Mô thức đấu tranh liên lập – Dương Thái Sơn
Mô thức này đã được GS Nguyễn Ngọc Huy trình bày nhưng ông không có đặt tên cho nó, trong sách Tài Liệu Huấn Luyện của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, trang 486, như sau:
‘’Tận lực giúp đỡ các anh chị em quốc gia bên trong nước về mọi mặt để họ có đủ phương tiện và điều kiện tự tổ chức thành một lực lượng mạnh có đủ sức đáp ứng với tình thế mới và đóng góp nhiều vào cuộc tranh đãu cho tự do và cho việc kiến thiết tương lai. Anh chị em quốc gia trong nước càng mạnh thì người quốc gia càng có nhiều hy vọng làm chủ tình thế và càng sớm đạt mục tiêu mang sự tự do hoàn toàn đến cho dân tộc Việt Nam.
‘’Các cá nhơn và đoàn thể Việt Nam ở hải ngoại có thể kết hợp nhau một khối chung để làm các công việc trên đây, nhưng cũng có thể mỗi người , mỗi đoàn thể cứ giữ cương vị riêng của mình, chỉ cần cùng làm những công tác trên song song nhau, và không chống báng, phá hoại công việc làm của nhau, nhứt là các công việc liên hệ đến các công tác trên đây.’’
* Thế nào là Liên Lập?
Liên là liên kết, lập là độc lập với nhau, tức là liên kết và độc lập với nhau. Vậy Liên lập trước hết không phải là một Liên hiệp, bởi Liên hiệp là sự thỏa thuận để chia quyền và chia trách nhiệm để làm một chuyện gì; trong một Liên hiệp tổ chức thành viên không còn tính chất độc lập mà trở thành một thành tố đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức Liên hiệp. Liên lập cũng không phải là một Liên Minh, vì trong Liên Minh có sự chỉ huy duy nhất của một cấp lãnh đạo. Liên lập nói đây cho dễ hiểu là một sự Liên kết hàng ngang, các tổ chức thành viên kết nối với nhau theo hàng ngang, không ai lãnh đạo ai, các tổ chức trong Khối Liên lập độc lập với nhau trong quản trị nội bộ, về đối ngoại chỉ liên kết với nhau để theo đuổi một mục đích chung (dài hạn) hoặc làm một công việc chung (ngắn hạn). Do đó, các tổ chức có thể kết nối với nhau để làm một công tác chung trong ngắn hạn (thí dụ cùng ký tên trong một Tuyên cáo chung để phản đối Trung Cộng lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, hoặc phản đối CSVN đàn áp các bloggers ở trong nước), hoặc có thể theo đuổi một mục tiêu lâu dài hơn (thí dụ như cùng liên kết lâu dài trong công cuộc đấu tranh chống Cộng sản độc tài toàn trị, và xây dựng chế độ tự do, dân chủ ở Việt Nam, cho đến khi nào đạt được mục tiêu đó mới thôi).
Trong sự liên kết đấu tranh liên lập này, sẽ tránh được nạn chống phá lẫn nhau, hay người ta thường nói là trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Cho nên, tuỳ theo mục tiêu tranh đấu mà chúng ta có thể có kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn cho sự liên kết. Sự liên kết cho công tác món ngắn hạn hay cho một mục tiêu trường kỳ.
Đấu tranh liên lập có thể khởi đầu từ những tổ chức gần ta trước, rồi từ đó lan rộng ra, và càng ngày càng rộng lớn. (Thí dụ: Liên lập đấu tranh giữa những tổ chức như TĐV, Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy, LMDCVN, hoặc Liên lập đấu tranh giữa các đảng trong Gia đình Đại Việt). Để sau cùng là tới giai đoạn liên lập với các nhóm, các tổ chức ở trong nước, để có đủ sức và sự kết hợp có tổ chức để tiến tới chuyện loại trừ đảng Cộng Sản, xây dựng nền dân chủ của toàn dân và bảo vệ tổ quốc, phát triển phúc lợi cho sự sinh tồn của dân tộc.
Cách thức vận động là như vậy, còn tên gọi thì như thế nào cũng được, miễn là làm sao tránh được tinh trạng chia rẽ và chống phá lẫn nhau, hoặc hiểu lầm là gom sòng để lãnh đạo.
Về sự lãnh đạo thì trong Khối Liên lập, tổ chức nào tài giỏi sẽ đương nhiên lộ ra, và tổ chức yếu kém cũng lộ ra. Lúc đó, nhân dân sẽ dễ tìm được những người lãnh đạo xứng đáng, thay vì cứ bôi bẩn nhau như từ trước tới nay để tranh giành quyền lãnh đạo mà nhân dân vẫn không tìm ra được ai tốt cả. Như vậy, đấu tranh liên lập sẽ là môi trường đào tạo và xây dựng sự lãnh đạo lành mạnh theo luật cạnh tranh tự nhiên và trong sáng, một cách tự nhiên và công bằng.
* Lợi thế của Đấu tranh Liên lập?
39 năm nay, tình trạng đấu tranh chống Cộng luôn luôn rời rạc, không đoàn kết nhau được và thậm chí còn chống phá lẫn nhau, không tạo được niềm tin cho đồng bào mà họ đang rất trông mong. Đã thế, các đoàn thể còn phân hóa, chia đôi, chia ba, làm mất tin tưởng của đồng bào. Mặt khác về mặt lý thuyết triết lý, chúng ta chủ trương dân chủ đa nguyên thì tất nhiên phải có tình trạng đa đảng, bởi sự bất đồng là yếu tính của dân chủ và tự do. Chúng ta cần tập làm quen với tính đa dạng và đa đảng đó trong sinh hoạt chính trị dân chủ. Không nên lấy đó làm buồn mà nên tìm cách nào để khắc phục nó, hầu tạo được sức mạnh cho tổ chức, đồng thời tạo được niềm tin cho đồng bào.
Kêu gọi đoàn kết thống nhứt là một chuyện viễn vong và không thể có kết quả. Nhưng chúng ta có thể kêu gọi đoàn kết liên lập, tức là ‘’mỗi người, mỗi đoàn thể cứ giữ cương vị riêng của mình, chỉ cần cùng làm những công tác song song nhau, và không chống báng, phá hoại công việc làm của nhau,’’ như GS Nguyễn Ngọc Huy đã dạy.
Đoàn kết thống nhứt thì thấy là rất lý tưởng, nhưng có điều bất lợi:
-Sự tranh giành lãnh đạo trong tổ chức sẽ xảy ra và làm tan nát sự đoàn kết lý tưởng.
-Gián điệp cộng sản sẽ xâm nhập từ đoàn thể khác vào đoàn thể của mình, khiến mọi người cứ nghi ngờ lẫn nhau, và phá nát sự đoàn kết.
Trong khi đó đoàn kết liên lập tuy có vẻ hời hợt, nhưng nó có hiệu quả tốt hơn:
-Các đoàn thể liên kết trong Kế Sách Liên lập thì liên kết nhau đấu tranh, nhưng vẫn giữ độc lập trong sinh hoạt nội bộ, không có hòa nhập làm một trong một tổ chức duy nhứt, nên tránh được sự tranh giành lãnh đạo trong Mô thức Liên Lập.
-Đấu tranh liên lập phù hợp với tư tưởng dân chủ đa nguyên, hình thức tổ chức đa dạng, và có đa lãnh tụ.
-Giới hạn được tình trạng gián điệp cộng sản xâm nhập từ tổ chức này sang tổ chức khác.
* Kinh nghiệm đấu tranh liên lập.
Công cuộc vận động Thỉnh nguyện thư gửi Toà Bạch Ốc là một trường hợp điển hình về mô thức đấu tranh liên lập, đã đưa đến một sự liên kết rộng lớn đủ mọi thành phần dân tộc, bất kể nguồn gốc xã hội hay chính trị phe phái nào, bất luận tôn giáo, nam nữ, già trẻ, nơi cư trú, v.v… Sự thành công ngoạn mục đó, biểu hiệu sự đoàn kết liên lập rất hiệu quả mà người Việt Nam có thể thực hiện được khi cần, nhưng nếu Mô Thức Đấu tranh liên lập đưọc kết hợp chặt chẻ hơn, có tổ chức hơn thì kết quả sẽ đạt cao hơn và nhanh hơn khi cần đến.
Sự liên kết quan trọng không phải chỉ ở hải ngoại mà sẽ là sự liên kết với các tổ chức và thành phần ở trong nước. Sự liên kết giữa trí thức hải ngoại , người già, người trẻ, Công giáo, Phật giáo, cùng với công nhân, nông dân, quân đội ở trong nước sẽ đánh thắng được Đảng Cộng sản. Đó là giai đoạn cuối cùng của Chính Lược Đấu tranh Liên Lập mà người Việt đấu tranh chống Cộng sản trong nước và hải ngoại cần thực hiện để đi đến thành công ở giai đoạn cuối.
Vấn đề quan trọng là làm sao để có bước khởi đầu để mọi người, mọi tổ chức cùng tham gia liên lập? Câu hỏi này dành cho đảng TĐV và LMDCVN. Đảng TĐV và LMDCVN có dám tiên phong khởi xướng không? Đường lối này là do ông Thày của mình nêu ra khi còn sanh tiền, có ghi trong sách vở đàng hoàng, chứ không phải là xa lạ. Xin nêu lên câu hỏi này để mở đường cho đại hội sắp tới.
Dương Thái Sơn (03/2014)