Mặt thật của các tổng biên tập

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mặt thật của các tổng biên tập
Hồi ký Lê Phú Khải
 
Đó là sau chuyến đi Paris năm 2001, vào khoảng cuối năm 2002, Đài TNV với một thể chế dân chủ thì báo chí luôn là tiếng còi cảnh báo, là một yếu tố quan trọng trong “bảo hiểm chính trị” của nhân dân đối với chính phủ, không thể có những hiện tượng như Vivashin, Vinaline, Bauxite rồi lại “tái cấu trúc” những tội ác đó, nếu có báo chí tự do, có tam quyền phân lập, có quốc hội thực sự do dân bầu ra.
Sau hòa bình 1975, tôi vô Sài Gòn, đến Việt Tấn xã của chế độ cũ, “ôm” được một số tài liệu về báo chí, trong đó có những cuốn giá trị như cuốn: “ký giả chuyên nghiệp” (The Professional Journalist) của John Hohemberg (bản dịch của Lê Thái Bằng và Lê Đình Điểu) hơn 600 trang.
John Hohemberg là giáo sư báo chí học của trường cao học báo chí, Viện Đại học Columbia, New York. Ông là thư ký ủy ban cố vấn các giải thưởng Pulitzer do Viện Đại học này quản trị. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách chuyên về báo chí. Trước khi là giáo sư, John Hohemberg đã từng là ký giả hơn 25 năm hoạt động ở Hoa Kỳ và ngoại quốc, ông cũng từng qua nhiều thành phố ở Viễn Đông và Đông Nam Á.
Tôi đọc say mê cuốn sách này, dùng nó làm tài liệu tham khảo để giảng dạy và viết cuốn “Nhà báo-Anh là ai?” xuất bản năm 2004 (NXB Thanh Niên). Dĩ nhiên là chỉ dùng “ký giả chuyên nghiệp” làm tham khảo, không thể bê nguyên văn vì các lớp báo chí đều có sự theo dõi của ngành an ninh.
Trong cuốn “Ký giả chuyên nghiệp”, John Hehemberg dẫn ra lời của Joseph Pulitzer, một trong những ký giả danh tiếng nhất của làng báo chí Hoa Kỳ, như sau: “Thế nào là một ký giả? Đó không phải là một nhà quản lý kinh doanh hoặc một người xuất bản và cũng không phải là một sở hữu chủ trong ngành báo chí. Một ký giả là một người canh chừng trên chiếc cầu của con thuyền nhà nước. Anh ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi cần phải chú ý ở chân trời trong khi thời tiết còn tốt. Anh tường thuật những cái gì đang nổi lềnh bềnh mà chiếc tàu có thể cứu vớt được. Anh xuất hiện qua sương mù và bão tố để dẫn đầu và báo trước những hiểm nguy; Anh không nghĩ đến tiền lương của anh hoặc đến số lời của ông chủ anh. Anh ở đó để coi chừng an ninh và hạnh phúc của nhân dân tín nhiệm ở nơi anh” (Trang 5 sách đã dẫn).
Nếu báo chí được làm cái việc “dẫn đầu trong việc báo trước những hiểm nguy như Pulitzer viết thì Việt Nam không có những Vinashin. Báo chí trong chế độ toàn trị, độc đảng chỉ là công cụ để minh họa cho đường lối của kẻ cầm quyền, nói đúng hơn là công cụ đắc lực để lừa mị dân. Vì thế, cứ nhìn vào cơ cấu quyền lực của Đảng cầm quyền thì thấy rõ, chỉ có hai ngành Công an và Tuyên huấn (để lãnh đạo báo chí, tư tưởng) là có ghế trong cơ quan quyền lực tối cao là Bộ Chính trị. Những người đứng đầu các ngành y tế, giáo dục, liên quan đến đời sống của nhân dân cả nước thì chưa bao giờ được bén mảng đến cái ghế Uy viên Bộ Chính trị. Đàn áp và lừa dối, đó là nguyên tắc cai trị của chế độ toàn trị. Các chế độ toàn trị tồn tại được nhờ hai gọng kìm này, và bị loại bỏ cũng vì nguyên tắc cai trị này. Nếu muốn tồn tại, chỉ có cách thực sự đổi mới.
Trong xã hội toàn trị, các tổng biên tập đài báo là người được đảng cầm quyền giao cho việc cai quản các phương tiện truyền thông này ở các cấp, các ngành, để minh họa và đánh lạc hướng dư luận. Những chương trình như “Ai là triệu phú”, “Trò chơi âm nhạc” trên truyền hình VN hiện nay là để đánh lạc hướng thanh niên, để thanh niên quên đi Hoàng Sa, Trường Sa đang bị quân Tàu xâm lược (!), quên đi nạn tham nhũng đang tàn phá đất nước.
Khi cái quái thai “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ra đời, thì các tổng biên tập vớ bẫm nhất. Họ vẫn dùng tờ báo để minh họa, để lừa mị, để giữ ghế, song bên cạnh đó họ còn lợi dụng vũ khí cực kỳ sắc bén này để kiếm ăn, để làm giàu. Các ông chủ quốc doanh muốn che giấu các phi vụ tham nhũng của mình phải tìm cách đấm mõm các Tổng biên tập để tránh bị khui ra các vụ bê bối.
Ngay từ năm 1994, tôi nhận được lá thư của anh Nguyễn Đình Ấm, một người tôi chưa quen biết bao giờ, làm việc ở ngành hàng không Việt Nam, tố cáo ông Nguyễn Hồng Nhị phụ trách ngành hàng không lúc đó đã truy bức anh chỉ vì anh dám viết bài phê bình các phóng viên Đài Truyền hình VN sang vòi tiền ngành hàng không. Ông Nhị truy bức anh vì chủ trương của ông Nhị là mua chuộc báo chí. Khi bị truy bức, anh đi gõ cửa các báo thì các tòa soạn báo chí ở Hà Nội đều làm ngơ, “vì các Tổng Biên tập ấy dù ít, dù nhiều đều đã mang ơn ông Nhị qua các xuất biên chế, đi Tây đi Tàu, phong bì quà cáp, vé máy bay… ”. Mười bảy năm sau tôi mới gặp người viết lá thư đề ngày 15. 10. 1994 đó tại Hà Nội. Anh Ấm bây giờ là một blogger “lề trái” có nhiều độc giả.
Khi các nhóm lợi ích trong đảng cầm quyền chia rẽ, đánh nhau thì họ lập tức nắm lấy một vài tờ báo, đài phát thanh truyền hình để công kích, hạ thủ nhau. Các Tổng biên tập là người hốt bạc trong các cuộc xung đột này. Kẻ bị đánh phải chạy vạy, đút lót, người bật đèn xanh cho họ múa may thì cưng chiều họ, nâng đỡ họ.
Tổng Biên tập báo Đại Đoàn kết Lê Quang Trang dùng tờ báo của mình để bênh vực, ăn chia với các quan tham ở Đồ Sơn trong vụ bê bối đất đai ở đây ồn ào dư luận cả nước một thời. Lê Quang Trang bị cách chức, về hưu. Hai vợ chồng anh ta ôm tiền vào Sài Gòn mua nhà ở Phú Mỹ Hưng và định cư ở Miền Nam. Vậy mà anh ta lại được cơ cấu làm Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, vì thế phải cơ cấu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN (!). Đảng sẵn sàng “bỏ qua” tội lỗi của anh và cần một nhà văn ngoan ngoãn, “biết lỗi” và tận trung với Đảng trong lúc đang suy yếu và có rất nhiều “thế lực thù địch” xuất hiện ngay trong hàng ngũ các nhà văn quốc doanh.
Tôi gặp ông Tổng biên tập này tại Trường Đại học Văn Lang TPHCM. Ông đến dậy ở khoa quan hệ công chúng ở trường cùng với tôi. Ông dậy môn chính trị để tiếp tục lừa bịp thế hệ trẻ. Thấy ông xúng xính quần là, áo lượt, giầy da bóng loáng, tôi phải tránh xa. Ít lâu sau, hết một hợp đồng, tôi bỏ không dậy nữa, mặc dù vẫn được nhà trường mời vì sợ bị “ngộ độc” khi gặp những nhà văn như Lê Quang Trang!
Phóng viên ảnh của Thông tấn xã VN là nhà báo HH, thường trú tại Matxcơva kể với tôi rằng, khi ông Hồng Vinh là phóng viên báo Nhân Dân sang Liên Xô học, đã đến gặp anh và đề nghị để anh ta bỏ tiền ra làm một bữa cơm, nhờ HH mời Tổng Biên tập báo Nhân dân Hồng Hà, đang công tác ở Liên Xô đến cùng ăn. Anh ta than phiền với HH: Tuy ở báo Nhân Dân nhưng thân phận một phóng viên, anh chưa bao giờ được trực tiếp gặp TBT Hồng Hà. Đây là dịp hiếm có để làm thân, nhờ HH giúp! HH nói với tôi: – Thằng cha này kỳ quá, việc gì phải thế. Bữa đó tôi bỏ tiền ra mời cả hai vị!
Do đã có dịp gặp gỡ Hồng Hà, khi về nước Hồng Vinh quà cáp thường xuyên và bám gấu Hồng Hà nên anh được cất nhắc lên trưởng ban. Nhà báo MTL, một cán bộ cấp cao của Đài TNVN, có nghiệp vụ báo chí cao nên ông luôn được mời làm giám khảo các cuộc chấm giải báo chí toàn quốc hàng năm. Có lần anh MTL vô Sài Gòn than với tôi: Thằng Hồng Vinh tư cách kém lắm, kỳ chấm giải báo chí nào nó cũng gọi điện xin tao cho nó được giải để “kiếm ít vốn chính trị”!
Cái thằng “tư cách kém lắm” ấy đã lên Tổng Biên tập báo Nhân Dân và vô Trung ương lúc nào không hay, đến thầy của nó là nhà báo MTL cũng phải sững sờ (!).
Lên Tổng Biên tập rồi, Hồng Vinh hăm hở vào TPHCM mở cuộc họp cộng tác viên, mời cả Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang, Ủy viên BCT dự. Tôi cũng được mời đến 40 Phạm Ngọc Thạch, trụ sở báo Nhân Dân lúc đó, với tư cách là cộng tác viên lâu năm của Nhân Dân và đang viết cho các báo về đề tài ĐBSCL. Tôi đến gặp anh em đông vui, trò chuyện cởi mở. Hồng Vinh khoe: – Tôi mời cả anh Tư Sang và hết cuộc họp mời cả anh Tư và các anh đến khách sạn liên hoan. Tôi can ngay: – Anh Tư với tư cách là Bí thư Thành ủy, ủy viên BCT sẽ không bao giờ đến liên hoan ở khách sạn cả. Nếu anh muốn anh Tư dự cơm và có thời gian để trò chuyện với anh em cộng tác viên của báo ND thì anh gọi điện nói khách sạn đưa thức ăn đến đây!
Hồng Vinh trợn mắt:- Tôi đã mời thì nhất định Bí thư Thành ủy sẽ đến (!)
Khi cuộc họp kết thúc, Hồng Vinh mới nói hết câu “mời anh Tư ra khách sạn liên hoan” thì Bí thư Trương Tấn Sang cáo bận và xách cặp đứng dậy ra về ngay.
Khi tới một khách sạn sang trọng ở Quận 1 Sài Gòn, mới bước vô, Hồng Vinh đã bị lóa mắt vì các em tiếp viên váy ngắn, chân dài. Anh ta sà vào đám tiếp viên, không thèm ngó ngàng gì đến đám cộng tác viên cả. Tôi đến trước mặt anh và nói:-Anh mời chúng tôi đến đây để nghe-nhìn anh tán các em tiếp viên phải không?, sau đó tôi bỏ ra về.
Khi Hồng Vinh đi vận động tranh cử Quốc hội tại Cần Thơ đã cho Phan Huy, tức “Huy cá rồ” đang làm Trưởng cơ quan đại diện của báo Nhân Dân tại đây đi tháp tùng và nhờ “Huy cá rồ” lăng-xê mình trước cử tri. Ông Sáu Phan nói với tôi:- Đồng bào Cần Thơ vốn rất ghét Phan Huy vì những “thành tích” của ông ta nên ghét luôn cả Hồng Vinh. Ảnh Hồng Vinh trong danh sách ứng cử viên quốc hội dán ở các nơi bị cử tri khoét mắt! Sở dĩ ở Cần Thơ người ta ghét nhà báo Phan Huy vì ở chỗ nào có ăn là anh ta có mặt. Tôi đã chứng kiến một chuyện chết cười về “Huy cá rồ”. Hôm đó, Đài TNVN có tổ chức một cuộc họp quan trọng ở Cần Thơ, chủ trì là Tổng Giám đốc Trần Mai Hạnh, vừa trúng ủy viên trung ương khóa 8. Nghe hơi Hạnh mới lên quan to, Huy lần tới, với tư cách Trưởng đại diện báo ND tại Cần Thơ, Huy mời Hạnh đi ăn tiệc. Cuộc đi có cả Đào Quang Cường, giám đốc cơ quan thường trú Đài TNVN tại TPHCM, Nguyễn Hồng Quang, Trưởng Đại diện Truyền hình VN tại Cần Thơ. Lúc đi, giám đốc Cường rủ tôi cùng đi, ông nói: Hôm nay Phan Huy mời ông Hạnh, mời cả tôi, anh đi với tôi. Dĩ nhiên là tôi không bao giờ đi vì còn lạ gì Phan Huy. Sau bữa tiệc, về đến khách sạn, Cường chửi ầm lên:- Hôm nay bị một bữa xấu hổ muốn tự sát luôn! Tôi hỏi, vì sao? Cường kể với tôi và mọi người: Phan Huy dẫn cả bọn tới một nhà hàng tư nhân sang trọng, gọi đủ món, cả rượu Tây nữa. Lúc chủ quán tính tiền, Phan Huy giới thiệu: – Đây là anh Trần Mai Hạnh, Ủy viên trung ương Đảng, giới thiệu đến lần thứ hai mà chủ quán vẫn tính tiền. Tất cả hơn 2 triệu, mọi người phải gom tiền vào để trả. Thấy bẽ bàng quá, ông Hạnh phải rút một cọc tiền ra trả!
Mọi người đã lăn ra cười. Tôi hiểu Phan Huy muốn dùng cái chức Ủy viên trung ương Đảng của Hạnh để dọa tay chủ quán là tao chơi cả với trung ương, mày liệu hồn, đồng thời cũng muốn “ăn quỵt” và ra oai với mọi người tao là “Anh Hai” ở cái đất Cần Thơ này. Nào ngờ!!!
Vậy mà về hưu rồi Phan Huy lại được cơ cấu làm Chủ tịch Hội văn nghệ TP Cần Thơ. Với tư cách này, anh ta vừa đánh trượt bài thơ “Trăng nghẹn” của Hoài Tường Phong, đã được chọn là bài thơ hay nhất của ĐBSCL do Hội Văn nghệ Cần Thơ tổ chức và trao giải, gây bất bình trong giới văn nghệ Cần Thơ. Gần đây tôi gặp nhà thơ Lê Chí, cây bút nổi tiếng của Đồng bằng:- Tỉnh Cần Thơ các anh hết người rồi hay sao mà lại phải để một nhà báo xứ Nghệ, chuyên đi ăn xin làm chủ tịch Hội Văn nghệ của thành phố trung tâm của cả đồng bằng? Lê Chí không nói gì, ánh mắt của ông như muốn trả lời, “chúng tao không thèm làm (!)”.
Phan Huy vẫn được đảng tin dùng như thế, còn Hồng Vinh thì hết nhiệm kỳ trung ương, anh ta lại vào Hội đồng lý luận trung ương!!!
Nhưng nếu phải chọn một ông Tổng Biên tập thật điển hình cho thời kinh tế thị trường định hướng XHCN ở VN thì phải chọn ông Nguyễn Công Khế, TBT Báo Thanh Niên.
Tôi đã bị Nguyễn Công Khế lừa một vố đau. Do là vào cuối năm 2002 Đài TNVN có một bản tổng kết năm gửi cho cơ quan thường trú tại TPHCM và các đơn vị trực thuộc Đài. Đọc bản tổng kết đó người ta thấy thành tích to lớn mở rộng cơ quan thường trú của Đài trên thế giới. Rồi còn có cả một công văn của Phó Tổng GĐ Kim Cúc ca ngợi công lao của TGĐ Trần Mai Hạnh từ khi về Đài năm 1996 gửi đi khắp nơi.
Biết rõ mười mươi cái gọi là “mở rộng” cơ quan thường trú của Đài TNVN nên tôi viết bài nhan đề “Chuyện ông Trần Mai Hạnh ở Paris”, gửi đích danh Trần Công Khế, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, một tờ báo mà một người ngu ngơ như tôi cho là tích cực chống tiêu cực. Một người bạn ở Báo Thanh Niên cho tôi hay, TBT Khế đã đọc bài đó và OK!
Bản thảo bài báo đó tôi còn giữ đến bây giờ, nguyên văn:
Chuyện ông Mai Hạnh ở Paris
Vừa qua, tôi có đến Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương làm việc. Các anh trong Ban Lãnh đạo đài Bình Dương bảo tôi: Đài Tiếng nói VN (TNVN) cò nhiều cán bộ tốt lắm. Chúng tôi ra làm việc với Đài, thấy nhiều cán bộ cấp trưởng ban (tương đương vụ trưởng) vẫn còn cọc cạch xe đạp đi làm, mà làm việc rất tận tâm, lại là nhà báo, nhà văn có tên tuổi nữa.
Là một phóng viên của Đài TNVN 27 năm có lẻ, mới được nghỉ hưu từ 1.5.2002, nghe được những lời như thế của đồng nghiệp, tôi không khỏi vui trong lòng, nhất là trong lúc này. Tôi phải nói thêm rằng, chẳng những nhiều đồng chí trưởng ban của Đài TNVN mà còn nhiều phóng viên, ở Hà Nội cũng như ở các cơ quan thường trú của Đài ở nhiều vùng trong cả nước, đã lặn lội ngày đêm để “canh sóng” cho Đài. Họ không quản bão tố, lũ lụtđể đến tận những nơi hang cùng, ngõ hẻm đưa một cái tin, viết một phóng sự nhằm nâng cao chất lượng phát thanh. Và, hàng tháng vẫn nhận một đồng lương rất khiêm tốn theo qui định của nhà nước, có người phải “viết thêm” cho các báo để tăng thu nhập! Thật là không công bằng với các cán bộ của Đài TNVN như thế, bên cạnh sự chi tiêu tiền của từ ngân sách nhà nước một cách vô tội vạ của một số cán bộ lãnh đạo Đài mà điển hình là ông Trần Mai Hạnh và ê-kíp, như các ông Vũ Văn Khánh, trưởng ban kế hoạch tài vụ của Đài, các ông ở văn phòng Đàiv.v. Những gì mà một phóng viên thường trú tận xa như tôi biết được, đủ nói lên điều đó. Đầu năm 2001, tôi có việc riêng qua Paris thăm người chú ruột, tôi có đến Cơ quan Thường trú của Đài TNVN tại Pháp ở 5. Rue de Tremple Villeneuve la Garrenne 923.90, thuộc vùng ven Paris. Đó là một khu phố sang trọng của những người có tiền. Ngôi nhà mà cơ quan thường trú của Đài mới mua là một villa nhỏ, có sân trước và vườn sau rất đẹp. Thấy tôi khen nhà và xe con của cơ quan sang trọng, anh Trần Kim Thâu, Trưởng Cơ quan Thường trú nói ngay: “Không cần thiết, lãng phí ngân sách”. Thời buổi này thiếu gì những phương tiện lấy tin mà phải mua một cái nhà đến 230.000 đô la thế này! Còn máy móc nữa. Có làm nhiều tin, bài cũng lấy chỗ đâu mà phát v.v. và v.v…
Cả cơ quan chỉ có 2 người, anh Thâu là trưởng, lái xe giỏi, nói tiếng Pháp khá giỏi, từng trải và đã công tác ở nước ngoài nhiều năm. Anh Thâu còn là người rất trung thực và thẳng thắn, anh sẵn sàng nói rõ suy nghĩ của mình. Buổi tối, anh xếp cho tôi ở riêng một phòng khá lịch sự, xưa nay vẫn bỏ không ở trên lầu 1. Tôi thật thà hỏi:- Chắc sếp Hạnh sang đây cũng ở phòng này!? Anh lắc đầu, nói: -Sếp ở khách sạn sang trọng tại Paris chứ đâu có ở đây bao giờ (!?) (Từ nơi cơ quan đóng vào Paris chừng 10 km). Sáng dậy, xuống tầng trệt nấu mì ăn sáng, tôi thấy cái bếp điện của cơ quan quá tồi tàn, lại thật thà hỏi:- Nhà ông chú tôi nghèo thế, ở tận quận 19 dành cho người nghèo mà tôi thấy cái bếp điện cũng không đến nỗi tồi tệ thế này! Sao cơ quan ta nhà đẹp, xe sang mà lại phải đun nấu bằng cái bếp thế này?! Anh Thâu lại cau mặt nói:- Ở Pháp, người bán nhà phải thuê người đem bếp cũ vứt đi, vì chủ mới không ai lại xài bếp cũ, vậy mà ông Khánh (trưởng ban Kế hoạch- Tài vụ của Đài) thì lại mua lại của chủ cũ với giá gấp hai lần cái bếp mới để chúng tôi dùng đó (!) Anh tính có “giỏi” không? Tiền ngân sách mà!!!
Tôi về nước và tìm hiểu, được biết rằng từ khi ông Hạnh về làm TGĐ Đài TNVN, từ 1995, ông đã cùng ê-kíp của mình còn mua và thuê nhà ở Băng Cốc, Bắc Kinh, Matxơcơva và đang chuẩn bị để mua nhà ở Le Caire(Ai Cập) làm cơ quan thường trú một cách không cần thiết như chính người đi thường trú là anh Thâu đã nói. Và, tất nhiên là ê-kip của ông đã kéo nhau đi các nước mua và thuê nhà với giá như đã mua cái bếp điện ở Paris. Chỉ trong một thời gian ngắn, ê-kip của ông Hạnh đã giàutấng lên. Ông Khánh, Trưởng ban Tài vụ có 2 con đi học ở nước ngoài!
Cách đây hơn 1 tuần, bà Kim Cúc, Phó Tổng GĐ Đài TNVN còn ký hẳn một công văn gửi cán bộ công nhân viên của Đài từ Bắc chí Nam ca ngợi những đóng góp to lớn của ông Trần Mai Hạnh từ khi ông về Đài, trong việc “mở rộng” cơ quan và tăng giờ phát sóng. Toàn là những việc phải tiêu tiền tỷ của ngân sách nhà nước mà bất cứ ai cũng có thể làm được nếu được chi tiền còn chất lượng của phát thanh và nhà cửa khắp nơi được thuê và mua nhằm mục đích gì, có tác dụng như thế nào để nâng cao chất lượng phát thanh thì không hề được nói tới. Xưa nay, từ suốt 27 năm tôi làm việc ở Đài TNVN, chưa hề có chuyện tự nhiên Phó TGĐ lại ký công văn “khen” Tổng giám đốc như thế ở Đài TNVN bao giờ. Điều đó làm dư luận toàn Đài TNVN rất bất bình.
Tôi chỉ muốn nói một điều, rất nhiều đồng chí đã có công lớn với Đài, xây dựng nên uy tín cho Đài TNVN mấy chục năm qua như các anh Trần Lâm, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Thúc Long, các nhà văn như Mai Văn Tạo, Phạm Tường Hạnh, Đoàn Minh Tuấn, nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ Dương Hương Bang, nghệ sĩ ưu tú Trần Phương thì không bao giờ được ban lãnh đạo hiện nay của Đài nhắc nhở tới.
Giá thử công văn của bà Kim Cúc lúc này nhắc đến những người có công lao với Đài TNVN, nhắc đến truyền thống tốt đẹp của Đài thì hay biết bao nhiêu!
Đợi mãi không thấy báo Thanh Niên đăng bài kể trên. Ít lâu sau, tôi nhận được thông tin của một cán bộ trong ban lãnh đạo Đài TNVN cho hay, Nguyễn Công Khế đã gửi bài của tôi ra Hà Nội cho bên An ninh, với nhận xét bài viết không có gì sai, nhưng vì để “giữ uy tín” cho nhà nước nên không đăng. Gửi cho an ninh để biết. Một cán bộ an ninh đã cầm bài viết này qua Đài để tống tiền Kim Cúc và Trần Mai Hạnh!
Hiện bài đó đã được rất nhiều cán bộ lãnh đạo của Đài truyền tay nhau đọc.
Tôi rất hối hận về sự ngu ngơ của mình (từ ngu ngơ là từ của nhà văn Dương Thu Hương dùng để chỉ quần chúng ngu ngơ, bị lừa bịp)! Tôi cũng rất phẫn nộ với Nguyễn Công Khế khi được cán bộ lãnh đạo của Đài cho biết như thế. Tôi đem chuyện này than phiền với các đồng nghiệp báo chí ở Sài Gòn. Một người bạn tôi mắng tôi là thằng ngu vì không biết gì về Nguyễn Công Khế cả. Anh còn cho biết Khế luôn dùng tờ báo của mình để gây thanh thế, chẳng hạn y cho phóng viên của báo đi viết về tiêu cực, nhung khi vụ việc có liên quan đến một ông lớn nào đó. Ví dụ, đồng chí X xưa kia ở tỉnh Y, nay đã lên trung ương làm đến Bộ Chính trị mà bài viết có dính líu đến đồng chí đó khi còn ở địa phương thì Khế không đăng mà gửi bài cho đồng chí ấy biết “để giữ uy tín” cho lãnh đạo, thế là đồng chí X đã “mắc nợ” Khế. Khi báo Thanh Niên tổ chức một cuộc thi hoa hậu nào đó, Khế gửi giấy mời, thế là đồng chí ấy, dù là Chủ tịch nước cũng phải đến dự tận quê Khế ở Miền Trung xa xôi!!! Một tờ báo hạng B mà Bộ Chính trị phải đến dự thì uy tín của Khế lên như diều. Cứ thế mà Khế “ra roi”, cứ thế mà dọa nạt thiên hạ để tống tiền. Trong cái mớ bòng bong của một xã hội được gọi là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, Khế cứ thế mà vơ vét. Anh bạn tôi kết luận: Nguyễn Công Khế là “tên lưu manh ngang tầm thời đại”! Nhà thơ L đi viếng mẹ của Nguyễn Công Khế mất vào tháng 9 năm 2007 về, hốt hoảng nói với tôi, đám tang còn hơn cả tỷ phú bên Mỹ có mẹ mất. Giàu có không bút nào tả xiết, xe du lịch đời mới đỗ dài cả cây số. Cái “cảm tạ” của báo Thanh Niên ra ngày 5.9.2007 của gia đình Khế về cái mất của cụ bà Lê Thị Liễu, 79 tuổi đã gây chấn động dư luận. Trang mạng của báo TN đăng lên đã bị các trang “lề trái” ném đá dữ dội, vội vàng phải gỡ xuống, nhưng trang 10 báo in ngày 5.9.2007 kín cả trang còn đó. Xin bạn đọc hãy thử lướt qua danh sách gần 200 cá nhân và các đơn vị (được đăng gộp)… “đã đến thăm viếng, giúp đỡ, chia buồn và tiễn đưa linh cữu” như báo đã đưa gồm: Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng CP, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước và gia đình, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CP và gia đình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, ông Hồ Đức Việt, Ủy viên BCT, trưởng ban Tổ chức trung ương, Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên BCT, Bộ trưởng Bộ Công an, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên BCT, Bí thư thành ủy TPHCM và gia đình rồi còn cả ông Thống đốc Ngân hành nhà nước, các bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh, các cơ quan báo chí, các nghệ sĩ, các Hội v.v và v.v.
Những người đứng đầu bộ máy cai trị đồ sộ của chế độ toàn trị đã đến “thăm viếng, chia buồn và tiễn đưa…” cụ bà Lê Thị Liễu. Ngay cả đến đương kim nguyên thủ một cường quốc trên thế giới mà bố mẹ mất cũng không được như thế.
Có thể nói, đây là đám tang mẹ một Tổng biên tập một tờ báo ngành của một nước nhỏ nhưng “vĩ đại” nhất hành tinh, chưa hề thấy trong lịch sử báo chí nhân loại. Trong chế độ toàn trị, một tổng biên tập chỉ cần không chống chế độ, không nói ngược với đường lối của Đảng cầm quyền, biết luồn lách, biết dùng tờ báo của mình để nịnh bợ, dọa nạt và khống chế, biết té nước theo mưa, biết gió chiều nào che chiều ấy, giả vờ chống tham nhũng thì anh ta kiếm bẫm hơn bất cứ nhà buôn nào, có thế lực như một “ông vua không ngai”. Cứ xem danh sách những người đến viếng mẹ anh ta thì thấy. Nếu xét về mặt nào đó thì đây còn hơn quốc tang!
Tờ báo quốc doanh Thanh Niên đã trở thành tờbáo riêng của Khế trong một đất nước không có báo tư nhân! Đội ngũ tổng biên tập như thế thì đội ngũ phóng viên đương nhiên là như thế. Nói cho công bằng thì không phải tất cả anh em làm báo đều như Hồng Vinh, như Khế, như Phan Huy… Có rất nhiều anh em tâm huyết với đất nước, muốn dùng ngòi bút của mình để “tải đạo”, nhưng số phận của các anh vô cùng hẩm hiu. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, HoàngKhương… là những ví dụ điển hình.
Báo chí ngày càng xuống cấp. Tàu của giặc Tàu đâm vỡ tan tàu của ngư dân ta, trong vùng biển của ta, nhưng báo chí của ta phải nhục nhã kêu là “tàu lạ”. Nỗi nhục này của báo chí Việt Nam “thời kỳ đồ đểu” này không thể nào rửa sạch trong lịch sử dân tộc.
Vì lẽ đó, tôi đã viết “Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc” trên trang mạng Bauxite năm 2011. Giáo sư Phạm Toàn cho biết, học trò của ông đã in bài này từ trên mạng xuống để đi phát cho bạn bè đang làm việc ở các tờ báo ở Hà Nội.
Người ta đều đọc và ngậm ngùi cho số phận của họ!!
Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc
Trích Luật Báo chí nước CHXHCN Việt Nam: Báo chí ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức); là diễn đàn của nhân dân.
Tháng 7-2007. Những cơn mưa tầm tã vào lúc chập tối kéo dài tới khuya khiến nhiều đêm tôi không sao chợp mắt được. Hàng trăm nông dân từ các tỉnh miền Tây kéo lên biểu tình tại TP HCM đêm nay làm gì dưới những cơn mưa tầm tả kéo dài đó? Đã cả tháng, đồng bào kéo nhau lên Văn phòng Quốc hội 2 tại đường Hoàng Văn Thụ TP HCM để đòi lại ruộng đất bị mất trắng, bị giải tỏa mà đền bù không thỏa đáng. Băng rôn, biểu ngữ, cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu viết trên giấy dán lên áo, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đỏ rực cả dãy phố vòng từ đường Hoàng Văn Thụ sang đường Hồ Văn Huê. Đọc những khẩu hiệu trên băng rôn không khỏi thấy đau lòng: “Thủ Tướng ơi cứu lấy dân!”, “Đả đảo chính quyền tỉnh X dối Đảng lừa dân”, có khẩu hiệu còn trích cả lời ông Thứ trưởng Đặng Hùng Võ viết trên báo lề phải: “Tham nhũng ruộng đất là tham nhũng xương máu của dân” Dưới những khẩu hiệu đó là những gương mặt đen xạm, hốc hác, quắt queo, những hốc mắt sâu hoắm, buồn tủi và căm giận trôi dạt, lan tỏa từ những hốc mắt đó.
Trên đường phố, những chiếc xe hơi bóng loáng, những chiếc xe hai bánh đời mới chở những cặp đùi nõn nà lướt qua, phảng phất mùi nước hoa ngược gió bay lại, phả vào những gương mặt dúm dó đang trương ảnh Bác Hồ! Có ai đó nghĩ hộ những người nông dân mất đất kia rằng, ruộng đất bị cướp giật của họ đã biến thành những chiếc xe bốn bánh, hai bánh bóng loáng kia, từ công cuộc “đổi mới” do Đảng cầm quyền phát động và lãnh đạo (!).
Cũng có những bà con dân phố nghĩ đến đồng bào đi biểu tình rời quê lên đây cả tháng trời, màn trời chiếu đất, đói khát nên đến tiếp nước, tiếp thức ăn cho họ. Có người khôn ngoan hơn, đã gọi một thanh niên chở sau xe đạp sọt bánh mì đầy, trả tiền hết cả sọt bánhrồi nhờ anh ta chở vào đám biểu tình phát cho bà con. Anh thanh niên này đã bị những người mặc thường phục bất thần xông ra đánh túi bụi, trào cả máu mồm máu mũi lên những chiếc bánh mì anh đang phân phát.
Tôi có đủ kinh nghiệm của một người viết phóng sự điều tra về tranh chấp ruộng đất ở Đồng Bằng sông Cửu Long những năm cuối thập kỷ 80, nên hiểu rõ những ai sẽ có mặt ở những cuộc biểu tình! Những người quay phim chụp ảnh mặc thường phục nhan nhản ở đường Hoàng văn Thụ lúc này. Nhưng hễ có một “con nai vàng ngơ ngác” nào đó giơ máy chụp hình lên thì lập tức bị cướp máy ngay, bị kéo về đồn công an ngay! Cả tháng rồi, hàng trăm người biểu tình với cờ quạt rợp trời, căng lều, căng bạt, trải ni lông nằm la liệt tại một ngã ba sầm uất ở trung tâm thành phố. Vậy mà, cả trăm tờ báo, của một thành phố được xem là cái nôi của báo chí Việt Nam, thậm chí tờ báo Tuổi trẻ ở ngay liền đóvẫn im khe! Các đồng nghiệp của tôi vẫn ung dung ngồi trong phòng máy lạnh như không có gì xảy ra. Thậm chí, có báo còn đăng ảnh một cuộc biểu tình ở một nước Mỹ La-tinh xa xôi nào đó! Một số không nhỏ các đồng nghiệp của tôi đang bận rộn đến quay phim chụp ảnh, đưa tin về một công trình nào đó mới khởi công để nhận những bao thư “nặng túi”! Các “bậc thầy” báo chí, các nhà báo lão thành lúc này vẫn đang được các trường tuyên huấn, các lớp đại học báo chí mời đến giảng bài, các đài truyền hình mời lên tivi và các vị đó đang lớn tiếng: Nhà báo phải bám sát cuộc sống, phải trung thực, nhân dân cần được thông tin và có quyền được thông tin đầy đủ như luật báo chí đã ban hành, vân vân và vân vân. Tôi không ngờ các nhà báo lão thành mà xưa nay tôi từng ngưỡng mộ lại có thể vô cảm đến thế, dối trá đến thế, hèn hạ đến thế!
Đừng có ai nghĩ rằng nhà báo bây giờ còn nghèo như một câu “ngạn ngữ” thời bao cấp: “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo cộng lại thành nhà nghèo!”. Không ít các đồng nghiệp của tôi như con cáo già đang ngồi co mình ở các tòa soạn, nhưng chỉ một tin tức lộ ra ở đâu đó, xí nghiệp này, công ty kia có chuyện tiêu cực, tham nhũng, được nội bộ tố giáclà họ lao tới gặp lãnh đạo đơn vị, chí ít thì xin cái quảng cáo vài chục triệu để hưởng phần trăm (thường là 2-30%), nếu nắm đầy đủ chứng cứ tư liệu rồi, thì họ ra giá, tống tiền lãnh đạo đơn vị. Những lần “đánh quả” như thế, họ có cả trăm triệu. Có vị Viện trưởng một viện khoa học lớn ở TP HCM than phiền với tôi: Mỗi lần có cuộc triệu tập ra Hà Nội họp hành gì đó thì một nhà báo của một cơ quan báo chí lớn bậc nhất của nước ta, đều đến xin Viện trưởng một cái vé máy bay để đi họp! Không cho thì sẽ bị moi móc, trả thù. Mà cho thì khó coi quá!
Tôi còn biết ở Cần Thơ có một ông cũng thường trú như thế, mỗi lần đi họp ở Hà Nội còn đi nhiều cơ quan, xuống cả các huyện để mỗi huyện “xin một cái vé máy bay” như thế! Đến nổi người ta gọi ông “nhà báo cá rồ”. Nghe đâu giờ ông ta có cả đồn điền trên Tây Nguyên để dưỡng già!
Có lần tôi đang đi chiếc xe cúp cà tàng trên đường phố, bỗng bị một chiếc xe phân khối lớn ép vào vỉa hè. Hoảng quá, tôi tưởng mình bị cướp! (Mà kẻ cướp nào lại thèm nhắm vào chiếc xe khốn khổ của tôi?). Lúc bình tĩnh được thì nhận ra một đồng nghiệp trẻ. Anh này là con trai một vị Giám đốc đài phát thanh và truyền hình lớn ở miền Trung. Anh ta tốt nghiệp ngành báo chí, nhưng vì người cha là một cán bộ cách mạng lão thành, liêm chính, không chấp nhận xin xỏ và hối lộ để con được làm việc ở một cơ quan báo chí ở TP HCM anh ta phải đi làm cộng tác viên cho các báo ở thành phố. Quý mến người bạn trẻ này, nhiều lần tôi đi công tác ở Đồng bằng sông Cửu long có xe hơi đưa đi, tôi thường kêu anh đi cùng để có cơ hội hành nghề, kiếm sống ở cái thành phố ồn ào này. Nào ngờ hôm ấy anh là người ép xe tôi vào lề đường! Anh ta ôm lấy bờ vai gầy guộc của tôi cười nói: Bây giờ em khá rồi! Liếc nhìn chiếc xe phân khối lớn của anh, tôi tin là anh ta nói thật. Tôi hỏi: – Làm gì mà khá? Trả lời: – Chạy quảng cáo cho các báo! Nói rồi, anh ta dúi bao thuốc ba số (555) đã hút dở vào túi áo tôi, bằng một giọng rất tự tin, nói: – Một nhà báo như bác thì không thể đi chiếc xe thế này được. Tết này bác đi với em, đến các cơ quan, xí nghiệp, công ty mà bác quen biết, không cần bác nói gì cả, chỉ cần bác đi cùng em đến đó thăm hỏi lãnh đạo, thế là đủ. Sau Tết em sẽ đổi xe cho bác. Tôi cảm ơn người bạn trẻ có lòng tốt với tôi, nhưng không dám nhận lời! Tôi buồn mất mấy ngày sau đó. Vừa thương một đồng nghiệp trẻ, ban đầu rất hăng hái, say sưa với nghề báo nhưng không được cuộc đời tiếp nhận, phải bỏ nghề. Lại thấy thật khôi hài cho cái thằng tôi! Đi cái xe tàn tã nhất Sài Gòn hoa lệ, có khi khởi động đến toát mồ hôi mà xe không nổ máy. Chính cái xe này, có lần tôi đến họp báo ở “Nhà hàng nổi” trên sông Sài Gòn (nay không còn nữa), lúc dắt xe vô, người bảo vệ đã quát: – Đến giờ này mà chưa chở đá đến cho người ta! May quá, ông Ca Lê Thuần, Giám đốc Sở Văn hóa lúc đó, người chủ trì họp báo đã chạy lại nói: Mời anh PK vào, mọi người đã đến đông đủ (hôm đó xe tôi cũng không nổ được máy!). Giám đốc Thuần đã cứu tôi một bàn thua trông thấy trước anh bảo vệ to lớn!
Nhưng câu chuyện trên không “đau” bằng một lần, chúng tôi, các nhà báo thường trú của trung ương và TP HCM đến dự lễ khánh thành một công trình được tài trợ nước ngoài của Hội người mù TP HCM. Sau lễ khánh thành, ông Chủ tịch Hội người mù thành phố là một người đàn ông rất đẹp trai, nói tiếng Anh với khách quốc tế rất lưu loát, cầm một tệp phong bì phát cho từng nhà báo, mỗi lần phát cho một phóng viên, ông ta có lời cảm ơn rất lịch thiệp. Nhìn một người mù tay run run phát “bao thư” cho các nhà báo sáng mắt, tôi thấy trái tim mình như đang rỉ máu! Đến phần tôi, tôi phải kéo ông Chủ tịch lại một góc và nói nhỏ vào tai ông: Tôi đến đây tay không là đã thấy băn khoăn lắm rồi, nhận quà của người mù nữa thì còn gì để nói.
Tôi có “phản bội” các đồng nghiệp của tôi không?! Xin các nhà đạo đức học trên cõi đời này cho ý kiến!?
Chuyện đồng bào miền Tây lên thành phố biểu tình đòi đất năm 2007 mà tôi đã nói ở trên phải được nói thêm là, tôi đã trà trộn vào đám biểu tình, hỏi và nghe được nhiều điều bổ ích về các nguyên nhân đi khiếu kiện ruộng đất. Có bà mất ruộng vì Chủ tịch xã cướp ruộng của bà cho vợ bé của ông ta. Có nhiều nguyên nhân đi đòi đất mà tính chất, nội dung của việc đi đòi đất rất. Nam Bộ! Đó là trường hợp bà cụ có 15 công ruộng (mỗi công 1000 m2). Năm 1980 vô tập đoàn sản xuất, thực hiện lời kêu gọi của Đảng “nhường cơm xẻ áo”, cụ đã hiến 11 công đất, chỉ còn được giữ lại 4 công do nhà có bốn nhân khẩu. Những công đất đã hiến cho các hộ tiếp tục mần ruộng thì bà cụ không đòi. Duy chỉ có một hộ, nhận ruộng của bà, nhưng lại cho thuê “sổ đỏ” sở hữu ruộng, lấy tiền đi chơi đề, thì bà nhất định đi thưa kiện để đòi lại. Lý do của bà cụ chỉ đơn giản vậy thôi. Theo cụ thì ruộng đất của ông bà để lại cho con cháu là để mần ăn. Đem ruộng của ông bà “nhường” cho kẻ chỉ quanh năm rong chơi, cờ bạc là trái đạo lý ông bà. Tôi bàng hoàng khi nhận ra “cái đạo lý ông bà” của người nông dân Nam Bộ cao hơn hẳn cái nền chính trị hoang đường mà các đảng Cộng sản trên thế giới đã áp đặt cho dân tộc của họ, trong đó có Việt Nam. Không phải ai cũng yêu quý ruộng đất mà đem cào bằng ruộng đất để đi tìm sự công bằng! Nhà văn Dương Thu Hương đã gọi cái sự thắng thế của những người Cộng sản một thời là “sự hàm hồ của lịch sử”! Bà cụ mà tôi đã gặp trong đám biểu tình này, đang làm một việc là đi chống lại sự hàm hồ của lịch sử! Đương nhiên là cực kỳ gian khó. Tôi đã thu thập tất cả những lý do, những tình huống đi khiếu kiện đòi ruộng đất trong cuộc biểu tình dài ngày đó của nông dân các tỉnh miền Tây năm 2007 ở Văn phòng Quốc hội 2 tại TP HCM để viết một phóng sự điều tra. Kèm theo bài phóng sự là những hình ảnh mà tôi đã chụp được bằng phương Pháp nghiệp vụ, chụp toàn cảnh, cận cảnh, nội dung các khẩu hiệu được trương lên (không có khẩu hiệu nào chống chế độ cả). Không một báo lề phải nào dám đăng những phóng sự điều tra như thế cả. Nếu có đăng thì họ sẽ cắt xén, gọt dũa những sự thật gai góc, chỉ để lại những gì có thể vừa lòng, lọt tai cấp trên mà thôi! Cuối cùng tôi phải ra tận Hà Nội, đến tận Văn phòng Chính phủ ở số 2 đường Bách Thảo, đưa tận tay bài viết đó đến Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, tại văn phòng Phó Thủ tướng phụ trách chống tham nhũng của ông. Phó Thủ tướng đã tiếp tôi một buổi chiều và xem kỹ những bức ảnh về cuộc biểu tình mà tôi đã chụp. Nhưng đã là một bài báo thì nó phải được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, để tạo dư luận xã hội, cách làm đi bằng con đường “tiểu ngạch” của tôi như thế là “không giống ai”!
Cuộc biểu tình của nông dân miền Tây năm 2007 đó, đã được dọn dẹp vào ban đêm bằng cách các địa phương đưa xe lên rước về. Nếu “giải thích” mà ai không nghe thì được ném lên xe đưa về! Sáng hôm sau tất cả các báo ở TP HCM đều đưa tin, nông dân miền Tây đã “vui vẻ” ra về!!!
Sau này, tôi đã nhờ nhà thơ Hoàng Hưng đưa bài viết đó lên mạng Talawas với nhan đề “Thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Cần có cuộc Hội thảo khoa học về khiếu kiện ruộng đất”. Khi bài viết đã được tung lên mạng rồi, gặp một số quan chức ở Đồng bằng Cửu Long, nhiều người đọc được đã bảo tôi: Bài của đồng chí rất trung thực, có thiện chí, có nhiều phát hiện vì sao không đưa các báo đăng!
Thế đó, các giáo trình báo chí ở các quốc gia dân chủ đều dạy rằng, nhà báo là người đứng trên cây cầu để canh chừng con tàu chính phủ. Nó báo cho con tàu đó thời tiết xấu hay tốt ở phía chân trời. Nhưng ở các quốc gia toàn trị thì báo chỉ để làm vừa lòng cấp trên, chỉ để làm cảnh và để “đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống” chứ không phải làm theo quy luật của nhận thức là đưa cuộc sống vào nghị quyết Đảng để rồi Nghị quyết Đảng sẽ tự nhiên đi vào cuộc sống!
Lối tư duy ngược này là thảm kịch của những nhà nước độc tài và sớm muộn sẽ dẫn đến sụp đổ. Hiện tượng Vinashin là một ví dụ rất điển hình. Không phải các nhà báo không biết đầu tư lớn cho ngành đóng tàu Việt Nam (thực chất là đóng vỏ tàu) là phi hiệu quả. Giữa những năm 90, tôi đã được Tiến sĩ P.N.H, chuyên gia hàng đầu của VN về đóng tàu biển, ông tốt nghiệp hạng ưu ở Liên Xô vềđưa cho 1 tập tài liệu phản biện về việc đầu tư cho ngành đóng tàu VN. Đưa cho tôi tài liệu, ông hy vọng là để một nhà báo lâu năm lên tiếng hộ cho quan điểm của các chuyên gia đóng tàu VN. Nhưng báo chí chỉ được phép minh họa đường lối của Đảng và nhà nước mà thôi! Cho ăn kẹo cũng không một Tổng biên tập nào dám đăng bài của các nhà báo lúc đó phản đối đầu tư cho Vinashin. Chỉ đến khi chuyện vỡ lỡ thì nhân dân là người chịu thiệt thòi nhất, vì gánh chịu nợ nần chồng chất, nhưng các nhóm lợi ích thì đã no nê! Và chẳng ai bị kỷ luật về món nợ khổng lồ ấy!
Bây giờ thì rừng vàng đã bị phá gần hết, rừng đầu nguồn đã cho nước ngoài thuê, tài nguyên dưới lòng đất đã cạn kiệt, đến than cũng phải đi nhập về, bauxite cũng phải khai quật lên để bán cho người Tàu, chỉ còn biển bạc, đảo vàng ngoài khơi thì đường lưỡi bò đang lăm le liếm hết. Biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc mà ông bà ta gìn giữ bằng máu xương từ bao đời, nay đồng bào Quảng Ngãi, đồng bào miền Trung ra khơi đánh bắt tôm cá thì bị giặc Tàu bắn giết, cướp bóc bất kỳ lúc nào. Nhân dân Hà Nội, TP HCM và các tỉnh phẫn nộ biểu tình khí thế bừng bừng mà 700 tờ báo, gần trăm đài phát thanh truyền hình trên cả nước vẫn im khe, không dám đăng một tấm hình, một dòng tin nào về những cuộc biểu tình yêu nước của nhân dân. Chỉ có Thông tấn xã VN đưa một cái tin về biểu tình ngày 5-6 vừa qua thì lại xuyên tạc trắng trợn sự thật: “một số người tự phát tụ tập đi ngang qua”. Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến lời nhà văn Nguyễn Khải trong tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” của ông rằng, người ta đã “nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói dối không biết xấu hổ, nói dối không biết khiếp sợ”! Các nhà báo nước ta từng có thời áo vá cơm khoai, cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân, vác cây bút đi phụng sự chính nghĩa dân tộc, đánh Tây đuổi Nhật năm xưa. Nay báo chí nước ta vì miếng cơm manh áo, vì muốn yên thân “sống mòn” lại dễ dàng làm nô bộc cho các nhóm lợi ích, các nhóm quyền lực, quay lưng với vận mệnh của Tổ Quốc hay sao?
Nếu mai mốt bọn Tàu cộng với máu AQ (tên một tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn) truyền kiếp, lại thêm bệnh “mót” làm siêu cường thời đại, điên cuồng kéo dàn khoan khổng lồ của chúng ra khai thác dầu trên vùng biển đặc quyền của nước ta đã được luật Pháp quốc tế thừa nhận mà đội ngũ báo chí “hùng hậu” của ta vẫn im khe, chỉ “anh bán thuốc cao” Lại Văn Sâm khua môi múa mép trên tiết mục “Ai là triệu phú” của đài Truyền hình Quốc gia thì bài viết này của tôi xem như “Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc” đã tha hóa và thối rữa đến chân lông.
Gần 40 năm viết báo từ Bắc chí Nam, làm cả báo nói, báo hình, báo viết, báo mạng đi từ minh họa đến phản biện, phải chăng số phận đã giao cho tôi viết lời ai điếu này cho nền báo chí VN hôm nay. Tôi mượn chữ “Ai điếu” của nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu để tưởng nhớ ông trong bài viết này.
Không phải không có lý do mà nhân loại đặt tự do ngôn luận, tự do báo chí lên hàng đầu trong những quyền về con người.
Tự do thông tin ở thời đại thông tin toàn cầu sẽ cứu các quốc gia nhỏ bé không bị các “siêu cường mới” nuốt chửng; Sẽ cứu cả các đảng cầm quyền biết đứng về phía nhân dân, cùng nhân dân cứu đất nước khỏi bị các đế quốc mới xâm lược nếu không muốn tự sát.
Vai trò của các nhà báo vô cùng quan trọng trong thời khắc lịch sử này. Hỡi những người anh em báo chí đồng huyết, đồng bào, đồng chủng, đồng quốc của tôi.
L.P.K.