Miến Điện: 1,000 người giữ an ninh cuộc vận động tranh cử của bà Aung San Suu Kyi tại Rakhine

Cac Bai Khac

No sub-categories

Miến Điện: 1,000 người giữ an ninh cuộc vận động tranh cử của bà Aung San Suu Kyi tại Rakhine

Bà Aung San Suu Kyi đi vận động tranh cử tại Thandwe, Miến Điện, ngày 16/10/2015. Reuters/Soe Zeya Tun

Theo RFI – Thụy My – 16-10-2015

Bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch đảng đối lập có nhiều hy vọng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới, hôm nay 16/10/2015 vận động tranh cử tại miền tây bắc Miến Điện. Hoạt động này diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh cao độ, trước sự thù địch của phe Phật giáo cực đoan đang có nhiều ảnh hưởng tại khu vực đã xảy ra nhiều vụ bạo động chống người Hồi giáo.

Tổng cộng có hơn 1.000 người được huy động để giữ an ninh, theo ông Win Naing, đại diện của Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ (LND) ở bang Rakhine sau lời đe dọa của phe Phật giáo cực đoan, khuyến cáo nhà đối lập không nên đến vận động tranh cử.
Sau khi đến Thandwe, bà Aung San Suu Kyi vẫn tươi cười vẫy chào đám đông như thường lệ, từ chiếc xe mui trần sơn màu cờ của LND. Bà được những người ủng hộ vỗ tay, phất cờ chào đón.
Các đại diện địa phương của LND cho biết đã tiến hành « thương lượng » để chuyến đi của bà Aung San Suu Kyi được êm thấm, và bà có thể phát biểu trước công chúng.
Nhà đối lập từng bị tập đoàn quân sự quản thúc suốt 15 năm, được nhiều người đặt hy vọng sẽ hình thành một « chính phủ trong sạch », không xuất thân từ quân đội như chính quyền chuyển tiếp hiện nay.
Bà Aung San Suu Kyi bị những người cực đoan theo đạo Phật coi là một nhân vật thân Hồi giáo, trong khi bà bị phương Tây chỉ trích về sự im lặng trước thảm kịch của người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi sống tại bang Rakhine. Sắc tộc thiểu số này là nạn nhân của các cuộc bạo động đẫm máu đã làm trên 200 người chết kể từ năm 2012.
Đảng LND cũng như hơn 90 đảng phái khác tham gia tranh cử đều không có các ứng cử viên đạo Hồi trong danh sách để né tránh rủi ro. Tuy nhiên bà Aung San Suu Kyi vẫn dành chuyến đi ba ngày thăm thành phố Thandwe và miền nam bang Rakhine, dù không đi đến tận thủ phủ Sittwe của bang này.
Trên 140.000 người Hồi giáo vẫn đang sống tại các trại tị nạn ở Rakhine sau các vụ nổi dậy năm 2012. Họ không có được các quyền cơ bản như chăm sóc y tế, giáo dục và lao động, và dù dân số lên đến gần một triệu, người Rohingya vẫn không có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lịch sử ngày 8 tháng 11 tới.