Một nửa năm Hồng Kông chống Trung Cộng: Thắng bại ra sao?
Hôm nay người dân Hồng Kông chính thức làm kỷ niệm một nửa năm dám đứng dậy phản kháng chống Trung Cộng. Đây cũng là dịp để nhìn lại sự kiện tranh đấu kéo dài kỷ lục rất hy hữu này.
I/ Cuộc biểu tình gần đây nhứt và hợp pháp sau gần 5 tháng bị cấm đoán
Gần nhứt là hôm qua vào ngày chúa nhật 8.12.2019, họ đã có cơ hội thuận tiện thực hiện được một cuộc biểu tình tuần hành quy tụ rất đông đảo khoảng xấp xỉ gần một triệu người với khí thế nô nức hiếm có và giử được kỷ luật ôn hoà cho đến lúc tan hàng. Cuộc biểu tình này có những điểm đặc biệt đáng chú ý.
Phải nói là đặc biệt bởi lẽ:
1/ Lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm nay đã nhận được sự chấp thuận cho tổ chức biểu tình diễn hành từ chánh quyền tay sai Hông Kông. Trước đó luôn luôn bị bác bỏ với nại cớ là nguy hiểm cho an ninh xã hội.
2/ Cuộc biểu tình hợp pháp này được dân chúng tham dự đông đảo ngoài sức mong ước của Ban Tổ Chức bởi vì nhằm đánh dấu các thắng lợi trước Trung Cộng. Chẳng hạn cụ thể như:
a) Chánh quyền tay sai Hồng Kông lần đầu tiên phải nhượng bộ qua quyết định phải chính thức rút lại Dự luật Dẫn độ vào ngày 23.10/2019.
b) Thắng quá lớn với 86% trong cuộc bầu cử Hội đồng Quận vào ngày 24.11/2019.
c) Thuyết phục được siêu cường Mỹ ủng hộ và cụ thể nhứt qua Đạo luật Nhân quyền & Dân chủ Hồng Kông được TT Trump ký kết ban hành vào ngày 27.11/2019.
d) Quan trọng nhứt là nuôi dưỡng được phong trào tranh đấu đầy gian khổ & nguy hiểm kéo dài được một nửa năm mà khó ai có thể tiên đoán nổi khi bắt đầu bùng nổ vào ngày 9.6/2019
3/ Thái độ chính quyền tay sai cho thấy có dấu hiệu nhượng bộ khi cho phép tổ chức biểu tình.
Phát biểu sau khi cuộc biểu tuần hành kết thúc, Ban Tổ Chức đã nói rằng có dấu hiệu cho thấy dân chúng Hồng Kông vẫn còn bất mãn rất nhiều muốn thúc đẩy chánh quyền phải giải quyết 5 đòi hỏi được đưa ra.
Trong quá khứ khi phong trào ủng hộ dân chủ Hồng Kông có dấu hiệu bạo lực leo thang vào tháng trước thì cuộc biểu tình tuần hành vào hôm qua không thấy có cuộc đụng độ quan trọng nào cả.
Phải chăng đang có những chuyển động “ngầm” trong hậu trường Hồng Kông trong những ngày sắp tới ?
II/ Cuộc biểu tình đầu tiên và nổi tiếng khởi đầu cho công cuộc tranh đấu
Đó chính là cuộc biểu tình vào ngày 9 tháng 6.
Thực ra trước đó đã vài cuộc biểu tình rồi, nhưng không được tổ chức quy mô nên không được đi vào lịch sử. Chẳng hạn:
1/ Cuộc biểu tình sớm nhứt vào ngày 30 tháng 3 với 12.000 người tham dự đi tuần hành từ vùng Wanchai đến Admiralty.
2/ Đến cuối tháng 4 lại có biểu tình đến 130.000 người lên tiếng đòi hỏi rút Dự luật Dẫn độ lại. Sau đó có đến 70 tổ chức Phi Chánh Phủ (NGO) đã gửi bản Thư Ngỏ với trong điểm như sau:
“Do thiếu độc lập về tư pháp và các thiếu sót về thủ tục thông thường sẽ dẫn đến các phiên tòa không công bằng, chúng tôi sợ rằng những thay đổi được đưa ra sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ người dân nào ở Hồng Kông , nếu họ có hoạt động nào liên quan đến Trung Hoa Đại Lục. Trong đó bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà báo, các nhân viên NGO và những người trợ giúp xã hội có nguy cơ vi phạm tội bị cáo buộc diễn ra. Do đó, chúng tôi kêu gọi Chính phủ Hồng Kông rút dự luật này ngay lập tức …”
Riêng ngoại giao đoàn của các quốc gia Tây Phương rất lo ngại nếu Dự luật à dẫn độ được thông qua thì Trung Cộng bất cứ lúc nào cũng có thể bắt giử làm con tin các công dân ngoại quốc đến du lịch tại Hồng Kông để trả đủa các biện pháp chiến tranh thương mại giữa đôi bên . Điển hình nhứt là vụ trả đùa Canada sau khi đã bắt giử bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) của xí nghiệp Hoa Vi (Huawei).
3/ Không chỉ các chính trị gia phản đối dự luật này, mà còn có giới luật sư chuyên nghiệp cũng hành động cụ thể.
Vào ngày 6 tháng 6 có tất cả 2.500 luật sư đã tổ chức một “cuộc tuần hành đen” chống lại dự luật này. Họ tập trung trước Tòa án Tối cao và diễu hành trong im lặng đến trụ sở chính phủ.
Nhưng đáng kể nhứt và đi vào lịch sử, đó chính là cuộc biểu tình vào chúa nhựt ngày 9 tháng 6 với khoảng trên 1 triệu dân Hồng Kông đã xuống đường để ngăn cản chính phủ tay sai Hồng Kông thay đổi luật dẫn độ hiện hành.
Cuộc biểu tình bắt đầu lúc 2:30 chiều và nhanh chóng làm tê liệt phần lớn đảo Hồng Kông. Các đường phố chính của Hồng Kông đã bị tràn ngập bởi người dân đi biểu tình.
III/ Hai cuộc biểu tình đông đảo nhứt
Khí thế của cuộc biểu tình ngày 9 tháng 6 đã phát sinh ra liên tiếp những cuộc biểu tình lớn sau này. Hậu quả đã khiến cho chính quyền tay sai Hồng Kông đã phải bắt đầu “chịu thua”.
1/ Đó là vào ngày 15 tháng 6, Đặc Khu Trưởng Hồng Kông ( bà Carrie Lam ) tuyên bố sẽ dời biểu quyết Dự luật Dẫn độ. Chính vì thái độ “câu giờ” này đã khiến dân chúng Hồng Kông vô cùng bất mãn và tự động đi biểu tình vào hôm sau nhằm ngày 16 tháng 6 với con số đông đảo kỷ lục nhứt lên đến trên 2 triệu người.
2/ Khi TT Trump tố cáo & báo động cho biết theo tin tức tình báo thì Trung Cộng đang tìm cách chuyển quân đến thành phố Thẩm Quyến ( Shenzhen ). Dân chúng Hồng Kông đã lập tức tổ chức biểu tình vào ngày 18 tháng 8 quy tụ được trên 1,7 triệu người. Rất có thể chính vì thấy quyết tâm của hàng triệu dân Hồng Kông và thái độ cứng rắn của Mỹ nên Trung Cộng đành phải từ bỏ giải pháp đàn áp đẫm máu như vụ Thiên An Môn năm 1989.
IV/ Ảnh hưởng của công cuộc tranh đấu Hồng Kông
Hậu quả cuộc tranh đấu quyết liệt của dân Hồng Kông dẫn đến điều bất ngờ vô cùng là tạo được ảnh hưởng quan trọng không những đến nội bộ Hồng Kông mà còn lan rộng qua Trung Cộng và tình hình thế giới. Cụ thể như:
1/ Dân chúng Hồng Kông đoàn kết thành một khối và hầu như hết tin vào những gì Trung Cộng hứa. Ngoài ra họ có thái độ khinh khi & căm ghét những nhân vật “tai to mặt lớn” đi làm tay sai cho Bắc Kinh. Điển hình nhứt là trong cuộc bầu cử vừa qua hầu hết những nhân vật nổi tiếng làm tay sai đều bị thất cử một cách ê chề . Đặc biệt là Đặc Khu Trưởng ( bà Carrie Lam ) phải thú nhận là rất sợ đi ra ngoài một mình vì biết dân chúng Hồng Kông rất căm thù. Chính vì biết nguy cơ nên đã có tin rò rỉ cho rằng một số nhân vật thân Trung Cộng muốn từ chức đi di dân qua Anh Quốc sinh sống. Đó là hiện tượng đàn chuột bỏ chạy khi có hiện tượng tàu bè sắp chìm.
2/ Dân chúng Quảng Đông đã học được bài học tranh đấu của Hồng Kông nên đã thắng lớn khi biểu tình cũng đưa ra yêu sách 5 điểm ( tượng trưng bằng 5 ngón tay đưa lên cao ! ). Chỉ cần 4 ngày tranh đấu thì chánh quyền Trung Cộng phải “chịu thua” vì sợ để lâu để lan qua các địa phương khác.
3/ Sự kiện tranh đấu dân chủ tự do cho Hồng Kông đã được mang ra Liên Hiệp Quốc và Trung Cộng đã bị bà Bachelet với tư cách Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền LHQ phê bình nặng nề khiến Bắc Kinh bị “mất mặt” nên phải lên tiếng “mắng chửi cá nhân” một cách hèn hạ.
Xem: https://www.dw.com/en/china-accuses-un-human-rights-chief-of-inflaming-hong-kong-unrest/a-51486730
4/ Rõ ràng chánh phủ Mỹ đang xử dụng cuộc tranh đấu Hồng Kông như một lá bài “tẩy” để tạo áp lực cho chánh sách “đánh và trị” Trung Cộng. Cho nên Bắc Kinh luôn luôn lên tiếng tố cáo Mỹ đã đứng sau lưng yểm trợ cuộc tranh đấu Hồng Kông.
V/ Kết luận
Qua những dữ kiện cụ thể trên cho thấy rõ ràng lý do tại sao công cuộc tranh đấu dân chủ tự do Hồng Kông lần này bền bỉ kéo dài khác thường với 6 tháng đã trôi qua .
Đó chính là nhờ 3 yếu tố:
a) Nhân Hoà với những trái tim dũng cảm đầy lý tưởng tranh đấu như các nhân vật còn rất trẻ như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Hà Vận Thi (Denise Ho) ……. và hàng ngàn người già trẻ đang hy sinh ngồi tù đã lôi cuốn hữu hiệu khiến đại đa số dân Hồng Kong lao mình vào dấn thân.
b) Địa Lợi với vị trí địa dư đặc biệt ngăn cách quá xa Bắc Kinh và bên cạnh luôn luôn có giới truyền thông Tây Phương nên đã khiến Trung Cộng rất e dè.
c) Thiên Thời với sự xuất hiện đột ngột và đắc cử quá bất ngờ của TT Trump và PTT Pence đã thay đổi nước Mỹ có chánh sách chống Trung Cộng dữ dội và xô đẩy Bắc Kinh vào tình trạng khủng hoảng toàn diện có thể dẫn tới sụp đỗ.
Như vậy lẽ thắng bại cho tới nay nghiêng hẳn về phía Hồng Kông. Tuy nhiên trong tương lại rất khó lường vì Trung Cộng nổi tiếng là gian trá và độc ác dám làm những tội ác tày trời. Dù sao đi nữa cuộc tranh đấu Hồng Kông 2019 chắc chắn đi vào lịch sử với những sự kiện hào hùng cả hàng triệu người dân nắm tay nhau đi biểu tình, giống như những cuộc biểu tình tại Berlin vào năm 1989 đã khiến Bức Tường Ô Nhục Bá Linh phải “sụp đỗ” vào ngày 9 tháng 11 năm đó và cuối cùng tan vỡ đế quốc Liên Sô.
VN chúng ta cũng hy vọng như vậy và luôn dành cảm tình cao quý cho những nhà tranh đấu Hồng Kông đầy lý tưởng và nhiệt huyết.
Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi
9/12/2019