-tông kiên cố, ông nhẹ nhàng nhắc nhở:
– “Nước mình nghèo, phải đánh giặc theo lối nhà nghèo, ụ bê tông cứng nhưng không chịu đựng loại đạn xuyên phá, tốt hơn nên dùng nhiều bao cát vừa đỡ tốn kém lại vừa an toàn.”
Những ngày giờ đi theo, tôi thấy ông sống và làm việc như một con thoi, quên cả giờ giấc với gia đình, quên cả những cơn đau bao tử và quên cả những hiểm nguy đến với bản thân.
Một lần, ngồi trên máy bay, dáng vẻ mỏi mệt, ông che miệng ngáp dài rồi nói một cách tự nhiên:
– “Tối hôm qua tớ chẳng ngủ được chút nào, bà ấy cằn nhằn cả đêm chỉ vì làm việc mà quên đi lời hứa về đúng giờ để cùng ăn một bữa cơm với gia đình.”
Hình như cách ăn uống của ông cũng đơn giản như cách ăn mặc. Trong các bữa ăn tại các ty CSQG hoặc tại các toà tỉnh trưởng, tuy có đủ thịt cá, rượu Tây thuốc Mỹ trên bàn, tôi vẫn chỉ thấy ông nhâm nhi một tô hủ tiếu hoặc tô bún canh bên cạnh chai bia 33 và gói thuốc lá Ru-by màu hồng.
Nói về máu “liều” của tướng Loan chắc ít ai bì kịp. Tôi nhớ lần đến thăm ty CSQG Hậu Nghĩa , sau khi dùng bữa cơm khét do đại tá tỉnh trưởng Mã Sanh Nhơn thết đãi, ai ai cũng chuẩn bị lên trực thăng ra về. Lúc đó vào khoảng 3 giờ chiều, bỗng tướng Loan đổi ý, ông bảo hai phi công lái trực thăng về trước để ông và đoàn tuỳ tùng dùng đường bộ cho thoải mái. Cái quyết định “bốc đồng” đó đã báo hại trưởng ty Ngô Văn Huế phải một phen hết vía chỉ vì con đường độc đạo đó thường bị Việt Cộng gài mìn phục kích bất ngờ.
Trời cuối Ðông, mặt trời muốn đi ngủ sớm thế mà tướng Loan cứ nhất định phải ghé thăm một đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến nơi mà các nhân viên của ông đã oanh liệt chống trả một cuộc tấn kích của giặc thù vào đêm hôm trước. Ông đến bắt tay từng chiến sĩ, ngợi khen tinh thần quả cảm và ghi công trạng của tất cả mọi người.
Chiều hôm đó, khi về đến nhà, ông kéo chúng tôi vào một căn phòng nhỏ, chỉ vào hai thùng giấy lớn và khoe:
– “Ðây là số pháo hồng do một người bạn ở Hồng Kông gửi biếu.”
Nói xong, ông tự tay mở một thùng phát cho mỗi người ba phong, ngoại trừ thiếu tá Tiến, chỉ huy trưởng Tổng Hành Dinh đang ngẩn tò te chìa tay ra hỏi:
– “Còn phần của em đâu?”
Tướng Loan không đưa pháo mà còn cười hỏi lại:
– “Cậu hả? Chuyện đó tính sau. Cậu về tắm rửa sạch sẽ rồi lên đây cùng tôi khuân thùng pháo đây ra dinh Ðộc Lập để hai ông Thiệu, ông Kỳ làm gì thì làm, nhà mình thấp lè tè treo vào đâu.”
Thiếu tá Tiến vừa gãi đầu vừa quay sang chúng tôi phân bua:
– “Các cậu thấy chưa, Chuẩn tướng thấy tôi đẹp trai nên đi đâu cũng kéo theo.”
Tướng Loan tảng lờ như không nghe, nhưng miệng lại tủm tỉm cười thích thú.
Rồi Xuân Mậu Thân đã trở về! Xuân đến từng nhà, Xuân vô giáo đường, Xuân lên đình chùa, Xuân vào lăng miếu. Hương Xuân tràn ngập mọi nơi. Tiếng Xuân vang vọng trên đài, ngọt ngào đi vào lòng người bằng những lời thơ cung nhạc chúc tụng một năm mới an khang hạnh phúc.
Nửa đêm về sáng của ngày đầu năm, giữa lúc khói hương thiêng liêng còn đang nghi ngút thì bỗng nhiên từng loạt âm thanh của súng đạn vang lên khiến ai nghe cũng phải bàng hoàng kinh động.
Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ đó là một cuộc đảo chánh nên vội vặn radio để nghe tin tức. Im lặng và im lặng! Ðài không phát ra một tiếng nói hay một lời ca. Trong khi đó, từng loạt đạn vẫn tiếp tục vun vút bay trên nóc nhà kèm theo tiếng la oai oái “Vi Xi! Vi Xi!” của những người lính Mỹ đóng quân trong khu nhà của bà Bút Trà trên đường Nguyễn Huệ cạnh bên con hẻm nhà tôi. Ðêm đó, tiếng trẻ thơ cứ thét lên, sau mỗi loạt súng nổ, tôi vội đem hai cháu nhỏ, nhét chúng nằm sát dưới chân cầu thang còn mình và vợ ngồi bó gối ngay bên cạnh để chờ trời sáng.
Khoảng sáu bảy giờ sáng, đài bỗng vang lên tiếng nói của phó Tổng Thống Kỳ, nội dung vắn tắt cho biết Cộng Sản đã bội phản những cam kết hưu chiến trong ba ngày Tết, xua quân tổng công kích 32 tỉnh lỵ và thủ đô Saigon. Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã đích thân chỉ huy lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến và quân đội quét sạch cộng quân ra khỏi đài phát thanh Saigon từ lúc 4 giờ sáng.
Tôi vừa mở cửa đã thấy bốn cán binh Cộng Sản tay ghìm súng AK, băng đạn quấn quanh mình, đứng khuất trong hè nhà tôi và các nhà đối diện, mắt đăm đăm nhìn ra đường cái. Không hiểu sao lúc đó tôi lại tỏ ra rất bình tĩnh, bình tĩnh quan sát trang phục của họ và còn thầm nghĩ họ là những binh sĩ thuộc một đơn vị chính quy nào đó chứ không phải là quân du kích.
Cùng lúc, một số đông đồng bào từ trong các hẻm sâu phía trong ùn ùn bồng bế dắt dìu người già con trẻ chạy ra, mặt người nào cũng xanh như tàu lá. Họ vừa đi vừa thông báo cho mọi người biết lính Việt Cộng về nhiều lắm, tràn ngập trong khu Cây Quéo, khu phía sau chùa Quảng Ðức, khu gò mả và khu đường rầy dẫn đến Cầu Hàng.
Tôi vội quay vào nhà, quơ quào ít quần áo rồi cùng vợ con lên xe máy đến nhà người quen ở chợ Tân Ðịnh. Ðến nơi, tôi mới chợt nhớ để quên bóp giấy tờ ở nhà, đành phải một mình quay lại.
Về tới đầu hẻm, một người cùng xóm ở phía ngoài khuyên tôi đừng vào vì mới tức thì có mấy nhân viên Cảnh Sát sắc phục đã bắn nhau với lính Việt Cộng ở phía trong. Lúc đó, trực thăng võ trang đã xuất hiện. Hai con chuồn chuồn bay lên xà xuống khạc đạn ào ào vào những mục tiêu. Ðạn dưới bắn lên, đạn trên bắn xuống, trận chiến cứ thế tiếp diễn vô cùng ngoạn mục. Tôi rời khỏi xóm mà lòng cứ nơm nớp lo sợ căn nhà mình bị ăn đạn phá.
Ðến tổng nha CSQG, tôi nhận lệnh đi cùng một nhiếp ảnh viên lên vùng ngã Bảy nơi tướng Loan đang trực tiếp chỉ huy các đơn vị Cảnh Sát và quân đội bao vây cô lập và tiểu trừ các đám Cộng quân xâm nhập. Ông mặc đồ trận, áo giáp khoác ngoài, đầu không nón sắt, sông pha vào nơi súng nổ đạn rơi như một người lính can trường không nề nguy hiểm.
Phải nói rằng, trận chiến nơi đây đã diễn ra ác liệt ngay từ những giây phút ban đầu trên một địa hình rộng lớn bao gồm các khu vực Phú Thọ, Nguyễn Tri Phương, hẻm Chuồng Bò, Vườn Lài ….
Khởi đầu, Việt Cộng tấn công vào doanh trại của Biệt Ðoàn 222 Cảnh Sát Dã Chiến ở góc đường Nguyễn Văn Thoại và Trần Quốc Toản giữa lúc toàn thể nhân lực ứng chiến được điều động đi giải toả đài phát thanh Saigon, số nhân viên phòng thủ còn lại khoảng hơn bán tiểu đội. Lợi dụng thời cơ, Việt Cộng tập trung lực lượng ào ạt xua quân từ phía vườn ươm cây ở góc đối diện toan chiếm cho bằng được doanh trại này. Nào ngờ, các chiến sĩ CSDC đã bình tĩnh nã từng loạt đại liên khiến chúng không sao vượt qua ngã tư, đành phải mang theo một số thương vong rút về khu chợ Thiếc.
Cũng thời gian đó, một số lớn cán bộ VC nằm vùng cùng các tên chỉ điểm giả dạng nhân dân nổi dậy chia nhau chặn đường chặn ngõ lùng xục trong các khu dân cư bắt bớ một số quân nhân, Cảnh Sát và công chức đem ra xử bắn với lời kết tội “có nợ máu với nhân dân”
Tôi có một người em họ là đại uý Quân Y cũng bị bắt vào đêm đó. Chúng lột trần em tôi, trói rặt cánh khuỷu toan đem xử bắn. Trong lúc thế cùng, em tôi la lên:
– “Tôi là bác sĩ quân y bị trưng dụng vào quân đội, không hề có nợ máu.”
Tên chỉ huy nghe vậy, bèn nói:
– “Nó còn dùng được, đưa nó ra chỗ thương binh.”
Lúc băng bó cho các cán binh VC, em tôi đã lẩn vào nhà dân trốn thoát.
Ngày 1-2-1968, tướng Loan đã xử bắn tên cán bộ Cộng Sản Nguyễn Văn Lém tức Bảy Lém, bí danh Ba Lốp ngay trên đường phố khu ngã Bảy để rửa hận cho những đàn em của ông đã bị tên này sát hại.
Ngay chiều hôm đó, tôi rủ hai người bạn phóng viên báo ngoài đánh một vòng đảo qua kinh Ðộc Lập, toà đại sứ Mỹ trên đường Thống Nhất. Hai phóng viên cho biết có chụp một vài hình ảnh binh sĩ VC chết trên lề đường và trong khuôn viên toà đại sứ.
Từ đó chúng tôi xuống đường Hai Bà Trưng nồi rẽ vào đường Phan Thanh Giản tìm về xa lộ. Bên lề con lộ thênh thang, năm bảy xác cán binh Cộng Sản nằm ngửa trơ trơ với sợi dây thừng cột cứng ở cổ chân. Họ được đồng đội kéo đi, nửa chừng bỏ lại.
Ðến khu Hàng Sanh, chúng tôi rẽ về khu lăng Tả Quân tiến đến đường Ngô Tùng Châu để nhập vào khu Cây Quéo. Ðường xá trong khu vực này vắng teo vắng ngắt, cả ba chúng tôi bắt đầu thấy lạnh xương sống khi phát hiện ra một số xác bộ đội Cộng Sản nằm rải rác khắp mọi nơi trong vườn ngoài ngõ. Tôi run cả người, chỉ muốn quay lại. Nhưng trót vào sâu rồi, đành chịu. Ba xe gắn máy của chúng tôi cứ luân phiên đổi chỗ, anh nào cũng muốn mình vào giữa.
Bất ngờ, từ trong căn nhà có khu vườn rộng vang lên tiếng gọi:
– “Các chú ơi! Xin vào giúp một tay.”
Chúng tôi vừa ngừng xe, một bà và hai thiếu niên chạy ra kéo chúng tôi vào nhà, chỉ cho thúng tôi thấy hai xác Việt Cộng đặt trên bộ ván gõ với tờ giấy viết nguệch ngoạc “nhờ đồng bào chôn cất giùm”
Bà giơ tay phàn nàn:
– “Thiệt là khổ! Chết rồi thì để bên ngoài cho xong, đem vào nhà làm chi cho đám nhỏ sợ hết hồn hết vía. Bây giờ tôi nhờ các chú khiêng họ ra ngoài đường để chính quyền chôn cất.”
Anh em chúng tôi làm giúp bà, lòng thấy áy náy tội nghiệp cho những người lính bên kia bị bọn đầu sỏ độc tài xô đẩy họ vào nơi tử địa.
Mặt trận vùng ngã Bảy đã gần như đi vào kết thúc. Cộng quân ở nơi này, một số bị bắt, một số ra chiêu hồi, số còn lại co cụm trong khu dân cư đông đúc như cá nằm trong rọ chờ ngày bị tóm.
Khi tướng Loan ra lệnh cho Cảnh Sát và quân đội khai pháo dứt điểm toàn bộ thì cái đám tàn binh ngoan cố đó đã giở một thủ đoạn đê hèn, táng tận lương tâm. Chúng khống chế cư dân không cho ra ngoài đồng thời dùng xăng đốt nhà gây nên những đám cháy mịt mù khói lửa để trà trộn trong dân tìm đường tẩu thoát. Nhiều xe cứu hoả được điều động đến. Lúc đầu, các nhân viên chữa cháy rất rụt rè e ngại chưa dám áp sát vào nơi súng đạn thét gầm, tướng Loan đã phải giựt lấy vòi rồng phun nước lên cao khống chế từng cơn bão lửa. Hình ảnh hiên ngang đó, tôi đã dùng làm bìa cho Nguyệt San Rạng Ðông trong số báo đầu năm Mậu Thân.
Hàng trăm cán binh địch đã bị bắt lôi ra tập trung trước tiệm đồ gỗ trên lề đường Minh mạng trong trận đánh cuối cùng ở khu vực ngã Sáu trước sự chứng kiến của tướng Loan. Ông đi loanh quanh quan sát từng người. Thấy ai bị thương nặng, ông nhắc nhở nhân viên y tế băng bó gấp cho họ và chuyển đến bịnh viện ngay.
Ngày hôm sau, tướng Loan đã cùng đại tá Ðô Trưởng Văn Văn Của đến thị sát mặt trận tại quận 8 bên kia cầu chữ Y. Phái đoàn đã dùng con đường đi qua cầu xóm Củi men theo đường Phạm Thế Hiển tiến đến ty CSQG quận 8. Ðây là một ty CSQG nằm ở vị trí ven đô trên một diện địa trống trải đồng ruộng mênh mông và sông rạch chằng chịt.
“….Khởi đầu, Cộng quân dàn binh ngay trên đồng ruộng ở phía sau ty, bắn hạ một nhân viên Cảnh Sát gác trên chòi cao đồng thời dùng B40 chọc thủng một lô cốt ở góc trái phía sau với ý đồ cho vài đặc công chui qua lỗ hổng tung lựu đạn và trái phá gây náo loạn phía trong trước khi xua quân chiếm lĩnh mục tiêu. Một vài nhân viên Cảnh Sát “điếc không sợ súng” đã bò ra lô cốt phục sẵn phía trong tỉa từng tên một và lấy xác chúng chèn vào lỗ hổng. Ðội hình phòng thủ trong ty đã được củng cố, bình tĩnh chống lại từng đợt tấn công để chờ lực lượng tiếp viện. Trời gần sáng, trực thăng võ trang xuất hiện đổ rốc-kết và đại liên lên đầu giặc khiến chúng phải rúc vào các khu dân cư ẩn náu và rút về khu vực phường Rạch Ông mang theo một số thương vong đồng đội chất lên ghe thuyền luồn trốn trong các kinh rạch…..”
Trên đây là lời kể lại của phó ty Khưu Ngọc Ða, một người bạn cùng khoá 14 Biên Tập Viên Rạch Dừa với tôi, trong lúc đoàn xe di chuyển từ ty CSQG đến vùng Rạch Ông.
Anh Ða đang thao thao bất tuyệt, bỗng một loạt đạn AK vun vút lướt trên nóc xe, anh vẫn giữ vững tay lái tiếp tục nối theo phái đoàn và quay sang tôi cười khì khì sảng khoái như thầm hỏi tôi “sợ không?”
Chiến cuộc tại thủ đô Saigon đã hoàn toàn chấm dứt sau ngày hôm đó, nhưng lòng tôi vẫn không sao quên được những hình ảnh điêu tàn do Cộng quân gây ra. Hình ảnh thương tâm mà tôi không thể nào quên là hình ảnh một gia đình năm người co quắp ôm nhau chết cháy tại khu Nguyễn Thiện Thuật gần chợ Bàn Cờ…
Gần một tháng sau, tôi và một nhiếp ảnh viên lại được một dịp theo chân tướng Loan phi hành ra Huế. Chuyến đi vỏn vẹn có một ngày. Ông trở về cái nơi chốn mà ông đã sống trong những ngày niên thiếu không phải để tìm lại cảnh xưa chốn cũ mà là để chia xẻ những đau thương mất mát của tất cả mọi người ở chốn cố đô.
Vừa ra khỏi phi trường Phú Bài, tướng Loan đã cùng giám đốc Võ Lương bắt tay vào việc ngay. Ông đến thăm các đơn vị Cảnh Sát, ngậm ngùi nhìn những nấm mồ chôn tạm ngay trong khuôn viên của cơ quan. Ngay sau đó, ông cùng các viên chức CSQG địa phương rong ruổi trên đại lộ Lê Lợi vượt qua cầu Bạch Hổ, men theo bờ sông Hương, vượt qua cửa Thương Tứ đến chợ Ðông Ba rồi qua Gia Hội để động viên tinh thần những nhân viên Cảnh Sát Quốc Gia đang tham gia xây dựng cư xá Tình Thương. Ðây là một công trình do ngành CSQG đài thọ từ A đến Z mà tướng Loan coi đó như một món quà trao tặng đến các gia đình đồng bào nạn nhân chiến cuộc đang gặp quá nhiều khó khăn.
Chiều về, khung cảnh cố đô mới ảm đạm làm sao! Phố xá thưa thớt bóng người, nhà nhà cửa đóng then cài. Ðất Thần Kinh ủ rũ như một người bịnh chưa hồi lại sức. Cầu Tràng Tiên gục đầu trên mặt Hương Giang như cùng thì thầm thổn thức tiếc nuối cho những ngày thơ mộng thuở nào:
Ðâu rồi những mái tóc thề thả gió lê thê?
Ðâu rồi những tà áo trắng bay bay vào mỗi buổi chiều?
Ðâu rồi những nón bài thơ nghiêng che đôi má ửng hồng?
Ðâu rồi những giọng hò mái nhì ngọt lịm đến tim?
Ðâu rồi những tiếng rao hàng như mời như gọi trên sông?
Ðâu rồi những khuôn mặt thân quen bị giắc bắt đi vùi dập nơi nào?
Tôi đứng trên đầu cầu phía chợ Ðông Ba nhìn xuống phía dưới thấy hai em gái nhỏ khoảng chín mười tuổi mặc áo màu hồng đang đưa đôi bàn tay bốc từng bụm cát đắp lên hai ngôi mộ mới. Tự nhiên tôi thấy tim mình se thắt lại, thầm cầu mong đó không phải là chỗ ở của cha mẹ các em.
Sau một đêm không ngủ, sáng hôm sau chúng tôi lại theo gót tướng Loan trở về Saigon. Tôi vội ghi bài ký sự “Một ngày ở Huế” cho số báo tới với hai câu thơ mộc mạc mở đầu:
Ngày xưa Huế đẹp Huế mơ
Bây giờ Huế bị xác xơ điêu tàn.
Cuộc tổng công kích vào những ngày tết mậu Thân đi vào kết thúc với những kết quả vô cùng thê thảm. Hơn sáu mươi ngàn cán binh đối phương bị loại khỏi vòng chiến kéo theo bao nhiêu sinh mạng của đồng bào vô tội bị chúng sát hại và để lại một đống hoang tàn trên khắp miền Nam tự do.
Vài tháng sau, bọn lãnh đạo ngoan cố bất nhân Cộng Sản miền Bắc lại xua đám tàn quân tiến hành một trận tổng công kích đợt hai giữa lúc nhân dân miền Nam còn đang thổn thức ngậm ngùi sau cơn ác mộng ngày Xuân.
Tướng Loan, một lần nữa cùng lực lượng Cảnh Sát thủ đô xuất trận vào lúc 4 giờ sáng tiến thẳng về trại gà Thanh Tâm bên xa lộ ngăn chặn không cho địch quân tấn chiến đài phát thanh Saigon.
Tám giờ sáng hôm đó, tôi và một nhiếp ảnh viên được lệnh lên đường thu lượm tin tức. Ðến cầu Phan Thanh Giản, thấy súng bắn rát quá, người tài xế nhất định quay xe trở lại.
Ba giờ chiều cùng ngày, tin tức từ Trung Tâm Hành Quân cho biết tướng Loan đã bị trúng đạn gẫy chân và được đưa về điều trị tại bệnh viện.
Ðễ giữ vững tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ đang chiến đấu và đánh tan các lời đồn đãi bất lợi, thiếu tá chánh văn phòng đã cho chụp một bức hình tướng Loan đang nằm trên giường bệnh, nói trong máy bộ đàm phổ biến trên các nhật báo với lời chú thích “Mặc dù bị thương, tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc CSQG vẫn tiếp tục chỉ huy các lực lượng hành quân truy quét giặc Cộng.
Cùng thời gian này, một biến cố đau lòng đã xảy ra tại trường Phước Ðức trên đường Khổng Tử thuộc quận 5 Chợ Lớn. Khoảng bốn năm giờ chiều, bộ tham mưu hành quân CSQG đang họp tại trường này bỗng lãnh một trái đạn rốc-kết từ trên trực thăng Mỹ bắn xuống gây tử thương cho đại tá Luận, giám đốc nha CSQG thủ đô; quận trưởng Nguyễn Ngọc Xinh, phụ tá giám đốc nha CSQG thủ đô; thiếu tá Lê Ngọc Trụ, trưởng ty CSQG quận 5 cùng một số sĩ quan khác bị thương trong đó có đại tá Trần Văn Phấn, trưởng khối Nhân Huấn thuộc tổng nha CSQG cụt một chân.
Tôi đến làm bản tin lễ truy điệu tại hội trường nha CSQG Saigon mà lòng không sao kìm được nỗi xúc động bồi hồi khi thấy thủ tướng Trần Văn Hương đứng trước các quan tài đầm đìa nước mắt.
Ít ngày sau, tướng Nguyễn Ngọc Loan âm thầm rời khỏi chức vụ để đại tá Trần Văn Hai về thay thế.
Phần tôi, sau một lần họp với thiếu tá Trần Hữu Kinh, chánh văn phòng Ðặc Biệt của đại tá tân tổng giám đốc, tôi cũng xin rút lui khỏi việc làm báo để đi một nơi xa xôi làm công tác khác.
Từ đó, tôi không gặp tướng Loan, nhưng trong lòng vẫn luôn luôn nhớ về ông, một tôn trưởng đầy quí mến trong gia đình Cảnh Sát Quốc Gia.
Chu Kim
Nguồn: https://canhsatquocgia.org/a211/mot-thoi-de-nho