Macedonia đóng cửa biên giới, không nhận người di trú
Những người di cư cố gắng chuẩn bị một bữa ăn dưới cơn mưa rào tại một trại tạm thời ở biên giới Hy Lạp-Macedonian, gần làng Idomeni, Hy Lạp, ngày 09/3/2016.
Theo VOA – 10.03.2016
Hàng ngàn dân di trú từ Syria và các nước khác đang bị kẹt ở Hy Lạp, chận mục tiêu của họ là đến miền bắc châu Âu, sau khi Macedonia đóng cửa biên giới ngày thứ tư.
Cảnh sát Macedonia đã đóng cửa biên giới một ngày sau khi Slovenia, Croatia và Serbia tuyên bố đóng cửa biên giới đối với gần như tất cả dân di trú quá cảnh, mà chỉ ngoại trừ trường hợp những người xin tỵ nạn.
Các hành động này có tác dụng đóng cửa cái gọi là “tuyến đường Balkans” mà nhiều người di trú đã sử dụng để đến các nước giàu có hơn ở tây Âu. Thủ tướng Slovenia Miro Cerar nói, “Tuyến đường Balkans dành cho những vụ di trú bất hợp pháp không còn tồn tại nữa.”
Các vụ đóng cửa biên giới diễn ra sau khi Liên hiệp Âu châu đưa ra quyết định tại một cuộc họp ở Brussels hôm thứ hai rằng các thành viên EU phải trở lại thực thi hiệp định Schengen của liên minh, quy định việc bảo đảm các biên giới phải mở ra khắp châu Âu nhưng cũng nói rằng các quốc gia có thể từ chối cho nhập cảnh bất cứ người di trú nào quá cảnh và không xin tỵ nạn cấp thời.
Bất kể việc thực thi biên giới các quốc gia vùng Balkans, Liên hiệp châu Âu và các nước láng giềng ngày càng bị áp lực phải xử lý con số to lớn dân di trú đã đến được các quốc gia EU ngoài vùng Balkans, và ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi 2,7 triệu người di trú đang chờ đợi để tiếp tục hành trình.
Tình trạng biên giới ‘tệ hại’
Trong khi đó, tình hình gần biên giới Hy Lạp-Macedonia được mô tả là tệ hại. Giới hữu trách cho hay gần 36 ngàn di dân và người tỵ nạn bị kẹt ở Hy Lạp, trong đó có hơn 14 ngàn người tỵ nạn, chủ yếu mang quốc tịch Syria và Iraq – bị kẹt trong một trại lầy lội mất vệ sinh ở gần cửa khẩu Idomeni nơi biên giới Macedonia.
Những người khác bị kẹt ở Macedonia gần biên giới Serbia và ở một nơi hoang vu giữa biên giới hai nước.
Tại Slovenia, 478 ngàn dân di trú được cho là đã vào nước trên hành trình đi về hướng tây, nhưng chỉ có 460 người nộp đơn xin tỵ nạn trong nước này, theo hãng tin Reuters.
Croatia là một thành viên EU nhưng không thuộc khu vực Schengen không cần hộ chiếu. Croatia nói sẽ chỉ cho phép vào nước những người có giấy tờ tùy thân và thị thực hợp pháp.
Còn Serbia, không phải là một thành viên EU thì nói sẽ theo gương Slovenia.
Thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ
Các nhà lãnh đạo EU và các giới chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara hôm thứ ba nói họ đã đạt được một thỏa thuận khả thi có thể gửi trả hàng ngàn dân di trú đã từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp.
Sau nhiều tháng bất đồng và tranh cãi ngày càng nhiều giữa 28 quốc gia EU, các nhà lãnh đạo nói họ đồng ý dành cho Thổ Nhĩ kỳ hơn 3 tỷ đôla để giúp trang trải cho việc tiếp nhận gần 3 triệu người Syria tỵ nạn. Các nhà lãnh đạo EU cũng đồng ý mau chóng nới lỏng các điều kiện thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ và tăng tốc các cuộc đàm phán thu nhận Ankara vào EU để đổi lấy việc họ góp phần ngăn chặn luồng di dân vào châu Âu.
Thỏa thuận đề nghị EU tái định cư 1 người Syria tỵ nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại 1 người Syria tỵ nạn từ Hy Lạp.
Tuy nhiên, phối hợp viên Âu châu của UNHCR Vincent Cochetel là người cho biết ông không rõ chi tiết của thỏa thuận được đề nghị, đã nói với đài VOA rằng ông lo ngại thỏa thuận có thể thiếu các biện pháp bảo vệ những người xin tỵ nạn.
Ông Cochetel nói: “Việc trục xuất tập thể người nước ngoài bị ngăn cấm theo Công ước Âu châu về Nhân quyền. Một thỏa thuận tương đương như việc gửi tập thể bất cứ người nước ngoài nào trả về một nước thứ ba không phù hợp với luật của châu Âu, không phù hợp với luật quốc tế.”
Hội nghị thượng đỉnh ngày 17 tháng 3
Mọi con mắt hiện đổ dồn vào ngày 17 tháng 3 và khởi đầu của cuộc họp thượng đỉnh 2 ngày để chung quyết cam kết và đồng ý về một thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo hy vọng sẽ giúp đem trở lại tình trạng bình thường dọc theo các đường biên giới trước cuối năm.
Châu Âu đang chật vật xử lý vụ khủng hoảng người tỵ nạn lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Năm ngoái, hơn 1 triệu người tỵ nạn và dân di trú đã thực hiện cuộc hành trình nguy hiểm băng qua Địa Trung Hải từ Thổ Nhĩ Kỳ qua châu Âu và gần 142 ngàn người đã đến nơi tính đến giờ này trong năm nay, đa số đến Hy Lạp.