Một nền Dân Chủ nào cho Việt Nam ngày mai? Dân Chủ: từ đặc tính văn hóa đến thể chế chính trị – Nguyễn Văn Trần

Cac Bai Khac

No sub-categories

Một nền Dân Chủ nào cho Việt Nam ngày mai? Dân Chủ: từ đặc tính văn hóa đến thể chế chính trị – Nguyễn Văn Trần

KHÁI NIỆM VỀ VĂN HÓA

Thường văn hóa được định nghĩa là căn bản về mọi kiến trúc của con người. Nên có thể nói không một nền chính trị nào được xây dựng mà không dựa trên nền tảng văn hóa, bởi xã hội loài người đều trưởng thành trong môi trường văn hóa. Tất cả đều xuất xứ từ văn hóa. Đời sống là văn hóa và văn hóa là sự sống. Chánh trị cũng như văn minh là cái thị hiện của văn hóa. Văn hóa tạo nên nếp sống và nếp tư duy. Văn hóa làm cho ta có một trạng thái tinh thần, một thái độ đối với sự việc. Do đó ta có quan niệm chánh trị. Như vậy, người ta có thể hỏi nếu cùng một văn hóa thì đều có một quan niệm và một đường lối chánh trị giống nhau hay sao? – Không. Văn hóa giúp ta nảy nở và phát huy và trong sự phát huy có nhiều sắc thái. Chính đây là giá trị đích thực của văn hóa, bởi nó vô cùng đẹp, vô cùng linh biến. Trong sự phát huy đó, ta có ý nghĩ chánh trị, tức là ta có tư tưởng về tổ chức xã hội, tức chánh quyền và quyền hành. Và tư tưởng của con người thì không bao giờ đồng nhứt. Điều tốt là tư tưởng không đồng nhứt, bởi đồng nhứt thì đưa đến quán tính. Mà quán tính thì ngưng trệ, là khô héo, là chết1.

Trong vũ trụ, trong sự thị hiện của vũ trụ, xưa nay, không có gì là đồng nhứt, bởi vì chính hiện tượng là vô thưòng.

TỪ THẦN THOẠI ĐẾN NỀN VĂN HÓA VIỆT

–          ĐẶC TÍNH CỦA HAI NỀN VĂN HÓA ĐÔNG VÀ TÂY

Hoạt động của con người về mặt tinh thần và vật chất đều do tư duy của con người mà kết thành. Tư tưởng nhơn loại về vũ trụ và con người trước đây được xếp, theo đặc tính, thành hai thể loại khác nhau: tĩnh và động. Tĩnh liên quan đến những vấn đề thuộc bản thể sự vật, thường có tính cách trừu tượng. Còn động là khi bàn đến sự biến dịch, hoặc sự tác động đến sự vật2.

Dựa theo nhận xét trên đây, người ta có xu hướng xếp nền tư tưởng Tây phương thuộc loại tĩnh, còn nền tư tưởng Đông phương, trong đó có Việt Nam, thuộc loại động. Về điểm này, giáo sư Nguyễn Đăng Thục nhận xét văn hóa Đông phương «xưa nay vẫn đóng khuôn trong vòng vũ trụ quan Âm–Dương. Âm Dương khác với Vật–Tâm ở điểm chánh yếu này: một đàng là hai trạng thái kinh nghiệm của sự sống, hai thái độ xử thế, tiếp vật, một khuynh hướng vận động của một bản thể đồng nhứt miên tục; còn một đàng là hai hình ảnh của tinh thần, hai khái niệm trừu tượng hợp lý, biệt lập và đối lập, cái nọ phủ nhận cái kia, không có thể tịnh hành như hai khuynh hướng Âm–Dương3».

Đặc tánh này dẫn đến sự khác biệt nền tảng trong nếp tư duy và trong đời sống xã hội giữa Đông và Tây. Đông ứng sử rất rộng rãi về mặt tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng lại rất khắt khe ở thể chế, thói tục, luật tắc của xã hội. Trái lại, ở bên Tây phương cổ thời lại rất dễ dãi ở thể chế xã hội, trong đời sống, nhưng lại vô cùng nghiệt ngã trong tư tưởng, tôn giáo, suy tư. Ở Đông phương, xã hội nghiêm khắc trong quan hệ nam nữ, vua tôi, cha con, thì ở Tây phương, nhà bác học Galilée bị kết án chỉ vì cho rằng trái đất tròn, cùng với những tinh thể khác vận hành chung quanh mặt trời , điều này trái ngược với điều mà Giáo hội Thiên Chúa giáo dạy. Mãi đến năm 1992, ông mới được Giáo hội “phục hồi”!

Nguyên nhân sự khác biệt trên là do trong nền văn hóa Tây phương trước kia thiếu vắng yếu tố vũ trụ quan âm-dương của Đông phương. Đó là âm-dương tương thôi trong đó chữ tương đề cao hai đức tánh: “hòa giải / hợp tác”, ngược lại với “độc quyền / độc đoán” và đức tánh “bổ túc”, ngược lại với xung khắc, triệt tiêu, từ đây về sau này bắt nguồn “đấu tranh giai cấp” và “chuyên chính”.

Nền văn hóa tĩnh của Tây phương cổ thời đã sản sanh ra ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Trong xã hội « xã hội chủ nghĩa », đạo lý xã hội và gia đình bị buông lỏng, gần như bị phá vở. Điều cấm kỵ tuyệt đối là không được xúc phạm tới chủ nghĩa Mác Lê. Theo ảnh hưởng của nền văn hóa động, xã hội Đông

phương vì không bị nghiêm ngặt ở từng tư tưởng nên có diển tiến mà không bị sụp đổ do một cuộc cách mạng như ở phương Tây, Đông Âu và Liên-xô4.

–          TỪ  NGUỒN GỐC THẦN THOẠI

Từ cổ sơ, sự hiểu biết của con người được ghi lại bằng thần thoại. Nhờ thần thoại mà những học thuyết về con người và vũ trụ xuất hiện.

Xã hội Tây phương bắt nguồn từ hai nền văn minh La Mã – Hy Lạp và Do Thái – Ki Tô xây dựng trên nếp sống thần bản. Trong nhân sinh quan này có thần và có người. Nhưng văn minh La-Hi mang đậm màu sắc thần thoại, còn văn minh Do thái – Kitô lại theo lối sống dựa trên thần quyền.

Trong nguồn gốc văn hóa La-Hi, thần và người sống ngang hàng nhau, tuy thần không phải sống đan xen với người, nhưng không theo một trật tự trên dưới nghiêm ngặt. Thần chỉ khác người là mạnh hơn người và bất tử. Do đó, thần không có quyền năng phán xét người về thiện ác, mà cho rằng điều đó là sự chọn lựa riêng của người. Chính thần cũng vướng mắc vào chuyện thiện ác như người. Trong thần thoại này, con người là con người tự do, không lệ thuộc thần để bị thần quyết định vận mạng của mình. Tinh thần dân chủ tự do của Tây phương bắt nguồn từ thần thoại La-Hi, mà thành Nhã-điển là điển hình.

Trong thần thoại Do thái-Kitô, thần là Đấng Sáng Thế duy nhứt và toàn năng, có quyền tuyệt đối phán xét hành động của người và vạn vật, vì tất cả do thần sáng tạo ra5. Vì là sản phẩm do thần tạo ra nên người có bổn phận phải thờ thần, nghĩa là lệ thuộc vào thần nên người không được tự do như trong thần thoại La-Hi. Từ đó, có quan niệm con người vốn có tội ngay từ thuở ban sơ (tội tổ tông). Muốn hết tội và lúc chết được hưởng an lạc thì con người phải được cứu rỗi, được rửa tội và suốt trong cuộc sống, phải biết ăn năn, sám hối, xin tội mỗi khi phạm phải sai trái. Huyền thoại Do thái-Kitô đã đưa Tây phương miên man trong bóng đêm suốt thời kỳ Trung cổ. Mãi đến thời Phục Hưng, nền văn minh La-Hi cũ mới được khám phá, nhờ đó, mở đường cho các giá trị dân chủ tự do như ngày nay ta biết.

Còn thần thoại Việt Nam cho thấy dân tộc Việt Nam có ý chí tự ví mình với chim Đại bàng, Việt Điểu. Nhờ cái ý chí lớn ấy mà dân tộc Việt Nam cho mình là con Rồng, cháu Tiên. Rồng khi tịnh thì ẩn mình trong biển cả, khi động thì vùng lên trong vũ trụ, làm mưa để đem lại sự ấm no, thịnh vượng. Tiên tiêu biểu cho vẻ kiều diễm, tinh anh. Biểu tượng kép Rồng-Tiên của huyền thoại nói lên cái dũng và cái đẹp của dân tộc6. Đó là chơn lý mà huyèn thoại biểu thị đã dẫn dân tộc việt nam hướng lên xây dựng cuộc sống nhằm đạt đến dũng mãnh và thiện mỹ. Con cháu của Rồng-Tiên được sanh ra trong điều kiện bình đẳng và đồng đẳng, tủa ra bốn phương sanh sống, nhưng lúc nào cũng nhớ nguồn gốc, nhờ huyền thoại nhắc nhở. Huyền thoại Rồng-Tiên là biểu tượng của hai nguyên lý Âm-Dương, tức Trời và Đất, và dân tộc Việt Nam lại do Rồng-Tiên phối hợp sanh ra, nên chiếm lấy một ngôi vị trong tam tài : Thiên, Địa, Nhơn. Đồng thời, vì đứng trong tam tài, nên con người hiểu biết có Trời Đất hiện hữu chung quanh. Do đó, văn hóa Việt Nam có nguồn gốc từ con người, nên lấy con người làm cứu cánh. Và trong con người có hai nguyên lý Âm-Dương, nên con người là một vũ trụ nhỏ.

Ngày nay, khi đọc lại thần thoại, người Việt Nam không khỏi ngạc nhiên và thán phục tổ tiên mình ngày xưa đã trực giác cái không mà có. Thật thế, vũ trụ chỉ là một khồi tinh lực gồm hai loại âm và dương, nhưng không phải âm hoặc dương tinh ròng, bởi trong âm có dương và trong dương có âm. Âm-Dương tương khắc nhưng cũng tương dung. Do đó mà con người và vạn vật sanh sôi, nảy nở đến vô cùng tận. Tương quan sanh động này được thấy trong đời sống con người, ra xã hội đến nhơn loại. Nền tảng Tư tưởng Việt Nam, xây dựng trên mối tương quan âm-dương, là một nền tảng của quân bình và điều hòa, và từ đó đem lại hòa bình và trường tồn.

Tổ tiên người Việt Nam từ ngàn xưa đã biết đem cái luật tương dung của hai nguyên lý âm-dương mà áp dụng vào việc tổ chức xã hội và trị nước.

Trong thần thoại, vốn là tiếng nói của tâm thức dân tộc, người Việt nam không đặt thành vấn đề có đấng Sáng Thế hay một thần duy nhứt độc tôn, nên họ không chấp nhận một sự lệ thuộc vào một quyền lực tối thượng duy nhứt nào. Người Việt Nam không thờ một vị thần duy nhứt, mà nếu phải thờ thì họ thờ nhiều thần. Người Việt Nam không hề mang tâm thức tội lỗi nên không cần xin thần ban ơn sủng để được cứu rỗi. Con người là chung thủy. Gốc văn minh Việt Nam từ đấy mang đặc tánh nhơn bản. Cách ứng xử trong đời sống của người Việt Nam cũng rất đặc biệt. Đó là sống theo quan niệm tương dung, mang tấm lòng vị tha, độ lượng mà chế ngự sự ích kỷ, độc đoán, khai triển điều hay của mình, trọng điều hay của người, biết mình nhưng không quên có người, ăn ở hài hòa theo lương tâm, thuận theo đạo lý, tạo nên một cảnh nhơn quần có người, có ta, có gia đình, có dân tộc, có nhơn loại, trong cảnh hòa hợp đại đồng. Trong nếp sống tương dung hòa hợp ấy, không thể có sự phân cách xã hội thành giai cấp đối nghịch. Mọi người đều vui sống với đạo làm người, nhằm tiến lên lấy chơn thiện mỹ làm lý tưởng sống.

Chẳng may, người Pháp đến, rồi người cộng sản “giải phóng”, đã lần lượt ra sức phá vỡ cái trật tự nhơn bản ấy của người Việt Nam.

KHI NGƯỜI CỘNG SẢN “GIẢI PHÓNG”

–          NGƯỜI CỘNG SẢN “CẢI TẠO” CON NGƯỜI

Người Pháp đến để “giáo hóa” dân Việt Nam. Thi hành sứ mạng “giáo hóa”, họ đã bứng người dân ra khỏi môi trường văn hóa truyền thống và biến những người này thành một lớp người mới xa lạ với bộ phận còn lại của dân tộc. Nhưng đến khi người cộng sản “giải phóng” thì mọi người đều bị “đào tận gốc, bốc tận rễ”.

Trật tự xã hội Việt Nam bị người cộng sản phá vỡ triệt để hơn, vì cộng sản thiết lập một chế độ cai trị độc tài toàn trị, với đảng cộng sản nắm trọn vẹn quyền lãnh đạo đất nước bằng chủ thuyết Mác-Lê. Mác xây dựng học thuyết chánh trị dựa trên quan hệ sản suất kinh tế làm nền tảng nhằm kêu gọi phát động cách mạng vô sản để cải tạo xã hội. Lê-nin thuộc giai cấp quí tộc nên tâm đắc giá trị quyền lực. Là người theo Cơ đốc Chánh thống Nga, Lê-nin rất am hiểu sức mạnh tinh thần của tôn giáo là thế nào. Lê-nin san định lại chủ thuyết Mác qua nỗi ám ảnh thần thoại Do thái – Kitô, xây dựng thành học thuyết chánh trị kinh tế Mác-Lê, biến học thuyết Mác-Lê trở thành một hệ thống lý thuyết chiếm quyền và cầm quyền7.

Có thể nói thuyết Mác-Lê thành hình từ sự “ tục hóa thần quyền ” theo thần thoại Do thái-Kitô, nên đảng cộng  sản khi nắm quyền phải là đảng duy nhứt lãnh đạo toàn xã hội, bởi thần trong thần thoại đó vẫn là thần duy nhứt có toàn năng, vì là đấng Sáng Thế. Vào thập niên 20, Hồ chí Minh trên đường tìm kế sanh nhai ở Âu Châu, bất ngờ bắt gặp tài liệu sơ đẳng về chiến tranh giải phóng do phong trào cộng sản đệ III ấn hành. Vốn ít học, không đủ khả năng nhận thức và đánh giá, nên Hồ chí Minh vội chụp lấy và trân trọng như bức cẩm nang thần kỳ, đem về xứ áp dụng làm chiến tranh giải phóng, đưa Việt nam vào con đường xã hội chủ nghĩa. Khi lấy đảng cộng sản làm đảng cầm quyền, Hồ chí Minh đã học được đường lối chánh trị Mác-Lê theo thuyết “chuyển hóa thần quyền từ tôn giáo vào chánh trị”, nghĩa là đã “cơ đốc hóa quyền chánh” để cai trị toàn xã hội. Trong cách cầm quyền này, đảng cộng sản là hiện thân của đấng Sáng Thế ở Việt Nam, ban ơn sủng cho dân Việt Nam, một mình đứng trên tất cả và không chấp nhận có hai. Đảng cộng sản xem tất cả dân chúng, người ngoài đảng, chưa “giác ngộ cách mạng” đều có tội. Điều này thấy rõ ở miền Nam sau 1975. Trong các buổi học tập chánh trị tổ chức cho dân chúng ở các địa phương, người cộng sản thường tuyên bố «tất cả dân miền Nam đều có tội, kể cả người quét đường, hốt rác»! Phải chăng đây đúng là một thứ tội tổ tông theo quan niệm thần thoại Do thái-Kitô mà người cộng sản học được và đem áp dụng vào chánh trị?

Trong thực tế cai trị, thần quyền được đảng cộng sản áp dụng qua hình thức “tự phê, tự kiểm”, “cải tạo”, “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, “tuyệt đối trung thành với đảng”, “giữ lập trường giai cấp8”. Đó là những biện pháp nhằm cải tạo con người, để biến con người trở thành con người xã hội chủ nghĩa. Giống như trong tôn giáo, con người phải chịu “phép rửa tội” để từ “người lương” trở thành người “có đạo”, tức đã được rửa hết tội và mai kia chết sẽ được lên thiên đường.

Người lãnh đạo cộng sản lúc sống là “thần linh” bất khả xâm phạm, được mọi người tôn sùng triệt để. Lúc chết, họ được rước vào miếu mạo để tiếp tục được thờ phượng. Về mặt xã hội, chỉ những người giác ngộ giai cấp mới được xem là nhơn dân.Về mặt chánh trị, chỉ những người được “cải tạo trở thành người xã hội chủ nghĩa”, tức đã được “rửa tội” (trở thành đảng viên) mới được hưởng những quyền công dân cao như quyền tham chánh.

–          NGƯỜI VIỆT NAM VỚI NÉT VIỆT TÍNH

Trở lại vũ trụ quan của người Việt Nam, theo đó con người được quan niệm như giao điểm của Đất-Trời. Trời nói lên phần thiêng liêng, những giá trị tinh thần. Đất bảo đảm cho con người cuộc sống vật chất ấm no. Do đó, hai tiếng Trời-Đất đối với người Việt Nam hàm chứa một nội dung thiết thực, được thể hiện bằng thể chế công điền và đạo thờ cúng Ông Bà. Hai thể chế đi đôi như Đất với Trời9.

Ngày xưa ở Tây phương và Tàu, chỉ có giới quí tộc, trưởng giả, quan quyền mới có quyền thờ cúng Ông Bà, vì chỉ có Ông Bà của họ mới đáng thờ cúng.Thờ cúng Ông Bà cho họ những quyền lợi về công dân mà những người không thờ cúng Ông Bà không có quyền được hưởng. Khi có quyền công dân, họ có quyền sở hữu tài sản, nghĩa là có quyền sở hữu đất đai.

Trong lúc đó, ở Việt Nam, từ cổ sơ, người Việt Nam nào cũng có quyền thờ cúng Ông Bà của mình, và việc thờ cúng Ông Bà đối với người Việt Nam đã trở thành “Việt đạo”. Thờ cúng Ông Bà ở Việt Nam còn được bảo đảm do chánh quyền cấp phát cho người dân nghèo không có ruộng đất một thửa ruộng để sanh sống mà lo duy trì sự thờ cúng Ông Bà. Do đó, đối với người Việt Nam, đất và thờ cúng Ông Bà, cả hai đều mang một ý nghĩa thiêng liêng. Ông Paul Mus nhận xét rằng “Đất Trời hay thờ cúng Ông Bà và thửa ruộng đối với người Việt Nam là một thực thể, một quan niệm về đất đầy ấp tình người, hồn người10”. Đất, nơi ấp ủ hồn thiêng của tổ tiên, nên linh thiêng hơn vật chất bình thường. Người nông dân Việt Nam không bao giờ chịu bán đất, nhứt là đất hương hỏa dành riêng cho việc thờ cúng Ông Bà lại bị cấm bán nhượng, cầm thế. Đối với người nông dân Việt Nam, Đất có một nội dung hoàn toàn khác với nông dân Tây phương. Bởi, với Tây phương, đất chỉ là đất mà thôi.

Về mặt kinh tế xã hội, đất với chế độ quân phân tài sản – công điền công thổ – đã đem lại cho người Việt Nam một đời sống điều hòa, tự chủ, nên xã hội Việt Nam không có giai cấp vô sản, khác hẳn với xã hội Tây phương và Tàu ngày xưa. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, quyền được làm một con người ở xã hội Việt Nam cổ thời đã được tôn trọng và thực thi. Khi người dân phải đứng lên cùng nhau đánh đuổi ngoại xâm tàn phá “xã tắc”, thì họ hiểu thắm thía từ thửa ruộng, mảnh vườn của họ trào dâng lên lòng thương nước, thương nhà mà phải bảo vệ, giữ gìn, chớ hoàn toàn không phải vì một chủ thuyết trừu tượng xa vời nào làm động cơ thúc đẩy họ hết cả. Khi người thực dân Pháp bước chơn đến, đặt xong nền cai trị, thì họ cũng bắt đầu phá vỡ cái “vũ trụ” nhơn sinh đó để tiêu diệt tận gốc các mầm mống đề kháng11. Đến năm 1940, người Pháp đã đem lại sự bất bình sản nghiêm trọng. Ngoài Trung, vì còn Nguyễn triều, nên còn giữ được 26% công điền. Miền Bắc, theo chế độ bảo hộ, nên chỉ còn giữ được 20% công điền. Trong lúc đó, miền Nam là xứ thuộc địa, nên công điền chỉ giữ được có 2,5 %. Nhìn chung ở Nam kỳ, cứ 15 người có một điền chủ tư điền. Còn ở Bắc, từ 6 người là có một điền chủ tư điền. Về công điền, ở Bắc, ai ai cũng được cấp phát để sanh sống12.

Về mặt xã hội, người Việt Nam có nghèo cực nhưng không có ai như thợ thuyền ở Tây phương, đến nỗi phải bán mình vì không còn gì khác ngoài mình để mà bán! Đã có đất riêng để tự sanh sống, thì phần tinh thần để hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ, cũng được giải quyết thỏa đáng cho mọi người, không hề có sự phân biệt đối xử. Hầu hết, không làng nào không có vài ba ông đồ nho dạy học. Việc học không phải tốn kém lắm. Đã có quyền sống, quyền mở mang trí não, người dân nhờ ở tài đức được thêm quyền tham dự vào chánh sự.

Ở Việt Nam ngày nay, người dân lương thiện bình thường, nếu không phải là đảng viên đảng cộng sản, vẫn chưa đạt được địa vị của người dân dưới thời quân chủ cực thịnh về mặt nhơn quyền và dân quyền. Khi người cộng sản nổi lên ở Việt Nam, họ hô hào đánh Tây, đuổi Mỹ là để chiếm lấy quyền lực và nắm giữ quyền lực trong tay đảng cộng sản, chớ không phải vì Tây, Mỹ đã phá vỡ cái công thể Việt Nam ấy. Về phía người Việt Nam, không ai chấp nhận lệ thuộc ngoại bang, nên khi cộng sản hô hào giải phóng dành độc lập như một cám dỗ, toàn dân đã dấn thân tham gia kháng chiến, lòng họ bổng dưng tràn ngập hứa hẹn về một tương lai huy hoàng. Nhưng trong thực tế, toàn dân đã bị cộng sản Hồ chí Minh phản bội trắng trợn ngay khi chiến tranh giải phóng kết thúc.

Người Pháp đã phá vỡ chế độ công điền làm nảy sanh một lớp địa chủ mới giàu có, đồng thời làm xuất hiện một tình trạng xã hội mới, đó là sự bất bình đẳng. Để kiếm cách sanh sống ngoài thôn xóm, một số nông dân nghèo, không có đất đai canh tác phải chấp nhận rời xã thôn và gia đình. Hiện tượng này đã phá vỡ sự quân bình tâm lý ở người Việt Nam. Việc bốc người nông dân ra khỏi công thể, sau thực dân Pháp, được người cộng sản đẩy mạnh hơn bằng những đợt “giải phóng”. Khi ruộng đất của họ bị tập thể hóa thì người nông dân bị biến thành những cá nhơn đơn lẻ. Họ hoàn toàn bị đoạn tuyệt với nếp sống công thể cũ. Chẳng những họ sống trong sự mất quân bình tâm lý như dưới thời Pháp thuộc, mà họ còn bị vong thân vì phải sống theo đoàn lũ kết hợp bằng những cá nhơn rời rạc, thiếu mối dây liên kết đầy ấp tình người như trước kia. Người nông dân trong chế độ cộng sản không gì khác hơn là những «cu-li» nông nghiệp đi làm theo tiếng kiểng và lảnh lương theo chế độ chấm công.Sự sống thành đoàn lũ hay xã hội thợ thuyền có thể hiểu được ở Tây phương, vì ở đấy, ngày xưa, có nô lệ, tiếp tới nông nô thời Trung cổ, khi bước vào thời đại kỹ nghệ, có thợ thuyền làm việc ăn lương. Họ trải qua các giai đoạn lịch sử kéo lê cuộc sống vô sản, thì cộng sản có ý nghĩa nào đó để giải phóng họ và đoàn ngũ hóa họ. Còn ở Việt Nam, có người Việt nghèo, nhưng tuyệt nhiên không có giai cấp vô sản, không có chế độ phong kiến. Chỉ khi người cộng sản giải phóng nông thôn, chẳng những đấu tố địa chủ dã man, mà còn bần cùng hóa nông dân đến cùng cực. Ông Milovan Djilas viết: «Giai cấp mới, tức người cộng sản cầm quyền, đã thành công trong việc biến hóa các nông dân trở nên tôi mọi và giành lấy phần lớn nhứt trong lợi tức của họ13». Ở Việt Nam, phong kiến và giai cấp vô sản, nếu có, thì phải bắt đầu từ khi cộng sản cầm quyền.

Khi người cộng sản “giải phóng” con người khỏi cảnh vong thân, kỳ thật họ làm điều trái ngược. Trước kia, dưới thời Pháp thuộc, họ chỉ bị vong thân có một, thì nay, họ bị người cộng sản nhận xuống thêm mấy độ sâu trong hố vong thân. Và tệ hại hơn nữa, người cộng sản không cho phép họ ra khỏi hố vong thân khi có cá nhơn nào đó chợt nhận ra được mình bị vong thân. Xét dưới ánh sáng văn hóa Việt Nam, thì khi nói giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội, người cộng sản đã bỏ nội ngã của mình, rồi bỏ gia đình, sau đến bỏ quốc gia mà muốn đi thẳng đến quốc tế, nên họ xéo qua người thân yêu, bước lên đồng bào để đi phục vụ quốc tế vô sản14. Chúng ta nhận thấy ngay cái quốc tế đó, tự nó, đã thiếu nội dung chơn thật vì hoàn toàn rỗng nghĩa. Nó chỉ còn là danh từ che đậy một sự vong thân trầm trọng của chính mình, của gia đình tan hoang, của cảnh đồng bào bị tàn sát tập thể oan uổng, của đất nước bị tụt hậu, nghèo đói, phá sản.

Như vậy, không thể nói chủ thuyết Mác-Lê là khoa học được, vì nó thiếu thực tiễn và không có khả năng đi vào tương lai. Riêng đối với Mác, cái thực tiễn mà Mác đã thu thập được chỉ có 75 ngày qua công xã Paris. Trước sau, chủ thuyết Mác-Lê mà cộng sản Hà nội ngày nay vẫn còn theo đuổi chỉ là những ước mơ trừu tượng hóa thực tiễn, nên khi va chạm thực tiễn liền bị đời sống phức tạp, đa dạng, với sức vận hành luôn luôn đổi mới mảnh liệt của xã hội đánh bại, vỡ tan ra từng mảnh như bọt bèo.

Nhận định về Mác và chế độ cộng sản chuyên chính, triết gia Mác-Xít trẻ tuổi người Ba Lan, ông Leszeck Kolakowski, cho rằng Mác là người mang nặng “nỗi ám ảnh quá khứ” theo nghĩa thần học. Cuộc cách mạng dân quyền và khoa học ở Âu Châu đã tách xã hội ra khỏi giáo quyền, khiến con người cứ hoài vọng trở về đời sống nhất quán nguyên sơ cũ, điều mà ông Leszeck Kolakowski gọi là “Huyền thoại về tự ngã nhơn loại”. Theo ông, chủ nghĩa Mác-Xít là một cố gắng thống nhứt trở lại các trật tự cũ đã mất về chánh trị, kinh tế, xã hội và tâm linh. Trong suy tư, Mác đã mơ về một nhơn loại hồn nhứt chỉ có ở thiên đường mà loài người đã đánh mất từ khi bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng. Đây là một trạng thái tâm thần của một con người bị ám ảnh thần học về cội nguồn! Trong thực tế, chủ thuyết Mác được người cộng sản áp dụng để xây dựng một xã hội thuần nhứt, không có giai cấp, không người bốc lột người, vì mọi người làm việc tùy theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu. Xã hội của Mác như vậy chỉ là một thứ huyển tưởng. Mà dùng bạo lực triệt để của số đông nhằm biến huyển tưởng thành hiện thực là một tội ác tày trời.

Hồ chí Minh do thiếu học và thiếu suy nghĩ, đã chọn chủ nghĩa Mác-Lê áp dụng ở Việt Nam là một tội ác. Đảng cộng sản Hà nội ngày nay vẫn còn theo con đường Mác-Lê là tiếp tục dấn thân vào tội ác. Dù có nhơn danh thứ gì đi nữa, thì sự sụp đổ của cộng sản ở Liên sô và Đông Âu cũng đã quá đủ để tố cáo chủ thuyết Mác-Lê là hoàn toàn không có tính hiện thực khoa học, bởi nó không có giá trị áp dụng để xây dựng xã hội và phát triển đất nước. Hà nội nên khôn ngoan mà sớm từ bỏ cộng sản để tránh gây thêm tội ác với nhơn dân.

TINH THẦN DÂN CHỦ ĐẾN THỂ CHẾ DÂN CHỦ

–          TINH THẦN DÂN CHỦ DƯỚI CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ VIỆT NAM

Nói đến dân chủ không thể không đề cấp đến Hiến pháp, bởi chánh quyền dân chủ là một thể chế do dân lập ra để cai trị chính mình. Từ năm 1946, Việt Nam có tất cả 6 bản Hiến pháp, trong đó miền Nam có 2 bản: 1956 và 1967. Bản Hiến pháp 1946 chỉ có giá trị tài liệu văn khố, vì không được ban hành áp dụng. Các bản Hiến pháp sau đó của miền Bắc chỉ là công cụ cho phép nhà cầm quyền Hà nội đàn áp xã hội về mặt luật pháp để bảo vệ chế độ độc tài toàn trị. Hai bản Hiến pháp của miền Nam dưới chế độ đệ I và đệ II Cộng hòa , tuy chưa xây dựng được cho miền Nam lúc bấy giờ một chế độ dân chủ đúng mức, nhưng cũng đã đặt được cho miền Nam một nền tảng tối thiểu của một chế độ dân chủ tự do. Như vậy, trước khi mất độc lập, Việt Nam chưa có một chế độ dân chủ nhưng không có nghĩa là quốc dân Việt Nam đã không hưởng được điều mà ngày nay người ta gọi là quyền công dân.

Dưới thời quân chủ, luật pháp của nhà vua chỉ nhằm ngăn cấm người dân làm những việc phương hại đến kỷ cương xã hội, mà không qui định và bảo vệ những điều mà người dân phải được hưởng theo như ngày nay chúng ta gọi là quyền. Mãi đến thế kỷ thứ 19, tiếng Quyền (Droit/Right) mới được du nhập vào Việt Nam qua ngã Nhựt Bổn. Và nhờ đó, chúng ta ngày nay có được từ ngữ quyền quen thuộc như nhơn quyền, dân quyền, quyền dân sự và chánh trị…

Dưới thời quân chủ Việt Nam, mặc dù chưa có tiếng quyền theo sự hiểu biết của ngày nay, người dân không vì thế mà hoàn toàn bị đặt dưới sự khống chế của những nhà lãnh đạo. Nền chánh trị Việt Nam lúc bấy giờ được xây dựng trên chủ trương là mọi người, từ vị thiên tử đến thứ dân, đều có nhiệm vụ phải chu toàn. Nếu chánh quyền làm tròn nhiệm vụ của mình thì người dân được hưởng điều mà ngày nay chúng ta gọi là quyền (nhơn quyền, dân quyền). Tuy đó chỉ là thứ quyền tiêu cực theo quan niệm luật học Tây phương sau này. Nhiệm vụ của nhà cầm quyền, tức nhà vua, gọi là thiên mệnh. Còn nhiệm vụ của thứ dân gọi là dân bản.

Theo tư tưởng chánh trị cổ thời đông phương, nhà lãnh đạo quốc gia là người được Trời chọn và ban cho cái mệnh, nhờ đó, người ấy có cái quyền sai khiến hết mọi người và trừng phạt những ai không tuân lệnh hoặc làm trái lệnh của mình. Quan niệm dân bản được hiểu dân là gốc của nước. Gốc có vững thì nước mới yên!

Tư tưởng thiên mệnh và dân bản dẫn đến chủ trương là nhà lãnh đạo quốc gia phải hết lòng phục vụ mọi người. Có được một nhà lãnh đạo làm tròn sứ mạng do Trời giao phó, thì dĩ nhiên muôn dân sẽ được sống yên vui thuận theo đạo lý. Trời theo dõi người thi hành thiên mệnh qua dân, nên “Trời thấy như dân thấy, Trời nghe như dân nghe”, bởi vì “Trời thương dân, nên ý dân là ý Trời15”. Nếu nhà lãnh đạo không làm tròn nhiệm vụ, mà còn cư xử hung bạo với dân, làm cho dân oán than thì Trời sẽ thể theo ý dân mà thu hồi cái mệnh đã ban cho.

Về mặt cơ cấu, chế độ quân chủ thời xưa được chia ra làm nhiều thứ bực phân minh khác nhau theo thứ tự từ chí cao đến chí thấp. Ngôi vua được trao truyền theo lối thế tập. Những chức vụ và phẩm tước khác, người dân bình thường do tài đức qua thi tuyển mà có được. Từ đời nhà Lý (thế kỷ thứ 11- 13), những quan chức đều được chọn lựa trong từng lớp dân chúng qua các kỳ thi công cộng. Việc tổ chức thi cử và mở trường dạy học đã được các đời vua sau tiếp nối. Nên nhớ, việc mở trường dạy học thời ấy đã hoàn toàn tự do và miễn phí, miễn thầy dạy học không dạy điều gì phạm đến đạo lý. Người học giỏi chẳng những được tuyển dụng làm quan mà còn được xã hội trọng vọng.

Nhờ thế, ở thời quân chủ cực thịnh, mọi người dân Việt Nam bình thường đều có thể tham gia chánh sự nếu có tài đức. Sự bình đẳng và phổ quát về việc này được đề cao trong sách vỡ lòng dạy chữ nho cho trẻ con ngày xưa (Ấu học ngũ ngôn thi):

“Tướng tướng bản vô chủng

Nam nhi đương tự cường”.

(Các quan và tướng đều không phải thuộc một dòng giống nào. Vậy kẻ làm trai phải tự sức của chính mình mà đạt được16).

Chế độ quân chủ Việt Nam thời trước chẳng những quan tâm lắng nghe ý kiến của người khác, của cả dân chúng, mà còn khuyến khích việc phát biểu ý kiến. Từ đời nhà Lý trở đi, mỗi triều đại đều có lập những cơ quan có nhiệm vụ phê phán những sai trái của triều đình, gọi là Ngự sử Đài hay Đô sát viện. Ngoài ra, các quan chức khác hoặc thường dân cũng có quyền dâng sớ lên vua để bày tỏ ý kiến của mình. Ông Chu văn An dâng sớ xin vua chém đầu bảy nịnh thần vốn là bầy tôi yêu quý của vua Dụ Tông (thế kỷ 14) nhưng không được nhà vua chấp thuận. Ông bèn từ quan. Sau đó nhà vua mời ông ra giúp nước, ông vẫn từ chối. Thế mà nhà vua không xữ phạt ông như tội khi quân. Trái lại, nhà vua còn tỏ ý kính trọng lòng cương trực của bậc sĩ phu. Cho đến đời Minh mạng (thế kỷ 19) nhà vua nhiều lần ngỏ ý muốn nghe lời phê phán triều chính ngay thẳng của cấp dưới. Và quả thật, vua Minh Mạng đã nghe và đã tôn trọng những ý kiến chánh đáng của cấp dưói17.

Nhà vua Việt Nam phần lớn biết tôn trọng ý dân, lấy dân làm gốc, tức tôn trọng tinh thần dân chủ hay dân bản, quan tâm đến việc tổ chức sự cai trị dân dựa trên luật pháp. Nhờ đó mà những quyền lợi chánh đáng của dân được luật pháp bảo vệ. Mọi người không ai có thể vô cớ bị những kẻ có nhiều quyền thế áp bức. Về mặt này, Việt Nam có hai bộ luật được xữ dụng cho đến năm 1975 (với nhiều cải tiến), vẫn còn tồn tại đến ngày nay để có thể nghiên cứu học hỏi. Đó là bộ Quốc Triều Hình Luật, hay luật nhà Lê (thế kỷ 15-18) và bộ Hoàng Việt Luật Lệ hay Luật nhà Nguyễn (thế kỷ 19-20).

Hai bộ luật cổ này là sản phẩm của chế độ quân chủ nhưng lại chứa đựng một nội dung có nhiều điểm tiến bộ hơn so với luật pháp của Tây phương ngày nay. Theo đấy, án tử hình phải được nhà vua duyệt xét rồi mới thi hành. Vua Minh Mạng thường bảo các quan chức rằng mạng người rất quý nên các quan chức xử án phải xem xét mỗi án tử hình nhiều lần, dẫu cho nhà vua đã xem qua. Và phải tâu lại nếu thấy cò chỗ đáng nghi ngờ. Đặc biệt, phụ nữ không bị án tử hình18.

Các nhà vua thời trước còn cho phép và khuyến khích dân chúng đệ đơn kêu oan cho bản thân hay cho người trong họ. Người dân còn được phép đón đường vua đang đi để trình bày các nỗi oan ức của mình hoặc đạo đạt nguyện vọng chánh đáng của địa phương. Vua Minh Mạng đã cho đặt trống Đăng Văn để người dân có điều gì muốn trình tấu thì chỉ cứ việc đánh trống. Các quan chức Lục Bộ và Đô Sát Viện đi theo nhà vua để thu nhận mọi thỉnh nguyện hoặc ý kiến phê phán chánh sách cai trị của triều đình19.

Dưới thời quân chủ cực thịnh ở Việt Nam, người dân có quyền tự do đi học, đi thi và tham chánh. Về những quyền tự nhiên của con người, người dân được luật pháp quân chủ bảo vệ tương đối tốt khi nhà vua chu toàn thiên mệnh. Quan niệm về “thiên mệnh” và sự chu toàn thiên mệnh ở Đông phương thời xưa  nhắc nhớ lại lý thuyết chánh trị của Tây phương thời Trung cổ về “Minh Vương” (roi juste). Quan niệm “Minh Vương” được ghi vào luật Trung cổ như sau: “Nhà vua được chọn và tấn phong để đem lại công lý cho mọi người”. Đem lại công lý cho mọi người, tức cho toàn dân, là ý muốn nói nhà vua được chọn và tấn phong để phục vụ cho quyền dân sự. Theo quan niệm “Minh Vương” cũng như “Thiên mệnh” ở Việt Nam thì Nhà nước quân chủ, ngay từ khi ra đời, hành sử chức năng của vị “thẩm phán tối cao” và chính vì thế mà Nhà nước quân chủ được hiểu như được thiết lập trên cơ sở luật pháp. Như vậy, thuyết “Minh Vương” của thời Trung cổ Tây phương cho thấy luật pháp là đại diện cho chủ quyền quốc gia. Luật pháp thể hiện chủ quyền qua hành động của nhà cầm quyền. Nếu nhà cầm quyền – như nhà vua – tự tách rời khỏi luật pháp thì sẽ không còn là vị “Minh Vương” nữa, mà sẽ trở thành bạo chúa. Cũng như khi nhà vua không biết cai trị nghiêm chánh thì vương hiệu “vua” sẽ bị mất20. Ở Việt Nam thì “thiên mệnh” sẽ bị Trời thu hồi!

Lúc bấy giờ ở Tây phương và Việt nam vì quyền dân chủ chưa được biết đến nên chưa được thể chế hóa. Do đó, người dân chưa biết hành sử “quyền người dân” của mình như ngày nay mà thôi. Đời sống của họ, tốt hay xấu, hoàn toàn phụ thuộc vào tư cách cai trị của nhà vua.

DÂN CHỦ VÀ DÂN CHỦ NÀO?

–          Ý NIỆM CƠ BẢN VỀ DÂN CHỦ

Như đã trình bày trên đây, Việt Nam cho đến ngày mất nước, vẫn chưa có được một chế độ dân chủ hoàn chỉnh, tuy tinh thần dân chủ vẫn thể hiện rõ nét qua nếp sống văn hóa dân tộc, ngay cả dưới thời quân chủ.

Ngày mai này, khi chế độ cộng sản độc tài không còn nữa, người Việt Nam sẽ phải thiết lập cho mình một chế độ chánh trị dân chủ để cai trị đất nước, hầu giữ cho Việt Nam vĩnh viễn không còn bị một chế độ độc tài nào trở lại nữa. Khi muốn làm dân chủ, chúng ta nên học hỏi những kinh nghiệm lịch sử quí báu của các nền dân chủ Tây phương và Huê kỳ, để giúp chúng ta hiểu rõ hơn những vấn đề sẽ đặt ra cho xứ sở chúng ta và giúp chúng ta chủ động hơn trong việc giải quyết vấn đề, vì các nền dân chủ ấy sẽ giúp chúng ta thấu hiểu ba ý niệm cơ bản để xây dựng đất nước ngày mai. Đó là những quyền bất khả nhượng, chủ quyền và dân chủ. Vậy:

– những quyền bất khả nhượng là những “quyền tự nhiên của con người” mà mọi Nhà nước không thể tước đoạt và cũng không thể ban phát cho chúng ta, bởi những quyền ấy là sở hữu của chúng ta21. Đó là quyền an ninh thân thể, quyền tự do tinh thần và quyền chống lại áp bức của Nhà nước. Các dân tộc Anh, Mỹ, Pháp đã nhơn danh những quyền này làm những cuộc cách mạng của họ, ngày nay đem lại cho họ một đất nước dân chủ tự do và phú cường.

–  Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân, nghĩa là người dân tự mình cai trị chính mình.

–  Dân chủ là sự cai trị bởi dân và vì dân.

Chúng ta nên nhớ dân chủ không phải được định nghĩa bởi nguồn gốc quyền lực, mà do người dân bị cai trị có kiểm soát được thường xuyên và hữu hiệu người cầm quyền cai trị mình hay không. Dân chủ như vậy thực sự chỉ là những định chế do người dân thiết lập ra để thực hiện an ninh trong xã hội và bảo vệ những quyền tự do căn bản của họ. Trong một chế độ dân chủ tự do, Nhà nước không gì khác hơn là một tập hợp những định chế do con người sáng tạo. Quyền lực cho phép Nhà nước hành sử chức năng của mình mà không cho phép Nhà nước có quyền đứng trên xã hội. Bởi trong chế độ dân chủ, luật pháp biểu thị chủ quyền quốc gia. Nói cách khác, dân chủ thật sự thì phải là dân chủ pháp trị.

–          NGỘ NHẬN VỀ DÂN CHỦ

Khi nói dân chủ, trong số những nguời Việt Nam ngày nay ở hải ngoại tranh đấu cho dân chủ, có người cổ súy dân chủ đa nguyên để nhằm phản bác lại thứ dân chủ mà cộng sản Hà nội đang hô hào xây dựng cho Việt Nam, đó là dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Cụm từ “dân chủ đa nguyên” rất gợi hình, nên làm cho nhiều người tưởng tượng rằng trong nền dân chủ ấy, nhiều sự khác biệt được tôn trọng. Phải chăng phải “đa nguyên” mới nói lên đầy đủ những đặc thù về chánh trị, văn hóa, xã hội,… của một quốc gia? Còn đa nguyên dân chủ nữa? Nhưng, nếu suy nghĩ về mặt thể chế thì sẽ thấy “đa nguyên” lại không giúp hội ý được về cơ sở của một nền dân chủ. Như vậy, phải chăng khi nói “dân chủ đa nguyên” là muốn đem cái “dân chủ đa nguyên” ấy đối lập với “dân chủ xã hội chủ nghĩa” mà thường bị hiểu sai lạc là “dân chủ tập trung”? Thật ra không có dân chủ tập trung.

Theo người cộng sản, thì về thể chế chánh trị, đại loại chỉ có hai nền dân chủ hoàn chỉnh và phổ biến hơn hết. Đó là dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hai nền dân chủ này được định hình trên hai hình thái kinh tế khác nhau: kinh tế tư sản và kinh tế tập trung, tức kinh tế xã hội chủ nghĩa. Như vậy, rõ ràng với người cộng sản không có “dân chủ tập trung” như bị hiểu sai lạc, mà chỉ có “dân chủ xã hội chủ nghĩa” và tập trung dân chủ.

Khi nói đến dân chủ xã hội chủ nghĩa, thì về phương diện hoạt động và thể chế, dân chủ phải có quan hệ hữu cơ, gắn liền với tập trung để “chế độ dân chủ kết hợp chặt chẽ với chế độ tập trung”. Từ mối liên hệ này, tập trung dân chủ trở thành một nguyên tắc, một đòi hỏi tất yếu trong thể chế của chủ nghĩa xã hội. Đây là “nguyên tắc cốt tủy” của đảng cộng sản trong lãnh đạo chánh trị đối với xã hội và lãnh đạo Nhà nước22. Nguyên tắc tập trung dân chủ cho phép người cộng sản đảm bảo cho đảng cộng sản có sức mạnh thống nhứt về tư tưởng, chánh trị và tổ chức, để biểu hiện và khẳng định đó là đảng cầm quyền, tập trung vào đảng trọn vẹn quyền lực quốc gia để thực hiện một chế độ độc tài toàn trị trên cả nước.

Như vậy, dân chủ xã hội chủ nghĩa hay tập trung dân chủ chỉ là phương pháp thi hành quyền lực lên xã hội dưới sụ lãnh đạo của đảng cộng sản, chớ hoàn toàn không có gì liên hệ đến quyền của người dân làm chủ đất nước và vận mạng của mình hết cả. Bởi dân chủ xã hội chủ nghĩa hay tập trung dân chủ không tôn trọng nguyên tắc căn bản là chủ quyền quốc gia thuộc toàn dân, nên người dân không có quyền kiểm soát nhà cầm quyền và quyết định nhiệm kỳ cầm quyền. Thực tế ở Việt Nam ngày nay cho thấy người dân bình thường, không phải đảng viên đảng cộng sản chẳng những không có quyền tham gia chánh sự như dưới thời quân chủ, mà còn không có quyền phát biểu ý kiến khác hơn ý kiến của nhà cầm quyền. Những bản án những nhà dân chủ ở việt nam ngày nay như Ls Lê thị Công Nhân, Ls Nguyễn văn Đài, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn,… là bằng chứng điển hình. Những người này ở tù chỉ vì đã không biết “nghĩ trong những điều đảng nghĩ”!

Tóm lại, «dân chủ xã hội chủ nghĩa», «Dân chủ nhơn dân»,… đều không phải là dân chủ, mà đó chỉ là những mỹ từ trang điểm cho chế độ độc tài toàn trị theo ý hệ cộng sản. Dân chủ đa nguyên, tuy phản bác lại dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhưng chỉ mới đọng lại ở từng gợi hình mà thôi. Ta có thể nói dùng cụm từ “dân chủ pháp trị” để chỉ nền dân chủ thật sự, hàm chứa đầy đủ ý nghĩa chánh trị của một chế độ dân chủ của dân và vì dân. Dân chủ pháp trị sẽ áp dụng ở Việt Nam để vĩnh viễn thay thế chế độ cộng sản ngày nay. Xây dựng cho Việt Nam một chế độ dân chủ chẳng những không xa lạ, mâu thuẫn với tinh thần truyền thống dân tộc, mà còn là mong đợi thiết tha của toàn dân ngày nay.

–          MỘT LIÊN BANG CHO VIỆT NAM

Về mặt tổ chức lãnh thổ, thiết tưởng nên tổ chức Việt Nam thành một Cộng hòa liên bang (Cộng hòa liên bang Việt Nam). Liên bang để thống nhứt đất nước trong sự tôn trọng những đặc thù địa phương do lịch sử để lại trên một lãnh thổ có chiều dài hơn 2000 km (dân số với mật độ khác nhau, tài nguyên, nhơn lực, không được phân phối đồng đều, nhiều vùng địa lý khác nhau…)

Cũng giống như tổ chức thể chế chánh trị, liên bang ở Việt Nam chắc chắn sẽ không tạo ra những xung đột xã hội, bởi nếu trở về đầu thế kỷ XIX, chúng ta sẽ thấy vua Gia Long đã tổ chức nước Việt Nam thành nhiều vùng nhằm đáp ứng những đặc tính tâm lý và địa phương khác nhau (miền Trung gồm 4 doanh, 7 trấn; miền Bắc gồm 5 nội trấn và 6 ngoại trấn; miền Nam gồm 5 trấn). Lui về thời gian, xã thôn Việt Nam vẫn giữ được nhiều quyền tự trị đối với triều đình. Chánh quyền xã thôn hoàn toàn do dân chọn lựa theo tiêu chuẩn tài đức. Nhìn Việt Nam qua hệ thống xã thôn tự trị, người ta có cảm tưởng như đó là một liên bang xã thôn. Địa phương tản quyền, trung ương tập quyền. Tản mà hợp. Đây là sức mạnh dân tộc, bởi hạ từng cơ sở Việt Nam là một hệ thống hài hòa, sinh động, toát lên một tinh thần đoàn kết toàn dân đích thực!

KẾT LUẬN

Việt Nam hiện tại bị cai trị bởi một chế độ cộng sản độc tài toàn trị. Thật bất hạnh! Nhưng trước đây, ai có thể nói Liên Xô và Đông Âu sẽ sụp đổ? Điều quan trọng là Việt Nam có một nền văn hóa chánh trị dân chủ đích thực. Người cộng sản, cả Hồ chí Minh, hoàn toàn không hiểu biết về văn hóa dân chủ, nên chế độ cộng sản đang cai trị Việt Nam không do người Việt Nam chọn lựa và chấp nhận, mà do cộng sản lợi dụng được hoàn cảnh lịch sử cướp chánh quyền, áp đặt lên đất  nước. Đó thật sự chỉ là tai nạn lịch sử nhứt thời. Mà quá trình cộng sản cũng đã kết thúc! Tai nạn lịch sử này sẽ phải được dẹp bỏ. Người Việt Nam sẽ cùng nhau tái lập dân chủ cho đất nước. Dân chủ được tái lập, tức dòng văn hóa Việt được khai thông. Sự tái lập sẽ được thể chế hóa theo hiến định.

Biến cố Đông Âu và Liên xô sụp đổ trọn vẹn sẽ giúp cho người Việt Nam, và nhứt là người cộng sản, rủ bỏ ảo tưởng rằng một khi đất nước bị cộng sản cai trị thì đời đời sẽ “cộng sản”, không ai có thể thay đổi được bởi mọi hiện tượng chống đối, phản kháng đều bị nhà cầm quyền độc tài dập tắt, đàn áp dã man. Người cộng sản Hà nội phải thấy những biến cố ở Đông Âu và Liên xô là những bài học quí báu về chuyển hóa đất nước từ cộng sản qua dân chủ mà không đổ máu. Những quốc gia cựu cộng sản này, ngày nay đã thực sự ổn định để bắt đầu hội nhập vào cộng đồng Âu châu và thế giới.

Đó là những tiền lệ lịch sử chánh trị, những tấm gương sáng về chuyển hóa dân chủ mà Hà nội cần sớm học hỏi để áp dụng. Ngày xưa nỗi nhục mất nước đã thôi thúc nhìều người dấn thân tranh đấu giành độc lập. Ngày nay, đất nước không có dân chủ, tức người dân không có chủ quyền trên đất nước của mình, cũng là một nỗi nhục lớn không khác gì nỗi nhục mất nước! Ý thức được nỗi nhục này sẽ thôi thúc mọi người, như trước kia, phải dấn thân tranh đấu cho dân chủ. Bởi Việt Nam cần phải có dân chủ và phải có sớm, chẳng những có dân chủ để giúp động viên nội lực toàn dân phát triển đất nước, kịp sớm đưa đất nước thoát tình trạng khủng hoảng hiện nay, mà dân chủ còn giúp Việt Nam chủ động được trong mọi tình huống, nhứt là để đối phó với hiểm họa mất đất, mất chủ quyền quốc gia trước chủ trương bá quyền của phương Bắc. Dân chủ để mọi người Việt Nam tìm lại cho mình quyền làm một con người.

Hơn nữa, về mặt địa lý chánh trị, Việt Nam cần một chế độ dân chủ để hội nhập hài hòa với các nước dân chủ tự do trong vùng, tạo được niềm tin chánh trị bởi cùng một thể chế.

Ngày nay, Đông Nam Á vẫn còn là vùng tranh chấp, xung đột, làm trở ngại cho nhiều dự án phát triển của các quốc gia địa phương, do thiếu ổn định. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một nỗ lực lớn từ hơn bốn mươi năm nay, giúp các quốc gia hội viên trao đổi, hợp tác và phát triển. Nhưng ASEAN không đủ khả năng giữ vững quốc phòng chung, để có thể bảo đảm an ninh quân sự địa phương. Vì tầm quan trọng chiến lược vùng Nam Thái Bình Dương, mà một tổ chức có khả năng quốc phòng cao như Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á ngày xưa (SEATO) cần sớm được các nước trong vùng bắt tay nhau vận động thành lập. Úc và Tân Tây Lan sẽ là hai nước có vai trò đem lại những nỗ lực đóng góp lớn và cụ thể, do đã có những liên hệ chặt chẽ và lâu đời với các quốc gia trong ASEAN.

Trước những nỗ lực an ninh và phát triển địa phương ấy, Âu châu và Huê kỳ chắc chắn sẽ không có lý do gì khác hơn để giữ thái độ thờ ơ mà không tích cực hợp tác. Vùng Đông Nam Á sẽ trở thành một khối có quốc phòng vững mạnh, giúp cho các quốc gia thành viên an ninh được bảo đảm, chỉ còn dồn nổ lực cho phát triển. Mọi âm mưu bá quyền sẽ không còn lý do để tồn tại.

 

Ghi chú

1        Trần văn Ân, Hình thành nền triết lý Nhà nước, Saigon, 1971.

2        Kim Định, Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây, Saigon, 1969

3        Nguyễn đăng Thục, Vũ trụ Âm Dương, Sử địa số 5, Saigon, 1967.

4    Kim Định, sđđ.

4        Hồ sĩ Khuê, Hồ chí Minh, Ngô đình Diệm, Mặt trận Giải phóng miền Nam, Văn nghệ, Huê kỳ, 1992.

6    Trần văn Ân, sđđ

7    Hồ sĩ Khuê, sđđ

8    Hồ sĩ Khuê, sđđ

9    Paul Mus, La sociologie d’une guerre, Paris,1952.

10   Paul Mus, sđđ

11   Mgr. Pugignier, Archives, MEP. Paris.

12   Bernard Fall, Les deux Vietnam, Paris, 1967.

13   Milovan Djilas, La nouvelle classe, Plon, Paris, 1962

14   Kim Định, Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam, Saigon, 1967.

15  Thư kinh Châu thư, được Nguyễn ngọc Huy trích dẫn trong “ Địa vị Hồ chí Minh trong diễn tiến Nhơn-quyền ở Việtnam ” (Sự thật về thân thế và sự nghiệp), Nam Á, Paris, 1990.

16  Thư kinh Châu thư, Nguyễn ngọc Huy trích dẫn, sđđ

17  Nguyễn ngọc Huy, sđđ

18  Nguyễn ngọc Huy, Quốc triều Hình luật, Canada, 1988.

19  Minh Mạng chánh yếu, Nguyễn ngọc Huy trích dẫn, nt

20  Michel, Senillart, La théorie médiévale et la raison d’Etat, Paris, 1989.

21  Fitche, Considérations sur la Révolution française 1793, Paris.

22  Nguyễn tiến Phồn, Dân chủ và tập trung dân chủ, Hànội, nhà xb Chánh trị Quốc gia, 2001.