Một Mùa Xuân Không Mai Vàng, Không Cánh Én

Cac Bai Khac

No sub-categories

Một Mùa Xuân Không Mai Vàng, Không Cánh Én

1.- Quê hương của tuổi thơ: Thái-Bình-Trung quê tôi, một làng xa-xôi nhứt của quận Mộc-Hóa, nằm sát biên-giới Miên, thuộc tỉnh Tân-An (sau nầy là tỉnh Kiến-Tường), tức là Đồng-Tháp-Mười. Làng còn có cái tên rất Miên là Lông-Khốt, giáp giới với tỉnh Soài-Riêng của Cam-Bốt. Thời đệ nhứt Cộng-Hòa làng đổi tên là Tuyên-Thạnh, quận Tuyên-Bình, tỉnh Kiến-Tường. Lảnh-thổ nầy mang tên Đồng-Tháp-Mười là vì tương truyền rằng ở giữa đồng có một cái tháp cao 10 bậc thang và cũng là tháp thứ 10 kễ từ biên giới Miên, dùng để liên lạc báo tin nhau, do nhà cách mạng chống Pháp là Thiên Hộ Dương dựng lên giữa đồng dùng để canh gác, dòm ngó sự chuyễn động của lính Tây (Kiểu như Lầu Hoàng Hạc ở bên Tàu). Thái Bình Trung có 2 Tổng là Thanh Hóa Thượng và Thanh Hóa Hạ

Thiên-nhiên và hoàn-cảnh lịch-sử đã dồn nén mảnh đất quê tôi vào những huyền-thoại khó thở và xa-xôi mù-mịt mặc dầu tính theo đường chim bay không cách thủ-đô Saigon quá 150 cây số. Những địa-danh lân-cận như Thông-Bình, Cả-Cái, Lò-Gạch, Đốc-Vàng, Gãy Cờ Đen,vv…đã một thời lừng-lẫy. u-buồn với nhiều thử-thách trong chiến-tranh đầy máu lửa.

Thái-Bình-Trung chỉ có một con đường độc đạo chạy xuyên qua làng, chạy dài từ bờ sông Lông-Khốt qua đến đất Miên. Đường bằng đất, rộng khoảng 15 thước, hai bên là phố-xá, cửa tiệm, nhà việc (công-sở, comune), trường học, chợ búa, tấp-nập ở trung tâm làng, thưa dần và nghèo dần về phía cổng làng.

Làng tôi có trường tiểu-học, có ngôi đình làng, có cây da to bóng mát, có giếng nước ngọt, có cổng tre làng, đâu đâu cũng đều ghi lại trong lòng người dân những hình-ảnh đẹp tuyệt-vời, nhứt là đối với chúng tôi, tuy lúc đó còn nhỏ dại, nhưng những nét yêu-kiều của làng xóm, với những người dân quê hiền-từ, mộc-mạc, với những nông-dân cởi trâu, với hình ảnh Ba và các anh lớn của tôi thường cởi ngựa đi thăm ruộng, luôn gợi lại trong lòng tôi biết bao nhiêu là kỹ-niệm đẹp trong buổi thiếu-thời.

2.- Những ngày tao loạn: Năm 1945 khi Phong-Trào Thanh-Niên Tiền-Phong (TNTP) được phát-động khắp nơi trong nước, dân làng tôi cũng nô-nức đáp lời kêu gọi của núi sông, tình-nguyện gia-nhập vào đội ngủ kháng-chiến chống Pháp.

Do tinh-thần yêu nước thúc-giục, nên công việc làm ăn của mọi người đành chểnh-mản hoặc gát lại một bên, người lớn thì tối ngày tụ năm tụ ba xì-xầm bàn tính, còn lớp trai-tráng thì thao-duợt theo nề-nếp quân-đội với trang-bị một vài cây súng trường còn lại tất cả đều tầm vong vạt nhọn. Suốt ngày họ đi tới đi lui theo hàng lối, lớp lang dọc theo lộ cái, đếm nhịp và ca hát, hào-khí ngất trời.

Trong những giờ nghĩ giải lao, họ ngồi trước hàng ba hoặc dưới các bóng cây, từng nhóm chuyện trò và dùng miễn chai vuốt cho bóng láng các cây tầm vong của họ. Công việc như vậy cứ diễn ra hàng ngày, họ còn luyện tập võ-nghệ, quần-thảo, nghe những chỉ-thị và những lời kêu gọi khích-động lòng yêu nước,vv.. trong số đó có các anh lớn của tôi.

3.-Việt Minh đấu tố: Gia đình tôi ở Tổng Thanh-Hóa-Thượng, nhà bác Quản-Dư ở Tổng Thanh-Hóa Hạ. Việc làm ăn lúa gạo của Ba tôi và bác Quản Dư giống như nhau và cùng giàu có tương-đương với nhau và cũng là bạn với nhau.

Năm 1945, khi phong-trào Thanh-Niên Tiền-Phong nổi dậy, Việt-Minh bắt bác Quản-Dư ra đấu-tố về tội điền-chủ và sau đó kết án tử-hình. Họ bắt trói ông quỳ giữa làng và tàn-nhẫn xẽo thịt ông cho đến chết.
Nhiều người cứ tưởng việc đấu tố chỉ có xãy ra ở Miền Bắc mà thôi, nhưng không đâu, tướng độc nhỡn khát máu và tàn bạo Việt cộng của Hồ Chí Minh là Nguyễn Bình, Hoàng Thọ cũng đã làm ở Miền Nam mà trường hợp của bác Quản Dư ở Thanh Hóa Hạ, làng Thái Bình Trung là trường hợp tiêu biểu, nhưng vì sức yếu, không chống nổi lính Miên của Pháp, chúng phải lo rút chạy nên chưa kịp phát động một cách rộng lớn mà thôi.

Hay tin nầy Má tôi và gia đình vô cùng lo-sợ vì chắc chắn đại họa của bác Quản-Dư sẽ tiếp diễn đến lượt Ba tôi. Quả đúng như vậy, sau khi xử-tử bác Quản Dư xong, họ đến làng tôi, gặp ông Xã trưởng để điều-tra Ba tôi, ông Xã-trưởng và Ba tôi là bạn thân đã trả lời với họ là Ba tôi là người rất tốt ở trong làng, nếu đem Ba tôi ra đấu-tố thì dân làng sẽ bất mãng, làm sao chiến-đấu chống Pháp cho được hữu hiệu. Câu chuyện còn đang tính-toán thì mặt trận bùng nổ. Nhờ vậy mà Ba tôi thoát nạn.

Đêm hôm đó, vào ngày 12-12-1945, vào lúc 8 giờ tối, chúng đem quân kéo lên vuông tre nhà của một nông dân trong làng, dàn trận và làm địa điểm xuất quân. Trước đó, chúng kêu gọi những gia đình giàu có trong làng mua heo quay, gà, vịt đem tới địa điểm nầy để đãi một bửa tiệc linh-đình. Tiệc vừa tàn thì súng bắt đầu nổ.

4.- Diễn tiến cuộc chiến: Do Pháp xúi giục, quân đội Miên thuộc tỉnh Xoài riêng vượt biên giới tấn công vào làng, nhưng họ đụng phải sức kháng-cự mãnh-liệt của lực-lượng Thanh-Niên Tiền-Phong, mặc-dầu chỉ có vài ba cây súng trường, nhưng cũng đủ làm cho giặc Miên khiếp-sợ nên chúng rút trở về, quân ta rượt theo tới biên-giới.

Sau đó, vào ngày thứ Ba, 11 tháng 12 năm 1945 tức là ngày mùng 7 tháng 11 năm Ất-Dậu, ông Quận-Trưởng quận Mộc-Hóa về làng, tập-hợp tất cả thanh-niên trong làng hợp cùng với một số cán-bộ Quận làm một cuộc meeting và tập trận để chuẫn bị phản công.

Đêm hôm sau, ngày 12-12-1945, quận Mộc-Hóa mở liền 3 mặt-trận tấn-công vào lính Miên (thuộc Pháp) như sau:
-Mặt-trận Long-Khốt, làng Thái-Bình-Trung.
-Mặt-trận Sốc-Rồ
-Mặt-trận Tà-Nu
Trận Sốc-Rồ và Tà-Nu, Thanh Niên Tiền Phong chiếm thượng-phong ngay từ đầu và rượt lính Miên chạy tán-loạn. nhưng đến sáng hôm sau, lính Miên được quân Pháp đến tiếp-viện, rượt quân TNTP chạy ngược trở lại. Dân ở hai nơi nầy hôm qua thấy lính Miên chạy nên không tản-cư, vì vậy, sau khi lính Miên trở lại, họ bị lính Miên trả-thù, nên bị giết chết rất nhiều.

Riêng trận Long-Khốt, quân TNTP thất trận ngay từ đầu và được diễn ra như sau: Ðúng 8 giờ tối, đích-thân ông Quận Trần nổ phát súng lục đầu tiên và hô xung-phong. Với tầm-vong vạt nhọn, đoàn thanh-niên xông lên, lính Miên sợ quá chạy tán-loạn. Quân ta chỉ có 2 cây súng bắn chim: một cây súng hai nồng và một cây líp-xây (?), mỗi cây chỉ bắn được một phát mà thôi. Nhưng vì số đạn còn lại bị ướt vì vỏ đạn làm bằng giấy, vào lúc nầy ruộng lại còn nước, xạ thủ bò dưới ruộng nên đạn bị hư vì thấm nước, bắn không nổ. Do đó, quân ta đốt pháo đại để thị-oai. Mẹ Sóc Tạch (xã trưởng Miên tên Tạch) nghe biết bên mình đốt pháo nên ông tập-trung lính lại và sau khi kiểm-điểm, ước-lượng tình-hình, quân Miên mở mặt-trận tấn-công trở lại, lần nầy với quân số đông hơn và trang-bị súng ống đầy-đủ hơn, giặc Miên quyết-tâm mở chiến-dịch cuồng sát, Thanh-Niên Tiền-Phong thiếu-thốn đủ mọi trang-bị cần-thiết nên không chống-cự nổi và đành phải rút lui về chiến-khu, lính Miên cầm đuốt rượt theo đến tận Mộc Bài, như chổ không người, gặp nhà nào chúng cũng châm lửa đốt sạch, ai chạy không kịp đều bị chúng mặc tình chém giết và cướp của, đốt phá xóm làng, không chừa bất cứ một thứ gì.

Người Miên rất ngại người Việt-Nam vì sự gan dạ và tinh-thần đoàn-kết, nhưng thực-dân Pháp đã tuyên-truyền vào họ lòng hận-thù triệt-để đối với người Việt-Nam, nào là người VN chiếm đất-đai của họ, nào là người VN chém đầu tổ-tiên của họ và dùng xương sọ để kê nồi nấu cơm. Người Miên có bản tính vốn rất dã-man, được thực-dân Pháp trang-bị và điều-động, họ ra tay tàn-sát người VN không nhân-nhượng, tất cả những người VN chạy không kịp, họ bắt được đều bị chém đầu hoặc chém xã ra làm hai bằng mã tấu hoặc bằng dao to bản dùng để xắc chuối, không phân-biệt già trẻ trai gái hay bạn bè gì cả.

Lực-lượng Thanh-Niên Tiền-Phong vì không chống trả nổi quân Miên nên phải rút lui. để lại sau lưng những thãm-trạng đau lòng, vô cùng bi-đát. Sau nầy, người Việt Nam gọi tình trạng nầy là “Phong trào Miên Dậy” hay phổ thông hơn là “Cáp Duồn” tức là chặt đầu người Việt Nam.

5.- Tản cư: Dân làng chạy loạn đổ dồn về phía sông nơi bãi tắm ngựa. Người già và đàn bà trẻ con di-tản trước, đàn ông, trai tráng vừa chống đở, vừa chạy sau. Tại bến sông, dân làng đã tập-trung tất cả ghe xuồng lại và có nhiều người tình-nguyện chuyên-chở những người tị-nạn sang sông vì sang được bên kia sông là kễ như an-toàn và khi đã di-tản được tất cả thì ghe xuồng phải tách bến để sang bờ bên kia, quân Miên có đến cũng không có phương-tiện đuổi theo.

Lúc đó có nhiều tin đồn là nay mai lực-lượng của ta sẽ phản-công, xóm làng sẽ yên trở lại và mọi người sẽ được hồi-cư, vì vậy đoàn người chạy loạn chỉ mang theo một ít đồ-đạt và chút ít tiền bạc để lo mạng sống vài ba hôm, áo quần cột bó lại quăng lên máng xối, nóc nhà còn tiền bạc thì đào lỗ chôn, lấp đất lại rồi để lu hủ nước lên trên cho chắc ăn. Nhưng cái ngày mai của tin đồn trên không bao giờ đến, và lần ra đi nầy là lần ra đi vĩnh-biệt…vĩnh-biệt tất cả, vĩnh-biệt thôn làng, vĩnh-biệt ruộng nương, vĩnh-biệt nhà cửa tài-sản, vĩnh-biệt mồ mả ông bà thân-yêu, với tất cả cỏi lòng tang-thương và đau-đớn.

Mùa xuân năm đó, mùa xuân của năm Bính Tuất 1946, làng tôi không còn cánh én, không có cành mai mà chỉ có khói lửa ngập trời, đồng ruộng tan hoang, nhà tan, người chết dưới tay bọn lính Miên cuồn sát.

Gia đình tôi lìa bỏ quê hương yêu dấu, với chiếc xuồng nhỏ, cùng tháp tùng với đoàn người tản cư lánh nạn, sống phiêu bạt khắp nơi từ Tân Châu, Hồng Ngự cho tới cù lao Long Khánh trên nhánh sông Tiền, tài sản tiêu tan, thiếu thốn trăm bề. Sau một năm trời gian khổ, gia đình tôi bất ngờ tìm gặp được bà Nội tôi rồi sau đó dìu dắt nhau về đến được Chợ Lớn để tái tạo cuộc đời và vĩnh viễn định cư tại đây cho đến ngày 30/4/1975, ngày mất nước.

Từ ngày Hồ Chí Minh đem đảng Cộng sản Đệ Tam Quốc Tế vào Việt Nam cho đến ngày nay, không chỉ mùa xuân ở quê tôi, một làng quê nghèo nàn, hẽo lánh xa xôi ánh sáng kinh thành vào năm Bính Tuất 1946 không có cánh én, không có cành mai mà còn rất nhiều mùa xuân tiếp nối trên đất nước chúng ta còn buồn thảm, tang thương hơn thế nữa, như mùa xuân Năm Mậu Thân 1968 chẳng hạn, không chỉ một làng hay một xã và cũng không chỉ riêng ở cố đô Huế, mà tràn khắp trên toàn cõi đất nước miền Nam Việt Nam.
Thanh Thủy (08/01/2017).
—————————————————-
Vui Xuân Không Quên Những Anh-Hùng Quốc-Nội

Vui Xuân, vui cả một trời
Ðừng quên chiến hữu cuộc đời nắng mưa
Dấn thân vào chốn gió mưa
Tháng ngày cam chịu sớm trưa hiễm-nghèo
Sá gì cảnh-ngộ bọt bèo
Chỉ vì dân-tộc quá nhiều khổ đau
Sá gì cửa ngục gian-lao
Một niềm tranh-đấu với bao tất lòng
Chông gai, dẫm bước thong-dong
Nằm gai nếm mật một lòng đấu tranh
Ngay trong lòng địch gian-manh
Còn hơi, còn sức, nào đành vui riêng
Gương xưa hùng-liệt tổ tiên
Còn soi sáng lạn khắp miền non sông
Ngày nay thác lũ giữa dòng
Dưới trời mưa phủ, biết bao anh-hùng
Giang tay cùng một cơ-cầu:
Nước non sớm được một màu xanh tươi

Hậu-phương hải ngoại yên vui
Quan-hoài những kẽ vì dân quên mình
Chút lòng cho trọn niềm tin
Sưỡi lòng chiến-sĩ tiền phương dãi dầu
Thanh Thủy