Mạn bàn về “cái ăn” đất Việt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mạn bàn về “cái ăn” đất Việt
Người lang thang (Danlambao) – Trên thế giới có lẽ ít có dân tộc nào bị ám ảnh bởi cái ăn như người Việt. Cái ăn thẩm thấu vào tâm hồn trí não, trở thành nếp sống đặc thù của dân tộc. Cũng có lẽ không một ngôn ngữ nào trên thế giới có nhiều từ kép và những câu tục ngữ bắt đầu bằng chữ ĂN như tiếng Việt. Từ những sinh hoạt thường ngày như ăn vặt, ăn chơi, ăn gian nói dối… đến những công việc của trí tuệ, luân thường đạo lý như ăn học, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn chay niệm Phật…
Người ta có thể viết ra một quyển từ điển bỏ túi chỉ bắt đầu bằng chữ ĂN. Và ngoài việc bỏ thực phẩm vào bao tử, động từ ăn còn xâm lấn vào các lãnh vực kỹ thuật, văn hóa, chính tri, xã hội như ăn xăng, ăn nhớt, ăn đòn, ăn đạn, ăn lương, ăn cưới, ăn cướp, ăn cỗ đi trước lội nước đi sau… Nhưng dù được áp dụng vào bất cứ lãnh vực nào, chữ ăn vẫn ưu tiên đi đầu với hàm ý hấp thụ, nhận lãnh. Nói khác, chỉ nhận chứ không cho, chỉ vào chứ không ra.
Cái nhân sinh quan miếng trầu là đầu câu chuyện lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thôn quê đến thị thành, từ cần lao đến lãnh đạo. Tư duy miếng ăn đã làm người Việt vô cùng bận rộn trong việc sáng tạo những cái bánh chưng, bánh dày, bánh xèo, nồi hủ tiếu, bún phở, ly cà phê to nhất thế giới rồi ngồi tự sướng với nhau. Đó là những kỳ tích phục vụ dạ dày độc nhất vô nhị mà không một dân tộc nào có thể cạnh tranh.
Người Việt tận hưởng và giải quyết cái ăn theo nhiều cách và ở cấp độ khác nhau. Nó được ngầm hiểu là thước đo đẳng cấp xã hội. Kẻ tay lấm chân bùn, đầu tắt mặt tối bò lê ăn uống ở lề đường góc phố. Kẻ có quyền lực, tiền bạc rủng rỉnh nâng chén chúc tụng nhau tại nhà hàng, khách sạn cao sang. Nhưng cả hai đều tấu chung bản hợp xướng “zô zô”. Một bản hợp xướng được ưa chuộng hơn bản quốc ca vì đúng nghĩa bản sắc Việt. Nó được phát hết công suất mỗi ngày đêm, khắp mọi miền đất nước.
Nhà nước CS Việt Nam cũng bận rộn không kém trong nỗ lực truy tìm những món ngon để xếp vào kho tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam. Hình như đất nước này không còn gì để hãnh diện ngoài những danh lam thắng cảnh, cái của trời cho, được Unesco công nhận và cái ăn. Cả một guồng máy thông tin lề đảng rú lên sung sướng mỗi khi một vài món ăn Việt được thế giới khen ngợi. Thổi phồng là nghề của đảng. Đảng ta là vô địch, trên đầu rạng rỡ hào quang chỉ mình ta ngó thấy. Nó vỗ về cái mặc cảm chỉ biết ăn, đi xin và đi vay mà chẳng làm được thứ gì cho ra hồn ngoài việc xuất khẩu lao động, gia công cho thiên hạ suổt nhiều thập niên để được an ủi gắn ké cái mác “ma-ze-in Viet Nam” và mơ mộng một ngày đất nước sẽ phú cường như Singapore, Nam Hàn, Nhật Bản…
Chiến tranh Việt Nam đã trở thành đề tài cũ mèm và khó nuốt vì những sự thật trơ trẽn dần bị phanh phui và nói phét mãi người dân nghe cũng tởm. Chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là giải pháp thích hợp nhất bởi lẽ nó đáp ứng được tâm lý cái ăn đồng thời vẫn củng cố được quyền lực của đảng và nhà nước. Cái ăn được khai thác triệt để trong thương trường, chính trường, trong mọi ban ngành, tổ chức, đoàn thể, mọi sinh hoạt văn hóa, xã hội. Nhưng thực phẩm chỉ là món ăn vặt trên bàn nhậu dành cho bọn thứ dân hạ tiện và đám cán ngố nô bộc vì đủ no đã là chi dấu hạnh phúc rồi. Lãnh đạo sáng suốt độc quyền những món cao lương mỹ vị ở ngoài tầm tay và vượt quá khẩu vị của quần chúng nhân dân: ăn tiền thuế, ăn đất, ăn viện trợ, ăn ODA…
Tóm lại, người người cùng ăn, nhà nhà cùng ăn. Ai cũng có phần. Vua Hùng hẳn rất hãnh diện khi con cháu tỉnh Sầm Sơn dâng cúng cái bánh dày nặng hơn 3 tấn và ông tổ đầu bếp Lang Liêu cũng phải ganh tỵ với tài năng của kẻ hậu sinh. Nhưng chắc chắn cả hai phải bị bất ngờ, cúi đầu khâm phục trước khả năng biến tấu món ăn cực kỳ phong phú và đa dạng của con cháu Lạc Hồng. Chúng nó ăn không chừa một thứ gì!
Ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân mô tả về Phở và Chùa Đàn đã gợi hứng cho rất nhiều bỉnh bút viết về món ăn đất Việt. Cảm nhận về cái ăn của người Việt thời @ còng đã đạt đến mức thượng thừa, vượt quá sự lãng mạn. Nào là Chuyến hành hương đi tìm bát phở, Bánh chưng bánh dày: sức sống mãnh liệt của văn hóa tâm linh, Bánh mì Việt và hành trình ngoạn mục để đến với năm châu…
Dạo một vòng internet, người ta sẽ tìm thấy vô số bài viết nổ như tạc đạn về văn hóa ẩm thực Việt. Vỗ tay tự sướng, nói như vẹt, hót như sáo, ăn tục nói phét đã quen. Cái tinh tế của món ăn Việt trở thành chỗ cho lũ ruồi bu kiến đậu. Cái ăn đi vào ngôn ngữ, tập quán góp phần xây dựng nền văn hóa ăn tạp bầy đàn. Cái bếp là trợ thủ đắc lực cho giới cầm quyền và kho tàng ngôn ngữ Việt Nam chắc chắn sẽ còn nhiều khoảng trống dành cho cái ăn.
02.10.2018