Máy bay TC ra Trường Sa gây áp lực Đại hội Đảng
Máy bay TC đáp xuống sân bay thiết lập trên Đá Chữ Thập ngày 6/1/2016. – AFP
Một biến chuyển đặc biệt – Nam Nguyên, phóng viên RFA – 2016-01-09
Trong bối cảnh Việt Nam bận rộn tổ chức Đại hội Đảng, việc TC ngày 2 và 6/1 đưa ba máy bay đáp xuống sân bay thiết lập trên Đá Chữ Thập, được xem là một biến chuyển rất đặc biệt.
Theo TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ hiện nghỉ hưu ở Hà Nội, những hoạt động của TC dù ngụy biện là hoạt động dân sự nhưng đã không thể che lấp mục đích quân sự hóa ở 7 đảo nhân tạo mà TC xây dựng trái phép ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. TC đã thiết lập tới 3 đường băng, mổi đường dài tới 3.000 mét đạt tiêu chuẩn cho các phi cơ quân sự tối tân nhất. Những sự kiện này rõ ràng bộc lộ quyết tâm, chủ trương của TC trong việc từng bước một sử dụng sức mạnh quân sự và các cơ sở quân sự để khống chế tiến tới mục tiêu độc chiếm biển Đông, trước hết là đe dọa an toàn hàng hải, hàng không qua biển Đông, gây quan ngại lớn trong dư luận Việt Nam và Thế giới. TS Trần Công Trục tiếp lời:
Tôi nghĩ rằng đó không chỉ là sự đe dọa đến quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Trường sa cũng như các vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền, có quyền theo công ước luật biển; mà nó còn đe dọa đến lợi ích chung của khu vực và quốc tế. -TS Trần Công Trục
“Tôi nghĩ rằng đó không chỉ là sự đe dọa đến quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Trường sa cũng như các vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền, có quyền theo công ước luật biển; mà nó còn đe dọa đến lợi ích chung của khu vực và quốc tế, đặc biệt vấn đề hàng hải và hàng không, cả về an ninh quốc phòng và có thể gây ra đụng độ. Nếu không kiểm soát được có thể dẫn đến va chạm nổ súng, nguy cơ xảy ra chiến tranh trong khu vực. Tôi nghĩ vậy, việc Trung Quốc điều máy bay xuống đây, rõ ràng là việc họ tính toán từ lâu bởi vì việc họ tôn tạo xây dựng trên các thực thể ở đây không phải chỉ là vấn đề chính trị mà chính là họ xây dựng những căn cứ quân sự rất là mạnh, để thực hiện mục đích của họ. Việc lần này họ bất chấp tất cả những phản ứng dư luận quan tâm lên án của các nước lớn, như Hoa Kỳ và các nước khác trong khu vực, họ tiến hành các hoạt động. Theo tôi đây có thể là tín hiệu mở màn cho giai đoạn mới của chiến dịch rất lớn mà họ muốn thực hiện nhanh chóng, để độc chiếm biến đông làm chủ biển đông theo mưu lược đặt ra từ lâu.”
Trong khi đó, Học giả Đinh Kim Phúc thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, hiện sống và làm việc tại Saigon cho rằng hành động của TC hoàn toàn đi ngược lại những gì họ nói:
“Việc Trung Quốc từng bước lấn chiếm trái phép, xây dựng đảo nhân tạo rồi đưa máy bay vào Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định rằng âm mưu bá quyền độc chiếm biển Đông của Trung Quốc không bao giờ thay đổi. Điều đó đánh động cho tất cả những ai còn ảo tưởng cho tình hữu nghị hòa bình đồng chí với Trung Quốc.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê hải Bình hôm 6/1 đã phản đối việc TC thực hiện bay thử nghiệm ra Đá Chữ Thập. Đồng thời Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đã thông báo cho Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế ICAO về việc máy bay TC đi vào vùng thông báo bay FIR HCM vào ngày 2 và 6/1/2016 mà không hề liên lạc với Trung tâm kiểm soát đường dài HCM mà Việt Nam quản lý. Việc này vi phạm qui định của ICAO cũng như của Việt Nam và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay trong khu vực.
Học giả Đinh Kim Phúc nhấn mạnh tới việc Việt Nam và các nước cần thay đổi cách đối phó với TC khi nước này leo thang các hành động phi pháp trên biển Đông. Ông nói:
“Việc Trung Quốc hôm 6/1 đưa hai phi cơ đáp xuống Đá Chữ Thập không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các cam kết mà các lãnh đạo Nhà nước Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã hô hào, đây là việc đặc biệt nghiêm trọng đe dọa đến an toàn bay vùng thông báo bay FIR HCM mà Việt Nam quản lý, không những đối với hàng không của Việt Nam, của các nước Đông Nam Á mà nó còn đe dọa an toàn hàng không của tất cả các nước trên thế giới, nhất là những quốc gia có đường bay vào Đông Nam Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ…Tôi cho rằng đây là hành động nghiêm trọng không thể phản ứng yếu ớt chiếu lệ như thời gian vừa qua là cực lực lên án, quan ngại…mà chúng ta phải tố cáo ra cộng đồng quốc tế, hoặc kêu gọi tất cả các nước phải tỏ thái độ với Trung Quốc vấn đề đe dọa an toàn bay như ngày 6/1 vừa qua.”
Đúng thời cơ?
Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ TS Trần Công Trục phân tích, từ đầu thế kỷ 20 trong quá trình tiến xuống biển Đông, TC luôn tính đến tình hình chính trị xã hội, sự cân bằng sức mạnh của từng quốc gia một cũng như trong khu vực. TC lợi dụng các thời cơ cụ thể về tình hình quốc tế, các khu vực các điểm nóng trên thế giới để hành xử. Riêng đối với Việt Nam, TS Trần Công Trục nhấn mạnh:
“Ai cũng biết rằng Việt Nam đang tập trung hết mọi khả năng cần thiết để đảm bảo cho sự thắng lợi của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12. Rõ ràng đấy là một trong những thời cơ lợi dụng, để Trung Quốc tiếp tục làm mạnh hơn nữa, rút ngắn thời gian để họ nhanh chóng đạt được mục tiêu cuối cùng của họ là khống chế độc chiếm biển Đông, nơi có những lợi ích đan xen của các quốc gia trong khu vực.
Ai cũng biết rằng Việt Nam đang tập trung hết mọi khả năng cần thiết để đảm bảo cho sự thắng lợi của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12. Rõ ràng đấy là một trong những thời cơ lợi dụng, để TC tiếp tục làm mạnh hơn nữa. -TS Trần Công Trục
Rõ ràng từ đầu năm đến nay họ đã triển khai rất nhiều mũi tiến công liên quan đến hoạt động trên biển Đông. Vấn đề quân sự hóa các thực thể lấn chiếm trên biển Đông họ đang làm ráo riết. Ngoài ra họ đưa các dàn khoan xuống khu vực biển Đông, hoặc cách họ hành xử với ngư dân Việt Nam đánh cá ở các vùng biển đó và trên dư luận thì họ tiếp tục đưa ra quan điểm để khẳng định là họ có chủ quyền từ lâu đời. Thậm chí họ tố cáo là các nước khác trong đó có Việt Nam đã đánh chiếm các đảo mà họ nói là họ có chủ quyền đó và họ để ngỏ khả năng là có thể chiếm lại bất kỳ lúc nào.”
Chúng tôi nêu câu hỏi với Học giả Đinh kim Phúc là có sự liên quan giữa việc TC gia tăng các hoạt động trên biển Đông và thời điểm nội bộ Việt Nam chuẩn bị Đại Hội Đảng lần thứ 12 hay không. Học giả Đinh Kim Phúc nhận định:
“Nhìn lại mối quan hệ từ khi Việt Nam bình thường hoá với Trung Quốc từ 1990, chúng ta thấy rõ rằng cứ mỗi một lần Việt nam Đại hội Đảng hay tổ chức bầu cử các cấp từ Quốc hội tới Hội đồng Nhân dân, thì Trung Quốc thường có những động thái gây áp lực tạo sự cố để cho một ai đó thấy rằng Trung Quốc vẫn có tiếng nói, vẫn có quyết định nào đó đối với nội bộ lãnh đạo Việt Nam. Sự kiện đầu tháng Giêng vừa qua chúng ta thấy rõ rằng bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc đã bắn tiếng không thể buông vai trò của Trung Quốc đối với hoạt động của giới lãnh đạo Việt Nam. Nhưng mà ở đây các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nói rõ rằng Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, không này…không kia, nhưng rõ ràng trong phiên họp cuối năm của Chính phủ Việt Nam Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rất rõ bảo vệ độc lập chủ quyền theo biện pháp hòa bình phù hợp với công pháp quốc tế, kêu gọi các nước ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam không để cho nước khác can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, thì chúng ta thấy rõ rằng hành động đáp hai chuyến bay xuống Đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam là để đáp lại tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.”
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 21 tới 28/1/2016, trong thời gian trước đó là Hội nghị Trung ương 14 và tiếp theo là Hội nghị Trù bị. Nếu chỉ căn cứ vào những thông tin dòng chính mà thôi, thì đã có thể thấy vấn đề nhân sự 4 vị trí cao cấp nhất gọi là tứ trụ, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và chủ tịch Quốc hội có sự tranh chấp quyết liệt. Những luận cứ mà TS Trần Công Trục và Học giả Đinh Kim Phúc mà chúng tôi vừa trình bày thể hiện rõ nét mưu lược của TC đối với vấn đề biển Đông, giữa bối cảnh Việt Nam sắp có một ban lãnh đạo mới cho Đảng và Nhà nước