Một ký ức buồn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Một ký ức buồn

(Viết về ngày 30/4/1975)

…Khi Cộng quân tiến về Sài Gòn từ hướng Long Khánh, gia đình tôi dắt díu nhau chạy giặc về Thủ Đức trên chiếc xe Lam mui trần do ba tôi làm tài xế. Trên con đường đầy quần áo, giày lính, xe cộ vương vãi đó thỉnh thoảng tôi thấy có vài xác người nằm phơi thây ngoài đường, có cả xác sỹ quan mang 3 bông mai với một vết thương rộng toác ở ngực!
Trong dòng người di tản đông nghẹt, chen chúc, kẹt cứng từ cầu Sài gòn kéo dài đến gần giáp ranh tỉnh Bình Dương bây giờ, tôi nghe tiếng cầu kinh, niệm Phật trong khi những quả đạn rít qua đầu nghe nổ rất gần càng tăng thêm sự lo lắng, an toàn cho dòng người nối dài trên quốc lộ. Mẹ tôi, một người từng chạy giặc Mậu Thân năm 68 dường như bà khá bình tĩnh, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm đọc kinh cầu xin Chúa che chở cho cả gia đình.
Khi thoát về được nơi tạm trú được vài hôm, tôi mới mon men ra đường thăm dò xem tình hình như thế nào, lúc đó tôi chỉ mới 11 tuổi. Ngoài đường vẫn ngổn ngang quần áo, mũ giày trận và xe máy, vẫn còn vài xác người lính nằm gục nơi các gốc cây giữa trưa hè im ắng. Qua hôm sau đó là ngày 30/4, tuy chấm dứt tiếng súng nhưng cũng là những ngày tiếp nối sự đày đọa kinh khủng cho toàn miền Nam Việt nam. Toàn cảnh nó chẳng khác gì Mậu Thân 68 là bao, cũng khủng bố, bắt bớ, trả thù, xử bắn những quân nhân quyết không chịu phục tùng. Sự sợ hãi bởi khủng bố bao trùm cho miền Nam một màu chết chóc do Cộng quân gây ra nhằm tiêu diệt ý chí phản kháng của các binh sĩ còn tử thủ ở Sài gòn trong tiếng khóc nấc nghẹn của các bà mẹ, vợ và con cái.
Những đoàn xe chở đầy Cộng quân chạy rần rần trên các ngã đường Sài Gòn, lẫn lộn trong đó là đám thanh niên mà lúc đó người ta gọi là bọn 30/4, mặc áo sơ mi trắng, quần tây, đeo súng nghênh ngang mắt lườm lườm từng người như muốn ăn tươi nuốt sống họ, những người bị ép buộc ra đường đứng vẫy cờ chào đón quân “giải phóng”. Bọn này hoàn toàn được quyền bắt bớ, bắn giết, trùm bao thủ tiêu bất cứ ai mà chúng ghét, kể cả đó là một công dân bình thường không hề dính líu đến chính trị. Bọn này không phải là dân miền Bắc mà lại là người miền Nam, cũng không phải là dân nằm vùng! Chúng thuộc phường trộm cướp bị truy nã bởi cảnh sát VNCH ẩn nấp trong các ngõ ngách ở các đô thị trong miền Nam nổi lên như chấu chấu hòng lập công dâng lên cho cách mạng để được bảo toàn mạng sống. Chỉ hai năm sau khi CS chiếm miền Nam thì bọn cẩu tặc này biến mất dần không còn dấu vết.
Sau ngày 30/4 được 1 tháng thì bắt đầu cuộc càn quét bắt bớ tất cả các sĩ quan VNCH đi “học cải tạo”, một mỹ từ để đánh tráo cho việc bắt bớ, tận diệt, lưu đày trong nhà tù nơi rừng thiêng nước độc của CS, bài học mà trong thuyết CS không bao giờ bỏ sót từ thời Stalin. Hàng triệu quân nhân cán chính miền Nam khăn gói trình diện để được “cải tạo vài ngày” thực chất là họ sẽ được chăm sóc tận tình qua các cấp bậc và như các bạn đã biết “vài ngày” đó nó kéo dài hàng đến chục năm trời, trong đó có hàng trăm ngàn người chết trong trại cải tạo vì bị ngược đãi, bị hành hạ, bị bắn chết, vì bệnh hoạn nhất là sốt rét… y thời trung cổ. Các tù binh còm cõi, gầy trơ xương vì bịnh tật, bị hành hạ mà không được chăm sóc y tế ngoại trừ chỉ có duy nhất một “thần dược” được gọi là Xuyên Tâm Liên để trị bá bệnh, kể cả sốt rét, ho lao và lao lực.!!
Những ký ức kinh hoàng này tuy tôi không nhìn thấy được cảnh thảm khốc của năm Mậu Thân, Mùa Hè Đổ Lửa, nhưng cũng đã tạo nên một ấn tượng sâu lắng trong suốt cuộc đời tôi, cho đến tận bây giờ. Mùi ngai ngái của bộ quần áo mặc trên người của bộ đội cộng quân, những bữa cơm độn toàn khoai và bo bo. Những mớ ghẻ ruồi như mảng cơm cháy khắp cơ thể mà tôi không thể nào để tả hết được. Rận rệp được các cán binh CS mang làm quà cho miền Nam để đổi lấy những chiến lợi phẩm giá trị mà họ cướp được mang ra Bắc.
Toàn cảnh của chiến tranh, sinh tồn của người dân miền Nam để giành giựt sự sống, để tồn tại trong đau thương, một cuộc chiến đầy âm mưu chính trị, phe phái mà giờ đây một dân tộc có 4.000 năm lịch sử phải đứng trước nguy cơ bị tận diệt, xoá tên trên bản đồ thế giới bởi nạn CS.

Người Kể Chuyện
danlambaovn.blogspot.com