Mạng xã hội – Vũ khí đấu tranh mới

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mạng xã hội – Vũ khí đấu tranh mới
Các trang mạng xã hội đã từng chứng minh nhiều lần trước đây là loại vũ khí đấu tranh mới của thế kỷ 21 mang lại nhiều hiệu quả qua các sự kiện lớn trên thế giới như Mùa xuân Ả Rập năm 2011 và cuộc Cách mạng Dù tại Hồng Kông năm 2014. Các cuộc tranh đấu sử dụng mạng xã hội đều có một điểm chung là được phát động bởi những người trẻ.
Cuộc biểu tình đòi kiểm soát súng trước toà nhà quốc hội Florida – Nguồn AP
Vụ nổ súng tại trường Trung học Marjory Stoneman Douglas ở Florida hôm 14/2 làm thiệt mạng 17 người một lần nữa dấy lên những cuộc tranh luận về việc kiểm soát súng tại Mỹ. Đây là vụ nổ súng lần thứ 18 tại các trường học ở Mỹ kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên, không như những vụ nổ súng trước đây, những lời kêu gọi kiểm soát súng lần này dường như không yếu đi mà ngày một mạnh mẽ hơn và được sự hưởng ứng trên toàn quốc. Công lao này là của chính các em học sinh trường Marjory Stoneman Douglas và vũ khí đấu tranh của các em là các trang mạng xã hội.
Hai ngày sau vụ nổ súng, em David Hogg lo ngại là sự phẫn nộ trong dư luận quần chúng về cuộc thảm sát sẽ sớm yếu dần đi như những lần trước nên đã mang theo một máy quay phim đến một công viên nơi các em học sinh thường hẹn nhau tụ tập và bắt đầu cho phát sóng trực tiếp trên trang mạng Twitter cuộc phỏng vấn các bạn học sinh mô tả về cuộc sống của các em bị ảnh hưởng ra sao sau vụ giết người. Ðoạn phim phỏng vấn đã được hơn 33,000 người xem.
David Hogg, 17 tuổi, là học sinh lớp 12 tại trường Trung học Marjory Stoneman Douglas và hiện là một trong những tiếng nói tranh đấu có ảnh hưởng nhất về kiểm soát súng ở Mỹ kể từ sau vụ nổ súng.
Các em học sinh trường Stoneman Douglas ngày nay không giống như những học sinh thế hệ trước là những người đã từng chứng kiến những vụ nổ súng ở trường học trước đây như vụ trường Trung học Columbine năm 1999 hay Ðại học Virginia Tech năm 2007. Các em là những người thuộc thời đại của kỹ thuật số, sử dụng nhuần nhuyễn và hiểu được công dụng và sức mạnh của loại điện thoại thông minh cũng như mạng xã hội. Ðó là lý do vì sao phong trào mà các em phát động, được gọi là #NeverAgain (tạm hiểu là “không bao giờ xảy ra nữa”), trở thành một hiện tượng tranh đấu xã hội khắp nước Mỹ chỉ trong ít ngày, và có nhiều dấu hiệu cho thấy phong trào này đang trở thành một cuộc vận động thành công mà trước đây người ta chỉ có thể mơ tưởng tới.
Mang-xa-hoi
Bản đồ trên mạng Snapchat kêu gọi bãi khoá của học sinh trung học tại Florida – nguồn Twitter
Các em đưa ra một hashtag lên mạng xã hội và đã được nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới tìm đọc và theo dõi. Hashtag là một danh từ kỹ thuật được sử dụng trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter khi người ta muốn đưa ra một đề tài hay chủ đề nào đó để mọi người cùng góp ý kiến – hash là dấu hiệu # và tag là nhãn hiệu, như hashtag #NeverAgain đang được nhiều triệu người tham gia và trở thành một phong trào tranh đấu.
Các em còn gửi tweet trực tiếp đến Tổng thống Donald Trump và những người chỉ trích các em trên mạng. Các em còn đọc những bài diễn văn đầy xúc động về kiểm soát súng và được lan truyền khắp nơi. Các em cũng đưa lên mạng những hình ảnh tự chụp selfies và đăng những cảm nghĩ của mình khi phải đối phó với những chấn thương tâm lý sau vụ thảm sát. Tất cả những thông điệp trên được bày tỏ bằng những tiếng nói chân thật của tuổi trẻ.
Ðối với nhiều người trẻ, mạng xã hội đã thâm nhập vào trong những thói quen sinh hoạt thường ngày như là cách để họ liên lạc và bày tỏ cảm nghĩ của mình với mọi người. Thậm chí trong khi vụ nổ súng đang diễn ra, nhiều học sinh đã không ai bảo ai tự động lên trên mạng xã hội và chia sẻ những hình ảnh và video cho thấy cảnh các em đang lẩn trốn tay súng sát nhân ngay trong lớp học, để cho nhiều người đang theo dõi bên ngoài được nhìn thấy cận cảnh sự ghê rợn của vụ nổ súng đến nỗi làm nhiều người phải rợn gáy.
Chỉ trong bốn ngày sau khi hashtag #NeverAgain được đưa lên mạng xã hội, các em đã quyên góp được $2.2 triệu để có thể tổ chức một cuộc xuống đường vào tháng tới, và những nhân vật như Oprah Winfrey và đạo diễn Steven Spielberg đã hứa tặng thêm nhiều triệu Mỹ kim nữa. Trong một chương trình bàn luận trên đài truyền hình CNN được chiếu trên toàn quốc, các em học sinh đã chất vấn Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người đã tỏ ra mềm mỏng lúc đầu khi nói rằng ông sẽ ủng hộ một số luật kiểm soát súng. Các em còn lên những chuyến xe buýt để tới Tallahassee, thủ phủ của tiểu bang Florida, để gặp Thống đốc Rick Scott, là người đã tuyên bố hôm Thứ Sáu 23/2 một loạt đề nghị trong đó có việc cấm bán vũ khí cho những người trẻ dưới 21 tuổi. (Hung thủ Nikolas Cruz mới 19 tuổi nhưng đã được quyền sở hữu súng có giấy phép.)
Phong trào còn vận động kêu gọi bãi khoá trên toàn quốc vào ngày 21/2, đúng một tuần sau vụ nổ súng, và đã được hơn 100 trường trung học hưởng ứng.
Mang-xa-hoi1
David Hogg, một trong những tiếng nói tranh đấu ảnh hưởng nhất của giới trẻ về kiểm soát súng – nguồn Reuters
Những áp lực đó đã mở ra cánh cửa mới hy vọng có thể đưa tới những thay đổi quan trọng trong luật kiểm soát súng, tại Florida cũng như tại quốc hội liên bang, là điều chưa từng xảy ra sau nhiều vụ nổ súng tại trường học và những nơi công cộng trước đây.
Phong trào #NeverAgain cho thấy cách thức dấn thân mới của người trẻ để tự khẳng định tư thế của họ trong tiến trình sinh hoạt dân chủ ở Mỹ, họ sử dụng nhuần nhuyễn những dụng cụ kỹ thuật số để làm lợi thế trong cuộc đấu tranh hiện nay. Các chuyên gia về xã hội nói rằng thông thường những người trẻ là nhóm cử tri không đáng tin cậy ở những cuộc bầu cử trước đây, hứng chí thì đi còn không thì ở nhà chứ không có một cam kết nào, nhưng nay họ là nhóm người đông nhất trong dân số Mỹ, và cho thấy có nhiều khả năng tạo được ảnh hưởng rộng lớn trên những vấn đề xã hội như việc kiểm soát súng.
Một ngày sau vụ nổ súng, một nhóm nhỏ học sinh của trường Stoneman Douglas đã ngồi lại với nhau thương tiếc cho những người bạn xấu số của họ đồng thời quyết định làm một cái gì đó để phản ánh tâm tư và cảm nghĩ của họ về vụ nổ súng. Em Cameron Kasky, 17 tuổi lớp 11, đề nghị sử dụng cụm từ “Never Again” cho hashtag của họ để đưa ra một thông điệp vừa ngắn gọn lại vừa rõ ràng dễ hiểu. Nhóm còn tạo một trang trên Facebook, mở trương mục trên Twitter và Instagram. Họ lập ra một nhóm bàn luận riêng cũng trên mạng để phác hoạ một chiến lược vận động cho phong trào tranh đấu của họ.
Trên diễn đàn mạng xã hội, các bạn trẻ này đã kêu gọi được hơn 3,000 học sinh ở trường và nhiều người khác ở khắp nước Mỹ đồng loạt gửi tweet #NeverAgain vào đúng 3 giờ chiều ngày 16 Tháng 2. Theo một phát ngôn nhân của Twitter, hashtag của họ lan truyền khắp nơi trên mạng và được chia sẻ ít nhất 500,000 lần.
Một ngày sau đó, em Emma Gonzalez, 18 tuổi học lớp 12, đọc một bài diễn văn thật xúc động tại một cuộc xuống đường kêu gọi kiểm soát súng ở Fort Lauderdale, Florida. Ðoạn video này đã được theo dõi hơn một triệu lượt trên mạng xã hội. Riêng trương mục Twitter của em thu hút được hơn 360,000 thành viên.
Các nhà tranh đấu trẻ của phong trào #NeverAgain còn biết sử dụng hình thức tranh đấu truyền thống. Ðầu tuần qua, các em đã tổ chức được ba chuyến xe buýt chở khoảng 100 học sinh của trường Stoneman Douglas đến thủ phủ Tallahassee. Các em đến vào đêm hôm trước, nằm nghỉ ngay trên sàn nhà của trung tâm hành chính với chăn mền mang theo. Nhiều em còn thức suốt đêm để viết diễn văn, thảo luận về chính sách kiểm soát súng và tìm hiểu thêm về hồ sơ cá nhân của những nhà làm luật của tiểu bang.
Hôm sau, Thứ Tư 21/2, các em phân tán ra thành từng nhóm nhỏ và đã tổ chức được khoảng 70 cuộc họp với các nhà làm luật và thành viên của chính phủ tiểu bang. Các em sau đó còn tham gia vào một cuộc biểu tình cùng ngày trước toà nhà quốc hội, thu hút được nhiều ngàn người tham dự.
Phong trào #NeverAgain còn nhận được sự hỗ trợ từ một số nhân vật có kinh nghiệm tổ chức những cuộc biểu tình có quy mô toàn quốc như “Cuộc tuần hành của Phụ nữ” (Women’s March) được tổ chức đồng loạt trên toàn quốc vào năm ngoái, và giúp các em mướn luật sư lo việc xin giấy phép biểu tình cũng như cần một thủ quỹ để điều hành một ngân quỹ nhiều triệu Mỹ kim các em nhận được từ quyên góp.
Hiện các em học sinh của trường Stoneman Douglas đang chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 4 Tháng 3 tại thủ đô Washington, nơi đây các em dự định dùng búa tạ đập nát những khẩu súng trường AR-15 (loại súng mà hung thủ Nikolas Cruz sử dụng) và biểu tình ngồi trước Toà Bạch Ốc trong 17 phút để vinh danh 17 nạn nhân trong vụ nổ súng.
Các trang mạng xã hội đã từng chứng minh nhiều lần trước đây là loại vũ khí đấu tranh mới của thế kỷ 21 mang lại nhiều hiệu quả qua các sự kiện lớn trên thế giới như Mùa xuân Ả Rập năm 2011 và cuộc Cách mạng Dù tại Hồng Kông năm 2014. Các cuộc tranh đấu sử dụng mạng xã hội đều có một điểm chung là được phát động bởi những người trẻ, và trong cuộc vận động tranh đấu đòi kiểm soát súng hiện nay, loại vũ khí mới này lại được những người trẻ sử dụng và tiếp tục gây ảnh hưởng cũng như mang lại nhiều hiệu quả kể từ sau vụ nổ súng tại trường Trung học Marjory Stoneman Douglas.
Vũ Hiến
(Báo Trẻ)