Một thầy giáo mất việc vì treo cờ vàng muốn khởi kiện

Cac Bai Khac

No sub-categories

Một thầy giáo mất việc vì treo cờ vàng muốn khởi kiện
Thày giáo Nguyễn Nhiên (phải) và Luật sư Võ An Đôn. Cựu thày giáo dạy sử đang tìm cách kiện công an tỉnh Phú Yên sau 24 năm kể từ khi ông bị khởi tố do tổ chức kỷ niệm ngày “Sài Gòn thất thủ” với cờ vàng và sau đó mất việc. (Ảnh Facebook Đôn An Võ)

Một thầy giáo mất việc sau khi bị khởi tố vì tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày “Sài Gòn thất thủ” với lá cờ vàng 3 sọc đỏ muốn kiện công an tỉnh Phú Yên đòi bồi thường oan sai và lấy lại thanh danh.

Thầy giáo Nguyễn Nhiên cho VOA biết ông đã tổ chức một buổi lễ kỷ niệm vào ngày 30/4/1995 tại tư gia trong đó có vòng hoa cùng lá cờ của Việt Nam Cộng hòa trước khi bị thất thủ ngày 30/4/1975.

Ông Nhiên cho biết ông đã chụp ảnh đứng bên cạnh cờ vàng và hoa cùng khẩu hiệu “Truy niệm 20 năm ngày Sài Gòn thất thủ.” Đó cũng là năm hai chính phủ Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau 2 thập kỷ kết thúc chiến tranh.

​Điều tra không được thì người ta trả tự do cho mình. Nhưng có điều ngành giáo dục cho mình nghỉ việc là trái pháp lý. – Nguyễn Nhiên, cựu giáo viên lịch sử

Với tư cách là một trí thức và cũng là một thày giáo dạy sử, ông Nhiên cho rằng việc tổ chức một buổi lễ kỷ niệm như vậy cùng với một số bạn bè là một sinh hoạt văn hóa bình thường để ngẫm nghĩ về những sự kiện lịch sử đã qua đi.

Mặc dù mới chỉ có 9 tuổi khi “Sài Gòn thất thủ” ngày 30/4/1975, thầy giáo Nhiên giải thích rằng ông đã từng chào cờ vàng 3 sọc đỏ trong ba năm ở trường tiểu học và xem đó là “một biến cố quá lớn đối với nước Việt Nam và người dân miền Nam.”

“Lúc đó tôi còn trẻ nhưng mình đã sống, học hành và có tuổi ấu thơ ở đó. Biến cố đó xảy ra làm thay đổi xã hội và chính trị ghê gớm: có sự phân biệt đối xử giữa những người miền Bắc và miền Nam.”

Gần 4 tháng sau đó, Công an tỉnh Phú Yên ra quyết định khởi tố ông với tội danh “Tuyên truyền chống chế độ Xã hội Chủ nghĩa.”

“Trong khi luật pháp Việt Nam không có điều luật nào cấm công dân treo Cờ vàng,” theo Luật sư Võ An Đôn, người được thầy giáo Nhiên nhờ giúp đỡ về mặt pháp lý để thực hiện vụ kiện này.

Nhận biết việc truy tố thầy giáo Nhiên là sai luật, sau hai tháng điều tra Công an tỉnh Phú Yên ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can và chuyển sang hình thức xử phạt hành chính.

Quyết định đình chỉ điều tra của công an Phú Yên đối với thầy giáo Nhiên. Đây là lần đầu tiên ông Nhiên đưa ra tài liệu mà, theo ông cho biết, cơ quan công an nói ông "phải giữ bí mật".
Quyết định đình chỉ điều tra của công an Phú Yên đối với thầy giáo Nhiên. Đây là lần đầu tiên ông Nhiên đưa ra tài liệu mà, theo ông cho biết, cơ quan công an nói ông “phải giữ bí mật”.

​“Điều tra không được thì người ta trả tự do cho mình. Nhưng có điều ngành giáo dục cho mình nghỉ việc là trái pháp lý,” thầy Nhiên cho biết.

Sở Giáo dục tỉnh Phú Yên đã căn cứ vào Quyết định khởi tố bị can để cho thầy giáo Nhiên nghỉ dạy từ 8/1/1996.

Thày giáo Nhiên, từng dạy ở trường THCS Lương Tấn Thịnh ở huyện Đông Hòa của tỉnh Phú Yên, đã gửi đơn khiếu nại các cơ quan cấp tỉnh, cấp trung ương và thậm chí cả tòa án nhưng không được hồi đáp.

Nếu vụ này mà xảy ra hiện tại hoặc vài năm gần đây thì thắng kiện 100%. – Võ An Đôn, Luật sư

Trong lần xem xét để khởi kiện lần này, thày giáo Nhiên lần đầu tiên đưa ra những những giấy tờ của 24 năm trước trong đó có quyết định đình chỉ điều tra bị can mà Công an tỉnh Phú Yên dặn ông “giữ bí mật, không được cho bất kỳ người nào xem” vì “đây là tài liệu tối mật của nhà nước.”

Luật sư Võ An Đôn cho VOA biết ông đang nghiên cứu luật của vụ này. Tuy nhiên, vị luật sư này nói rằng do vụ việc “xảy ra rất lâu nên sợ hết thời hiệu khởi kiện.”

“Nếu vụ này mà xảy ra hiện tại hoặc vài năm gần đây thì thắng kiện 100%,” theo LS Đôn.

Mặc dù không có nhiều hy vọng, nhưng thầy giáo Nhiên nói rằng ông muốn kiện cơ quan Công an tỉnh một phần “để giải tỏa tâm lý” khi ông bị người dân địa phương nghĩ rằng “mình là phản động.”

“Để xóm làng và địa phương mình, thậm chí cả (toàn) Việt Nam thay đổi suy nghĩ rằng thực ra (tôi) không phải là một người chống phá (nhà nước) hay phản quốc gì cả.”

Thày giáo Nhiên còn muốn rằng việc khởi kiện của ông sẽ thay đổi tư duy nhìn nhận lịch sử và “Luật pháp lúc nào cũng phải bảo vệ và tôn trọng quyền tự do của người dân.”