Một Cuộc Đời, một thế kỷ – Nguyễn Văn Trần
Vài nét về đấu sĩ Trần Văn Ân
Lần dở những trang ký sự cũ của Cụ Trần văn Ân
Viết về đấu sĩ Trần Văn Ân, tạ thế tháng 9 năm 2002, hưởng thọ bách tuế, không phải là điều khó khăn, khi người viết có dịp gần gũi Cụ suốt thời gian dài trước đây. Hơn nữa, ngày nay, hãy còn nhiều người sống ở Việt nam Hải ngoại, quen biết Cụ hoặc đã từng là bạn bè vong niên hay cộng sự viên của Cụ trước kia ở Sài gòn. Chỉ làm một cuộc điều tra nhỏ về Cụ cũng đủ thông tin cho một bài viết năm bảy trang giấy. Nếu muốn chu đáo hơn, thì cuộc đời Cụ hãy còn cất giữ nguyên vẹn trong các văn khố, nhứt là các văn khố hải ngoại của Pháp. Nhưng cái khó ở người viết là chọn điểm nào của một con người là nhơn chứng mà cũng là tác nhơn lịch sử của thế kỷ qua. Lịch sử một thế kỷ vốn đã vừa quá phong phú vừa quá phức tạp. Mà lịch sử Việt nam lại còn phức tạp hơn bởi Việt nam vừa là chánh trường vừa là chiến trường, nơi diễn ra những xung đột trên bình diện chiến lược và tư tưởng của thế giới.
Ngày nay, đấu sĩ Trần Văn Ân không còn nữa. Viết về một nhơn vật lịch sử phải cần xử dụng tài liệu. Về mặt này, người viết lại phải gặp khó khăn có tính cách kỹ thuật: thiếu tài liệu hay quá nhiều tài liệu. Trong trường hợp của chúng tôi, phải đối phó với cái khó thứ hai, bởi trong tay chúng tôi hiện có cả ngàn trang tài liệu về Cụ Ân. Đó là những bức thư, những trang hồi ký, những bài báo cũ do chính Cụ gởi cho chúng tôi. Mỗi lần tìm một tài liệu trong tủ sách riêng của chúng tôi, bất chợt bắt gặp một bức thư của Cụ, khi viết tay, khi đánh máy, kẹp trong quyển sách rồi quên đi, mở ra đọc lại. Nhớ đến Cụ, chúng tôi vội mở một tập tài liệu về Cụ và đọc. Thế là một buổi trôi qua, việc phải làm vì đó mà chậm lại.
Nay phải viết về Cụ Trần Văn Ân, chúng tôi đã sẵn sàng để viết từ nhiều tuần lễ qua, nhưng vì mãi lạc vào những bức thư cũ với những lời lẽ đầy ấp tình thương của Cụ, những trang «cảo thơm», và say mê đọc mà không làm chủ được thời gian.
Mà tại sao phải làm chủ thời gian chứ? Thời gian vốn «vô thỉ vô chung» kia mà? Điều làm cho chúng tôi lúng túng là «viết về khía cạnh nào của đấu sĩ Trần văn Ân»?
Có lẽ phải viết hai trăm trang, bốn trăm trang, tức một hay nhiều quyển sách về đấu sĩ Trần Văn Ân thì mới thỏa mãn nhu cầu viết về con người ấy.
Một con người đã sống thật với chính mình, với người, với thời cuộc đất nước trong suốt thế kỷ hai mươi.
Ngày nay, nhiều năm sau ngày Cụ ra người thiên cổ, chúng tôi vẫn chưa thực hiện được điều mong ước ấy. Thôi thì tạm ghi lại vài nét « đan thanh » về con người « nghịch lý » Trần văn Ân.
Những ngày thơ ấu bên rạch Trà Cui
Cụ Trần Văn Ân sanh vào cuối năm Nhâm Dần, bước vào đầu năm 1903. Qua năm sau, miền tây bị một trận lụt khá lớn, nước dâng cao ngập nhà cửa ở Thốt Nốt, Long Xuyên. Cụ Trần văn Ân là cậu bé được mười tháng, nhưng vì sanh thiếu tháng và không đủ sữa bú nên người gầy nhom, nằm trên một chiếc sạp tre, thấp hơn giường mẹ, bị nước đưa đi. May có bà ngoại, đêm cầm đèn dầu đến bên giường con gái và cháu ngoại thăm coi có ngủ được không, trông thấy một vật gì nỗi trôi lều bều trên mặt nước. Bà đưa đèn rọi để nhìn cho rõ thì ra đó là cháu ngoại của bà. Nhờ bọc trong tã bằng nhiều lớp quần áo cũ và thân mìmh nhẹ nhõm nên chưa chìm. Bà vội vớt lên. Cám ơn Trời Phật, bà bèn đặt tên cháu ngoại là Ân.
Đến bốn tuổi, cậu bé Ân được Bà nội đem về nuôi vì mẹ qui y và ở luôn trong chùa trong làng . Cậu bé từ đây sống bên rạch Trà Cui, cách chợ Thốt Nốt trên 2 cây số. Bà nội giữ cháu bên mìmh. Đến khi bà qua đời, cậu bé Ân mới được đi học. Đó là thằng nhỏ ăn chay đi học. Ăn chay vì sống theo bà nội, bà ăn chay trường và tu theo phái Minh Sư.
Thằng nhỏ ăn chay ấy được cả xóm Rạch Trà Cui thương yêu. Nó đi học ở Trường Quận Thốt Nốt cách nhà độ 2 cây số. Dỉ nhiên cậu bé đi bộ chân đất. Áo quần cũng chẳng mấy khi được lành lặn vì mẹ đã vào nương tựa cửa chùa. Mỗi sáng đi học, thỉnh thoảng mới được miếng xôi, củ khoai luộc, còn thì bụng đói lép xẹp đến trường. Ăn trưa, cậu bé dỡ theo cơm với tương hột hoặc muối ớt.
Đến sáu bảy tuổi cậu bé Trần văn Ân được Bác Hai đưa đến chùa Quảng Đức Tế, phái Minh Sư, qui y dưới pháp danh Quang Huy. Sau này, Cụ Ân thường nhắc tới bác Hai, mà ít khi nhắc đến cha vì cha có vợ khác và có thêm con riêng . Bác Hai là người có công trong việc lo cho ăn học ở trường bổn quốc. Tiền đóng cho nhà trường suốt chín năm là mồ hôi, nước mắt của bác Hai dành dụm khi bán trái cây của vườn nhà, khi đi làm thuê làm mướn trong xóm, trong làng. Thậm chí, về sau Cụ đã cưới vợ mà khi túng tiền vẫn còn xin tiền bác Hai.
Rời Rạch Trà Cui, lên đường vào trường Bổn quốc
Lúc bấy giờ, muốn đi Sài gòn, từ Trà Cui phải qua Vàm Cống, cách Thốt Nốt lối 8 cây số, đi bằng ghe tam bản để lên tàu khói từ Rạch Giá ra Long xuyên, rồi đến Vàm Cống, đi theo con kinh Lấp Vò Sa Đéc dài độ 40 cây số. Phải đi lòng vòng như vậy vì Long Xuyên không có xe đò. Thưở ấy, muốn đi lên Sài gòn, ở Rạch giá, Long Xuyên phải đi tàu, ghe đến Mỹ Tho, ngang qua Sa Đéc, Vĩnh Long, Cái Bè.
Tới Mỹ Tho, phải lo đi lấy phòng ngủ . Sáng dậy sớm lên xe lửa đi Sài gòn vì xe chạy từ Mỹ Tho vào lối 5 giờ sáng.
Đến Sài gòn, ở nhà ông Tô ngọc Chánh, ở đường Boresses, quận Nhì. Ông Chánh làm thơ ký cho văn phòng Luật sư Duval, làm đơn xin cho cậu bé Trần Văn Ân, năm ấy được 11 tuổi, vào trường Bổn quốc, tức là trường Chasseloup Laubat, nằm trên đường Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự) và đường Testard (Trần Quí Cáp).
Đơn xin được chấp thuận. Thật là một bất ngờ. Cậu bé mới ngày nào đây còn ăn chay, xách cơm trưa, đi học trường làng ở Thốt Nốt, nay vào học trường tây, với con tây, sống theo tây, mà không biết một tiếng tây.
Gia đình không ai biết tiếng tây, không ai biết qua nếp sống của giới tây học ở Sàigòn. Thế mà ông cụ thân sinh dám cả quyết tìm mọi cách để xin cho kỳ được con mình vào học trường Bổn quốc, tức trường tây. Bởi cụ nghĩ được học trường tây, chắc chắn con mình có ngày sẽ nên danh phận, thoát khỏi cảnh đời sống ruộng rẫy như ông cha. Cụ có bao giờ nghĩ tới trường hợp nghịch lý là vì học trường tây mà con của cụ nuôi dưỡng cái ý chí muốn phải làm cái gì khác hơn là làm việc cho Tây.
Cái ý chí muốn làm cái gì khác hơn «tối rượu sâm-banh sáng sửa bò» ấy, vào năm 1941, đã đưa người con trai của cụ vào tù Bà-Rá, suýt bị đứt đầu, hoặc năm 1955, bị tù chung thân ở Côn đảo.
Năm đầu thế chiến I, cậu bé Trần văn Ân, 11 tuổi, nhập học lớp vỡ lòng, chung với trẻ con khác vào lứa 7, 8 tuổi, thay vì phải theo học lớp chuẩn bị thi bằng Tiểu học Sơ đẳng yếu lược. Cậu bé Trần văn Ân được chấp nhận vào học ở « khu Âu Châu » (quartier européen, trường Chasseloup-laubat lúc bấy giờ chia ra làm 2 khu vực: khu Âu châu và khu bổn xứ = quartier indigène ) vì năm ấy là năm đầu tiên trường mở cửa đón nhận dân bổn xứ vào học chương trình mà trước giờ chỉ dành riêng cho dân tây hoặc con nhà giàu theo tây học, con điền chủ,…
Cậu bé Trần văn Ân không học được môn nào hết cả vì không hiểu tiếng pháp. Bữa ăn vào 5 giờ chiều (gọi là goûter), cậu bé chỉ biết có bánh mì chắm muối tiêu ròng rã hơn sáu tháng như vậy vì không biết ăn bơ, sửa. Còn chocolat, thì cậu bé bỏ đi, sau đó đưa cho bạn, vì nói đó là đất sét mà ăn nổi gì? Tây, nó ăn đất sét được, chớ an-nam mình không ăn được!
Học đã không vô. Còn chơi thì suốt thời gian dài ấy, cậu bé chỉ biết ôm cột xi-măng cốt sắt của trường làm bạn bởi sợ không dám ra sân chơi. Nếu không bị tây đánh, cú đầu, đá đít, thì cũng bị xô té. Chúng nó không cho nhập bọn. Mà có nhập bọn, cũng không nói chuyện đuợc thì làm sao chơi với nhau được?
Tối đến, lên phòng ngủ, cậu bé Trần văn Ân chỉ biết ôm chặt gối và khóc ướt gối.
Cậu chỉ muốn trở về rạch Trà Cui, đi dọc theo bờ rạch đến trường, cách nhà 2 km, để tiếp tục học trở lại, với giỏ cơm, muối ớt, hũ tương. Cậu bé muốn trở lại làm « thằng nhỏ ăn chay », đầu trọc, đi học trường Thốt-Nốt. Như vậy mà được bà con, lối xóm thương yêu. Nhưng cậu bé không dám lấy quyết định bỏ trường trốn về. Một phần vì sợ cha rầy, một phần vì trong túi không tiền và không biết rành đường xá ở Sàigòn, lại cũng bị choáng ngộp trong cảnh náo nhiệt của thành phố nữa. Nên đành cắn răng tiếp tục cuộc sống «địa ngục bổn quốc».
Mấy năm sau, khi lên được lớp 6 (tức sixième chương trình trung học Pháp), cậu bé Trần văn Ân bắt đầu phát lên, được xếp hạng trong 5 học sinh giỏi trong lớp. Rồi cứ như vậy, cậu bé tiến lên để năm nào cũng dẫn đầu đủ các môn, chỉ trừ môn vẽ không đứng hạng nhất mà thôi.
Cùng với sự tiến bộ về học vấn trong lớp, cậu bé Ân cũng tiến lên chiếm một địa vị «đàn anh» trong bạn bè cùng trường: sau một vụ nhận lời thách đánh lộn tay đôi với một cậu tây con, cậu bé Trần văn Ân đánh thắng. Cả trường đều biết. Từ đây, tây con, chà-và, an-nam con, đều nể vì, ân cần mời trò Ân nhập bọn làm bạn. Cậu tây con đánh lộn thua, về sau, cũng trở thành bạn thân với Trần văn Ân.
Từ nay, những buổi tối, cậu bé Trần văn Ân không còn ôm gối khóc thầm trong phòng ngủ nữa.Và ngôi trường bổn quốc, với giờ học, giờ chơi, không còn là cảnh địa ngục trần gian của cậu như trước đây!
Đến năm 1923, sau khi đậu bằng trung học đệ I cấp (tức Brevet Elémentaire), học sinh Trần văn Ân được nhận vào lớp seconde (= đệ tam hay lớp 10 của chương trình Việt nam sau này) để chuẩn bị thi Tú tài lô-can (Baccalauréat local). Và cũng năm này, gia đình gặp khó khăn tài chánh, cậu không có tiền đóng các khoản lệ phí cho nhà trường. Nhờ được các vị giáo sư thương, nhất là ông Tullié (ở Toulouse sau này, năm 1979, cụ Ân có đi thăm. Thầy trò gặp nhau lần chót), làm đơn can thiệp lên Thống đốc Nam kỳ Cognac.
Nhưng học chưa hết niên khoá, học sinh Trần văn Ân lấy làm bất mãn cách đối xử của nhà cầm quyền Pháp giữa con em Việt nam và con em gia đình tây hoặc gia đình việt nam theo tây học, nhà giàu, điền chủ mà kẻ được học theo chương trình pháp, thi lấy bằng cắp pháp, có giá trị hơn khi đi làm việc cho Tây, còn kẻ bị bắt buộc phải thi lấy bằng cấp theo chương trình bổn quốc thuộc địa, mặc dù học giỏi hơn tây con.
Sự bất mãn của thanh niên Trần văn Ân không phải căn cứ trên việc không được chọn lựa chương trình học theo sở thích của mình, mà phát xuất từ việc nhìn thấy một chánh sách kỳ thị, bất công của Pháp thực dân đối với dân bản xứ.
Trong đầu của cậu lúc bấy giờ lại dằn vặt cái ý nghĩ «phải học cái gì khác hơn là học làm quan cho tây»! Thế là cậu quyết định bỏ học. Việc bỏ học ngang ở cuối chương trình Trung Học đã làm cho nhiều vị giáo sư đã vận động can thiệp với Thống đốc Nam kỳ cho cậu đều lấy làm bất mãn vô cùng.
Năm 1926, Trần văn Ân qua Pháp nhờ lãnh dẫn hai cậu bé con điền chủ du học . Tại Marseille, Trần văn Ân xin theo học lớp Dự bị để thi vào một trường kỹ sư Công Nghệ (Arts et Métiers) và cậu theo học dễ dàng như các sinh viên khác nhờ căn bản vững chắc thâu lượm được ở Trường Chasseloup-Laubat.
Rồi ở Aix-en-Provence, Marseille, Trần văn Ân làm báo sinh viên. Năm 1927, ông tổ chức Đại Hội I toàn quốc (Pháp ) Sinh viên Đông dương (1er Congrès National des Etudiants Indochinois en France) đòi hỏi Pháp trao trả độc lập lại cho Đông Dương. Và cũng từ năm 1927, Trần văn Ân bắt đầu « nhập cuộc », bỏ dở sự học và con đường lập thân theo hướng bình thường của nhiều người Việt Nam lúc bấy giờ. Cũng chính cái quyết định «nhập cuộc» này, về sau đưa Trần văn Ân vào tù ra khám, lảnh án tử hình và sau cùng, sống đời lưu vong cho đến ngày cuối cùng.
Trần văn Ân nhập cuộc
Tháng 10 năm 1928, Trần văn Ân trở về nước. Đầu năm 1929, ông tổ chức báo Đuốc Nhà Nam, xuất bản 2 ngày một lần, do Luât sư Dương văn Giáo làm Chủ nhiệm, ông Hồ văn Ngươn làm Chủ bút và ông làm Tổng thư ký, ông Võ Oanh phụ tá, đặc trách phần Hán văn.
Tháng 3 năm 1929, ông đi Nam kinh dự Đại Hội Quốc Dân Đảng với tư cách «Việt nam dự thính» và ở lại bên Tàu đến cuối năm về xứ.
Sau thời gian lập gia đình và sống với gia đình ở Rạch giá, ông gặp lại bạn cũ, các cụ Tạ thu Thâu, Trần văn Thạch, Phan văn Hùm, cùng nhau vận động Đông Dương Đại Hội. Mọi người đều đồng ý với ông là thế chiến khó tránh khỏi. Một khi chiến tranh bùng nổ thì Việt Nam sẽ có cơ may đứng lên giành độc lập.
Nhưng, nếu muốn giành độc lập, thì người tranh đấu phải có tổ chức. Các bạn lấy quyết định là phải thành lập một đảng cách mạng để thừa cơ hội khi thời cuộc xảy ra mà giành độc lập cho đất nước. Trước tình thế quan trọng như vậy, ông đành chấp hành ý kiến chung của anh em mà từ giã vợ và 5 con thơ, khăn gói lên Sài gòn dấn thân tranh đấu.
Qua năm 1941, đảng Cách mạng bị đảng viên Cộng sản nằm vùng tố giác với thực dân làm cho các ông Võ Oanh, Phan khắc Sửu, Ngô đình Đẩu, Trần quốc Bửu, Huỳnh Ngô,… đều bị Tây bắt, đưa đi Côn Đảo, Bà-Rá,…
Năm sau, Trần văn Ân liên lạc với phái bộ Nhựt. Ông đưa ra nhận định rằng Nhựt khó thắng Đồng Minh nên tốt hơn hết, Nhựt nên nghĩ đến một giải pháp hòa bình cho Đông Nam Á ngay bây giờ. Nhựt đón nhận một cách quan tâm những ý kiến của ông nên tháng 10 năm 1943, Nhựt đưa ông qua Chiêu Nam (Singapore) tạm lánh nạn, để tránh sự theo dõi của Pháp với âm mưu hãm hại ông bởi ông hoạt động hăng hái và mạnh, dưới danh nghĩa người của nhà binh Nhựt.
Đầu năm 1945, vào ngày Tết ta, Nhựt đưa ông qua Djakarta, xa Sài gòn hơn, nói để cho ông ăn Tết vui vẻ. Ngày 9 tháng 3, Nhựt đảo chánh Tây tại Sài gòn, với sự hợp tác của ông Trần quang Vinh, Cao Đài Tây Ninh, tránh được không đổ máu.
Nhựt đưa Trần văn Ân qua Djatarta, thật sự, là muốn tránh trường hợp có thể xảy ra là ông lợi dụng biến cố đảo chánh của Nhựt mà tuyên bố « Việt nam độc lập và thống nhứt » làm xáo trộn chủ trương của Nhựt.
Đến tháng 5/45, ông mới về được Sài gòn. Tình hình chánh trị trong những ngày đầu sau Nhựt đảo chánh thật là sôi nổi. Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ bèn kêu gọi các anh em cũ của Trần văn Ân thành lập Mặt Trận Liên Hiệp gồm có Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Đệ Tứ, Trí thức, Thanh Niên Tiền Phong,…họp nhau tại đường Miche, sau này là đường Phùng khắc Khoan.
Nhựt thành lập Hội Đồng Nam Kỳ. Trần văn Ân làm chủ tịch, Hồ văn Ngà làm đối lập, Kha vạng Cân làm phó, với sự tham gia của Bác sĩ Nguyễn Xuân Bái, Bác sĩ Trần Như Lân, Bác vật Lưu văn Lang,…
Với tư cách chủ tịch Hội Đồng Nam Kỳ, Trần văn Ân lấy Chánh quyền nơi Nhựt, bổ nhiệm Hồ văn Ngà làm Phó khâm sai Nam Bộ vì Nguyễn văn Sâm, ra Huế lảnh chức Khâm sai ở triều đình chưa về, bổ nhiệm Kha vạng Cân làm Đô Trưởng Sàigòn -Chợlớn, Huỳnh văn Phương làm Công an, với Lâm ngọc Đường làm Phó Công an.
Vào cuối năm 1945, Trần văn Ân và Dương văn Giáo đưa Phạm văn Bạch làm chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ, với sự tham dự của Đức Thầy Huỳnh phú Sổ, Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo.
Các ông Trần văn Ân, Hồ văn Ngà, Nguyễn văn Sâm, Kha vạng Cân phong tỏa SàiGòn Chợ Lớn làm áp lực với Pháp. Hồ văn Ngà bị Trần văn Giàu cho người bắt. Hai ông Trần văn Ân và Nguyễn văn Sâm phải lánh mặt nên Ủy Ban Phong Tỏa Sài gòn Chợ lớn bị tan rã.
Trong thời gian làm Ủy Ban Phong Tỏa Sàigòn Chợlớn, Trần văn Ân trốn thoát Tây và Việt Minh, nhờ ở nhà bà vợ Tàu, bà Thái Mỹ Thanh . Ông cải dạng làm chú chệt tại Xóm Củi . Bà Thái Mỹ Thanh giúp ông trốn lên Nam Vang, rồi qua BangKok. Đến sau Hiệp ước sơ bộ 6-3-1946, ông mới trốn về Sàigòn .
Qua năm sau, nhờ sự yểm trợ thế lực và tài chánh của Đức Thầy Huỳnh phú Sổ, Phật Giáo Hòa Hảo, Trần văn Ân xuất bản nhựt báo Quần chúng, làm chấn động dư luận, cả Pháp lẫn Việt Minh, qua những lời kêu gọi hô hào chống chế độ Nam Kỳ tự trị. Ông đề nghị không nên đem Bảy Viển và quân đội Bình Xuyên về thành đặt dưới ảnh hưởng của Pháp, mà nên để Bảy Viển và Bình Xuyên giữ một « vùng tự trị » làm khu trái độn để đón nhận những người tham gia Việt Minh kháng chiến giành độc lập Việt Nam mà không Cộng sản, qui tụ về đó, không bị mang tiếng về thành làm Việt gian. Nhưng ý muốn nào không phù hợp với quyền lợi và tham vọng của thực dân Pháp đều không thể tồn tại.
Năm sau, Trần văn Ân bị tướng De la Tour, Ủy viên Cộng Hòa Pháp, cho biết nếu ông còn ở Sài gòn và chống Pháp, sẽ không bảo đảm an ninh cho ông nên ông phải chấp nhận đi qua Pháp để tránh phải trốn vào bưng với Việt Minh.
Đầu năm 1949, ông được phép về Sài gòn, tham gia tổ chức biểu tình đón tiếp cựu Hoàng Bảo Đại trước Dinh Đốc Lý, tức Tòa Đô chánh sau này.
Ông tổ chức tiệc Bình Dân tại Dinh Đốc Lý để Quốc Trưởng Bảo Đại có dịp gặp gỡ, ngồi cùng bàn với những người kháng chiến không chịu theo Việt Minh để không trở thành Cộng sản, trong đó có tướng Lê văn Viễn.
Phòng thông tin Huê kỳ (USIS) giúp ông xuất bản báo Đọc Thấy Vòng Quanh Thế Giới với nhiều hình ảnh rất đẹp. Nhưng báo bán không chạy về sau đổi ra tuần báo Đời Mới lại bán chạy và sống tới khi bị Thanh Niên Quyết Tử của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, năm 1955, đập phá nhà in và đốt sạch sách vở, tài liệu sau khi tấn công Bình Xuyên.
Năm 1951, Trần văn Ân được đề cử làm Phó Đoàn Hội Nghị ECAFE, Hội Nghị Kinh Tế Đông Nam Á tại Singapore, Trưởng đoàn là cụ Nguyễn Phan Long. Ông ở lại Singapore thay thế cụ Nguyễn Phan Long về nước. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam tham dự một Hội Nghị Quốc tế.
Năm sau, khi ông Trần văn Hữu làm Thủ tướng, có đề cử Trần văn Ân đi công cán Đông Ấu nhưng ông từ chối vì được Huê Kỳ cho biết riêng đó là kế của Tây muốn đuổi ông đi khỏi Việt Nam.
Đầu năm 1955, ông Trần văn Ân yết kiến Quốc Trưởng Bảo Đại tại Pháp để nghe chỉ dụ của Quốc Trưởng Bảo Đại về việc nhân sĩ Việt Nam cần hợp tác với ông Ngô đình Diệm.
Các ông Nguyễn Được, Nguyễn văn Thoại yêu cầu nên giúp ông Diệm trong sứ mạng Thủ tướng. Mọi người đều đồng ý phải hợp tác với ông Ngô đình Diệm, và chờ đợi ông Ngô đình Diệm công bố chuơng trình Chính phủ của ông. Nhưng ông Ngô đình Diệm giữ im lặng nên mọi dự tính tốt đều không thành.
Khi Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia gồm Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Bình Xuyên, Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Công Giáo (Linh mục Hoàng Quỳnh ở Bình Đông) ra đời dưới sự lãnh đạo của Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc, đòi hỏi ông Diệm phải công bố chương trình Chánh phủ và thành lập một Chánh phủ đoàn kết Quốc gia thật sự. Chính Đức Hộ Pháp, Chủ tịch Mặt trận, cư ngụ tại Thánh thất Cao Đài, toạ lạc tại Đại lộ Trần Hưng Đạo, Chợ Quán, bên cạnh tòa báo Đời Mới của ông Trần văn Ân, mời ông làm cố vấn Mặt trận . Vì Bình Xuyên ở bên kia cầu chữ Y, nên Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia mới hội hợp tại Tổng Hành dinh của Bình Xuyên để được bảo vệ an ninh. Do đó mà về sau, báo chí, dưới sự chỉ huy của nhà Cầm quyền Ngô đình Diệm, không nhắc tới Mặt trận TNTL/QG nữa, mà chỉ lên án đó là bọn phiến loạn Bình Xuyên. Và mọi người trở thành «Bình Xuyên» khi họ phải theo Bình Xuyên rút về Rừng Sát dưới áp lực truy kích của quân đội nhà Ngô.
Nơi đây, hai ông Trần văn Ân và Nguyễn hữu Thuần nhận lãnh nhiệm vụ trở về để gặp đại diện Chánh quyền Sài gòn thương thuyết về số phận của những binh sĩ của Mặt trận nếu muốn ra về. Khi hai ông tới Tỉnh Biên Hoà, vào gõ cửa Tỉnh Trưởng là Đại tá Nguyễn Linh Chiêu, hiện còn sống và ở California, Huê Kỳ, để xin một «bữa ăn sáng cho ngon lành». Tỉnh Trưởng Nguyễn Linh Chiêu dọn «ăn sáng ngon lành» mời hai ông. Xong, ông Chiêu đưa hai ông Trần văn Ân và Nguyễn Hữu Thuần lên chiến hạm gặp Đại Tá Dương văn Minh và Trung Tá Nguyễn Khánh, Tư lệnh và Tư lệnh phó chiến dịch tấn công Rừng Sát, để thương thuyết và hai ông đã cùng ký giấy cam kết với Đại Tá Dương văn Minh về việc ra về cho binh sĩ đang ở Rừng sát.
Sau đó, hai ông được đưa đến một đồn lính, và cho về nhà vài hôm đến khi bị bắt lại. Khi ra tòa, sự thật được thuật lại, nhưng bị Tòa chấp hành lệnh của ông Diệm, bác bỏ, cả bản văn kiện đã ký tên trên chiến hạm cũng bị bác bỏ. Nhiều quân nhơn đưa ra những tờ truyền đơn kêu gọi ra về của Chánh phủ Ngô Đình Diệm,đều bị Tòa bỏ vào giỏ rác. Tất cả đều bị xử phạt theo một bản án đã được ông Diệm định sẵn!
Thế là ông Trần văn Ân, bị báo chí mỉa mai «cố vấn giờ thứ 25 của Bình Xuyên», lãnh án tử hình. Nhưng ông không bị hành quyết vì ông Diệm chặt đầu Ba Cụt đã bị dư luận kêu rêu và lên án thất nhơn tâm. Trần văn Ân bị đưa đi biệt giam ở Côn Đảo. Trên đường đi, ông bị Chánh phủ Cộng Hòa Nhân vị Ngô Đình Diệm xiềng chân, nhốt dưới hầm tàu, chung với heo.
Chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông Trần văn Ân được đưa về khám Chí Hòa, đến đầu năm 1964, nhằm ngày sanh nhật, tức ngày đưa ông Táo về Trời, ông được thả về nhà.
Năm 1965, ông tham chánh với chức vụ Tổng Trưởng Chiêu Hồi trong Chánh phủ của Tướng Nguyễn Khánh, đưa ra lý thuyết «Gia đình tình thương» để kêu gọi và đón tiếp những cán binh bên kia chiến tuyến trở về thật sự trong tình dân tộc nghĩa đồng bào.
Rời chức vụ Tổng Trưởng, Trần văn Ân làm Chủ tịch Ủy Ban Soạn thảo Sắc luật bầu cử Quốc Hội Lập Hiến để sớm chấm dứt tình trạng bất ổn do thiếu một thể chế dân cử.
Chờ đợi tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, ông tham gia Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia cho tới khi Tướng Nguyễn văn Thiệu đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ 1967.
Sau những chuyến đi diễn thuyết và giải độc dư luận Quốc Tế về chiến tranh Việt Nam đến tháng 10 năm 1969, Trần văn Ân nhận lời làm Phụ tá đặc biệt về Chánh trị Văn hoá cho ông Thiệu. Năm 1973, ông được bổ nhiệm Cố Vấn Phái Đoàn Việt Nam Cộng Hòa về Hiệp Định Paris tại La Celle Saint-Cloud.
30 tháng 04 năm 1975, Sài gòn mất. Với tư cách Cố vấn phái đoàn và niên trưởng còn ở Paris, trong lúc Trưởng Phái đoàn về Sài gòn, ông giao tài sản của Phái đoàn cho Bộ Ngoại Giao Pháp và từ đó sống đời lưu vong, một thân một mình, tại vùng Bretagne, suốt gần 10 năm gia đình mới đoàn tụ.
Đấu sĩ Trần văn Ân
Trần văn Ân lấy quyết định thôi học trường Chasseloup-Laubat ở Sài gòn và lớp Dự bị ở Marseille luyện thi vào trường kỹ sư Công nghệ là để «nhập cuộc» tranh đấu giành độc lập dân tộc. Ông muốn dấn thân vào con đường khác hơn con đường đi học, ra trường, để làm «quan cho tây». Ngay từ thuở vừa bỏ học, ông đã hoài bảo phải đi đây đi đó để học hỏi những điều mới lạ, bổ ích, mặc dù trong túi không tiền. Ông đã đi Tàu, học tiếng Tàu, tiếng Anh. Rồi đi Pháp bằng cách nhận lãnh dẫn 2 đứa con nhà giàu đi Tây học . Ở Pháp, khi tổ chức Đại Hội Sinh Viên Đông Dương và biểu tình, chẳng may trong nhóm anh em của ông, có một người vì hăng say quá khích, lỡ tay đánh lỗ đầu một vị Đốc phủ sứ vì vậy ông bị Tây đuổi về xứ. Trong túi không tiền, anh em phải hùn tiền mua vé tàu cho ông về Sài gòn. Và từ đây, Trần văn Ân thật sự sống cuộc đời của một con người tranh đấu không ngừng nghỉ cho Việt nam có được một thể chế dân chủ tự do. Tức cuộc đời của một «đấu sĩ», tiếng của Cụ Trần văn Ân sau này thường dùng mỗi khi nói chuyện với anh em.
Để nhận diện thoáng qua con người «đấu sĩ Trần văn Ân», chúng tôi xin mượn bức thư của Tu sĩ Thích Trí Thông, tục danh Nguyễn văn Tài, viết cho Cụ, đề ngày 20 tháng 1 năm 1971, nhân lễ thượng thọ của Cụ (Tới sau này, Cụ vẫn chưa quen biết tác giả bức thư):
« Tuy là một kẻ hậu sinh, nhưng có nhiều suy tư tìm hiểu, nhứt là bước đi của lịch sử từ sau khi Tổ Quốc ta rơi vào vòng nô lệ, rồi giải phóng, cả đến ngày nay, nên tâm hồn cháu thường trực bị kích động bởi những phong trào cách mạng khởi nghĩa. Nhứt là hành động cách mạng của các chí sĩ, chiến sĩ đầy hào hùng gian khổ, vì đời như hơi thở phóng đảng của trùng dương. Trong tầm cuốn hút hiên ngang đó, cháu đã ái mộ rất nhiều chiến sĩ. Nhưng đối với cháu, Bác mới chính là một chiến sĩ đã đi suốt trọn vẹn con đường cách mạng nhờ năng lực chịu đựng bền bĩ và một tầm vóc tâm hồn phóng khoáng đầy uy lực kiên cường.
Bao gian khổ ngất trời mà Bác đã chịu đựng từ 36 năm qua, từ 1927 đến năm 1963, đã trở nên một lực lượng vững mạnh đầy vút lịch sử tranh đấu cách mạng của đời bác đến mức vinh quang, tuy khiêm tốn so với lịch sử nghìn năm của tổ quốc, nhưng vô cùng chói sáng và có giá trị lớn đối với giai đoạn lịch sử đầy rẫy khó khăn đen tối của đất nước trong thế kỷ 20 này.
Bác đã trở nên chủ lưu của lịch sử hiện tại. Bác được nội dung của thời đại mình sống. Cuộc tranh đấu tách rời Việt Nam ra khỏi Liên Hiệp Pháp của Bác là một thành tích mà những ai có lòng với lịch sử, có cái nhìn to lớn với con mắt lịch sử, đều nhìn thấy và cảm phục sâu xa.
Ánh trăng hạnh ngộ.»
Thích Trí Thông (Nguyễn văn Tài)
Ân tình cũ
Năm 1979, Cụ Trần văn Ân quyết định đi thăm 2 ân sư,cũng là 2 ông lão đã trên 80 tuổi : Tướng Nguyễn văn Xuân (nguyên Thủ tướng Chánh Phủ Lâm thời Nam phần Việt Nam mà Cụ hợp tác với tư cách Bộ trưởng) được Cụ tôn kính như ân sư và một vị nữa là thầy học ở trường Chasseloup-Laubat và là người can thiệp cho Cụ được học bổng để tiếp tục học xong trung học. Tướng Nguyễn văn Xuân ở Nice, Giáo sư Tullié ở Pamiers cách Toulouse lối 60 km.
Đi thăm tướng Nguyễn văn Xuân ở Nice, Cụ nhờ Cụ Phạm Hòe, nguyên chủ hảng máy bay COSARA ở Sài gòn vào những năm 50, đưa đi.
Cụ Ân kể chuyện lại khi tới nhà tướng Nguyễn văn Xuân, trông thấy một ông già nằm trên ghế dài, mặt mày vui tươi, hai ông, Trần văn Ân và Phạm Hoè, chắp tay như hai tên nhà quê, để thưa với Trung Tướng, ông vẫn nằm:
– Con kính hôn thầy và cha đây.
Ông Xuân cả mừng – Chắc rất ít người đến thăm ông như cách thăm của hai Cụ hôm nay đầy ấp ân tình của người Việt nam vốn trọng tình nghĩa thầy trò.
Trò chuyện với nhau rồi cũng phải chia tay :
– Permettez que je vous embrasse respectueusement et affectueusement en vous quittant
(xin ân sư cho phép con hôn ân sư với lòng tôn kính và thương yêu để từ giã ân sư)
Từ Marseille, cụ Ân lấy xe lửa đi Toulouse để thăm thầy cũ, Giáo sư Tullié, người mà từ năm 1922 đến 1979, Cụ chưa có dịp gặp lại . Cụ Ân thuật:
– «Với tuổi 90, ông ra ga rước tôi, nhìn ra tôi ngay. Và khi tôi tiến lại gần, ông ôm tôi, rồi cả hai khóc ròng, giây lát mới nói ra lời. Ôi! Tình thương! Không hình, không bóng, mà nặng thay!
Tôi cũng là một ông già 78 tuổi rồi mà lòng nặng tình thay!
Chúng tôi về nhà ở gần đó. Bà Tullié, bà vợ thứ nhì, cũng ngoài 80 rồi – Bà trước ở Sài gòn, đã quá cố, đi làm cơm cho chúng tôi ăn. »
Lời của ông Tullié nói đầu tiên là: «Tao không quên dáng điệu của mày. Tao còn nhớ rõ. Nhớ cả những bài vở mày làm. Mày có cái profil đặc biệt.»
Cụ Ân ở chơi với thầy cũ hai hôm để lần lượt thưa qua với thầy những biến cố đã xảy ra ở Việt Nam và đã làm thay đổi Việt Nam. Cụ thưa:
– Tôi không tới thăm Thầy trước Điện biên Phủ, vì sợ Thầy không hiểu tôi. Nghe Thầy còn mạnh, tôi quyết định tới thăm Thầy.
Tôi đã từng thưa qua với người Pháp là phải hi sanh quyền lợi nhứt thời để được sự hòa hài, thân mến lâu dài giữa Việt và Pháp, và giữ được quyền lợi văn hoá và kinh tế ở Việt Nam. »
Giáo sư Tullié cho rằng cụ Ân có lý. Cụ về để lại một tình thương Thầy trò mà Thầy thường nhắc tới với vợ và con.
Không lâu sau đó, Bà Tullié ra đi. Ông một mình sống ở căn nhà ấy giữa những kỷ niệm của ông, với sách vở của ông.
Ông đã 98 tuổi, 98 mùa đông lạnh lẽo! 98 lần thời gian đến trong những lá thu vàng và tuyết xuống!
Rồi ông ra đi. Thân phận con người, nghĩ lại, chạnh giật mình vì thấy nhân sinh tự cổ vẫn không bằng cây trúc đứng giữa trời nhìn tuyết rơi:
“ Trăm hoa, ngàn thảo tiêu tàn hết
Một trúc giữa trời ngắm tuyết rơi”
(Lý Bạch)
Trần văn Ân, Phục Việt và Dân chủ
Năm 80 tuổi, Cụ Ân vẫn thường xuyên đi thăm bạn, viết thư cho bạn để nhắc lại những chuyện đã nói qua điện thoại, đặt vấn đề suy nghĩ, thảo luận thêm, mỗi khi có một biến cố thời sự chánh trị thế giới hay Việt Nam xảy ra. Đó là nếp sống quen thuộc của Cụ.
Năm 1981, cùng với anh em trẻ (hơn Cụ) thành lập Tổ chức Phục Việt và làm báo Hồn Nước, Cụ viết gởi anh em để như huấn thị anh em về lý thuyết Phục Việt:
«… Chủ trương khôi phục tinh hoa văn hoá nước nhà, nói hẹp, và nói rộng là phục hưng cái hay, cái đẹp của văn hoá Đông Phương, vì nó thích ứng thời đại và vì khoa học, trước đây, được coi như là cây gậy thần giải quyết được mọi vấn đề, thì nay, rõ ra khoa học không giải quyết được điều người ta mong mỏi. Văn minh duy lý, duy vật đang tiến về lối cùng đồ mạt lộ để chấm dứt một chu kỳ. Một nền văn minh mới đang chờ đợi nhân loại. Văn minh này toàn vẹn hơn, gồm cả tâm lẫn vật, thành bởi con người và cho con người mà chúng ta gọi là văn minh nhân bản, xuất phát từ nền minh triết thiên cổ, coi tâm vật là một, Trời người là một, làm với biết là một. Tất cả là Một, để rồi hoá hoá , sinh sinh tạo vật vô cùng tận, trên căn bản muôn loài một thể.
Văn hoá không chỉ nói về văn nghệ và văn vật. Văn hoá bao gồm tinh thần dân tộc, tư tưởng dân tộc, chi tiết dân tộc, cho đến chế độ chánh trị, phong thượng xã hội, luân lý đạo đức và ngôn hạnh của quốc dân với sự tưới rửa quét dọn thường xuyên. Văn hoá bao hàm mọi mặt của đời sống, vật lý, tâm tư, trí não và tâm linh.
Đặt vấn đề luân lý đạo đức không nhắm cái xa xưa không còn thích ứng thời đại, mà là chỉ vào cái bất di bất dịch xuyên qua thời và không gian, hạp với nhơn tánh và giúp vào sự nảy nở và điều hợp của con người để con người tự thành tựu và tự thể hiện. Đã nói văn hoá tràn lên mọi sanh hoạt của con người thì cũng nói khoa học nằm trong văn hoá. Cũng như khi nói tới chế độ chánh trị thì không thể xa lánh thực chất của dân chủ.
Luân lý mở rộng tánh con người – Dân chủ làm sáng tỏ tánh con người, con người xã hội nhân quần…»
Trần văn Ân và vấn đề Việt Nam Độc Lập
Ngày 3 tháng 7 năm 1953, Chánh phủ Pháp đã công bố một Thông Điệp bày tỏ ý muốn trao trả Độc lập cho Việt Nam và chuyển giao những Cơ quan Chánh quyền cho Chánh phủ Quốc Gia Bảo Đại.
Vì Việt Nam chưa có Quốc Hội, một Hội Nghị Toàn Quốc được tổ chức tại Sài gòn do Sắc lệnh của Quốc Trưởng Bảo Đại ban hành ngày 10 tháng 9 năm 1953, để quốc dân bày tỏ ý kiến về việc «định rõ phạm vi và giới hạn chủ quyền quốc gia để được công nhận trong cuộc thương thuyết với Pháp, định rõ những thể thức của sự liên kết giữa Việt Nam và Pháp».
Sau 5 ngày làm việc tại Tòa Đô Chánh Sài gòn, Hội Nghị Toàn Quốc đã đưa ra Quyết Nghị về vấn đề độc lập là «Việt nam phải là một nước hoàn toàn độc lập, nghĩa là phải đầy đủ chủ quyền đối nội và đối ngoại như bất cứ một quốc gia độc lập nào khác trên thế giới theo Quốc tế Công pháp. Thủ tiêu tất cả Hiệp ước ký kết giữa Pháp với Việt Nam từ xưa đến nay và chế độ Hoàng Triều Cương Thổ».
Về quan hệ với Pháp, Hội Nghị quyết định «Nước Việt Nam độc lập không gia nhập Liên Hiệp Pháp dưới hình thức hiện tại.
Hết thảy mọi sáng kiến, thương thảo, đề nghị Quốc tế có liên quan tới Việt Nam đều phải do chánh phủ Quốc Gia Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của Đức Quốc Trưởng định đoạt.
Tất cả các Hiệp ước trên đây sẽ do Quốc Hội Việt Nam do cuộc phổ thông đầu phiếu bầu cử duyệt y mới được thi hành».
Hội nghị Toàn Quốc gồm 200 Đại biểu từ Bắc vào Nam , Đại biểu gồm đủ các thành phần xã hội, và 3 Đại biểu hải ngoại (Pháp, Xiêm-la, và Cao-miên).
Hội Nghị bầu một Chủ tịch Đoàn, 1 Ban Tổng Thư ký, và 3 Tiểu Ban: Nghiên cứu vấn đề Độc lập (Ông Nguyễn phan Long làm Chủ tịch), Nghiên cứu vấn đề liên kết với Pháp (Ông Trần văn Quế làm Chủ tịch), Nghiên cứu nhiệm vụ của phái đoàn thương thuyết với Pháp (Ông Phạm hữu Chương làm Chủ tịch).
Tổng Thư Ký của Ban Tổng Thư Ký là Cụ Trần văn Ân với sự hợp tác của 5 vị Phó Tổng Thư Ký: các Ông Trần văn Tuyên, Thành Nam, Nguyễn Duy Quang, Lê Thành Trường và Nguyễn Phú Đức.
Hội Nghị Toàn Quốc năm 1953 hoàn thành xong nhiệm vụ thiết yếu là phá vỡ Liên Hiệp Pháp để Việt nam thật sự thu hồi nền độc lập của mình.
Tạm kết
Tôi có thể quả quyết Cụ Trần văn Ân không phải là một «chánh khách» mặc dù suốt đời Cụ tranh đấu không ngừng nghỉ, khi thì ở trong Chánh quyền, khi thì đứng trong các Tổ chức quần chúng. Bởi con «người tranh đấu» khác với «chánh khách». Nhứt là trong hoàn cảnh của đất nước Việt Nam, tranh đấu mang đặc tính cách mạng ái quốc giành độc lập dân tộc hơn là tranh đấu để được chức phận trong Chánh quyền của người làm chánh trị. (politique politicienne).
Người tranh đấu lấy sự tranh đấu làm lẽ sống, sống đầy đủ và trọn vẹn.
Trong quá trình tranh đấu cho Việt Nam, Cụ Trần văn Ân không bao giờ bị kẹt trong một khuôn khổ ý hệ hay chủ thuyết nào (=isme). Cụ tranh đấu vì lòng yêu nước nồng nàn nhưng Cụ không theo chủ nghĩa yêu nước. Đi với Đệ Tứ nhưng Cụ không phải là Trốt-Kít. Ngay từ thuở nhỏ đã biết bất bình trước những bất công xã hội, hoài bảo một xã hội tiến bộ nhưng Cụ vẫn không theo chủ nghĩa xã hội. Đứng bên hàng ngũ quốc gia từ năm 1948 khi Việt Nam trở thành «Quốc Gia Việt Nam» (Etat du Vietnam, dưới sự lãnh đạo của Cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc Trưởng), nhưng Cụ Ân lại không theo chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa dân tộc.
Về sau này, từ 1967, Cụ làm việc với ông Thiệu, nhưng Cụ vẫn không «thieuiste» để không hề bị mang tiếng tham nhũng.
Tôi xin nói cụ Ân đúng là mẫu người này.
Chẳng những về mặt tranh đấu, Cụ Ân mới thật sự sống cho mình. Mà ở các mặt thông thường khác, ngay trong đời sống hằng ngày, Cụ Ân vẫn tiêu biểu cho một mẫu người biết sống, sống hướng thượng, sống cho chính mình và cho mọi người, hoàn toàn không mặc cảm về tuổi tác, về quan hệ xã hội.
Ở một phương diện khác, Cụ Ân còn là một người yêu thơ và làm thơ, thơ nôm và cả thơ chữ Hán . Cụ cũng có nhiều thơ do Cụ dịch từ hán văn hoặc pháp văn . Nhưng Cụ vẫn không chịu cho mình là «thi sĩ». Cụ làm thơ là để sống với nguồn cảm xúc, với thi tứ, thi cảm . Sống với thi ca là một vùng không gian sâu kín của tâm hồn. Cụ viết: «Nếu có người hỏi tôi về sự hay dở của thơ, chắc tôi không đáp lời, vì tôi không đặt vấn đề hay dở. Tôi chỉ biết sự thích thú của tôi về thơ mà thôi.»:
«Trời phú tôi thương cảm
Thường sôi sụt với mình
Viết chơi nhiều ít chữ
Phơi ruột người đa tình»
( Tôi và Nàng thơ – Cấm cố tử hình Côn đảo, 1958 )
Nguyễn Văn Trần