Mặc dù bị tây-phương tẩy chay, Nga đã phô trương sức mạnh quân-sự trong cuộc diễn hành – Nhữ Đình Hùng
Mặc dù bị tây-phương tẩy chay trong lễ chiến thắng đối với Đức Quốc Xã lần thứ 70 được tổ chức tại Moscou, Nga đã phô trương sức mạnh quân-sự trong cuộc diễn hành!
Ngày 09.05.2015, nước Nga đã cử-hành lễ chiến-thắng Đức Quốc Xã lần thứ 70. Nhưng trong lần này, Nga đã gặp phải sự tẩy chay của nhiều nước tây phương,trong số 68 nước được mời, chỉ có hai mươi vị nguyên thủ quốc-gia hiện-diện trong buổi diễn-binh tại Công-Trường Đỏ. Trong số các nguyên-thủ hiện-diện, nguời ta thấy có Xi Jinping của Trung Hoa, tướng Abdel Fattah Al-Sissi của Ai-Cập, Nicolas Manduro của Vénézuéla và Raul Castro của Cuba. Cách đây năm năm; vào năm 2010, cũng tại công-trường này, các đoàn quân của Nga đã diễn-hành cùng với các toán quân của Anh, Ba Lan, Mỹ và Pháp…
Trong năm nay, Ba-Lan đã tổ chức lễ kỷ-niệm riêng, Ukraine cũng thế… Một sự lạnh nhạt đối với Nga của Anh, Mỹ, Pháp không phải là một dấu hiệu tốt đẹp trong bối cảnh căng-thẳng giữa OTAN và Nga về vấn đề Ukraine, về vấn đề ‘theo đuổi’ giữa các chiến-đấu-cơ Nga và OTAN trong vùng không phận tiếp giáp giữa Nga và những nước này..
Mặc dù thế, cuộc diễn binh ở Moscou đã được tổ chức một cách trọng thể với một ngân sách lên tới 28,5 tỉ rúp cho toàn quốc, trong đó có việc ‘phá các đám mây ‘ bằng cách rải chất ‘iodure d’argent’ bằng máy bay, chỉ riêng việc này đã chiếm 400 triệu rúp (khoảng 7 triệu đô la). Nhiều cuộc diễn hành được tổ chức trong các thành-phố lớn, riêng tại Moscou, cuộc diễn hành đã qui tụ trên 16.000 người!
Cuộc chiến chống Đức Quốc Xã được gọi là ‘đại chiến vì tổ-quốc’ và kể từ thời Brejnev, các cuộc diễn hành đều mang tính cách ‘biểu dương lực lượng’ và dưới thời Poutine tính cách biểu dương càng rõ.
Cuộc diễn-hành kỷ-niệm 70 năm chiến thắng Đức Quốc Xã đã được diễn ra tại Moscou vào lúc 10 giờ . Trên khán đài danh dự, có sự hiện diện của Vladimir Poutine và hai chục nguyên thủ quốc-gia hay chính-phủ trong số này có Xi Jinping (Trung Hoa) Pranab Mukherjee (Ấn-Độ),tướng Al-Sissi (Ai-Cập), Nicolas Maduro (Vénézuela), Jacob Zuma (Nam Phi), Raul Castro (Cuba)… Không có sự hiện diện nào của các nguyên thủ các quốc gia tây phương, ngoại-trưởng Pháp Fabius có mặt tại Moscou, ông đã không hiện diện trong buổi lễ (tuy rằng ông và Poutine đã có gặp gỡ và đã đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm chiến-sĩ vô-danh); về phiá thủ tương Đứcc,bà Markel sẽ đến Moscou ngày hôm sau để thảo-luận với Poutine, điều này cho thấy Pháp và Đức không muốn có căng-thẳng quá mức với Nga.
Về phiá Nga, xem chừng Poutine không có vẻ phiền trách gì! Trong một diễn văn ngắn gọn , ông Poutine đã nhắc rằng ‘chính Hồng-quân, sau cuộc tấn-công khốc-liệt vào Bá Linh, đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến chống nước Đức theo Hitler. Liên bang sô viết đã tham dự vào các trận đánh đẫm máu nhất’. Cũng nên nhắc lại là Liên-Sô đã có 25 triệu người chết, một sự đóng góp quá khủng khiếp cho cuộc chiến.
Mặc dù Anh, Mỹ, Pháp không tham dự lễ kỷ niệm chiến thắng lần thứ 70 tại Moscou, ông Poutine đã có thái-độ cởi mở ‘Chúng tôi biết ơn nhân dân Anh, Pháp và Hiệp-chúng-quốc về việc đóng góp của họ vào chiến-thắng. Chúng tôi biết ơn những người chống phát-xít ở những nước khác nhau đã góp phần vào cuộc chiến-đấu trong hàng-ngũ quân kháng-chiến và trong bí-mật, kể cả ở ngay nước Đức’. Ông Poutine đã kêu gọi một phút mặc niệm, sau đó, tiếp tục bài diễn văn với lưu-ý ’70 năm sau, lịch sử kêu gọi chúng ta có cảnh-giác mới’, nhắc rằng những tin tưởng về việc ưu thắng về chủng loại đã lôi kéo vào một cuộc chiến đẫm máu và người ta không thể phạm cùng một lỗi lầm! Ông Poutine cũng nhắc đến vai trò của LHQ và ta thán trong vòng những thập niên gần đây, nguyên-tắc hợp-tác quốc-tế đã bị coi thường thay vào đó là những ý đồ tạo ra một thế giới đơn cực đã vi- phạm tới sự phát triển của tinh-cầu!
Sau bài diễn văn của Vladimir Poutine là cuộc diễn-hành với sự tham dự của 16.127 quân nhân trong số đó có sự tham sự của một số các toán quân nước ngoài, đặc biệt là toán quân Trung Hoa với sự đại diện của ba binh chùng hải, lục và không quân, toán quân Ấn-Độ, toán quân Serbie,…. Nhưng quan-trọng nhất là cuộc diễn hành các đơn vị chiến xa ( 194 đơn vị chiến xa) trong số có chiến xa loại mới Armata T-14 (được coi là mạnh nhất thế-giới hiện nay), các đơn-vị hoả tiễn trong số có hoả-tiễn S-400 và trong số các phi-cơ bay biểu diễn trong cuộc lễ này, quan-trọng nhất là phi cơ TU.160M, một oanh-tạc cơ chiến-lược được coi là siêu-đẳng của Nga.
Như đã thấy, trong số ngũ-cường, chỉ có Trung Hoa hiện diện trong buổi lễ kỷ niệm 70 chiến thắng Đức Quốc Xã ngày 09.05.2015 tại Moscou. Anh, Pháp, Mỹ đã ‘tẩy chay’.. Việc này diễn ra trong khung cảnh Trung Hoa vừa cho ra mắt một định chế tài-chánh mới ở Á Châu, trong khi đó, các nước trong khối BRICS cũng thành lập một định chế tài chánh chung và chuẩn bị cho việc xử dụng đồng ‘Yuan’ và đồng ‘rúp’ cho các cuộc giao-dịch trong khối; Như thể một cuộc chiến kinh-tế đang diễn ra nhằm chống lại vai trò ưu thắng của Mỹ Kim. Việc tẩy chay của các nước tây phương trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Quốc Xã Đức, bề ngoài nói là phản đối Nga ‘can thiệp’ vào Ukraine, nhưng thực tế xem chừng như là phong-toả, cô-lập Nga. Việc hiện-diện của Xi Jinping bên cạnh Poutine, và trong buổi lễ hai ông đã thường trao đổi với nhau, cho thấy một hình thức liên minh đang có thể hình thành giữa Nga và Trung Hoa. Trong cuộc diễn hành, Nga đã cho phô trương sức mạnh quân-sự của mình, đặc biệt là các võ khí được coi là siêu đẳng như chiến xa Armata T-14 và oanh-tạc-cơ chiến-lược TU-160 M, hoả-tiễn S-400…
*TU-160, oanh-tạc-cơ chiến-lược siêu-đẳnh của Nga.
image: http://www.opex360.com/wp-content/uploads/tu160-20150502.jpg
Oanh-tạc-cơ TU-160 của Nga đã được nghiên-cứu từ năm 1975 và được đưa ra bay thử lần đầu vào năm 1981. Đây là phi-cơ được coi là để đáp-ứng với oanh-tạc-cơ Rockwell B1 ‘Lancer’ của Mỹ.
TU-160 là loại phi-cơ phản-lực siêu-thanh với cánh có thể thay dổi dạng (voilure à géométrie variable), sải cánh có kích thước 55,70 mét với chiều dài phi cơ là 54,10 mét. Phi-cơ TU-160 Blackjack có thể mang một trọng tải tối đa lên đến 40 tấn, tốc độ tối-đa 2200km/giờ, có tầm hoạt động 13.200 cây số, có trang bị hoả-tiễn có thể mang đầu đạn nguyên-tử như KH-44 (danh-hiệu theo OTAN là AS-15 Kent) và Kh-15 (danh hiệu theo OTAN AS-16 Kickback). Tu-160 được đưa vào xử-dụng kể từ 1987 và quân-đội Nga hiện có 16 phi-cơ thuộc loại này.
Ngày 30-04-2016, trong khi thăm viếng xí-nghiệp hành-không ở Kazan, tổng-trưởng quốc-phòng Nga Sergueï Choïgou cho biết cần phải có những nỗ lực không những để duy trì trong tình trạng tốt và tân-tiến hoá các phi cơ chiến-lược mà còn có cả việc thúc đẩy lại việc sản xuất các oanh-tạc-cơ phóng hoả-tiễn TU-160. Vẫn theo Choïgou, oanh-tạc-cơ TU-160 là ‘phi-cơ duy-nhất thuộc loại này, đã đi trước thời kỳ của nó cả nhiều thập niên và các khả-năng của nó vẫn chưa được tận dụng. Được biết các phi-cơ TU-160 đang xử-dụng đã được tân-trang và có thêm radar kiểu mới! Ngày 16.11.2014, phi cơ TU-160M ( M để chỉ việc đã tối-tân-hoá) đã bay thử trong 2 giờ 40 phút. Các phi cơ được tối tân hoá sẽ được giao cho không-quân từ đây cho tới năm 2020.Các phi-cơ 160M được coi là có khả-năng gấp đôi phi-cơ TU-160. Các phi-cơ TU-160M có một hệ thống vũ-trang mới cho phép xử dụng cả hoả-tiễn di-hành lẫn bom.
Các tuyên-bố của Choïgou có lẽ nhằm đáp-ứng lại việc Mỹ đặt các oanh-tạc-cô chiến-lược B-1 Lancer dưới quyền ủa Air Force Global Strike Command.
Hiện Nga đang đưa ra chương-trình chế-tạo oanh-tạc-cơ chiến-lược mới có tầm hoạt-động xa dưới danh-xưng PAK DA, dự trù bay thử vào năm 2019 và đưa vào xử dụng trong khoảng 2021 đến 2025. Theo tuyên bố của tư-lệnh không-quân Viktor Bondarev, oanh-tạc-cơ chiến-lược thế-hệ thứ năm PAK DA sẽ thực-hiện sứ-mạng hiện do các phi-cơ TU-180, TU-95MS và TU-22 đảm trách
*Chiến-xa mới của Nga T-14 Armata.
image: http://www.opex360.com/wp-content/uploads/armata-20150509.jpg
Trong cuộc diễn-binh ngày 08.04.2015 tại Moscou, một số quân-dụng mới của Nga đã được chính thức đưa ra trình làng như các đại-bác Koalitsiya -SV, xe bọc thép dành cho bộ binh Kourganets-24, vận tài quân-sự Kourganets-25 và quan-trọng nhất là chiến-xa T-14 Armata.
Kể từ sau đệ nhị thế chiến, xem chừng việc chế tạo các chiến-xa hạng nặng không được quan tâm đến nhiều, ở tây phương có các chiến xa Leopard 2, Abrams và Leclerc được chế-tạo trong khoảng 1980/1990. Gần đây, các dự án chế-tạo chiến-xa của phương tây được đề ra nhằm thay thế các loãi chiến xa cũ như Leopard 2 và Leclerc, theo như các tổng-giám-đốc Nexter và Krauss-Maffei Wegmann…
Về chiến xa T-14 Armata của Nga, điểm đặc biệt của nó là pháo-tháp (tourelle) không có người, các hoạt-động được ‘viễn khiển’, pháo tháp có trang bị đại bác 125mm, chỉ cần ba người điều khiển và ở trong một buồng bọc thép (capsule blindé). Chiến-xa T-14 Armata có thể được trang-bị hoả-tiễn chống chiến-xa Sokol-1 như là vũ khí chính, có thêm đại-bác 30 ly và một đại-liên 12,7 ly. Ngoài ra, T-14 Armata còn có một hệ-thống bảo-vệ Afganit có thể tìm ra các đạn đạo và các máy cảm-nhận (capteur) và radars…T-14 Armata có thể di-chuyển với tốc-độ từ 75 đến 90 cây số/giờ với động cơ dầu cặn CTZ A85-3A có sức mạnh 1.500 mã-lực.
Dự liệu sẽ có 2.300 chiến-xa T-14 Armata sẽ được chuyển giao cho quân đội từ nay cho tới 2020 nhằm để thay thế các T-72 và T-90.
Hoả-tiễn S-400 Triumph (tiếng Nga: С-400 Триумф) là một loại hoả-tiễn phòng-không và chống hoả-tiễn, với dàn phóng lưu-động, do công-ty Almaz-Antei chế-tạo. OTAN gọi S-400 dưới danh-hiệu SA-21 Growler. Hoả tiễn này có vận_tốc phi-hành lên đến 4800 mét một giây và có thể đạt tới cao-độ 30 cây số. Hoả-tiễn được radar hướng dẫn, tầm hoạt động 600 cây số.Hoả-tiễn được phóng đi từ một dàn phóng lưu-động.Hoả-tiễn S-400 được dùng đễ chống lại các loại oanh-tạc-cơ chiến-lược như B-1, FB’111, B-52H, các phi-cơ cho cuộc chiến điện tử như EF-111A, EA6, các phi cơ trinh sát như TR-1, các loại phi-cơ chiến đấu hiện tại kể cả các phi-cơ ‘vô-hình’ (furtif) như B-2 và F-117- Nighthawk, các loại hoả-tiễn di-hành chiến-lược như Tomahawk, các mục tiêu cố định hay di-động với vận tốc dưới hay bằng 4800 mét một giây.
Hiện Nga đang có dự án chế-tạo hoả-tiễn S-500 có khả năng chống các không kích và các tấn-công bằng hoả-tiễn đạn đạo. Một hệ-thống hoả-tiễn S-500 có khả năng khám phá và đánh đến 10 mục tiêu đạn đạo có tốc độ 7000 thước/giây và cả các phi cơ siêu âm!
*Bên cạnh các phương-tiện quân-sự được phô diễn trong ngày 09.05.2015 tại Moscou, Nga còn những vũ-khí đáng ngại khác. Ví dụ như hệ-thống ‘Vitebsk’ được trang-bị cho một phi-cơ quân-sự sẽ làm lệch hướng hoả tiễn nhắm bắn vào phi cơ này. Như hệ thống ‘Rytchag’ được trang-bị trên một phi-cơ có thể tạo ra một lá chắn vô hình làm ‘mù’ đối phương từ xa hàng trăm cây số. Hay hệ-thống chiến-tranh điện-tử ‘Rtut-BM’ có thể làm hoả-tiễn đối phương phát nổ trước khi đến mục tiêu..Trang bị cho các đoàn quân đang trên đường hành quân, hệ thống ‘Rtut-BM’ có thể bao che cho một vùng rộng đến 50 mẫu! Hệ-thống Rtut-BM là một hệ thống di động, thay đổi vị trí một cách dễ dàng, việc dàn trải hệ thống để hoạt động chỉ mất mười phút và chỉ cần hai nhân-viên. Một hệ thống chiến-tranh điện-tử khác, ‘Avtobaza’ đã làm gián-đoạn việc điều khiển một phi-cơ không người lái MQ-5B, một phi cơ trinh sát và tấn công của Mỹ bay trên bầu trời Perekop ngày 13.03.2014, và buộc phi cơ này phải đáp khẩn cấp xuống Crimée, các chuyến bay của MQ-5B trên vùng này đã ngưng sau đó. năm 2011, một phi cơ không người lái của Mỹ RQ-170 cũng đã bị buộc phải đáp xuống Iran cũng nhờ hệ-thống Avtobaza. Vào muà xuân 2014, một chiến-hạm Mỹ, Donald Cook đã tiến vào Hắc Hải. Một phi cơ Su-24 có trang bị hệ thống ‘Khibiny’ đã bay theo dõi chiến-hạm này. Hậu quả là các hệ thống điều khiển của chiến hạm bị trục trặc, hệ thống chống hoả tiễn Aegis của chiến hạm bị ‘mù và điếc’. Chiến hạm đã phải quay trở lại cảng ở Thổ-Nhĩ-Kỳ.
*****
Trong cuộc diễn hành ngày 09.05.2015 tại Moscou để kỷ-niệm việc chiến-thắng Đức Quốc Xã năm 1945, Nga đã cho phô diễn thế lực quân-sự của mình. Nhưng các vũ khí phô diễn nhằm chống lại các vũ khí ‘đối-phương’ hiện có hơn là các vũ khí sẽ có. Trong lãnh-vực chế-tạo vũ-khí , Mỹ cũng như Trung-Hoa hiện đang có những nỗ lực đáng kể để chế tạo ra các vũ khí mới. Khó có thể biết mèo nào sẽ cắn mỉu nào!
Nhữ Đình Hùng /tổng-hợp/19.05.2015
Nguồn:
http://www.opex360.com/2015/05/02/la-russie-pourrait-relancer-la-production-du-bombardier-strategique-tu-160-blackjack/#tgMMgAibwtYeHLHP.99
http://fr.sputniknews.com/international/20150323/1015297100.html#ixzz3VEt3hTt7
http://fr.sputniknews.com/international/20150320/1015268817.html#ixzz3VEo9FqpN
http://fr.sputniknews.com/defense/20140811/202101891.html#ixzz3VEkfgjb4
http://fr.sputniknews.com/defense/20150323/1015298534.html#ixzz3VEghsC5m
http://fr.sputniknews.com/defense/20141119/203023911.html#ixzz3VEixT2ZH