Một quyết định đúng lúc của người quân tử
Phan Lê Vũ
8-9-2017
GS Tương Lai vừa tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản vào ngày 2 tháng 9, đúng ngày kỷ niệm ông Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, đồng thời cũng là ngày ông Hồ từ trần, để đánh thức mọi người nhớ về 6 chữ Độc lập, Tự do, Hạnh phúc còn đang thực hiện dở dang. Mọi người đều trân trọng đón nhận tin này nhưng không ai ngạc nhiên.
Không ngạc nhiên vì cách đây 2 năm, ngày 9/12/2015, GS Tương Lai đã cùng 126 nhà yêu nước nổi tiếng khác, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Đình Cống, GS Trần Văn Thọ, cựu đại sứ Nguyễn Trung, TS Lê Đăng Doanh …, củng ký tên, gửi bức thư ngỏ đến Bộ Chính trị và BCHTU ĐCSVN, do ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, chỉ ra những sai lầm, thất bại của đường lối xây dựng Chủ nghĩa Xã hội theo Chủ nghĩa Mác – Lê nin, đồng thời kiến nghị đổi tên đảng và đổi tên nước, không gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nữa. Hai năm đã qua, ông Tương Lai đã kiên trì, tiếp tục nhiều lần góp ý xây dựng đảng theo hướng đó, nhưng ý kiến ông không được tiếp thu, mà còn bị quy kết là đã “tự diễn biến, tự chuyển hóa tư tưởng”.
ĐCSVN tự biên tự diễn điều 4 Hiến pháp để duy trì nền cai trị độc đảng độc tài, ngày càng trở nên tha hóa, tham nhũng, không thể cứu chữa và đưa mọi mặt kinh tế, xã hội, giáo dục, đạo đức… của đất nước ngày càng lâm vào ngõ cụt.
Sau nhiều thất bại về kinh tế, đến nay lại thêm nhà máy đóng tàu Dung Quất đang ở bờ vực phá sản và sắp mất toi số tiền đã đầu tư 5.098 tỉ đồng (1). Việt Nam đã tụt hậu quá xa về kinh tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm vừa qua chỉ bằng 2/5 của Thái Lan, bằng 1/14 của Hàn Quốc, bằng 1/27 của Singapore (2). Trong 22 năm tham gia ASEAN vừa rồi, Việt Nam đã nhập siêu đến 90 tỉ USD (3). Thuế VAT từ 10% đã leo lên đến 12%.
Trong khi đó, dân chúng phát hiện ra thêm nhiều tài sản khổng lồ vô minh của quan chức cộng sản cỡ bự ở Yên Bái, ở Thanh Hóa, ở Bộ Công thương. Tội phạm buôn lậu thuốc giả chữa bệnh ung thư đã len vào cả Bộ Y tế, là nơi đáng lẽ “Lương y phải kiêm từ mẫu”.
Ngoài Biển Đông, quân Tàu Cộng đang tập trận bắn đạn thật, chỉ cách Đà Nẵng khoảng 75 hải lý để đe dọa Việt Nam. Ở Tòa Trọng tài quốc tế ICC, ông Trịnh Vĩnh Bình chắc chắn sẽ thắng kiện và hệ quả có thể sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn làm ăn với Việt Nam. Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, Chính phủ Đức đã vừa gửi Tối hậu thư (Ultimatum) cho Chính phủ Việt Nam (4).
Việt Nam thật sự đang cô đơn trong một thế giới bất an. Trước những mối thách thức to lớn này này, ĐCS và Chính phủ VN lại đang ưu tiên phát triển ngành đào tạo công an và chuẩn bị đàn áp dân chúng xã Đồng Tâm đang quyết tâm làm theo lời căn dặn của ông Hồ Chí Minh, chống tệ nạn tham nhũng đất nông nghiệp. Bởi vậy người ta tôn trọng và tán thành quyết định của GS Tương Lai khi ông tuyên bố từ bỏ và đoạn tuyệt với ĐCSVN đang do Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư.
Là người cộng sản đã có 58 tuổi đảng, đang ở độ tuổi 81, tuổi xưa nay hiếm, lại là người đã từng được đảng ban cho học hàm và chức vị cấp cao là Phó Giáo sư, Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, lẽ ra ông Tương Lai đã có thể an trí tuổi già nhưng ông lại từ bỏ Đảng, có nghĩa là ông cũng từ bỏ những đặc quyền đó mà Đảng đã ban cho. Có người chê ông là khờ dại. Có người khen ông là sáng suốt. Người chê ông khờ dại thì lập luận rằng ông đã cung cúc theo đảng gần cả đời người, nay miếng ngon đã đến gần miệng lại còn từ chối. Người khen ông thì lập luận rằng ông từ bỏ Đảng vào lúc này là đúng lúc vì Đảng Cộng sản đã tha hóa đến tột cùng, hết thuốc cứu chữa. Họ cho rằng quyết định từ bỏ Đảng của ông là quyết định của người Quân Tử có lòng tự trọng và biết liêm sỉ, đoạn tuyệt với bọn lục lâm thảo khấu đang chi phối, lũng đoạn toàn đảng và chúng đang bị dân chúng khinh ghét. Họ nói ông khôn còn vì ông cũng như ông Tống Văn Công, đã nhận ra mình “vừa là nạn nhân, vừa là can phạm”, từ bỏ đảng để từ nay ông không còn phải chịu chung trách nhiệm về những sai lầm và tai họa do ĐCSVN tiếp tục gây ra với dân tộc, với đất nước nữa.
Ông rất đáng để chúng ta trân trọng bởi ông tuyên bố từ bỏ ĐCS không phải để trốn tránh trách nhiệm hay để nghỉ ngơi, an dưỡng mà để tiếp tục dấn thân, tự nguyện làm “người lót đường” cho thế hệ trẻ chiến đấu cho tương lai của dân tộc và của đất nước bằng một cách khác.
GS Tương Lai công bố quyết định từ bỏ Đảng vào ngày 2/9/2017, đến ngày 7/9/2017 đã có 7 bài bình luận được đăng trên báo Tiếng Dân. Có tác giả là người đang ở trong nước, có người đang ở nước ngoài. Tất cả đều tán thành quyết định từ bỏ ĐCSVN của ông nhưng có ý kiến cho rằng ông còn nửa vời, chưa dứt khoát với ĐCSVN vì ông muốn thay Đảng Cộng sản bằng Đảng Lao động đã có trong quá khứ.
Trên thế giới có nhiều đảng lấy tên là Đảng Lao động, chẳng hạn Đảng Lao động Anh là đảng theo Chủ nghĩa xã hội dân chủ, không theo Chủ nghĩa cộng sản. Còn Đảng Lao động Việt Nam với Chủ tịch đảng là Hồ Chí Minh, vốn tách ra từ Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1951 thì trong tâm trí của nhiều người còn sống, danh xưng Đảng Lao động đó đã gắn liền với cuộc Cải cách ruộng đất ở miền bắc 1953-1956, giết oan hàng chục ngàn người dân vô tội; gắn với chiến dịch tịch thu, trưng thu tài sản của các nhà tư sản dân tộc sau khi tiếp quản Hà Nội năm 1954; gắn với cuộc đàn áp phong trào đòi dân chủ của giới trí thức văn nghệ sĩ năm 1956 gọi là phong trào Nhân văn Giai phẩm; gắn với cuộc đàn áp những người bị Đảng ghép tội xét lại chống Đảng năm 1967 vì đã phản đối Nghị quyết 9; gắn với sự tráo trở chia ruộng cho nông dân nghèo rồi sau đó lại dồn tất cả họ vào các hợp tác xã nông nghiệp để quản lý từ cái dạ dầy trở đi, xóa bỏ tận gốc quyền tư hữu ruộng đất của toàn bộ nông dân miền bắc; và gắn với cuộc tàn sát thường dân Huế những ngày Tết Mậu Thân 1968. Nhắc đến danh xưng Đảng Lao động Việt Nam, nhiều người còn khiếp sợ.
Ngày 6/9/2017, đài Hoa Kỳ VOA đã phỏng vấn GS Tương Lai và đã được ông trả lời.
Theo GS Tương Lai, Đảng Lao động mà ông nói đến sẽ không phải là một đảng toàn trị. Đó là một đảng chính trị chấp nhận đa nguyên, đa đảng, chấp nhận đối lập và phản biện, chấp nhận một Chính phủ đa đảng. Ông nói hiện nay đang có một thực tế là chưa có một lực lượng chính trị nào đủ mạnh để có thể thay thế đảng đang nắm quyền bằng hệ thống chuyên chính vô sản, được cài cắm từ trung ương đến tận cơ sở phường, xã. Tôi đồng ý với ông Tương Lai về nhận xét này.
Cũng theo GS Tương Lai thì trong số những đảng viên của Đảng Cộng sản đang nắm quyền, còn có nhiều người giữ được phẩm chất, chưa bị tha hóa. Họ bất đồng ý kiến sâu sắc với Nguyễn Phú Trọng và bè cánh của ông ta, không chịu để bè lũ này thao túng. Ông và những người đó đang tìm mọi cách để chuyển biến tình thế dần dần, mỗi người tùy theo vị trí của mình mà có cách hành động phù hợp. Tuy nhiên khi chưa có điều kiện, chưa có thời cơ thì không ai dại gì bộc lộ tư tưởng sớm để bị đàn áp.
Ông cho biết, ông cùng với những người đó muốn thay đổi thể chế một cách hòa bình, chuyển hóa dần, từ một chế độ toàn trị phản dân chủ, thay vào đó một chế độ dân chủ hơn. Ông nói thêm không thể có dân chủ trong một sớm một chiều mà dân chủ là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài với nhiều phương thức, nhiều hoạt động, nhiều lực lượng, nhiều sự phối hợp và tùy theo tình thế, vận dụng phương thức đấu tranh một cách ôn hòa, đến một lúc nào đó, lượng đổi thành chất, khi có thời cơ, sẽ có thể có những đột biến không lường được trước.
Đã từng trong bộ đội từ năm 1950, tôi hiểu đấu tranh để thay đổi một thể chế chính trị, từ độc tài chuyển sang dân chủ, dù bằng cách ôn hòa hay bằng vũ trang, đều là làm cách mạng mà muốn làm cách mạng thì phải có cương lĩnh chính trị để thu hút lực lượng, phải có một tổ chức chặt chẽ với điều lệ rõ ràng, có kinh nghiệm tập họp lực lượng, có kinh nghiệm lãnh đạo đấu tranh và có sách lược linh hoạt phù hợp tình thế, để từng bước giành thắng lợi và giảm thiểu tổn thất lực lượng.
Ở Việt Nam, những người cộng sản là những người giỏi nhất về những điều này. Hãy học ở họ và nếu có những người cộng sản mang hoài bão như GS Tương Lai cùng gánh vác với ông thì đó là phúc lớn cho dân ta. Những người còn đang trong hàng ngũ của ĐCS nhưng đã đoạn tuyệt với tư tưởng Mác – Lê – Mao và theo cách nói của ông Nguyễn Phú Trọng, họ đã “tự chuyển hóa, tự diễn biến” cùng phối hợp đấu tranh thì đó là của quý đối với cuộc cách mạng dân chủ này.
Trong những năm ở quân ngũ giai đoạn kháng chiến lần thứ nhất, tôi đã từng sống với đồng đội là những người yêu nước rổi gia nhập đảng, trở thành những người cộng sản. Họ chẳng hiểu gì nhiều về cương lĩnh của đảng, cũng chẳng ham thích lý luận về chủ nghĩa cộng sản nhưng họ là những người trung thực, tốt bụng, đến nay gặp lại nhau cũng vẫn vậy, đúng như nhà sử học uyên bác Trần Quốc Vượng đã nhận xét về một số đồng sự của ông: “Họ là cộng sản nhưng mà tốt”. Tôi tin rằng trong hàng ngũ những người cộng sản còn có những người tốt, chưa bị tha hóa như GS Tương Lai đã kể.
Nhìn gương Đông Âu cải cách thể chế chính trị sau khi chế độ độc tài cộng sản tan rã vào năm 1989, đã có tình trạng ngập ngừng ở một số người vốn là người cộng sản tham gia lãnh đạo chính quyền mới, đứng trước tình thế mới, theo quán tính lại muốn trở lại con đường cũ. Điều này rồi cũng có thể xảy ra ở Việt Nam vì cho đến nay, Việt Nam chưa bao giờ có nền dân chủ thật sự và người dân chúng ta đã bao nhiêu đời nay quen sống với lễ giáo phong kiến và Đạo Nho, nay lại sống trong chế độ độc tài cộng sản, chưa bao giờ được tập dượt để trở thành người tự do dân chủ. Vì thế, cuộc đấu tranh này có lẽ không phải là trận cuối cùng. Nhưng khi thành lập được một thể chế đa nguyên đa đảng, có đảng đối lập, có Nhà nước pháp quyền, được tổ chức theo học thuyết tam quyền phân lập, có tự do ngôn luận, công dân có quyền bầu cử và tự do ứng cử, không còn bị đảng cử dân bầu, như GS Tương Lai đã dự kiến thì dù đường đi có khúc khuỷu nhưng không thể chệch mục đích tiến tới một nền dân chủ đích thực mà thế giới dân chủ đã đạt được.
Còn về tư tưởng Hồ Chí Minh? Nhà nghiên cứu Lữ Phương là người trong cuộc, đã trình bày khá rõ và khách quan trong bài “Suy nghĩ về thần tượng Hồ Chí Minh”. Tôi đã từng có mặt tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 19/8/1945 và đã từng đi trong dòng người lũ lượt diễu hành, tới dự cuộc mít tinh ở Quảng trường Ba Đình, để nghe bản Tuyên ngôn Độc Lập vào ngày 2/9/1945. Khi đó tôi còn nhỏ tuổi, đi theo sự thôi thúc của tính hiếu kỳ chứ không phải là đi trong hàng ngũ Việt Minh. Điều tôi còn nhớ đến tận hôm nay là tấm lòng yêu nước nồng nhiệt của người dân thủ đô lúc ấy đã gắn với hình ảnh và phong cách của Hồ Chí Minh và chắc rằng đến nay vẫn còn rất nhiều người trong số đó còn sống. Bây giờ không phải là lúc thích hợp để tranh cãi về công hay tội của ông Hồ. Dù ông Hổ chưa thực hiện nhưng nhiều lời nói của ông có giá trị đạo đức và nhân văn cao cả, về quyền dân, về quân đội nhân dân, về dân chủ, về chính quyền nhân dân vẫn là những điểm tựa, những lời hướng dẫn cho chúng ta đấu tranh chống lại sự tha hóa của tệ nạn toàn trị độc tài thì tại sao lại không khai thác? Chẳng hạn những lời nói của ông Hồ sau đây đã được in trong Tuyển tập Hồ Chí Minh, do NXB Sự Thật ấn hành:
– Ông Hồ Chí Minh nói về quân đội: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân”. (Nói với học viên khóa 1 trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Tông, Sơn Tây, năm 1946).
– Nói về quyền của dân: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân: (Tuyển tập HCM, NXB Sự thật ấn hành 1985, Tập 5, Trang 299). – “Việc gì có lợi cho dân phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” (Tập 3, Trang 418, 1985). – “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (Tập 4, Trang 35, 1984).
– Nói về dân chủ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình góp phần tìm ra chân lý” (Tập 7, Trang 482, 1987).
– Nói về Đảng Cộng sản Việt Nam và đảng viên: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” (Tập 4, Trang 463, 1984). – “Phải chí công vô tư, có tinh thần lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” (Tập 2, Trang 210, 1980).
– Nói về Chính quyền và viên chức nhà nước: “Chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ” (Tập 6, Trang 121, 1986). – “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” (Tập 4, Trang 283, 1984). – “Tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân” (Tập 6, Trang 266, 1986).
Với GS Tương Lai, con đường mà ông đã dự định thực hiện sẽ là con đường vô cùng gian truân. Ông Nguyễn Phú Trọng và phe cánh của ông ta sẽ không khoanh tay ngồi nhìn ông hành động. Chắc rằng GS Tương Lai đã lường trước điều này. Mong ông bảo trọng. Chúc ông luôn luôn mạnh khỏe để thực hiện thành công những điều mà ông đã dự định.
Ghi chú nguồn tư liệu:
(1)- Báo Dân Trí, ngày 22/5/2017: “Phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN “mất trắng” 5.000 tỷ đồng?”
(2)- Bauxite Việt Nam, ngày 25/7/2017: “Việt Nam tụt hậu bao xa so với láng giềng?”. Bài gốc của tác giả Tư Hoàng, đăng trên báo TBKTSG, ngày 30-8-2015.
(3)- Trí Thức VN, ngày 11/8/2017: “22 năm gia nhập ASEAN: Việt Nam nhập siêu hơn 90 tỷ USD”.
(4)- Trung Khoa, Thời Báo, CHLB Đức, ngày 5/9/2017: “Vụ Trịnh Xuân Thanh: Việt Nam chỉ còn 48 tiếng”.
baotiengdan.com/2017/09/…dinh-dung-luc-cua-nguoi-quan-tu