Moscow và Bắc Kinh tiến hành cuộc tập trận rất lớn ở Biển Đông
Binh sĩ Trung Quốc và Nga trong cuộc tập trên trên biển chung Joint Sea-2015, ảnh chụp ngày 17 tháng 5 năm 2015. (Ảnh chụp)
Tác giả: Andrei Popescu | Dịch giả: Kim Xuân
Tại thời điểm Biển Đông đang căng thẳng thì hôm thứ 2 Bắc Kinh và Moscow đã bắt đầu cuộc tập trận trên biển rất lớn trong khu vực, và sẽ kéo dài hơn một tuần. Các nhà phân tích cho rằng cuộc tập trận này là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến nước Mỹ.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà 15 năm sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, hải quân Trung Quốc đã thông báo sẽ tham gia cùng với Hải quân Nga trong 8 ngày trong một cuộc diễn tập trên biển ở Biển Đông, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, bắt đầu từ thứ 2. Cuộc diễn tập chung tiến hành trong bối cảnh đang có những căng thẳng lớn trong các vùng biển tranh chấp sau khi tòa trọng tài ở The Hague đã quyết định nhà nước Trung Quốc không có những quyền lịch sử để yêu sách ở Biển Đông và đã phê phán sự phá hủy môi trường của Bắc Kinh. Trung Quốc đã mạnh mẽ bác bỏ quyết định đó và từ chối thực hiện phán quyết của tòa trọng tài, đồng thời cố gắng tạo ra một trục với Nga, nhằm đối phó với những căng thẳng trong khu vực, nơi mà Mỹ đang dẫn đầu một bán liên minh chống Trung Quốc.
Cuộc tập trận “Joint Sea-2016” sẽ có các tàu thuyền trên biển, tàu ngầm, máy bay cánh quạt, máy bay trực thăng được chở trên tàu cùng với thủy thủ, theo tuyên bố đăng trên microblog chính thức của Hải quân Trung Quốc hôm chủ nhật. Hai nước sẽ tiến hành các hoạt động bảo vệ, cứu hộ và chống tàu ngầm, cũng như các hoạt động đánh chiếm một số đảo và các hoạt động khác, theo bản tuyên bố.
Thông qua các bài diễn tập – nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ, Nhật Bản, Philippines và các bên “liên quan” khác đang phản đối chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo và trên các rạn san hô ở Biển Đông – lính hải quân sẽ tham gia tập trận với đạn thật trong hoạt động bảo vệ đảo và hạ cánh trên đảo.
Trung Quốc tuyên bố đã đề xuất cuộc tập trận trên biển “thường kỳ” trong tháng 7, khi cho rằng “các cuộc diễn tập nhằm tăng cường hợp tác và không chống lại bất kỳ một nước nào khác”.
Nga và Trung Quốc đều là thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đã có quan điểm tương đồng đối với nhiều vấn đề lớn như cuộc khủng hoảng ở Syria. Điều này khiến hai nước đã có những bất đồng với Mỹ và Tây Âu. Trong năm 2015, Trung Quốc và Nga đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Nhật Bản và Địa Trung Hải.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần hết Biển Đông, nơi hàng hóa được vận chuyển qua hàng năm đạt giá trị hơn 5 nghìn tỷ đô la. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền ở một số phần trong khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc đã nhiều lần đổ lỗi cho Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực qua các cuộc tuần tra quân sự. Mỹ tuyên bố, các cuộc tuần tra của họ nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và đã phủ nhận tham gia với một số nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Theo một số nhà phân tích, đây là lý do tại sao cuộc diễn tập này không chỉ quan trọng mà còn có ý nghĩa tượng trưng lớn: Nga đã là người ủng hộ mạnh mẽ vị thế của Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines lên tòa trọng tài. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố tại một cuộc họp báo hồi tháng 7 rằng Nga và Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện và hai nước đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập trong năm nay.
“Những cuộc diễn tập này tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và mở rộng hợp tác, tăng cường khả năng phối hợp cùng giải quyết các mối đe dọa an ninh, giúp duy trì hòa bình và ổn định khu vực và toàn cầu”, ông Vũ Quân nói thêm.
Theo các nhà phân tích, Nga và Trung Quốc sẽ trở thành đối tác chiến lược ngày càng gần gũi, để loại trừ sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương, cho đến khi cán cân quyền lực sẽ dịch chuyển nhiều đến nỗi chỉ có một sự khiêu khích, là thực hay là được dựng lên bởi một siêu cường quốc, mới có thể làm đảo chiều cán cân quyền lực.