Một đất nước trộm cắp
12/09/2019 VietTuSaiGon
Một đất nước phát triển, không thể là một đất nước trộm cắp. Một đất nước có thể có nhiều nhà cao cửa rộng, có nhiều xe hơi xịn, có nhiều tàu thuyền và có nhiều phương tiện công, sân bay… Xét về mặt giàu có, có thể xem đó là quốc gia giàu có. Nhưng khi xét về vấn đề phát triển hay không, tất cả những dấu hiệu trên không đủ để đi đến kết luận đó là đất nước phát triển. Vì khái niệm phát triển bao gồm cả hữu hình và vô hình, gồm giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Trong đó, giá trị tinh thần đóng vai trò nòng cốt, làm cái lõi của phát triển. Muốn biết đất nước đó phát triển hay không, phải nhìn vào các giá trị tinh thần mà người dân, chính quyền trong đất nước đó đạt được. Ngược lại, nếu chỉ có vật chất trương nở mà tinh thần teo tóp thì đất nước đó đang đi xuống, đang cận kề nấm mồ.
Việt Nam, cho đến thời điểm hiện nay, mọi thứ vật chất cần có, thậm chí vật chất thừa mứa dường như đã xuất hiện khắp mọi nơi, từ công trình vài chục tỉ cho đến vài chục ngàn tỉ đã mọc ra, thế nhưng, hỏi rằng Việt Nam đã phát triển hay chưa thì phải ngậm ngùi nói rằng Việt Nam đang thụt lùi. Mà dấu hiệu thụt lùi đáng sợ nhất là cái lò chống tham nhũng của Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì sao lại nói rằng đó là dấu hiệu đáng sợ?
Nói theo nghĩa rộng, nhìn vào đời sống nhân dân, có mấy người không sợ trộm cắp? Nạn trộm cắp tràn lan, từ việc nông dân nghèo nuôi con trâu, con bò bị dắt trộm đến việc kẻ trộm vào thẳng chuồng trại, làm thịt cả một con bò, con trâu rồi chừa lại bộ xương cho khổ chủ, rồi kẻ trộm chó đập chó ngay trước mặt chủ nhà, nếu chủ nhà lên tiếng thì bị kẻ trộm tấn công bằng roi điện, dao, kiếm, ống tuýp sắt… Người Việt đi du lịch ra nước ngoài thì vào siêu thị trộm cắp, thậm chí có cả một người đang làm phát ngôn viên cho cơ quan văn hóa cấp trung ương cũng từng có thâm niên trong việc trộm ở các siêu thị nước ngoài. Bước vào sân bay, qua cửa khẩu hải quan thì cách gì cũng bị trộm đồ, bị mè nheo làm tiền, bị lừa đảo… Nhưng, trộm đáng sợ hơn là trộm tài sản công, hiện tại, thật khó vô cùng để tìm ra những người không từng ăn trộm tài sản công (nói cho sang là tham nhũng) trong hệ thống cán bộ Việt Nam. Từ việc trộm cắp tiền ăn của học sinh, bớt xén từng bữa ăn của học sinh nghèo miền núi cho đến việc trộm cắp đất đai, công sản, dường như đi bất kì nơi đâu đụng đến bất kì công việc gì và chạm mặt với bất kì đảng viên, cán bộ Cộng sản nào cũng đều cho cảm giác không đáng tin cập và tởm lợm bởi sự hợm hĩnh, hống hách và trơ tráo của họ. Thậm chí, có kẻ làm cán bộ và lộng quyền, làm vua một cõi nhờ liên kết được thế lực trộm cắp tài sản công, trộm cắp ngân khố quốc gia.
Và nạn trộm cắp tài sản công, ngân khố quốc gia bùng phát đến độ không thể giải quyết được. Một người là nguyên thủ quốc gia kiêm bí thư của một đảng duy nhất lãnh đạo như Chủ tịch nước – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải đích thân đốt lên cái lò chống tham nhũng và nổi tiếng ngay với khái niệm “lò ông Trọng”. Nếu nhìn bề ngoài thì đất nước vẫn còn may mắn có một lãnh đạo chống tham nhũng như ông Trọng. Nhưng nhìn sâu vào sự việc thì lẽ ra, việc của một nguyên thủ quốc gia là điều hành, lèo lái con tàu đất nước đi đến tương lai tươi sáng, đưa ra những quyết sách tốt đẹp để từ đó các thuộc cấp đồng tâm thực hiện để làm cho dân giàu, nước mạnh và văn minh. Nhưng ở đây, dường như chức năng, sứ mệnh đối ngoại và lãnh đạo của nhà lãnh đạo tối cao đã bị lu mờ, để rồi thay vào đó, ông hiện ra như một nhà quan sát và một gã công an khổng lồ trước thuộc cấp. Điều này hết sức trớ trêu, mà nó cũng phản ánh gánh nặng mang tên hệ thống cầm quyền đã làm cho đôi vai của cả nhà lãnh đạo tối cao và nhân dân trở nên đau oằn, ngoài sức chịu đựng. Sự trộm cắp đã vượt ngưỡng chịu đựng của một dân tộc.
Và, hệ quả của thói quen trộm cắp sinh ra từ chế độ là hầu hết người ta đều phải tập thích nghi với trộm cắp, tập sống với trộm cắp, thâm chí chống chế trộm cắp bằng chính việc ăn cắp lại của người khác. Nghĩa là cuộc đời trộm cắp của ta cái này thì ta phải trộm cắp lại cuộc đời cái khác, xem như huề! Tâm lý xem trộm cắp như một ứng xử xã hội và kẻ nào càng giỏi trộm cắp thì càng vinh thân phì gia, càng giỏi trộm cắp thì càng giàu có, thế lực đã đẩy đất nước đến chỗ giống như một băng nhóm trộm cắp khổng lồ và trong băng nhóm khổng lồ này có nhiều băng nhóm nhỏ, theo tầng lớp, thứ bậc khác nhau. Đây cũng là lúc để suy xét về tư cách và chiều hướng phát triển của quốc gia, đất nước.
Thử nghĩ, một đất nước mà ra đường có rất nhiều xe sang, xe khủng, mặc dù bị đánh thuế gấp đôi, gấp ba lần so với giá xe của các nước tư bản nhưng người ta vẫn mua nườm nượp, tiền tiêu xài cuồn cuộn như nước. Phải nói là giàu có, phải nói là tiền bạc tiêu xài ở Việt Nam cứ như lá mít, đến người Việt hải ngoại về thăm quê cũng thấy sợ cho mức chi tiêu của người Việt. Chính vì vậy mà dân gia đương đại có câu “Việt Kiều không giàu bằng Việt Cộng” là vậy. Mọi thứ vật chất trương phình, hàng đểu cũng có mà hàng thật cũng có. Nhưng nếu hỏi Việt Nam có phát triển hay không và phát triển chỗ nào? Thì tắt tị, vì không có thứ gì để nói rằng đang phát triển. Bởi xe hạng sang, xe mang biển số xanh có giá khủng đang chạy ngoài đường có thể dừng lại và sau đó vài người ăn mặc lịch sự trên xe bước xuống và sỉ vả, thậm chí đánh đập một người xe ôm chỉ vì một cú va quẹt nhẹ mà phần lỗi lại thuộc về xe biển số xanh.
Bởi nhà cửa thì nhiều, thậm chí có hàng ngàn khu biệt phủ, biệt thự trị giá ngàn tỉ trên mỗi khu nhưng nếu tìm hiểu về chủ nhân của nó, không có gì để đảm bảo rằng chủ nhân của nó không phải là kẻ trộm cắp tài sản công hoặc kẻ toa rập trộm cắp tài sản công – một cán bộ quyền lực nào đó. Ngay cả một cái chức tưởng như tượng trưng, thậm chí có chức năng hết sức phọt phẹt trong hệ thống như Chủ tịch xã cũng đã dám lên giọng lộng quyền và có năm ba lô biệt thự, năm ba căn nhà cho vợ lớn vợ bé, cho bồ bịch… Tất cả là gì nếu không trộm cắp tài sản công mà có?! Và, với những biểu hiện phì đại vật dục bên ngoài nhưng giá trị tinh thần thì rỗng tuếch, thậm chí hôi thối như vậy, liệu có thể xem là đất nước đang phát triển? Thử nhìn vào hệ thống tiên phong trong phát triển giá trị con người là hệ thống giáo dục, dường như nó bốc đầy mùi xú uế, hôi thối… Thì liệu có thể gọi Việt Nam là đất nước phát triển hay không?!
Nói cho cùng, Việt Nam chỉ phát triển khi nào hệ thống những kẻ trộm cắp bị xóa bỏ, cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng không còn cần dùng đến và con người có lòng tự trọng, người ngoài nhìn vào Việt Nam với ánh mắt tin cậy, tôn trọng và ngưỡng vọng… Thì lúc ấy, chúng ta mới tự tin là chúng ta phát triển. Bởi hiện tại, chúng ta phì đại vật dụng nhưng chúng ta giàu được nhờ vào trộm cắp, chúng ta không thể đánh mất chút danh dự còn sót lại một khi đánh đồng việc trộm cắp với phát triển. Chúng ta đang thụt lùi, và chúng ta cần phải học làm người thực thụ để đi đến phát triển!