Một cách nhìn khác về chuyến viếng thăm Việt Nam của TT Barack Obama

Cac Bai Khac

No sub-categories

Một cách nhìn khác về chuyến viếng thăm Việt Nam của TT Barack Obama
Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website. BBT
Có lẽ khi anh Trần Huỳnh Duy Thức đưa ra quyết định “tuyệt thực vô thời hạn” một phần là vì anh đã quá kỳ vọng vào chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Obama. Tôi cũng kỳ vọng như anh. Và có lẽ hàng chục triệu người Việt Nam cũng có chung một niềm tin như thế.
Cho nên, quyết định tuyệt thực của anh Trần Huỳnh Duy Thức là một hành động bi tráng, anh hùng, làm chúng ta xúc động sâu sắc.
Nhưng giờ đây, khi ông Obama rời Việt Nam, dường như sự tuyệt thực vô thời hạn của anh trở nên rất đáng quan ngại.
Bằng quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, bằng sự ký kết bán cho Việt Nam hàng trăm máy bay Boeing với số tiền lên đến trên 11 tỷ đô la Mỹ.
Bằng vào những thuyết giảng về nhân quyền, về tự do báo chí, tự do bầu cử, tự do lấp hội, tự do tư tưởng…
Bằng vào bài diễn văn hùng biện, với những trích dẫn “Nam quốc sơn hà Nam đế cư, tiệt nhiên định phận tại thiên thư…”, với những trích dẫn Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin còn một chút này làm ghi”…
Bằng vào khuôn mặt phúc hậu, giọng nói trầm ấm và những cử chỉ thân thiện. Bằng vào tô bún chả cá và chai bia Hà Nội…
Tất cả đã đem lại cho chuyến viếng thăm của vị tổng thống mà tôi cũng như các bạn rất kính yêu, những ấn tượng đẹp, những hy vọng tươi sáng và một niềm tin đẹp đẽ…
Nhưng giờ đây, khi ông Obama đã rời Việt Nam, gẫm lại những gì mà người lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ đã “ban tặng” cho Việt Nam, gẫm lại những gì mà Việt Nam nhận được, chúng tôi nhìn thấy những vấn đề sau đây:
I/ HIỆN THỰC HOÁ CÁC MỤC ĐÍCH CHÍNH:
Bán một số lượng máy bay Boeing dân dụng khổng lồ với trị giá hơn 11 tỷ đô la Mỹ cho một hãng máy bay tư nhân Việt Nam. Đây là một thương vụ quá hời.
Dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, đây cũng là một thắng lợi lớn cho ngành công nghiệp chế tạo vũ khí Mỹ vì họ vừa có thêm một khách hàng tiềm năng.
II/ QUẢNG CÁO CHO CHUYẾN VIẾNG THĂM:
Tất nhiên bài diễn văn của ông Obama là do một thư ký riêng nào đó viết, nhưng phài theo sát ý tưởng của tổng thống. Những trích dẫn như: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” có nghĩa là lãnh thổ Việt Nam là của người Việt Nam, người Việt Nam có quyền sinh sống và làm chủ nó, quyết định vận mệnh của nó. Đó là chân lý, là chuyện đã được định sẵn trong “sách Trời” rồi. Đó là mục tiêu của tổng thống Mỹ, cũng là khát vọng của dân tộc Việt Nam.
Thế nhưng có thực là chân lý ấy đã được “định phận tại thiên thư” không? Hay lâu nay nó vẫn được định phận tại một nơi nào khác, chẳng hạn như Paris, Tokyo và giờ đây là Bắc Kinh? Có sự khác biệt nào giữa “thiên thư” và “Bắc Kinh” không?
Tôi e rằng không.
Và nếu là “không” thì ước muốn của ông Obama chỉ còn là một “lời chúc xã giao” mà thôi, hoàn toàn xa rời thực tế cay đắng.
Ông Obama lại trích dẫn Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin còn một chút này làm ghi”. Có lẽ tổng thống muốn nói rằng sự hợp tác Việt-Mỹ sẽ bền vững lâu dài bắt đầu từ chuyến viếng thăm này, chúng ta phải tin tưởng ở điều ấy.
Nhưng đó là sự hợp tác nào?
Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam thoát Trung để lấy lại chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, chủ quyền chính trị và quân sự? Tôi không thấy có dấu hiệu nào của khả năng ấy.
Ông Obama nói: “…nhân quyền là những giá trị phổ quát, chung của cả loài người. Các quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình đều ghi trong Hiến Pháp chính nước Việt Nam của quý vị. Tôi tin các nước sẽ thành công hơn khi người dân có có quyền phát biểu, quyền ngôn luận, quyền tiếp nhận thông tin, khi đó kinh tế sẽ phát triển. Khi báo chí, truyền thông có thể soi rọi tới những chỗ tối tăm, các quan chức sẽ bị kiểm soát. Lời chỉ trích sẽ khiến chúng ta tiến bộ, ai có ý tưởng mới mẻ có thể chia sẻ. Bầu cử tự do sẽ có những lãnh đạo tốt. Tự do tôn giáo sẽ khiến người ta yêu thương nhau hơn. Ðược tự do lập hội, người dân sẽ giúp giải quyết những vấn đề mà chính phủ không thể
OK, tốt quá! Mọi người chúng ta đều ước muốn như thế, nhưng bạn có tin rằng trong tương lai chúng ta sẽ có tự do ngôn luận, tự do biểu tình không? Hãy thử đi biểu tình lần nữa xem có bị đánh đập dã man, có bị đổ máu nữa không? Tôi e rằng vẫn có dài dài.
OK, tốt quá! Nhưng liệu trong tương lai báo chí có được “soi rọi tới những chỗ tối tăm, các quan chức sẽ bị kiểm soát” không? Tôi e rằng không.
OK, tốt quá! Nhưng liệu trong tương lại chúng ta sẽ có được tự do lập hội, tự do bầu cử… không, hay vẫn cứ “đảng cử dân bầu” vẫn cứ “hiệp thương” năm tầng bảy lớp để loại bỏ những ứng cử viên tự do?
Nếu trong tương lại mọi việc sẽ vẫn như cũ thì những lời lẽ trong bài diễn văn của tổng thống Obama thực chất chỉ là những câu chúc tụng xã giao mà thôi.
Vậy thì chúng ta kỳ vọng gì, và tại sao chúng ta lại quá vui mừng về những câu nói xã giao ấy?
III/ NHỮNG NGHI VẤN
Như vậy rốt cuộc chuyến viếng thăm của ông Obama chỉ đạt được những mục đích rất cụ thể (bằng giấy trắng mực đen) đó là các bản hợp đồng bán máy bay Boeing trị giá 11 tỷ đô la và các hợp đồng bán vũ khí sát thương dài dài. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng kinh doanh vũ khí là ngành công nghiệp siêu lợi nhuận của Mỹ. Bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí chỉ có lợi cho Mỹ chứ không đem lại lợi ích gì cho Việt Nam cả.
Tại sao?
Vì hiện nay chính phủ Việt Nam (chứ không phải dân tộc Việt Nam) KHÔNG CÓ KẺ THÙ. Chính phủ Việt Nam chỉ có người đồng chí tốt, là chỗ dựa vững chắc và lâu dài của họ. Đó mới chính là “định phận tại thiên thư”. Nếu Trung cộng sụp đổ thì “đảng ta” cũng sẽ đổ theo, giống hệt trường hợp các nước cộng sản đông Âu dạo nọ.
Vậy thì Việt Nam mua vũ khí của Mỹ để làm gì?
Nợ công thì ngập đầu. Nền kinh tế thì đang trên bờ vực phá sản, tham nhũng thì tràn lan, bộ máy cai trị thì cồng kềnh, phải xài đến 70% ngân sách để duy trì nó. Vậy lấy tiền đâu ra mua vũ khí?
Chắc chắn Mỹ cũng biết rõ điều đó. Vậy tại sao họ lại dỡ bỏ cấm vận để bán vũ khì tự do cho Việt Nam? Họ có điên không? Xin thưa, họ không điên đâu. Tôi ngờ rằng đàng sau có một bí mật nào đó.
Phải chăng người Mỹ muốn dùng Việt Nam làm cái bình phong để tự do bán vũ khí cho một thị trường khổng lồ nào khác?
Có người trách tôi đa nghi như Tào Tháo, người khác lại cho rằng tôi là kẻ bi quan, nhìn đời quá đen tối.
Liệu tôi có tìm được một vài sự sẻ chia nào từ phía các bạn không?
Ngày 27/5/2016
ĐÀO HIẾU