Mạnh Vãn Chu về nước được chào đón như anh hùng: Lành ít dữ nhiều
Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc rợp trời dậy đất ca ngợi bà như người hùng, ca ngợi ‘thắng lợi’ của Trung Quốc. Tờ Nhân dân Nhật báo cũng đưa ra bình luận vào tối ngày 25/9 rằng: “Đây là kết quả của sự lãnh đạo tài ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (ĐCSTQ), là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính phủ Trung Quốc,… là một thắng lợi lớn của nhân dân Trung Quốc”.
Sau khi đáp xuống sân bay Thâm Quyến, bà Mạnh đã được đón tiếp bằng nghi thức đặc biệt và có bài phát biểu với lời thề trung thành với đất nước. (Ảnh tổng hợp)
Bà Mạnh Vãn Chu được chính phủ Trung Quốc thuê máy bay đưa về nước sau khi được phóng thích, đã xuất hiện ở sân bay Bảo An, Thâm Quyến vào tối ngày 25/9 (theo giờ Bắc Kinh). Một cuộc đón tiếp rầm rộ được tổ chức ở sân bay, bà Mạnh nói: “Là một công dân Trung Quốc bình thường phải chịu hoàn cảnh khó khăn và bị mắc kẹt ở nước ngoài trong ba năm, tôi chưa một phút giây nào không cảm nhận được sự quan tâm ấm áp của đảng, của tổ quốc và nhân dân Trung Quốc”; “Chủ tịch Tập quan tâm đến sự an toàn của mọi công dân Trung Quốc và luôn để ý tới tình hình của tôi. Tôi vô cùng cảm động”.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là đoạn bà Mạnh cảm ơn ông Tập được đăng truyền rộng rãi, nhưng sau đó các cơ quan truyền thông Trung Quốc lại xóa bỏ. Nó ẩn chứa bí ẩn gì?
Sự thực thế nào?
Bà Mạnh Vãn Chu đã tuyên bố rằng bà “không nhận tội “, ĐCSTQ cũng tuyên bố rằng bà Mạnh “không nhận tội”. Đây là một sự dối trá đối với người dân Trung Quốc. Trên thực tế, Bà Mạnh đã thừa nhận các tình tiết phạm tội do Hoa Kỳ buộc tội.
Ngày 24 tháng 9, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Mạnh Vãn Chu đã đạt được thỏa thuận hoãn khởi tố. Bà Mạnh đồng ý ký vào một “bản tuyên bố sự thật” dài 4 trang và xác nhận rằng những sự việc này là “chính xác và đúng sự thật”, gồm ba điểm chính:
(1) Skycom, một công ty Hồng Kông, bị Huawei kiểm soát trong suốt thời gian tồn tại;
(2) Huawei đã bán thiết bị chứa chip của Mỹ cho Iran thông qua Skycom, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và luật kiểm soát xuất khẩu đối với Iran;
(3) Bà Mạnh và Huawei đã che giấu mối quan hệ thực sự giữa Huawei và Skycom khi tiến hành kinh doanh tài chính với các ngân hàng Hồng Kông.
Bà Mạnh cam kết sẽ từ bỏ quyền đòi Hoa Kỳ bồi thường vô điều kiện. Nếu bà Mạnh không phạm tội, thì chắc chắn bà sẽ đưa ra yêu sách với Mỹ. Từ những cam kết trên cho thấy rõ ràng bà Mạnh đã phạm tội.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 24 tháng 9 nêu rõ: Mạnh Vãn Chu đã nhận trách nhiệm về việc thực hiện kế hoạch lừa đảo các tổ chức tài chính toàn cầu.
Như vậy có thể thấy Mỹ vẫn là bên chiến thắng, vì mục tiêu của họ là có bằng chứng để buộc tội và trừng phạt Huawei, và kẻ đứng sau là ĐCSTQ, chứ không phải nhằm vào cá nhân bà Mạnh. Mỹ đạt được mục tiêu của mình, lại tạo được uy tín cho đồng minh Canada khi buộc ĐCSTQ trao trả 2 công dân Canada bị ĐCSTQ bắt cóc trái phép với cái cớ ngụy tạo “làm gián điệp”. Canada cũng là bên chiến thắng, khi vừa có công giúp đồng minh Mỹ bắt Mạnh Vãn Chu, lại vừa làm hài lòng Trung Quốc, thả Mạnh Vãn Chu. Kẻ thua đau vẫn là ĐCSTQ khi tập đoàn bình phong của họ là Huawei mới cách đây 2-3 năm vẫn nhắm mục tiêu thống lĩnh mạng 5G toàn cầu, thì giờ đây đã hạ mục tiêu xuống “tồn tại”.Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (giữa) trao đổi với giới truyền thông tại Tòa án Tối cao British Columbia sau khi phiên điều trần dẫn độ kết thúc có lợi cho bà, tại Vancouver British Columbia, Canada vào ngày 24/9/2021. (DON MACKINNON / AFP qua Getty Images)
Bà Mạnh trở về: Lành ít dữ nhiều
Hôm thứ Hai (27/9), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra chỉ thị xử lý vụ Mạnh Vãn Chu.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki hôm thứ Hai (27/9) cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden đã đề cập đến trường hợp Mạnh Vãn Chu, và ông Biden cũng đề cập đến hai trường hợp công dân Canada
Mặc dù bà Mạnh được chào đón như người hùng, nhưng liệu bà có được tự do và an toàn sau khi trở về Trung Quốc không?
Trong lịch sử, ĐCSTQ đã rất nỗ lực để đưa những người từ nước ngoài trở về, không ai vì là anh hùng hay nhân vật quan trọng trong một tập đoàn quyền lực, những người nhận lại là những người cần phải bị trừng phạt và chấn chỉnh. Ví dụ, có hàng trăm quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài, và những người bất đồng chính kiến. Thậm chí cả những anh hùng của họ, một khi trở thành tù binh của đối phương thì với bản chất vắt chanh bỏ vỏ, họ hoàn toàn không tin không dùng nữa, và ném vào thùng rác
Tưởng Khánh Tuyền, nguyên mẫu của nhân vật chính trong bộ phim đỏ “Những người con trai con gái anh hùng” trong chiến tranh Triều Tiên, vì từng bị bắt làm tù binh nên bị quy thành kẻ phản bội. Vương Thành, nhân vật anh hùng của ĐCSTQ, nguyên mẫu Vương Khánh Tuyền, đã từng nói “Hãy nhằm vào tôi mà bắn pháo” nên đã trở thành anh hùng hiển hách.
Trong chiến tranh Triều Tiên, Tưởng Khánh Huyền bị bắt làm tù binh. Sau khi trao trả tù binh, thay vì đi Đài Loan như đại đa số tù binh khác, Tưởng đã chọn trở về. Như khi trở về, Tưởng Khánh Tuyền bị xử phạt cảnh cáo nội bộ đảng. Đây là xử phạt nhẹ nhất, kết cục của đại bộ phận những người trong số họ đều rất thảm hại: 700 người bị khai trừ quân tịch, trên 4.600 chỉ được thừa nhận quân tịch trước khi bị bắt làm tù binh, trên 2.900 tuyệt đại đa số bị khai trừ đảng tịch
Cách mạng Văn hóa nổ ra, hồ sơ bị phe tạo phản lôi ra, Tưởng Khánh Tuyền bị quy là kẻ phản bội, thường xuyên bị lôi đi đấu tố, đã phải viết một chồng lớn giấy kiểm điểm, giấy nhận tội. Cả nhà bị vạ lây, cuộc sống khổ cực trong nước mắt và oan trái không biết kêu ai.
Tưởng Khánh Tuyền, từ anh hùng thành “kẻ phản bội” (Nguồn: minghui)
Trong lịch sử ĐCSTQ, nhiều anh hùng thực sự của họ, một khi bị đối phương bắt, thì bị họ nghi ngờ vùi dập, nói chi đến ‘anh hùng’ giả tạo Mạnh Vãn Chu, với bằng chứng rành rành đã nhận tội.
Có lẽ việc bà Mạnh đạt được thỏa thuận với Bộ tư Pháp Mỹ cũng là được sự đồng ý của lãnh đạo ĐCSTQ, chứ bà Mạnh to gan lớn mật thế nào chăng nữa cũng không dám tự tiện quyết định những việc này. Vậy lãnh đạo ĐCSTQ, mà ở đây là ông Tập Cận Bình, tại sao lại tìm mọi cách đưa bà Mạnh về? Tại sao để bà ký nhận tội rồi về diễn vở anh hùng bất khuất “không nhận tội”? Phải chăng họ sợ việc dẫn độ và phiên tòa ở Mỹ sẽ ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của họ ?
Để trả lời câu này, trước hết, chúng ta cần xem Huawei có mối quan hệ như thế nào với ĐCSTQ, và đằng sau Huawei là những thế lực nào.
“Lý lịch” Huawei
Huawei thành lập năm 1987 ở Thâm Quyến, và ông Nhậm Chính Phi gia nhập Huawei năm 1992, đến năm 2012, Huawei đã trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đến tận năm 2019, Huawei vẫn dẫn đầu thế giới về công nghệ 5G, đang tràn đầy khả năng trở thành hãng thống trị công nghệ 5G trên toàn thế giới. Điều gì đã làm nên kỳ tích này?
Cả ông Chủ tịch tập đoàn Huawei hiện nay là Nhậm Chính Phi và cựu Chủ tịch Tôn Á Phương đều đã phục vụ trong Bộ Anh ninh Quốc gia Trung Quốc thời gian dài trước khi gia nhập Huawei. Thế lực đứng sau Huawei là quân đội và Bộ An ninh Trung Quốc, mà thế lực khiểm soát quân đội và Bộ An ninh Quốc gia thời điểm đó chính là Giang Trạch Dân – Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, và Tăng Khánh Hồng – Phó chủ tịch nước, nhân vật số 2 phe Giang. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (L) được Chủ tịch tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi cho xem các văn phòng của hãng công nghệ Trung Quốc Huawei tại London trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông vào ngày 21 tháng 10 năm 2015.(Getty Images)
Con trai Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng, người được mệnh danh là “Vua viễn thông” đã thành lập được đế chế viễn thông khổng lồ, là ông chủ của Liên hợp Thượng Hải với hơn mười công ty, như Mạng thông tin Thượng Hải, Mạng cáp Thượng Hải và Netcom China. Lĩnh vực kinh doanh rất rộng, như cáp điện, xuất bản điện tử, sản xuất đĩa CD, thương mại điện tử… Người ta thấy giữa “Vua viễn thông” và nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới này có mối quan hệ làm ăn.
Tuy nhiên, hành tung của Huawei rất bí ẩn, thậm chí lãnh đạo cấp cao của Huawei cũng không biết rõ được Huawei hoạt động thế nào.
Một cựu Giám đốc điều hành của Huawei cho biết: “Kinh doanh bết bát trong mười năm đầu tiên, và sau đó công ty phát triển như tên lửa. Mọi người nghi ngờ rằng có điều gì đó đã xảy ra để giúp ích cho hoạt động kinh doanh của công ty, nhưng ngay cả trong công ty cũng là một bí ẩn”.
Câu trả lời cho bí ẩn này là Giang Trạch Dân. Năm 1994, Nhậm Chính Phi báo cáo với Giang Trạch Dân, lúc bấy giờ là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước. Vài năm sau, Huawei tiến hành xây dựng mạng lưới liên lạc toàn quốc đầu tiên của quân đội Trung Quốc. Giang Trạch Dân rút lui về hậu trường nhưng thực tế tay chân của ông ta vẫn kiểm soát hệ thống An ninh, Pháp luật, Tư pháp, cùng các quan chức các địa phương, và hệ thống các tập đoàn kinh tế quốc doanh và tư nhân lớn.
Đấu đá quyết liệt trước thềm Đại hội 20 ĐCSTQ năm 2022
Ông Tập lên ngôi năm 2012 và sau đó khởi động chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi”, trong vòng 5 năm, tính đến tháng 10 năm 2017, ông Tập đã xử lý hơn 1,3 triệu quan chức tham nhũng, hầu hết số quan chức này đều là người phe Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng. Trong đó có những con hổ lớn như cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu, một cựu bí thư khác của Trùng Khánh là Tôn Chính Tài, và một cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khác là Quách Bá Hùng. Những tay chân thân tín nhân của Giang Trạch Dân đều lần lượt sa lưới, vòng vây đang thắt chặt, chỉ chờ tóm 2 con hổ chúa: Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng. Phe Giang – Tăng cũng không cam chịu, đã nhiều lần ám sát ông Tập mà không thành công.
Chu Vĩnh Khang (trái), Bí thư Ủy ban Chính trị và Lập pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2007, và Bạc Hy Lai vào tháng 3 năm 2011. (Trái sang phải: Teh Eng Koon / AFP / Getty Images, Feng Li / Getty Images)
Cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận Bình được đông đảo tầng lớp nhân dân Trung Quốc và đảng viên các cấp hoan nghênh. Số phận của tập đoàn tham nhũng Giang Trạch Dân như ngọn đèn trước gió. Trước Đại hội 19, phe Giang liền giở bài: công nhận vị trí lãnh đạo hạt nhân của ông Tập, hủy bỏ hạn chế giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước, và ghi tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng. Ông Tập được nhận vinh dự cao hơn cả Đặng Tiểu Bình và ngang với Mao Trạch Đông, đổi lại, ông Tập ngừng chống tham nhũng ở cao tầng của ĐCSTQ.
Ngoài ra còn một số tay chân ngầm của Giang biểu hiện ra là ủng hộ ông Tập, đóng vai trò “quân sư quạt mo”, tác động lên quyết định của ông Tập như Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu chính sách Trung ương, và Hàn Chính, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và Phó Thủ tướng thứ nhất Quốc vụ viện. Một phần ông Tập có lẽ “choáng ngợp” trước “vinh dự” tột bậc, và những lời tâng bốc của đám “nịnh thần”, nên đã thỏa hiệp với phe Giang.
Sau khi phe Giang có được thời gian tập trung lực lượng và bắt đầu phản công. Những tay chân ngầm của phe Giang đã tìm mọi cách dẫn dắt ông Tập phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, như chiến tranh thương mại Mỹ Trung, Luật dẫn độ Hong Kong, Luật An ninh Quốc gia Hong Kong, và đặc biệt là vụ cố tình để người Vũ Hán gieo rắc dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) đi khắp thế giới. Thực tế cho thấy, các ca F0 ở 20 nước trên thế giới thời kỳ đầu đều đến từ Vũ Hán và Trung Quốc.
Toàn bộ những tội ác trên đều đổ xuống đầu ông Tập, khiến ông bị thế giới cô lập, người dân oán thán, các nguyên lão và các thế lực ủng hộ ông cũng bất mãn, thế lực chống đối ông trong ĐCSTQ lại mạnh mẽ trở lại, nguy cơ ông bị lật đổ ở Đại hội 20 là rất lớn.
Sở dĩ ông Tập mạnh tay “đả hổ diệt ruồi” là được ủng hộ của Diệp Tuyển Ninh, con trai của cựu Nguyên soái Diệp Kiếm Anh. Diệp Tuyển Ninh nắm trong tay đội quân 3.000 đặc vụ ngầm, nằm trong hệ thống đảng, chính quyền, quân đội để thu thập tin tình báo. Tuy nhiên, sau khi Diệp Tuyển Ninh qua đời tháng năm 2016, thì đội quân này được cho là đã nằm dưới quyền kiểm soát của phe Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng. Nếu đúng là như vậy thì sinh mệnh ông Tập đang ngàn cân treo sợi tóc, khi mà cả phe Giang Trạch Dân và phe Đặng Tiểu Bình đều đang tập hợp lực lượng, thành thế gọng kìm để lật đổ ông Tập.
Tập Cận Bình phản đòn
Đầu tiên, ông Tập tái khởi động chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, ngay đầu năm 2019, ông Tập cho bắt 2 con hổ phe Giang ở tỉnh Thiểm Tây là Triệu Chính Vĩnh, Bí thư Tỉnh ủy và Ngô Tân Thành, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật kiêm Giám đốc của “Phòng 610”. Sau đó, năm 2020, ông Tập cho lập án điều tra một Hồng nhị đại phe Đặng Tiểu Bình là Nhậm Chí Cường, ông trùm bất động sản. Tháng 1 năm 2021, tử hình Lai Tiểu Dân, Chủ tịch tập đoàn Huarong, nhân vật chủ chốt phe Giáng. Ông Tập tuyên bố: không có “Vua mũ sắt”, ý nói không có vùng cấm, “vua mũ sắt” ám chỉ lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, tức Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Cựu Chủ tịch Lại Tiểu Dân của Công ty Quản lý Tài sản China Huarong. Ông này đã bị kết án tử hình. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Cuối năm 2020, ông Tập đã cắt chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương của Vương Hỗ Ninh và thay bằng người của ông là Giang Kim Quyền.
Trong lĩnh vực kinh tế, ông Tập thanh trừng Ant Group, Alibaba, Didi Chuxing, Tomorrow Group, Huaxin Group, Huarong Group, Evergrande Group… Những công ty lớn này đều có liên quan đến những gia tộc quyền lực Giang – Tăng.
Trong lĩnh vực chính trị và pháp luật, ông Tập tiếp tục đẩy mạnh công cuộc thanh lọc người phe Giang – Tăng.
Trong lĩnh vực quân sự, ông Tập thay các tướng lĩnh cấp cao, tiếp tục cải tổ quân đội đã nói về việc loại bỏ người phe Giang – Tăng.
Trong lĩnh vực văn hóa, chấn chỉnh mạnh mẽ giới văn nghệ sĩ. Gần đây là vụ Triệu Vy, mà cái đích là người đứng sau giới văn hóa nghệ thuật Tăng Khánh Hoài, em trai của Tăng Khánh Hồng.
Những hoạt động thanh trừng này, nhìn bề ngoài có vẻ hỗn loạn, hỗn loạn và mất trật tự, nhưng trên thực tế, chúng đều hướng về Giang – Tăng.
Con bài tẩy: Huawei và Mạnh Vãn Chu
Tại sao ông Tập phải can thiệp để đưa Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính một tập đoàn tư nhân về?
Tại sao không phải Huawei thuê máy bay mà chính quyền Bắc Kinh thuê máy bay đưa Mạnh Vãn Chu về?
Đặc biệt kỳ lạ là, chiếc máy bay đến Vancouver đón Mạnh Vãn Chu mang số hiệu BJN592, khi quay lại là CA552, mà chuyến bay CA552 vốn là là chuyến bay từ Trung Quốc đến Tokyo, Nhật Bản. Nhưng từ ngày 6 tháng 9 năm nay đến khoảng 20 ngày trước khi đón Mạnh Vãn Chu, CA552 không có bất kỳ hồ sơ chuyến bay nào.
Mạnh Vãn Chu có tư cách thường trú nhân Canada, tại sao lại lập tức trở lại Trung Quốc trên chiếc máy bay do chính phủ thuê?
Điều càng kỳ lạ hơn là, từ một số phần mềm theo dõi chuyến bay nổi tiếng như FlightAware, v.v., người ta phát hiện chiếc máy bay đặc biệt chở Mạnh Vãn Chu đi không theo lộ trình thông thường, tức là không bay thẳng vào Bắc Thái Bình Dương hoặc qua Alaska, Hoa Kỳ, trái lại, nó lại bay đến Bắc Cực, bay qua Bắc Băng Dương, qua Siberia, Nga, rồi qua khu Nội Mông, Trung Quốc, và cuối cùng hạ cánh xuống sân bay ở Thâm Quyến.
Nhưng khi xuống sân bay, một đám đông và đông đảo báo chí tuyên truyền tung hô Mạnh Vãn Chu như người hùng, nhưng người cha Nhậm Chính Phi lại không có mặt.
Đáp án cho một loạt câu hỏi về những điều kỳ lạ này là gì? Chỉ có một câu trả lời duy nhất hợp lý: Ông Tập muốn có trong tay cha con Mạnh Vãn Chu, Nhậm Chính Phi để lấy thông tin cốt lõi về mối quan hệ Huawei với Giang Trạch Dân, cũng như những thông tin bí mật về những đặc vụ bí mật của phe Giang – Tăng đang tiềm phục ở trong hệ thống đảng, chính quyền, quân đội, an ninh quốc gia.
Tất cả các hành động trên đều nhằm đưa bà Mạnh về an toàn, tránh thế lực Giang – Tăng giết người diệt khẩu. Hiện còn có khá nhiều chân tay phe Giang – Tăng trong các hệ thống đảng, chính quyền, chính trị và pháp luật, quân đội, an ninh quốc gia, và đáng gờm nhất là 3.000 đặc vụ bí mật mà phe Giang – Tăng có được từ sau cái chết của Diệp Tuyển Ninh, thế nên, những người có mối làm ăn và nắm được các bí mật của phe Giang – Tăng hoàn toàn có thể bị trừ khử nếu phe Giang – Tăng cảm thấy bị nguy hiểm bởi sự tồn tại của họ, hoặc không còn kiểm soát được họ. Cha con Nhậm – Mạnh đang ở giữa làn đạn của cuộc chiến phe phái, vận mệnh của họ lành ít dữ nhiều, chỉ sai một ly là có thể mất đi tính mạng.
Huawei có thể nói đã kết thúc, việc bà Mạnh nhận tội sẽ giúp Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt tiếp nhắm vào Huawei, và việc ông Tập can thiệp đưa bà Mạnh về nước cũng không phải để cứu Huawei. Có thể nói, gia đình họ Nhậm – Mạnh đã trở thành con tin trong tay ông Tập, và là con bài tẩy để ông Tập chơi ván bài quyền lực hiện nay. Cha con Nhiệm – Mạnh trung thành với chủ cũ Giang, hay chuyển sang phò tá chủ mới Tập? Điều này sẽ dần lộ rõ trong thời gian tới, nhất là đến Đại hội 20 ĐCSTQ năm 2022.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
Đại Minh – 01/10/21