Một cái nhìn khám phá mới nhứt về biến cố Bức Tường Bá Linh sụp đổ ngày 9.11.1989 – Phạm Trần Hoàng Việt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Một cái nhìn khám phá mới nhứt về biến cố Bức Tường Bá Linh sụp đổ ngày 9.11.1989 – Phạm Trần Hoàng Việt

Thủ Tướng Helmut Kohl 16 năm (1982-1998) lãnh đạo Tây Đức

(Trích Tự Do Dân Bản On-line, do Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy và LMDCVN thực hiện, phát hành tháng 11/2014)

Trước ngày kỷ niệm 25 năm  (1989-2014) kỷ niệm ngày Bức Tường Bá Linh (Berlin) Sụp Đổ, Cựu Thủ Tướng Tây Đức Helmut Kohl – nắm quyền lãnh đạo xứ này trong thời gian biến cố đó xảy ra – đã tiết lộ cho rằng không phải do những cuộc biểu tình phản kháng với hàng triệu người tại Đông Đức đã khiến bức tường ô nhục đó đã phải sụp đổ, mà thực sự có lý do then chốt quyết liệt đã gây ra.

Đồng thời nơi đây cũng ghi nhận một cái nhìn độc đáo đầy viễn kiến của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy về biến cố Bức Tường Bá Linh sụp đổ ngày 9.11.1989.

Nữ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ – bà Clinton – nhận định rằng sự Sụp Đổ Bức Tường Bá Linh là một trong biến cố lịch sử quan trọng nhứt của thế kỷ 20. Thực vậy, sau biến cố này, hàng loạt các quốc gia độc tài cộng sản tại Đông Âu lần lượt sụp đổ, kéo theo sự tan vỡ Liên Bang Xô Viết và đã khiến cho Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất. Tuy nhiên còn khá nhiều chi tiết đặc biệt còn chưa được phổ biến rộng rãi, cho nên xin được đúc kết sau đây để rộng đường dư luận.

Bức Tường Bá Linh sụp đ vào ngày 9.11.1989?

Tin tức ngày hôm đó không hề nói là “bức tường sụp đổ” (dịch ra tiếng Đức là Mauerfall) mà là “mở cửa biên giới” (dịch ra tiếng Đức là Grenzoeffnung). Bởi vì thực sự Bức Tường Bá Linh trong ngày đó không bị bị bạo lực phá sụp. Lực lượng biên phòng Đông Đức được lịnh cho mở cửa bức tường để dân chúng từ Đông Bá Linh tràn túa qua Tây Bá Linh đi chơi cho thỏa lòng tò mò và sau đó đều trở về lại. Đây là một đặc điểm ly kỳ của cuộc cách mạnh hi hữu này: rất ôn hòa (không đổ một giọt máu nào). Vì vậy lúc đó phía Tây Đức đã kêu gọi dân chúng Đông Đức tuyệt đối không nên hành động khiêu khích, để tránh chính quyền công sản Đông Đức mượn cớ dùng quân đội và xe tăng đàn áp, như tương tự đã xảy ra vào năm 1953 tại Đông Bá Linh, năm 1956 tại Hung Gia Lợi và năm 1968 tại Tiệp Khắc. Thực ra mãi sau này, Đông Đức có một chính phủ dân chủ qua cuộc bầu cử dân chủ vào ngày 18.3.1990, Bức Tường Bá Linh mới thực sự bị phá sụp đổ.

Nước Đức được tái thống nhứt ngay sau đó?

Một số bình luận gia Việt Nam không rành về diễn tiến thời cuộc đã lầm lẫn cho rằng Bức Tường Bá Linh sụp đổ có nghĩa là nước Đức được thống nhứt ngay sau đó. Thực ra mãi gần một năm sau, nước Đức qua nhiều lần đàm phán gay go giữa Tứ Cường (bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô) và Tây & Đông Đức mới đạt được thỏa thuận tái thống nhứt. Hai bên Tây Đức và Đông Đức nghĩ ra một giải pháp tuyệt vời tránh mọi khó khăn khi phải thành lập một quốc gia mới. Đó là tất cả các tiểu bang ở Đông Đức xin gia nhập vào Công Hòa Liên Bang Đức (Tây Đức). Ngày tái thống nhứt là ngày 3.10.1990.

Tại sao nước Đức không chọn ngày 9 tháng 11 làm ngày tái thống nhứt & làm ngày Quốc Khánh?     

Nếu bình thường thì chắc chắn ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ mùng 9 tháng 11 phải chọn làm thời điểm tái thống nhứt và trở nên ngày Quốc Khánh của nước Đức. Nhưng khổ nỗi đúng ngày này vào năm 1938 (9.11.1938) xảy ra một tội ác làm cho dân tộc Đức phải xấu hổ. Đó là ngày mà chế độ độc tài Đức Quốc Xã của Hitler ban đêm đồng loạt ra tay càn quét đập phá toàn thể các giáo đường và các cơ sở thương mại Do Thái trên toàn quốc. Biến cố lịch sử đó được gọi thi vị là “đêm thủy tinh” (ngụ ý là các cửa kính thủy tinh bị đập vỡ, dịch ra tiếng Đức là Kristallnacht). Nước Đức bị mặc cảm tội lỗi giết hàng triệu dân Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã, nên họ tránh không chọn ngày này tái thống nhứt và làm ngày quốc khánh. Vì vậy ngày 9 tháng 11 không phải là ngày nghỉ lễ của nước Đức.

Ai đã làm sụp đ Bức Tường Bá Linh?

Đây là vấn đề lịch sử tranh cãi sôi nổi từ 25 năm qua và có nhiều câu trả lời chủ quan khác nhau tùy theo hoàn cảnh và trình độ hiểu biết.

1 ) Phía Ba Lan cho rằng 2 công dân của họ có công lớn. Đó là:

– Lãnh tụ tranh đấu Walesa đã can đảm khởi xướng cuộc phản kháng chính thức chống chế độ độc tài cộng sản Ba Lan bắt đầu từ năm 1978. Cầm đầu nghiệp đoàn Đoàn Kết với hàng triệu đoàn viên, ông đã chiến đấu không ngừng “ra tù vào khám” để cuối cùng giải phóng Ba Lan ra khỏi ách độc tài và đắc cử Tổng Thống vào ngày 9.12.1990. Ông đã trở thành tấm gương tranh đấu kiên cường và ôn hòa cho hàng triệu ngươì dân Đông Âu xuống đường biểu tình bất bạo động vào mùa thu năm 1989.

– Đức Giáo Hoàng John Paul II là vị lãnh đạo đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo dám bày tỏ công khai thái độ cương quyết đối đầu với chế độ độc tài cộng sản. Ngài chính là “lá bùa hộ mạng” và là cha đỡ đầu tinh thần cho lãnh tụ tranh đấu Walesa.

2 ) Phía Hung Gia Lợi cho rằng chính Cựu Thủ Tướng Nemeth (lãnh tụ đảng cộng sản Hung Gia Lợi) đã can đảm chống mọi áp lực cho mở của biên giới đi lại tự do giữa Hung Gia Lợi và Áo vào ngày 27.6.1989 để tao điều kiện thuận lợi cho dân chúng vùng cộng sản Đông Âu – nhứt là Đông Đức – ào ạt đi vượt biên mà không bị nguy hiểm. Cuối cùng bắt buộc Đông Đức phải mở cửa Bức Tường Bá Linh.

3 ) Phía Đông Đức cho rằng lực lượng cải cách trong đảng cộng sản Đông Đức dám can đảm đứng dậy hạ bệ nhà độc tài Honecker vào ngày 18.10.1989 và thay thế lãnh đạo bằng đường lối cởi mở. Bằng chứng rõ rệt là chính phủ mới đã ký sắc lệnh cho mở cửa biên giới đi lại tư do, mà Phát Ngôn Viên Tân Chính Phủ – ông Schabowski – công bố vào lúc 6 giờ 57 phút ngày thứ năm 9.11.1989. Đồng thời hàng triệu người dân Đông Đức trước đó dám bất chấp hiểm nguy đòi hỏi chính phủ phải cho đi lại tự do ra ngoại quốc. Chính áp lực kinh khủng đó khiến cho khuynh hướng cứng rắn trong nội bộ đảng cộng sản Đông Đức phải đầu hàng.

4 ) Phía Tây Đức đã vinh danh chính sách hòa dịu (dịch ra tiếng Đức là Entspannungspolitik) của Cựu Thủ Tướng Brandt (nhờ đó được lãnh giải Nobel Hòa Bình vào năm 1971) – nhằm xóa bỏ căng thẳng giữa 2 miền thù nghịch – được liên tiếp theo đuổi tạo nền tảng căn bản làm một cuộc cách mạng ôn hòa hiếm có.

5 ) Phía Liên Xô, khuynh hướng cứng rắn trong đảng cộng sản cho rằng chính sách cởi mở của Tân Tổng Bí Thư Gorbachev đã khuyến khích dân chúng dám phản kháng và vì vậy họ tìm cách đảo chánh hạ bệ ông này vào tháng 8 năm 1991.

6 ) Phía Hoa Kỳ có lý luận cho rằng Cố Tổng Thống Reagen có công lớn, vì thực hiện chính sách cứng rắn đối đầu với Liên Xô và tại Bức Tường Bá Linh vào ngày 12.6.1987 đã lên tiếng “khích tướng” kêu gọi Tân Tổng Bí Thư Gorbachev muốn chứng minh thực tâm cởi mở thì nên mở cửa và phá sụp bức tường này (nguyên văn: Come here to this gate! Mr. Gorbachev, open this gate! Mr. Gorbachev, tear down this wall!).

Tiết lộ mới nhứt của Cựu Thủ Tướng Tây Đức Helmut Kohl        

Mãi 25 năm sau vừa mới đây, Cựu Thủ Tướng Tây Đức Helmut Kohl mới tiết lộ cho biết không phải những cuộc biểu tình phản kháng rầm rộ với hàng triệu người đã gây ra biến cố quan trọng này. Yếu tố then chốt nhứt: chính là đường lối & chính sách của nhà lãnh đạo cộng sản Liên Xô Gorbachev. Ông này đã từ chối trước yêu cầu của một số nhà độc tài cộng sản Đông Âu: không cho xe tăng ra đàn áp các cuộc biểu tình phản kháng. Chính quyết định này khiến không gây đổ máu như đã xảy ra cho các cuộc nổi dập tại Đông Đức (1953), tại Hung Gia Lợi (1956), tại Tiệp Khắc 1968, tại Thiên An Môn Bắc Kinh (1989)… Cuối cùng các lực lượng cộng sản phản tỉnh thắng thế nắm quyền lãnh đạo tại Đông Âu và cho thực hiện bầu cử tự do để khởi đầu thiết lập chế độ dân chủ thực sự.

Một cái nhìn độc đáo của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

Đặc biệt, trước khi xảy ra biến cố quan trọng này, phía Việt Nam đã có Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy – một bình luận gia am tường mọi biến chuyển quốc tế, nổi tiếng với bài nhận định thời cuộc “Tính hình thế giới trong tháng vừa qua” đăng tải trên nhiều tờ báo tại Âu Mỹ – tiên đoán trình bày trong tác phẩm “Perestroika (viết bằng Anh ngữ, dày 402 trang với trên 200 dẫn chứng tài liệu) cho rằng ông Gorbachev phải cởi mở thay đổi chính sách cai trị để đủ sức đối đầu với Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Reagan đang leo thang võ trang quân sự, điển hình là kế hoạch phòng thủ chống hỏa tiễn SDI (Strategic Defense Initiative). Chỉ trong lúc đi thuyết trình cho đồng bào Việt Nam, Giáo sư Huy mới đưa một cái nhìn độc đáo rằng dân Nga có truyền thống chơi cờ vua (Chess) nên có thói quen suy nghĩ đa nghi nhiều, còn dân Mỹ thích chơi bài phé (Poker) nên thường phải “tháu cáy” với cây bài xấu nhưng vẫn có thể “tố” cho địch thủ bỏ chạy. Theo Giáo sư Huy thì Tổng Thống Hoa Kỳ Reagan đã dùng kế hoạch SDI để “hù” Tổng Bí Thư Liên Xô Gorbachev đa nghi bắt phải cải tổ nền tảng để có đủ thực lực đương đầu lại. Quả nhiên ông Gorbachev xúc tiến cải tổ, trước hết về kinh tế (Perestroika), sau đó về chính trị (Glasnost). Nhưng chính vì cải tổ chính trị khiến làn sóng đòi hỏi tự do dân chủ dâng cao kiểm soát không nổi và vuột ra khỏi tầm tay. Bức Tường Bá Linh sụp đổ, Đông Âu thoát khỏi sự chi phối của Mạc Tư Khoa và Liên Xô tan rã vào ngày 21.12.1991 là hậu quả tất nhiên đó. Chính vì vậy, ông Gorbachev ở hải ngoại được vinh danh là nhân vật có công với cuộc cách mạng dân chủ hóa Đông Âu, nhưng ở trong nước thì trái lại không có chút uy tín gì, vì bị chỉ trích là không có khả năng lãnh đạo làm Liên Xô tan vỡ và nước Nga không còn sức mạnh gì trên bàn cờ thế giới.

Cái nhìn độc đáo của Giáo sư Huy được chứng thực là kế hoạch SDI của Mỹ sau đó được âm thầm hủy bỏ khi mục tiêu đã gạt được Liên Xô.

Phạm Trần Hoàng Việt