Một thế kỷ tội ác!
Ban Biên Tập
BNS Tự do Ngôn luận số 279
16-11-2017
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Nga ngày 5-11-2017 tại Hà Nội, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lên giọng hùng hồn trước đồng đảng: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga thực sự đã sáng tạo ra một kỷ nguyên mới của nước Nga, đồng thời đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Nó đã vượt khỏi không gian và thời gian, trở thành biểu tượng vĩ đại của thời đại. Nhân dân Việt Nam cùng loài người tiến bộ mãi mãi ghi nhớ công ơn của lãnh tụ vĩ đại V. I. Lê-nin, của những người Bôn-sê-vích và nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết đã phấn đấu, hy sinh làm nên sự kiện lịch sử có một không hai này!”
Có thật như thế chăng? Theo báo chí quốc tế trong những ngày này, cái gọi là “Cách mạng Tháng mười” năm 1917 của phe Bôn-sê-vích mà trong suốt thời Liên Xô đã được ca ngợi như “cuộc cách mạng vô sản quang vinh”, trên thực tế chỉ là một cú đảo chính, dẫn đến sự ra đời của chế độ toàn trị lớn nhất mọi thời đại. Lịch sử nay nhấn mạnh là trong số hai cuộc cách mạng tại Nga năm 1917, thực ra chỉ có cuộc cách mạng đầu là xứng với tên gọi.Tháng 2-1917 (tức tháng 3 theo Tây lịch), dân chúng thủ đô Petrograd – kiệt sức vì đói khát, vì chiến tranh liên miên – đã liên tục biểu tình trên đường phố, buộc Sa hoàng Nicolas II thoái vị. Cuộc nổi dậy lật đổ chế độ Nga hoàng ngàn năm này xứng đáng được gọi là “cách mạng”, bởi lẽ đây là một phong trào quần chúng mang lý tưởng tự do, bác ái, bình đẳng, y như Cách mạng Pháp năm 1789. Cách mạng tháng Hai ấy đã mở ra một thời kỳ mới cho dân Nga, sau hàng thế kỷ quân chủ độc tài. Chính quyền lâm thời, do phe xã hội và những người theo quan điểm tự do lãnh đạo, đã ban hành nhiều chính sách tuyệt vời, như chấm dứt kiểm duyệt, tự do tôn giáo, phụ nữ có quyền bầu cử… Tiếc thay, mặt trái của những thay đổi tốt đẹp này là sự bất ổn và một chính quyền yếu kém.
Thế là từ ngày 6 đến 9 tháng 11 (tháng 10 theo lịch Nga), khoảng 10 Hồng quân dưới sự lãnh đạo của Lê-nin đã chiếm Cung điện Mùa đông và thành lập chế độ cộng sản. Thierry Wolton, một nhà báo Pháp lão thành, tác giả khoảng 20 cuốn sách nói về CS, đã lưu ý rằng mọi nhân chứng đương thời đều nói đó là một “cuộc đảo chính”, bắt đầu là đặc phái viên của tờ báo CS Pháp L’Humanité vốn có mặt tại chỗ. Ngay sau hôm nắm được chính quyền, bản thân Lê-nin cũng đã nhận định đó là một cuộc đảo chính “dễ hơn trở bàn tay”, vì chỉ có khoảng 5 người chết, các chuyến xe điện vẫn chạy bình thường, nhà hát vẫn trình diễn, các tiệm buôn vẫn mở cửa và đa số cư dân Petrograd chẳng biết gì. Tháng 10-1918, nhân kỷ niệm một năm sự kiện, tờ Pravda (Sự Thật), cơ quan ngôn luận của phe Bôn-sê-vích cũng khẳng quyết như vậy. Mãi đến tháng 10-1920, tức 3 năm sau, chính quyền mới biến sự kiện này thành một “hành động cách mạng”, thông qua việc dàn dựng công phu, diễn tả một đám đông Hồng quân -biểu trưng quần chúng nổi dậy- tấn công Cung điện Mùa đông. Sự kiện giả tưởng này được tái lập trong bộ phim “Tháng Mười” do Eisenstein thực hiện nhân kỷ niệm 10 năm phe Bôn-sê-vích chiến thắng. Rốt cuộc phiên bản dàn dựng này về sự kiện tháng 10-1917 lại được coi là sự thật và đã lừa được vô số con người.
Nhà báo Wolton nhận định: nếu từ ngữ “cách mạng” được dùng để chỉ những đảo lộn xã hội với huyết lệ nhân dân sau khi Lênin lên nắm quyền (y như thời đầu Cách mạng Pháp, và y như Cách mạng tháng 8 tại VN), thì đúng là như vậy.
Mọi tờ báo, ngoại trừ tờ của phe Bôn-sê-vích, đã bị cấm xuất bản ngay hôm sau vụ đảo chính; còn Hội đồng Xô-viết (gồm đại diện công nhân và nông dân thành hình từ CM tháng 2) bị ngưng hoạt động 10 ngày sau đó. Chính quyền mới cai trị bằng sắc lệnh. Một tháng sau, «Ủy ban đặc biệt toàn quốc về đấu tranh chống phản cách mạng, tung tin đồn nhảm và phá hoại», một loại cơ quan mật vụ ra đời và khởi sự khủng bố. Đến tháng 1-1918, Quốc hội lập hiến đã được bầu lên một cách dân chủ trước đó bị giải tán, và đến tháng 6 thì những trại tập trung đầu tiên được thành lập. Giữa tháng 7, hoàng gia Nicolas 2 (vợ chồng cùng 5 con nhỏ) bị Lê-nin xử bắn để trả thù cho người anh đã bị Sa hoàng xử tử vì nổi loạn cũng như để trừ hậu hoạn.
Tất cả những hành vi tàn độc nói trên chỉ là những dấu hiệu khởi đầu cho một cho một kiểu cai trị mới, chưa từng có trong lịch sử, mang tên là “học thuyết độc tài toàn trị” mà Lénine là cha đẻ. Xuất phát từ 2 nguyên tắc: “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”, bất chấp mọi luật luân lý tự nhiên lẫn đạo đức tôn giáo, và “Mọi cái có lợi cho Cách mạng [nghĩa là cho đảng CS] đều tốt lành”, dù đó là gian dối và bạo lực, học thuyết toàn trị đó bao gồm các ý niệm chính: chuyên chế vô sản, cộng đảng duy nhất; công an chính trị, tẩy não nhồi sọ; kinh tế chỉ huy, nông trường tập thể; duy vật vô thần, xóa bỏ tôn giáo.
– Chuyên chế vô sản, cộng đảng duy nhất: Lê-nin là người sẵn sàng thủ tiêu mọi đối thủ trên con đường của mình, từ đảng đối lập đến kẻ đối lập hay bị nghi đối lập, kể cả những đồng chí không tuyệt đối trung thành với ông. Ông bỏ tù hay hành quyết tất cả. Đối với Lê-nin, chỉ mình đảng CS tuyệt đối lãnh đạo, cũng như chỉ có sự vâng phục lãnh tụ và đảng cách toàn diện. Ông tuyên bố: “Nhân dân không cần tự do, vì tự do là sản phẩm của độc tài trưởng giả”; “Ở đâu có nhà nước (chuyên chính vô sản), ở đó không có tự do. Khi có tự do, hết còn nhà nước”. Nghĩa là chế độ nô lệ dành cho tất cả mọi người !
– Công an chính trị, tẩy não nhồi sọ: Lê-nin thiết lập một tổ chức công an mà việc giữ gìn an ninh công cộng chỉ có nghĩa là bảo vệ và duy trì quyền lực của đảng, chẳng những trong nhân quần xã hội mà còn cả trong tâm ý con người. Felix Dzerzinsky, đệ tử của Lê-nin, một trong những tên ác quỷ của mọi thời, người thành lập và cầm đầu tổ chức công an chính trị CS, kẻ mới được Học viện Cảnh sát nhân dân Hà Nội dựng tượng hôm 20-01-2017, đã ra chỉ thị về nguyên tắc tuyển mộ như sau: “Hãy lựa những kẻ có lập trường dứt khoát, hiểu rằng không gì hữu hiệu hơn để dân câm miệng, là một viên đạn vào đầu”. Phần Lê-nin cũng đưa ra câu thần chú: “Muốn tồn tại vĩnh viễn, các đảng CS phải biết đàn áp triệt để những kẻ chống đối” (Y như câu “Chính quyền ở đầu mũi súng” của Mao vậy). Lê-nin còn cho lập hồ sơ của mỗi người, tạo ra “công an nhân dân” theo nghĩa thúc đẩy người dân tố giác, báo cáo lẫn nhau, coi đó là một quốc sách.
– Kinh tế chỉ huy, nông trường tập thể: Nhà nước nắm tất cả mọi phương tiện sản xuất, thực hiện chính sách hộ khẩu, cai trị dân bằng bóp chặt dạ dầy, xóa bỏ quyền tư hữu như định nghĩa của Marx và Engels về “chủ nghĩa xã hội”. Chính Lê-nin rồi Sta-lin từng dùng nạn đói như một vũ khí chính trị, giết chết hàng chục triệu người (chủ yếu là nông dân) vào các năm 1920-22 ở Nga và 1931-33 ở Ukraine, không ngoài mục tiêu làm kiệt quệ những tiềm năng chống đối, nhất là chống đối việc thành lập nông trường tập thể. Việc kế hoạch hóa nền kinh tế tập thể nói chung đã dẫn tới tình trạng cưỡng bức, bạo lực và giết người hàng loạt, trong đó có cả thị dân và công nhân.
– Duy vật vô thần, xóa bỏ tôn giáo: Để đạt mục tiêu nắm lấy trọn vẹn nhân tâm (nhân tiện cướp của), Lê-nin ra sách lược bách hại đạo Chính thống (tôn giáo chiếm đa số tại Nga bấy giờ) bằng việc bỏ tù, giết chết hàng ngàn Giám mục, linh mục, và quốc hữu hóa tài sản của Giáo hội ấy qua Nghị định ngày 20-01-1918: thánh đường, đất đai, cơ sở, vật dụng của cộng đồng này đều bị đoạt sạch. Những món đồ có giá trị (vàng, bạc, bạch kim, tranh, biểu tượng, hiện vật lịch sử) đều bị đám cộng sản vô thần lấy cắp hoặc bán sang phương Tây.
Tinh thần và đường lối độc tài toàn trị ấy của Lê-nin đã được tiếp nối bởi những tên đồ tể vốn hiểu rằng đó là phương tiện hữu hiệu nhất để chiếm giữ quyền lực trong quốc gia và chiếm đoạt quyền lợi của muôn người: Sta-lin, Mao, Pol Pot, Ti-tô, Fidel Castro, Hồ Chí Minh… và nhiều lãnh tụ CS khác. Những kẻ này đã xây nên ngai vàng cho mình trên nền 100 triệu bộ xương của đồng bào họ. Như Sta-lin, kẻ đã nói rõ nguyên lý cơ bản về ý thức hệ của mình: “Chúng ta là đất nước Xô-viết. Chúng ta muốn xây dựng một nền kinh tế tập thể cả trong công nghiệp lẫn nông nghiệp”. Và ông đã không bao giờ thoái lui, ngay cả khi do hậu quả các chính sách của ông, Liên Xô lâm nạn đói khủng khiếp vào các năm 1931-1933. Tập thể hóa cưỡng bức trong mấy năm ngắn ngủi đó đã cướp đi sinh mạng của khoảng từ 5 đến 7 triệu người. Như Mao Trạch Đông, kẻ với chính sách Đại Nhảy Vọt, một chiến dịch bạo lực diễn ra từ 1958 tới 1962, để cố tập thể hóa khoảng 700 triệu nông dân Trung Quốc và mở rộng công nghiệp về nông thôn, đã làm chết đói khoảng từ 16 đến 32 triệu sinh mạng. Như Pol Pot, kẻ đã đuổi hàng triệu người ra khỏi các thành phố, đẩy họ về nông thôn làm việc trong các công xã và các dự án cưỡng bức lao động, tìm cách biến Campuchia thành một xã hội không có giai cấp, thậm chí không có đồng tiền. Pol Pot cũng tập trung trẻ em để ngăn ngừa việc chúng bị lây nhiễm ý thức hệ từ cha mẹ “tư bản” của chúng. Hậu quả là khoảng 2 triệu người Cambodia, tương đương một phần tư dân số thời ấy, đã chết vì đói rét, bệnh tật, bị hành quyết hàng loạt trong bốn năm ác mộng dưới ách cai trị của lãnh chúa Khmer đỏ. Như Hồ Chí Minh, kẻ với chính sách Cải cách ruộng đất mà mục đích là thâu tóm đất đai tài nguyên vào tay đảng, tiêu diệt tiềm năng chống đối từ những con người có uy tín ngoài đảng, tẩy trừ văn hóa và đạo đức ngàn đời của Dân tộc để chỉ còn ý muốn của đảng, đã giết trực tiếp lẫn gián tiếp nửa triệu đồng bào. Tiếp đó, với cái gọi là “sự nghiệp giải phóng miền Nam” (mà thâm ý là mở rộng đế quốc đỏ), Hồ đã gây ra cái chết cho 4 triệu con người ở cả hai miền Nam Bắc…..
Sáng 05-11, tại công viên Lê-nin Hà Nội, Ban chấp hành Trung ương đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt cộng đã đến dâng hoa tưởng niệm tại tượng đài tên đồ tể số một của nhân loại. Họ cảm ơn Lê-nin đã dạy họ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó ai nấy làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu và không còn cảnh người bóc lột người chăng? Hoàn toàn không! Tập đoàn lãnh đạo VC dựng cái xác Lénine dậy mà lễ bái là để tri ân một kẻ đã cho họ bí quyết nắm quyền lực toàn trị, đã dạy họ dối trá bình thản với dân, với nước, thậm chí với nhau; đã dạy họ tàn ác lạnh lùng với đồng bào, đồng loại và kể cả với đồng chí. Họ cố học đòi tấm gương của một lãnh tụ không cần biết đến sự nguyền rủa của nhân dân trong hiện tại, sự phán xét của lịch sử trong tương lai và sự trả lẽ (quả báo) trong thế giới mai hậu. Bẳng chứng là rồi đây, với Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và Luật An ninh mạng, sau nhiều luật đàn áp khác, lãnh đạo CS sẽ tiếp tục bóp chết mọi tự do, mọi nhân quyền, sẽ tiếp tục công cụ hóa mọi con người, mọi giá trị của Dân tộc Việt Nam.