Đảng muốn đổi mới. Chính phủ cũng muốn đổi mới và Thủ tướng Chính phủ cũng là một Đảng viên. Chính phủ cũng có rất nhiều thành viên là Đảng viên. Vậy trách nhiệm của chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là rất quan trọng.
Cho tới giờ này, tôi có thể khẳng định ông Nguyễn Xuân Phúc không phải là một nhà chính trị dân túy. Ông Phúc không có những phát ngôn rổn rảng, những cú vung tay và chỉ tay, ánh mắt “nói chuyện” hay nụ cười ngọt ngào để diễn. Thậm chí ông Phúc còn bị quê nhiều lần như vụ tỉnh nào cũng là “đầu tàu cả nước”, tương tự như ông Phan Văn Khải ngày xưa với câu nói kinh điển “nuôi con gì, trồng cây gì”.
Nhưng tôi chỉ nhìn chính khách qua công việc. Việc cắt giảm 2.000 giấy phép con là phép thử không đơn giản chút nào cho nhiệm kỳ của ông. Cắt giấy phép con là đụng tới lợi ích nhóm được ban phát vô tội vạ cho các Bộ, ngành và địa phương. (Nhưng tôi cũng coi việc này là bình thường. Cái đáng chờ đợi là việc ông Phúc sắp xếp lại “bộ máy”).
2,5 triệu công chức là quá lớn và tỉ lệ 11 “người làm nhà nước”/ 100 người dân là một siêu gánh nặng. Chỉ riêng chi tiêu vượt ngân sách đã là 1 vấn đề đau đầu. Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ chọn/ loại ai thì cần nhìn vào 2 tiêu chí mà ông ấy theo đuổi: 1- Minh bạch; 2- Kiến tạo.
Thời sự tuần qua chứng kiến “cặp đôi” Bí thư – Chủ tịch Đà Nẵng bị kỷ luật, mức độ khá nặng. Tôi không tin Thủ tướng “không biết gì” về điều đó và không tự nhiên mà ông Trương Quang Nghĩa – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lại rời Bộ về Đà thành. Ông Nghĩa đã từng kinh qua chức Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng năm 2008 bởi sự điều động của Ban Bí thư khi ấy. Ở Bộ Giao thông, ông Nghĩa cũng không “dính” tới BOT ngoài các phát ngôn chung chung và có phần hơi… cổ lỗ.
Nếu hỏi ông Phúc cải cách kiểu gì cho hợp ý Đảng, được lòng dân thì có lẽ cần nhìn 2 nơi: Đồng Tháp và Quảng Ninh (về Quảng Ninh xin xem bài ở link).
Đồng Tháp có hai đầu tàu gương mẫu là Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương. Ông Hoan, ông Dương được dân và doanh nghiệp khen vì hai ông thực sự cải cách thủ tục hành chính vì dân, vì doanh nghiệp. Khi lãnh đạo “chạy” đúng, “guồng máy” sẽ tự động vận hành theo hướng tích cực. Chỉ số PCI (cạnh tranh cấp tỉnh) của Đồng Tháp luôn xếp trong top 5 từ 2008 đến nay là một minh chứng cụ thể. Trong đó, chi phí thời gian của Đồng Tháp đạt 8.69 điểm là nỗ lực không thể không khen ngợi.
Nhưng Việt Nam có bao nhiêu cặp đôi ăn ý như vậy? (Ít nhất là ăn ý hơn cặp đôi Xuân Anh – Đức Thơ tại Đà Nẵng.) Đó là câu hỏi mà người viết tin rằng chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không dễ trả lời. Và khi các lãnh đạo bộ ngành, lãnh đạo địa phương của 63 tỉnh, thành chưa làm gương thì việc dẫn đầu về thành tích trên giấy sẽ vẫn là căn bệnh trầm kha. Việc chiến đấu với tham nhũng, với chi tiêu lãng phí, với nhóm lợi ích, với sự trì trệ trong hành chính,… là những việc rất khó. Khó, không có nghĩa là không thể.
Sự đổi mới đôi khi không chỉ nằm trong các quyết sách mang tầm quốc gia mà cả trong ứng xử với các thành viên Chính phủ với nhau. Đặc biệt, không nên có những ưu đãi mang tính thân hữu để người dân trông vào mà xầm xì. Tôi luôn ủng hộ những chủ trương, quyết sách và chỉ đạo đúng của Chính phủ trên nền tảng minh bạch, khoa học và đặc biệt là vì dân. Đổi mới đòi hỏi bất kỳ thành viên nào của Chính phủ, kể cả Thủ tướng, cũng ý thức giữ lửa cho trách nhiệm, danh dự lẫn chức vụ của họ.
Vì xét cho đến cùng, không có cách làm cũ kỹ nào thành quả hiện đại, điều này không chỉ ứng với Chính phủ mà với cả mỗi công dân.
Trọng trách của Thủ tướng trong đổi mới Đảng chính là tinh gọn bộ máy nhà nước mà ông đang nắm! Dù bộ máy đó có những tàn dư siêu tham nhũng, những vùng đất được ví như “đất sứ quân”, nhưng sân sau nhung nhúc vẫn còn tồn tại đến hôm nay… Nói đơn giản, Chính phủ kiến tạo của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ thất bại nếu còn chứa chấp những cán bộ bất minh. Vì dân hết chịu nổi tham nhũng như cách họ cúng cá tra (loài ăn tạp ở trạm BOT)!
Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2017-2018 cho thấy Việt Nam xếp hạng 55, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với 5 năm trước. Đây mới là thước đo năng lực Chính phủ mà ông Nguyễn Xuân Phúc điều hành. Nên nhớ, ngoài vô số cán bộ biến chất, yếu kém thì Chính phủ hiện nay còn kế thừa nợ công khổng lồ và nguồn vay nước ngoài bị hạn chế lại rất nhiều.
Đổi mới Đảng và đổi mới thể chế là bảo vệ chính thể. Có lẽ Đảng và Chính phủ đều nhận ra điều này.
(Còn tiếp)
P/s: Ai nhìn chính khách qua ngoại hình hay “cách chơi” thì có lẽ bị thiểu năng nhận định chính trị, tôi nghĩ vậy.
Kỳ tới tôi sẽ viết về một người tưởng dễ viết mà cực kỳ khó viết: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chú thích: Nhìn cách thể hiện infographic của TTO thì biết được Đảng “đặt hàng” gì cho Chính phủ ở Hội nghị trung ương 6.
Năm 1998, giá cước di động siêu cao: 4.200VND/phút (giá Vinaphone). Nếu so sánh giá USD và vàng của năm 1998 với hiện nay bạn sẽ hiểu 4.200VND/phút khủng khiếp cỡ nào.
Năm 1993, Mobifone ra đời nhưng chưa rộng khắp cả nước. Sự xuất hiện sau đó của Vinaphone và nhất là Viettel làm người dân được sử dụng di động với giá cước thấp hơn nhiều. Điều tương tự xảy ra với Vietnam Airlines, Jetstar và nhất là VietJet Air của ngành hàng không.
Nhưng con số 3 vẫn không là điều mà người dân mong đợi để xóa độc quyền mà là con số mang tên “càng nhiều càng tốt”.
Status này viết trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương 6, khóa XII và bàn nhiều về đổi mới Đảng, đổi mới chính quyền. Cũng trong hôm nay, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ có bài trên Tuổi Trẻ với tựa “Hội nghị trung ương 6: Mở đường cho cải cách sâu rộng hơn”. Trong đó, TS Vũ nhấn mạnh 3 nội dung gồm:
1- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
2- Sắp xếp lại bộ máy chính trị
3- Công tác quản lý cán bộ
TS Vũ đã cẩn thận mào đầu về Hội nghị 6 rằng đây sẽ là hội nghị “mở đường cho cải cách khác sâu rộng hơn”. Và cải cách chính trị, theo tôi, là bắt buộc vì 3 lý do sau:
1- Dư địa phát triển kinh tế bằng tài nguyên đã hết
2- Hội nhập sâu rộng và cách mạng 4.0 cần cải cách bên trong bộ máy cho tương xứng
3- Bộ máy hiện tại quá cồng kềnh và “tham nhũng ổn định”
Tôi không đủ tầm để đoán “cải cách khác sâu rộng hơn” là gì nhưng ghi nhận một trường hợp rất thú vị:
Kiến nghị của ông Nguyễn Trung- cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Đức và nguyên cộng tác viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi Đảng cầm quyền (Đảng CSVN) ra quyết định “khép lại quá khứ”, “huy động toàn đảng” và “dựa vào trí tuệ nhân dân cả nước” tiến hành “một cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn”. Xin trích:
“Nên tham khảo mô hình thế chế chính trị hay nhà nước và bộ máy hành chính sự nghiệp của Singapore, Nhật và Hàn Quốc để vận dụng vào nước ta theo tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, Hiến pháp 1946 và cách tổ chức quốc hội 1946, được bổ sung những nét cập nhật phù hợp với đòi hỏi của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện tại.
Nét đặc trưng chung của 3 mô hình này (Singapore, Nhật, Hàn Quốc) là tính tập trung để tạo ra khả năng quyết đoán cao, đồng thời bảo đảm được dân chủ, tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Trên cơ sở những bước tiến mới nói trên, tiến hành xây dựng một thể chế chính trị hay nhà nước đa nguyên, hình thành một số đảng chính trị mới theo Hiến pháp mới và Luật về đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội dân sự như đã được thông qua ở giai đoạn II.”
Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII tôi đã kiến nghị thành lập nhóm ad hoc gồm các đồng chí Bùi Quang Vinh [cựu Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, nguyên Ủy viên BCHTƯ Đảng], Vũ Đức Đam [Ủy viên BCHTƯ Đảng Phó Thủ tướng Chính phủ] và Phạm Bình Minh [Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao] giúp đảng xây dựng nội dung Đại hội theo hướng xúc tiến cải cách nói trên.” (hết trích)
Trừ ông Bùi Quang Vinh đã về hưu (nhưng đang làm cố vấn kinh tế cho Chính phủ) thì ông Vũ Đức Đam, ông Phạm Bình Minh đều đang tại vị ở các vị trí quan trọng trong Chính phủ. Và cả 3 vị này đều là Đảng viên, đều được ông Nguyễn Trung gọi là đồng chí. Vấn đề là 18 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và hơn 200 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng sẽ nghĩ sao về kiến nghị này.
Tôi hiểu một cách bình dân và đơn giản nhất: Nếu thực hiện kiến nghị này, Đảng CSVN sẽ tự giảm bớt sự độc quyền của Đảng cầm quyền nhưng không mất đi vai trò lãnh đạo của Đảng này. Để xây dựng một đất nước tiến bộ, phát huy nội lực và đoàn kết trong và ngoài nước thì đây là một đột phá rất lớn! Và bình dân nhất về sự cải tổ này cứ hiểu đơn giản như việc xài di động, đi máy bay tôi đã nói ở trên…
Càng nhiều sự lựa chọn càng tốt! Chính trị không ngoài quy luật đó!