Mông Cổ: Ngoại trưởng Mỹ ca ngợi “nền dân chủ dũng cảm”
Trong chặng dừng chân ít giờ tại Mông Cổ ngày Chủ nhật 05/06/2016, trước khi tới Bắc Kinh dự “Đối thoại chiến lược và kinh tế” Mỹ-Trung lần thứ 8, ngoại trưởng Hoa Kỳ hết lời ca ngợi Mông Cổ là một “nền dân chủ dũng cảm”, đồng thời ghi nhận vị trí hết sức khó khăn của quốc gia Đông Bắc Á, kẹt giữa hai láng giềng khổng lồ Trung Quốc và Nga.
Theo AFP, phát biểu trước báo giới, ông John Kerry nói: “Mông Cổ đã có những tiến bộ rất đáng kể, với tư cách một nền dân chủ non trẻ”. Theo ngoại trưởng Mỹ, Mông Cổ phải đối mặt với những áp lực lớn từ Trung Quốc và Nga, và đã rất nỗ lực để trở thành một “ốc đảo dân chủ thanh bình”, trong khi vẫn bảo lưu được “những truyền thống lớn lâu đời”. Lãnh đạo ngoại giao cao Mỹ thừa nhận quốc gia thuộc khối Xô Viết cũ, với 3 triệu dân, kể từ khi độc lập cách nay 25 năm, đã phải chung sống hết sức khó khăn với hai láng giềng lớn, và Mông Cổ thực sự là “một tấm gương lớn”.
Theo Reuters, thường xuyên ca ngợi tính chất mẫu mực của nền dân chủ Mông Cổ non trẻ, nhưng Washington cũng hết sức chú ý đến các hồ sơ nhân quyền và dân chủ ở quốc gia này. Báo cáo năm 2015 của bộ Ngoại Giao Mỹ ghi nhận “tính chất mơ hồ của nhiều luật (Mông Cổ) và sự thiếu minh bạch trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của chính phủ và niềm tin của dân chúng”. Các nhà bảo vệ dân chủ cũng tố cáo Quốc Hội nước này thay đổi luật để cản trở sự tham gia của các đảng phái nhỏ trong cuộc bầu cử Quốc Hội, sẽ diễn ra trong tháng này.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng quyết định của một thỏa thuận Hoa Kỳ-Mông Cổ về gia tăng tính minh bạch, giúp Mông Cổ tạo được sự tin cậy của giới đầu tư quốc tế. Thỏa thuận này, được thông qua năm 2013, sau nhiều năm thương thuyết, nhưng hiện vẫn chưa được thực thi, do các rào cản hành chính.
Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, Mông Cổ phụ thuộc đến hơn ba phần tư năng lượng vào Nga, và 90% trao đổi thương mại là với Trung Quốc. Để phát triển, quốc gia này phải dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ, đặc biệt là vàng, đồng và uranium, mà một số lượng lớn còn chưa được khai thác. Sau một thời gian tăng trưởng đến 17,5%, năm 2011, kinh tế Mông Cổ đang chững hẳn lại, với khoảng 3% tăng trưởng Nhu cầu nguyên liệu từ Trung Quốc sụt giảm là một nguyên nhân chính. – RFI