Miến Điện: Trường kỳ kháng chiến để lật đổ tập đoàn quân sự

Cac Bai Khac

No sub-categories

Miến Điện: Trường kỳ kháng chiến để lật đổ tập đoàn quân sự

09/03/2021 – Sáu tuần kể từ khi quân đội Miến Điện đảo chính, trấn áp, bắn đạn thật vào người biểu tình khiến hơn 50 người chết, “phong trào kháng chiến đang hình thành”, theo nhật báo Le Monde sau cuộc phỏng vấn qua điện thoại với “Docteur Sasa” (Bác sĩ Sasa), một nhà đấu tranh hoạt động bí mật, thuộc dân tộc Chin, một trong năm dân tộc đông nhất ở Miến Điện.

Váy của phụ nữ trở thành một công cụ kháng chiến của người dân Miến Điện, nhằm cản đà tiến của cảnh sát, quân đội. Ảnh chụp ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03/2021 tại Rangoon, Miến Điện.
Váy của phụ nữ trở thành một công cụ kháng chiến của người dân Miến Điện, nhằm cản đà tiến của cảnh sát, quân đội. Ảnh chụp ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03/2021 tại Rangoon, Miến Điện. AP

“Bác sĩ Sasa” trở thành “đặc phái viên” bên cạnh Liên Hiệp Quốc sau quyết định bổ nhiệm của một Ủy ban Đại điện Quốc Hội (Committee Representing Pyidaungsu Hluttaw, CRPH) khẳng định là cơ quan hợp pháp duy nhất sau cuộc bầu cử lập pháp ngày 08/11/2020, mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ (LND) giành chiến thắng áp đảo. Ủy ban Đại điện Quốc Hội do 4 bộ trưởng của chính quyền dân sự bổ nhiệm, ban đầu có 17 thành viên đều là nghị sĩ của đảng LND, hiện sống bí mật, có nguy cơ bị bắt và chịu án tử hình vì tội “phản bội”.

Cuộc kháng chiến của CRPH được hình thành vì, theo bác sĩ Sasa, “giới tướng lĩnh đã tuyên chiến với chúng tôi và quân đội tự cho quyền giết người ! Vì thế chúng tôi phải chiến đấu chống chính quyền bất hợp pháp xuất phát từ cuộc đảo chính và tìm giải pháp thay thế chính quyền hiện tại”.

Theo Le Monde, dường như CRPH đã lập được mạng lưới hoạt động ở nhiều xã, thành phố lớn, nhờ phối hợp với giới công chức trong bộ máy quản lý hành chính ở các cấp địa phương. “Chiến tranh tiêu hao” chống tập đoàn quân sự bắt đầu hình thành, trước tiên là với “một chính phủ tạm quyền sắp được thông báo thành lập”, theo “Bác sĩ Sasa”. Trong giai đoạn 2, họ “sẽ thành lập một quân đội liên bang tập hợp mọi thành phần dân tộc khác nhau của Miến Điện”

Gương mặt đại diện ngoại giao mới của cuộc kháng chiến “kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ về chính trị, kinh tế”“ban hành trừng phạt nhắm vào các tướng lĩnh đang cầm quyền”. “Bác sĩ Sasa”  kêu gọi tổng thống Pháp Emmanuel Macron hỗ trợ cho “quân đội liên bang tương lai”, kêu gọi “tập đoàn dầu khí Total, đang có mặt ở Miến Điện, ngừng hợp tác kinh tế với chế độ”.Publicité

Kháng chiến: Nhiệm vụ khó khăn từ kế hoạch đến thực địa

Rất khó xác định được quy mô của CRPH trên thực địa. Ủy ban Đại điện Quốc Hội gửi thư kêu gọi các chính quyền địa phương gia nhập phong trào và không tuân lệnh của chính quyền được hình thành sau cuộc đảo chính. “Cuộc nổi dậy” sẽ cho thấy “sự đoàn kết của mọi nhóm dân tộc chống lại quân đội”. Một kế hoạch có vẻ lạc quan, theo nhật báo Le Monde, vì chưa bao giờ chính quyền quân sự hay dân sự tập hợp được cùng dưới một ngọn cờ 135 dân tộc của Miến Điện kể từ khi độc lập năm 1962.

Hoạt động của mạng lưới CRPH được giữ bí mật tuyệt đối và được tổ chức chặt chẽ : Ở mỗi cấp, một người chỉ biết duy nhất cấp trên trực tiếp của mình. Những người tham gia kháng chiến không gặp gỡ trực tiếp và chỉ trao đổi trên mạng xã hội… Hiện tại vẫn có nhiều băn khoăn về quy mô của tổ chức, về chiến lược lâu dài. Nhưng ít nhất, tại những địa phương đã có chi nhánh của CRPH, phần lớn người dân ủng hộ và tôn trọng những quyết định của CRPH, “rất nhiều công chức ngừng làm việc cho chế độ quân sự, mà thực chất là ngầm hoạt động cho CRPH”.

Không một nhà quan sát nào dám dự đoán bên nào sẽ thắng, nhưng “CRPH sẽ có nhiệm vụ rất khó khăn”, theo nhận định với Le Monde của một người ẩn danh tại Rangoon.

Miến Điện: Cách mạng váy và quần áo lót

Người biểu tình Miến Điện tiếp tục sử dụng những phong tục, tín ngưỡng để kháng chiến. Sau cách gõ xoong nồi thường được sử dụng để đuổi tà ma nhằm báo động người lạ hoặc cảnh sát đến bắt người vào ban đêm, họ làm “cách mạng longyi”, theo báo Libération.

Tín ngưỡng lâu đời này cấm đàn ông bước dưới trang phục mà phụ nữ mặc ở phần dưới cơ thể, vì sẽ mất sức mạnh nam tính và mọi bất hạnh sẽ đổ lên đầu họ. Tín ngưỡng này bây giờ là một cách đấu tranh của người dân. Gần như trên khắp cả nước, váy, quần, đồ lót của phụ nữ được giăng trên cao và “ngăn được đáng kể đà tiến của quân đội”, vì họ phải gỡ hết quần áo đó xuống. Nhờ vậy mà người biểu tình có thời gian chạy trốn, trong trường hợp xảy ra bạo lực.

Ðiểm Báo:

Giáo hoàng và chuyến tông du đoàn kết tôn giáo

Báo chí Pháp cũng không quên tổng kết chuyến tông du Irak của giáo hoàng Phanxicô từ ngày 05 đến ngày 08/03.

Le Monde thuật lại ngày làm việc thứ ba trong chuyến tông du của giáo hoàng ở Karakoch và Mossoul, hai thành phố bị tàn phá nặng nề nhất dưới tay của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong bài viết : “Tại Irak, giáo hoàng giữa đống hoang toàn mà Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo để lại”.

Còn theo bài xã luận, chuyến tông du là “thông điệp hy vọng của giáo hoàng tại Irak” sau thảm kịch tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo chiếm đến 1/3 diện tích quốc gia Trung Đông này vào tháng 06/2014, khiến hơn 120.000 giáo dân tại Mossoul, tỉnh Ninive phải sơ tán và vụ tàn sát, bắt cóc hàng chục nghìn người Yezidi. Ngoài ra, giáo hoàng Phanxicô còn kêu gọi sự bao dung, tính đa dạng, tư cách công dân và công lý từ giới chức chính trị và tôn giáo ở Irak.

Giải thích trong chuyến bay từ Irak trở về, giáo hoàng cho biết “phải tiến về phía trước với những tôn giáo khác”, dù tiến về phía Hồi Giáo sẽ cần đến “thời gian” và chấp nhận “rủi ro”, theo nhật báo Le Figaro trong bài viết : “Từ Irak trở về, giáo hoàng giải thích cử chỉ chìa bàn tay với Hồi Giáo”. Đối với giáo hoàng, việc ký văn kiện về “Tình bằng hữu của con người vì hoà bình thế giới”, cũng như gặp giáo chủ Al Sistani, là “một bước đầu” trên “con đường bác ái” của Giáo Hội và Hồi Giáo.

Nhật báo Công Giáo La Croix, trong mục “Tranh luận”, đưa ra hai ý kiến của hai chuyên gia.: Một người cho rằng giáo hoàng đã gieo được sự tôn trọng, đoàn kết và hy vọng. Còn một ý kiến khác cho rằng chính Nhà nước Irak cần cải tổ để có được hòa giải.

Covid-19: Pháp tăng tốc tuyên truyền tiêm chủng 

Le Monde nhắc lại chính phủ Pháp đã làm công tác truyền thông trong suốt cuối tuần vừa qua về mục tiêu “ít nhất 10 triệu người được tiêm chủng từ nay đến giữa tháng Tư” và 20 triệu người đến giữa tháng Năm.

Một chủ đề khác liên quan đến tiêm chủng được Le Monde nhắc đến là “Vac-xin: bác sĩ đa khoa trước nghi ngờ của bệnh nhân”. Họ phải thuyết phục được bệnh nhân sử dụng vac-xin của AstraZeneca. Đây là một công việc không phải dễ dàng, bác sĩ phải huy động từ uy tín đến khả năng thuyết phục. Vậy mà trong tuần 08-14/03, họ lại không nhận được những liều vac-xin cần thiết, vì vac-xin sẽ chỉ được dành cho các hiệu thuốc. Le Figaro phản ánh Nỗi tức giận của bác sĩ trước sự bê bối của chiến dịch tiêm chủng”.

Nhật báo kinh tế Les Echos nêu tình trạng ở vùng “Ile-de-France gần với mức báo động”, với số ca nhiễm mới không ngừng tăng từ hai tuần nay, số giường hồi sức còn trống đang giảm dần với gần 1.000 bệnh nhân. Một tuần gay go đang chờ trước mắt : khoảng 40% số ca phẫu thuật đã bị hoãn để có thêm được 1.600 giường hồi sức cho bệnh nhân Covid-19.

Hiện giờ, biến chủng Anh chiếm phần lớn số ca nhiễm trên toàn nước Pháp. Điều này đặt ra “những cái “bẫy” của biến chủng Anh ở bệnh viện”, theo bài viết của La Croix. Vì bệnh nhân Covid-19 ngày càng trẻ hơn trước, nghĩ là có sức khỏe tốt nên đôi khi họ thở khó khăn nhưng lại không nhận ra. Cho đến khi phải nhập viện, họ đã ở gần mức giới hạn khả năng của mình.

Tình hình tại nước láng giềng Ý cũng không khả quan, “Ý lại sắp bị phong tỏa”, theo Les Echos. Quốc gia bị dịch tác động nặng thứ hai tại châu Âu vượt ngưỡng 100.000 người chết. Số ca nhiễm mới lại tăng trở lại, từng vượt con số 142.000 ca trong vòng 24 giờ. “Phong tỏa” như là một từ “húy” từ mùa hè 2020 để tránh làm mất tinh thần người dân, giờ trở thành khó tránh khỏi, dù chính phủ tăng cường biện pháp hạn chế ở những vùng dịch nghiêm trọng.

Samuel Paty, nạn nhân của một lời nói dối giết người”

Một chủ đề thời sự Pháp khác được chú ý là vụ sát hại nhà giáo Samuel Paty có thêm tình tiết mới. Theo Le Figaro, “Samuel Paty, nạn nhân của một lời nói dối giết người”.

Lời nói dối đó lại do chính học sinh của ông đưa ra. Nữ sinh 13 tuổi, học trò của ông, không có mặt trong buổi dạy về tự do ngôn luận mà một trong những minh họa được giáo viên Paty đưa ra là tranh châm biếm nhà tiên tri Mohammed. Từ lời nói dối vì sợ bị bố phạt, học sinh này đã khơi mào cho cả một chiến dịch phỉ báng, đe dọa nhà giáo trên mạng xã hội và kết cục là ông bị một thanh niên xa lạ, cuồng tín, đâm chết.

Meghan Markle “tính sổ” với hoàng tộc Anh

Cuộc phỏng vấn Harry và Meghan, được đài truyền hình Mỹ CBS phát vào ngày 07/03, được báo chí Pháp nhận định như một vụ tính sổ của Meghan với Điện Bukingham.

Meghan Markle cho rằng cô từng là nạn nhân kỳ thị chủng tộc, là “tù nhân” ngay trong hoàng gia Anh, trước khi sinh con trai đầu lòng. Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Mỹ, Oprah Winfrey, cũng là bạn thân của cặp đôi Harry/Meghan, được chọn để họ thổ lộ “chuyện thâm cung bí sử”, mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa nữ diễn viên Mỹ và hoàng gia Anh.

Trên trang nhất, Le Monde đưa tin “Điện Burkingham dưới ngọn lửa cáo buộc” và coi “Harry và Meghan là cơn bão hoàng gia mới” trong bài viết bên trang trong. Bài phỏng vấn Meghan Markle “ làm hoàng tộc Anh choáng váng”, theo nhật báo kinh tế Les Echos. Tương tự, La Croix đưa tin “hoàng tộc Anh bị lay chuyển vì cáo buộc phân biệt chủng tộc của Harry và Meghan”. Hiện tại, hoàng gia Anh vẫn chưa lên tiếng về những tiết lộ trên.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210309-diem-bao-mien-dien-truong-ky-khang-chien-de-lat-do-tap-doan-quan-su