Một ngày 4/6/1989, Ba Lan và Trung Quốc đi hai đường khác nhau
Nguyễn Giang – bbcvietnamese.com
Omar Marques- Ông Lech Walesa, cựu thợ điện, nhà hoạt động nghiệp đoàn, cựu tổng thống Ba Lan trong lễ kỷ niệm Công Đoàn Đoàn Kết ở thành phố quê hương ông, Gdansk năm nay
Ngày Trung Quốc đàn áp sinh viên ở Thiên An Môn (4/6/1989) cũng là ngày Ba Lan tổ chức bầu cử dân chủ đầu tiên trong khối xã hội chủ nghĩa từ sau Thế Chiến 2.
Điều này đặt ra một số câu hỏi về hai xu hướng trái ngược nhau, cùng nảy sinh trong nội bộ các nền ‘dân chủ nhân dân’: chấp nhận đa nguyên hay trấn áp?
-Vụ thảm sát Thiên An Môn chỉ có thể xảy ra ở Trung Quốc, vì các đặc thù lịch sử của nước này, hay có thể xảy ra ở nơi khác?
-Phải chăng chỉ người châu Âu mới có thể đi tới dân chủ trong hòa bình, ổn định, như con đường của Đông Âu, còn châu Á thì phải khác?
Có nhiều vụ Thiên An Môn nhỏ
Trước hết ta cần bác bỏ thuyết rằng vụ Thiên An Môn là một đặc thù của Trung Quốc.
Sang Ba Lan mùa thu 1989, tôi chứng kiến báo chí Ba Lan khi đó rất tự hào về thành quả cuộc chuyển đổi không đổ máu ở nước họ.
Họ nhấn mạnh Ba Lan không như Trung Quốc nên không để xảy ra vụ Thiên An Môn mà truyền thông châu Âu khi ấy theo dõi rất kỹ.
Sau Hội nghị Bàn tròn đầu năm 1989, hai phái Công Đoàn Đoàn Kết và Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (PZPR-cộng sản) đã hợp tác để tổ chức tổng tuyển cử.
Nhưng báo Ba Lan cũng nhắc lại các vụ ‘Thiên An Môn mini’ đã xảy ra trên toàn Đông Âu từ sau Thế Chiến 2: Poznan 1956, Budapest cùng năm, Prague 1968.
Gần hơn, tháng 12/1981, quân cảnh Ba Lan tấn công vào mỏ than Wujek, bắn chết chín công nhân đình công và làm bị thương hàng chục người.
Trước đó, vào tháng 12/1970 có cuộc bình định biểu tình ở vùng biển Gdansk, Gdynia, Szczecin, Elblag, giết chết 49 người, làm hơn 1000 bị thương.
Sau Thiên An Môn, ‘đối thoại bằng nòng súng’ vẫn diễn ra.
- Tại Baku, Azerbaijan vào tháng 1/1990 có cuộc đàn áp ‘Tháng Giêng Đen’;
- Sang đầu 1991 có cuộc tấn công của quân Liên Xô vào Đài truyền hình Vilnius, Lithuania.
- Ở Đông Đức, Erich Honecker đã chọn ‘phương án Thiên An Môn‘cho lính dù bắn người biểu tình ở Leipzig (10/1989)nhưng lãnh đạo Đảng XHCN Thống nhất Đức địa phương yêu cầu quân đội rút đi vào phút chót.
- Ở Romania, lãnh tụ Nicholai Ceausescu cho bắn thật luôn, gây ra thảm sát Timosoara tháng 12/1989, làm chết ít nhất vài trăm người dân.
Có một số cách giải thích tôi nghe được ở Ba Lan về xu hướng đàn áp:
Một là các nền chính trị Đông Âu đều hình thành sau Thế Chiến 2 dựa trên sức mạnh quân đội Liên Xô nên Moscow phải kiểm soát, dập tắt mọi điểm nóng.
Nếu để một đốm lửa lan ra, cả hệ thống sẽ bùng cháy, và việc trấn áp biểu tình bằng súng đạn nếu không do quân bản xứ làm, thì Liên Xô sẽ làm.
Đại tướng Wojciech Jaruzelski, TBT Đảng cộng sản Ba Lan, xác tín quan điểm này trong hồi ký, rằng ông phải cam kết với Moscow năm 1981 là “Đảng Ba Lan sẽ tự xử lý được Công Đoàn Đoàn Kết bằng Thiết quân luật”.
Nếu không, Leonid Brezhnev đã sẵn sàng để các binh đoàn Liên Xô đóng sẵn ở Ba Lan, gồm cả xe tăng trong căn cứ Legnica, đưa quân ra phố.
Một giải thích khác nói triết lý cầm quyền của phe XHCN có khái niệm ‘kẻ thù giai cấp‘ ngay trong nhân dân.
Nhân dân luôn đúng, nhưng khi có các ‘thành phần’ của nhân dân đi theo tư tưởng khác, thì họ thành kẻ thù, và có thể phải bị tiêu diệt.
Ngoài ra, các hệ thống chính trị không đến từ bầu cử và theo một ý thức hệ cứng nhắc luôn ám ảnh bởi ‘bất ổn’ và sợ trái ngược quan điểm, dù nhỏ nhất.
Cách giải thích này cũng phần giúp ta hiểu tư duy của Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng, Dương Thượng Côn khi họ đưa xe tăng vào Thiên An Môn.
Ngày nay ta biết Liên Xô không quyết định gì ở Trung Quốc như tại Đông Âu, nhưng chuyến thăm của Mikhail Gorbachev và yếu tố đổi mới chính trị đã tác động đến vụ Thiên An Môn.
Có thể giới sinh viên cảm thấy luồng gió mới đang đến để thông thoáng xã hội còn rất ngột ngạt sau Cách mạng Văn hóa nhưng ban lãnh đạo của ông Đặng lại chưa sẵn sàng, và coi đó là dấu hiệu tạo phản.
ERIC FEFERBERG Biểu tượng dòng chữ ‘Đoàn Kết’ màu đỏ như đoàn người cầm cờ bước đi nay được dùng vào các dịp kỷ niệm ở Ba Lan
Theo tôi, đây là điểm cốt yếu khiến cùng một ngày 4 tháng 6 năm 1989 xảy ra vụ đàn áp Thiên An Môn ở Bắc Kinh, còn ở Ba Lan lại có bầu cử tự do.
Khác nhau về tầm vóc lãnh đạo
Nhưng còn một yếu tố khác nữa mà tôi quan sát thấy là về con người.
Nhập học tại Khoa Luật, ĐH Tổng hợp Warsaw, tôi được dạy bởi nhiều giáo sư thuộc cả hai phe, gốc cộng sản và Công Đoàn Đoàn Kết.
Vì là những người cùng thiết kế ra cuộc chuyển đổi ở Ba Lan, nên họ cũng tham chính suốt các năm 1990-97.
Có giáo sư làm bộ trưởng, người khác làm chủ tịch Thượng viện, người nữa làm Thống đốc Ngân hàng Quốc gia mà vẫn tới giảng trong khoa nhưng được tiêu chuẩn xe và bảo vệ của nhà nước.
Có lần vào giờ thi, sinh viên chúng tôi xếp hàng ngoài văn phòng của thầy cùng cả hai chú vệ sĩ từ Cục Bảo vệ Chính phủ (BOR) và họ bị nữ sinh viên trêu mà phải cố tỏ ra nghiêm trang, không đáp lời.
Điều thú vị là dù thuộc phe đỏ hay xanh, các chính trị gia trí thức đều rất có văn hóa, tôn trọng lẫn nhau.
Về chuyên môn và ngoại ngữ thì tôi thực sự thán phục các giáo sư Ba Lan.
Lý do lịch sử ‘bị các láng giềng to đè nén’ khiến họ đều thạo tiếng Nga, Đức, Pháp, Anh và có thể giảng bài bằng các ngôn ngữ này.
Các nhân vật lớn của phe Công Đoàn Đoàn Kết như GS Bronislaw Geremek, nhà hoạt động Adam Michnik, luật sư Lech Kaczynski (tổng thống), luật sư Tadeusz Mazowiecki (thủ tướng) đều từng học hoặc giảng dạy ở khoa tôi, và thường quay lại nói chuyện với sinh viên.
Sau này, tôi học một năm với GS Leszek Balcerowicz, Phó thủ tướng, lãnh tụ đảng Liên minh Tự do, kiến trúc sư của Cải cách Liệu pháp Sốc cứu kinh tế Ba Lan sau cách mạng dân chủ.
Nhưng bản thân ông Balcerowicz từng là đảng viên cộng sản và thuộc khóa Fulbright đầu tiên từ Ba Lan đi Mỹ du học thập niên 1970. Ông rất quan tâm đến Đổi Mới nên đã đặt tôi viết một bài về cải cách nông nghiệp sau 1986 ở Việt Nam.
Nguyen Giang Cổng chính Đại học Tổng hợp Warsaw, Ba Lan
Các chính trị gia Ba Lan khác đều uyển chuyển, không cực đoan.
Sau bầu cử ‘chia sẻ quyền lực’ tháng 6/1989, lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết, Lech Walesa, đã đề cử Bộ trưởng Công an Czeslaw Kiszczak ra làm thủ tướng.
Ý của ông Walesa là hãy để ông Kiszczak, nhân vật bê-tông nhất của Đảng cộng sản, làm lãnh đạo để chịu trách nhiệm toàn bộ, và như thế càng dễ nói chuyện.
Nhưng người ta nói hai ông Kiszczak và Walesa từng tiếp xúc ‘xuyên qua chiến tuyến’ nhiều lần nên có niềm tin về nhau.
Ứng viên Kiszczak lại bị chính phe cộng sản bác, và họ đồng ý để luật sư Công giáo Tadeusz Mazowiecki lên làm thủ tướng không cộng sản đầu tiên ở Đông Âu.
Các lãnh đạo trẻ, cấp tiến trong ‘phe đỏ cũ’ như Aleksander Kwasniewski (sau làm tổng thống) muốn chứng tỏ với Phương Tây và Liên Xô rằng họ đổi mới thực sự.
Đến cuộc bầu tổng thống trong QH thì có nghị sĩ của Công Đoàn Đoàn Kết đã bỏ cho tướng Jaruzelski, còn một số dân biểu gốc cộng sản không bỏ cho ông.
Quyết định đầu tiên của chính phủ Mazowiecki là ra chính sách ‘Vạch đậm’ khép lại quá khứ, không trả thù đối thủ cũ.
Tóm lại, các nhân vật của cả hai bên tại Ba Lan đều rất trưởng thành, có chính kiến, có uy tín trong nghề nghiệp, thể hiện qua quá trình công tác trong các chính phủ thời cộng sản hay phong trào bảo vệ công nhân (KOR).
Năm 1989, khi cơ hội đến với Ba Lan, họ chứng tỏ sự chín chắn và linh hoạt, không hề muốn chia thế giới làm hai phe đen-trắng để diệt nhau.
Một số thủ lĩnh sinh viên Thiên An Môn vào năm 1989
Còn vào thời gian đó, các thủ lĩnh sinh viên Thiên An Môn đều chỉ mới đến tuổi 19, 20, quá non để biết vận động quốc tế và tạo phong trào dân sự rộng khắp.
Trong ngành nghề của mình, họ còn quá trẻ để có uy tín cao, trừ một số lãnh đạo phong trào đã là giảng viên như Lưu Hiểu Ba.
Không rõ kiến thức xã hội, nhận thức tình hình của họ ra sao, nhưng khá đông sinh viên cũng đến từ các vùng quê TQ nghèo khổ, hệt như những bộ đội bắn vào họ.
Không ai dám phủ nhận lý tưởng muốn nước Trung Quốc của họ được tự do, dân chủ, nhưng phải thừa nhận các sinh viên này không phải là đối thủ của những chính trị gia lão luyện, đã kinh qua cuộc chiến Kháng Nhật, Nội chiến Quốc-Cộng và Cách mạng Văn Hóa tàn khốc.
Cuộc đấu tranh của sinh viên xem ra chỉ để tạo chút ít sức ép vào nội bộ Đảng Cộng sản và sau khi Triệu Tử Dương bị hạ bệ thì hết giải pháp.
Ngày nay nhìn lại
Ba mươi năm là thời gian đủ dài để đánh giá rõ các sự kiện nhưng quá ngắn để nhìn ra các trào lưu.
Cuộc chuyển đổi 1989 tại Ba Lan đã thành công, thành công rất tốt đẹp là khác, và tạo ra mô hình lạc quan cho nhiều quốc gia khác đi theo.
Nhưng hôm nay, một số ‘ân oán’ xưa trong phe Công Đoàn Đoàn Kết cũ trỗi dậy, tạo hình ảnh không đẹp cho Ba Lan sau cuộc đổi đời ngoạn mục.
Lãnh tụ đảng PiS, nhân vật thế lực nhất Ba Lan hiện nay là ông Jaroslaw Kaczynski, cũng một cựu sinh viên và sau là tiến sĩ tại Khoa Luật ĐHTH Warsaw.
Là anh em song sinh của cố Tổng thống Lech Kaczynski, và cựu cố vấn cao cấp cho Tổng thống Lech Walesa, ông đang hâm nóng lại các thù hằn chia rẽ theo nhãn quan Công giáo nông dân và chủ nghĩa dân tộc Ba Lan hẹp hòi.
Ai chống lại đảng của ông đều là ‘kẻ thù dân tộc’, một khái niệm nghe quen quen.
Ba Lan bị tụt hạng về tự do báo chí.
Còn Trung Quốc đã chuyển mình vượt bậc sau Thiên An Môn, và ngày nay đang trở thành đại cường thách thức Hoa Kỳ.
Không chỉ thế, chính phủ Trung Quốc hiện còn cổ vũ cho mô hình dùng công nghệ thông tin để kiểm soát toàn dân theo ‘tín chỉ xã hội’.
Lập luận “phải ra tay ở Thiên An Môn vì ổn định cho hơn một tỷ dân” rất có thể được Tướng Ngụy Phượng Hòa nói ra công khai vì nhu cầu chính trị hiện thời.
Để ổn định, không tan vỡ quốc gia 1,4 tỷ dân thì cần mạnh tay ở Tân Cương, và phải thu về Đài Loan, họ tin như vậy.
Nhưng ban lãnh đạo Trung Quốc hiện giờ vẫn không thoát được bóng đen ám ảnh của cuộc tàn sát mà họ đã làm với chính con em mình năm ấy.
Vì xấu hổ, họ nỗ lực xóa đi ký ức Thiên An Môn, chứng tỏ họ không dũng cảm trước quá khứ bằng người Ba Lan, cho dù Trung Hoa to hơn bội phần.
Đây có thể là một vấn đề lớn của Trung Quốc về lâu dài.
Getty Images Đã có cách chơi chữ ‘hiểm hóc’ của người dùng tiếng Trung để né tránh kiểm duyệt các cụm từ như Lục Tứ tức 04/6, ngày thảm sát Thiên An Môn 1989
Tác giả từng du học và làm nghiên cứu ở Ba Lan từ cuối 1989 đến 1999.