Một số người ‘bị câu lưu’ vì tưởng niệm 17/2

Cac Bai Khac

No sub-categories

Một số người ‘bị câu lưu’ vì tưởng niệm 17/2

BBC
17 tháng 2 2017

17/2

Bản quyền hình ảnhFACEBOOK HUY TRAN
Image captionNghệ sĩ Kim Chi bị đưa ra khỏi nơi tưởng niệm ở TP. Hồ Chí Minh sáng 17/2

 

Khoảng một chục người, trong đó có các nhà hoạt động và văn nghệ sỹ, cáo buộc đã bị câu lưu trong lễ tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt – Trung 17/2/1979 tại Hà Nội và TP. HCM.
Bên cạnh đó là cáo buộc xảy ra tình trạng phá đám, bắt cóc người trái pháp luật, phá rối những người đi tưởng niệm.
Hình ảnh và clip chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nữ diễn viên Kim Chi cùng những người khác bị các lực lượng mặc đồng phục đẩy ra khỏi nơi làm lễ tưởng niệm ở TP. Hồ Chí Minh.
Còn ở Hà Nội, có ghi nhận nhà chức trách dùng loa phóng thanh để kêu gọi đám đông giải tán.
Ngày 17/2 đánh dấu 38 năm Chiến tranh biên giới Việt – Trung.
Cuộc chiến đẫm máu diễn ra vào tháng 2/1979 khi Đặng Tiểu Bình cho quân đánh sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.
Cuộc chiến kéo dài chỉ ba tuần nhưng hàng chục nghìn người thiệt mạng.

‘Xót xa’

Hôm 17/2, trả lời BBC từ TP. Hồ Chí Minh, diễn viên Kim Chi, người từng từ chối bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2013, cho hay bà cùng nhà thơ Hoàng Hưng, Phan Đắc Lữ và một số dân oan “mới xuất hiện tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Đằng, quận 1 thì bị tống lên xe đưa về trụ sở Công an quận Bình Tân”.
“Nhưng sau hơn một giờ, họ để chúng tôi đi về mà không ngăn cản.”
“Chúng tôi xác định đã dấn thân thì việc bị hăm dọa, bắt bớ là chuyện bình thường. Bản thân tôi khi còn ở Hà Nội đã từng bị câu lưu nhiều lần”, bà nói.
“Chỉ có điều, tôi xót xa vì người của chính quyền hèn với giặc, ác với dân.”

 

17/2Bản quyền hình ảnhFACEBOOK THANH PHAM
Image captionBuổi lễ tưởng niệm ngày 17/2 tại Khu tượng đài Lý Thái Tổ, Hồ Gươm, Hà Nội

 

“Bằng cách ngăn người đi tưởng niệm, họ đã chà đạp quá khứ và vô ơn với những người đã ngã xuống.”
“Liên tục mấy năm qua, Đảng, nhà nước Việt Nam sợ Trung Quốc nên đã cho đục bỏ các bia tưởng niệm, ngăn chặn mọi sự tưởng niệm bằng đủ mọi cách.”
“Đó là hành động của những kẻ bán nước, cam tâm làm nô lệ. Chúng ta nhất định phải chống lại hành động đê hèn đó”.
BBC không liên hệ được một số người ở Hà Nội được tin là cũng bị câu lưu trong sự kiện này.
Đến 17:39 hôm 17/2, các nhà hoạt động tại Hà Nội thông báo họ đang có mặt tại công an phường Thịnh Quang, Đống Đa, để đòi trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, người đang bị câu lưu.
Cùng ngày, AP dẫn lời ông Phùng Thế Dũng, người tham dự buổi tưởng niệm tại tượng đài Lý Thái Tổ: “Tôi cảm động vì nhiều người đến đây thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ biên giới tổ quốc.”
“Tuy vậy, tôi có cảm xúc lẫn lộn vì nhà chức trách cho thấy họ muốn hạn chế việc tưởng niệm sự kiện này ở nơi công cộng.”
Chính quyền không có hoạt động chính thức đánh dấu sự kiện này, nhưng khác với mọi năm, một số báo như VnExpress, Thanh Niên… đăng bài tưởng nhớ Chiến tranh biên giới Việt – Trung trên trang nhất và viết rằng “đây là dấu mốc không thể lãng quên”.
Bình luận về động thái này với BBC từ Hội An, nhà báo Trung Bảo nói: “Việc chính quyền mở rộng cho báo chí đưa tin về sự kiện 17/2 là chỉ dấu tốt.”
“Cho dù có thể không cởi mở hết nhưng cũng đáng mừng, nhất là trong bối cảnh sách giáo khoa môn lịch sử thì thông tin về cuộc chiến Việt – Trung hãy còn hạn hẹp, người dân muốn biết thêm thì chỉ còn cách tự tìm hiểu trên mạng.”
“Chí ít thì năm nay, báo chí chính thống cũng cung cấp được những thông tin cần thiết về sự kiện đó, dù còn ít ỏi.”
“Tôi cũng mong là tiếp đó, chính quyền cần có ứng xử phù hợp hơn với những người tham gia các hoạt động dân sự như tưởng niệm người hy sinh trong cuộc chiến Việt – Trung.”
“Vì rõ ràng những người này chỉ muốn bày tỏ lòng yêu nước trong một ngày quan trọng trong lịch sử Việt Nam mà thôi.”