Luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh nêu đích danh TBT Trọng — Phiên xử Thăng, Thanh và cán bộ PVN bắt đầu — Đinh La Thăng bị đàn em ‘đổ hết tội lên đầu’
Nữ luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh lo ngại thân chủ của mình “không được xét xử công bằng” vì các phát ngôn trước đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau khi trở về Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf cho biết rằng bà tới sân bay Nội Bài ở Hà Nội tối 4/1, nhưng không được cho nhập cảnh, và “sau nhiều lần yêu cầu, bà được trao một văn bản nói về Điều 21”.
Theo ghi nhận của VOA tiếng Việt, một trong các mục trong Điều 21 về những trường hợp chưa cho nhập cảnh thuộc Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam có “vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Nữ luật sư người Đức nói rằng có lẽ Việt Nam “sợ” sự hiện diện của bà tại Hà Nội đúng dịp diễn ra phiên xử cựu quan chức tỉnh Hậu Giang.
Bà nói thêm: “Tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam không hiểu rằng nhiệm vụ chính đáng của một luật sư là bảo vệ quyền lợi của thân chủ của mình, và có lẽ họ sợ sự hiện diện của luật sư người Đức của ông Thanh ở Việt Nam. Trên cương vị luật sư, rõ ràng tôi luôn phải tuân thủ luật pháp”.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh để hỏi về trường hợp của bà Schlagenhauf.
Nữ luật sư cho hay rằng mục đích chuyến đi của bà tới Việt Nam là để “trao đổi với các đồng nghiệp tại đó về hiện trạng thực tế” của Thanh.
“Rõ ràng, hành động trái pháp luật của chính phủ Việt Nam một lần nữa là bằng chứng cho thấy rằng thân chủ của tôi sẽ không được xử một cách công bằng theo đúng pháp luật và pháp quyền”, bà Schlagenhauf nói.
Cùng với hơn hai chục người khác, trong đó có cả cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, Thanh được đưa ra tòa xét xử hôm 8/1 về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.
Bà Schlagenhauf nói thêm rằng bà “lo ngại thân chủ của mình sẽ phải nhận hình phạt nặng” và bà “không kỳ vọng sẽ có một phiên tòa công bằng vì thân chủ của tôi đã bị Trọng (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) công khai tuyên có tội từ lâu”.
Nữ luật sư cũng cho rằng “công việc của các luật sư trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam rất khó khăn do hệ thống [chính trị] của Việt Nam”.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Trọng về quan điểm của bà Schlagenhauf.
Tổng bí thư kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, năm ngoái từng nói rằng Thanh “ghê gớm, móc ngoặc, dây dợ rồi bỏ trốn đi nước ngoài, nhưng không trốn được đâu”.
Sau khi ông này “tái xuất hiện” ở Việt Nam, Trọng yêu cầu “khẩn trương” đưa vụ Trịnh Xuân Thanh ra “xét xử công khai trước Tết”, tức trước tháng Hai năm nay.
Nữ luật sư người Đức cho biết rằng thân chủ của mình nói với bà rằng ông “lo ngại cho tính mạng” và sợ “không được đảm bảo về luật pháp”.
Quan hệ Việt – Đức sóng gió suốt nhiều tháng qua sau khi Berlin cáo buộc Hà Nội “bắt cóc” Thanh trên đất nước mình, trong khi phía Việt Nam nói ông “tự thú”.
Về vụ xử hôm 8/1, nhiều tờ báo của Đức đã đăng tin với những hàng tít như “Phiên xử giám đốc điều hành dầu khí bị bắt cóc ở Đức bắt đầu ở Hà Nội” hay “Giám đốc điều hành dầu khí Việt Nam bị bắt cóc ở Đức ra tòa”.
Trong khi đó, truyền thông trong nước dường như “quên” không nhắc tới cáo buộc của phía Berlin.
Khi được hỏi muốn gửi thông điệp gì cho phía Việt Nam, bà Schlagenhauf nói: “Chính phủ Việt Nam nên tìm cách khôi phục quan hệ bình thường với Đức, và điều đó đồng nghĩa với việc tìm ra một giải pháp cho thân chủ của tôi. Chính phủ Đức đã nhiều lần tuyên bố rằng Việt Nam biết rõ cần phải làm gì. Tôi ủng hộ bất cứ điều gì chính phủ Đức đã làm và sẽ làm trong tương lai về vấn đề này”. – Theo VOA
***
Sáng ngày 8/1, tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu xét xử cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng và 21 đồng phạm về tội gây thiệt hại và làm thất thoát nhiều ngàn tỷ đồng tiền vốn và tài sản của nhà nước, trong thời gian từ 2005 đến 2011, lúc các bị cáo đang điều hành guồng máy lãnh đạo Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, được gọi tắt là PVN, và Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam, tức PVC.
Đinh La Thăng, 57 tuổi, bị truy tố với tội danh cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể lãnh bản án từ 10 đến 20 năm tù.
Trước khi bị truy tố, Thăng từng giữ những vai trò quan trọng trong đảng cũng như trong chính phủ, như ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Trong số 21 bị cáo cùng bị xét xử chung với Thăng, được chú ý đến nhiều nhất là Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, nguyên chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam PVC, nguyên phó chủ tịch Tỉnh Hậu Giang.
Thanh bị truy tố 2 tội danh cố ý làm trài quy định của nhà nước và tội tham ô tài sản. Nếu bị tòa xác nhận có tội tham ô tài sản, ông có thể đối mặt với án tử hình.
Thanh được thế giới biết đến vì hồi 2016 khi đang làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, ông bất ngờ bỏ trốn sang Đức xin tỵ nạn chính trị. Một năm sau đó, chính quyền Việt Nam cho biết Thanh tự ý quay về Hà Nội và ra đầu thú, trong khi chính phủ Đức khẳng định ông này bị công an từ Việt Nam sang bắt cóc đưa về nước.
Vụ việc vừa nêu khiến quan hệ Berlin-Hà Nội trở nên khó khăn. Chính phủ Đức đã ban hành một loạt quyết định cứng rắn như trục xuất nhân viên sứ quán Việt Nam về nước, và đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Theo trang Thông Tin Chính phủ, phiên tòa dự kiến kéo dài 2 tuần lễ, đến ngày 21 tháng Giêng 2018 mới kết thúc.
Tổng cộng có tới 44 luật sư bào chữa cho các bị cáo, trong đó có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng và 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Đáng lý ra số luật sư đại diện cho Thanh còn đông hơn nữa, nhưng trước ngày phiên tòa diễn ra, có hai luật sư trong danh sách những luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh quyết định rút lui.
Một trong hai người này nói với đài BBC rằng đây là một vụ án quan trọng, nhưng vì không có đủ thì giờ nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, nên không thể nào bào chữa tốt nhất cho bị cáo.
Một điểm đáng chú ý khác là mới hôm thứ Năm tuần trước, tức ngày mùng 4 tháng Giêng 2018, luật sư của Trịnh Xuân Thanh tại Đức là bà Petra Isabel Schlagenhauf vào Việt Nam với mục đích theo dõi phiên tòa, nhưng bị cấm nhập cảnh ngay tại phi trường Hà Nội, buộc bà phải rời Việt Nam chí ít giờ đồng hồ sau đó.
Bà Petra Isabel Schlagenhauf nói với báo chí rằng việc chính quyền Việt Nam không cho bà nhập cảnh là một hành động bất hợp pháp, xem đó là bằng chứng xác nhận thân chủ của bà sẽ không được xét xử đúng luật, pháp quyền không được tôn trọng.
Các bản tin chúng tôi ghi nhận được cho hay trong phiên tòa bắt đầu ngày hôm nay, tòa chấp thuận cho đại diện của EU và đại sứ quán Đức tham dự. Tuy nhiên Công chúng không được tham dự phiên tòa và an ninh được bảo vệ rất chặt chẽ.
Truyền thông Việt Nam đưa tin nói điểm đáng chú ý về mặt luật pháp là Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội áp dụng quy định mới trong việc điều hành, điều khiển quá trình xét xử theo đúng Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự mới, có hiệu lực kể từ ngày mùng 1 tháng Giêng 2018.
Nhờ áp dụng những quy định mới này nên tất cả các bị cáo không phải đứng trước vành móng ngựa, các đại diện của Viện Kiểm Sát giữ quyền công tố ngồi dối diện với các luật sư biện hộ cho những bị cáo.
Một nhà báo Việt Nam được cắt cử săn tin ở tòa nói với chúng tôi rằng khi ban hành Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự mới, Việt Nam muốn thực hiện đúng nguyên tắc pháp lý quốc tế là bị cáo không có tội cho đến khi tòa xác nhận là có tội, và phía công tố lẫn phía luật sư biện hộ được đối xử ngàng hàng, bình đẳng với nhau.
Cũng về mặt pháp lý, luật pháp Việt Nam quy định những người bị truy tố về tội tham ô tài sản có thể lãnh án tử hình, nhưng sẽ thoát bản án này nều tự ý nộp trả ít nhất ba phần tư số tiền bị cáo buộc tham nhũng và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
3 ngày trước khi phiên tòa bắt đầu, thân nhân của bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đến Cục Thi Hành Án Dân Sự Thành Phố Hà Nội để nộp 2 tỷ đồng, được gọi là tiền nộp “khắc phục hậu quả”. – Theo RFA
***
Các đồng phạm, gồm các quan chức cầm đầu Tập Đoàn PVN và Tổng Công Ty PVC, đã đổ hết tội lên đầu Đinh La Thăng trong ngày đầu của phiên tòa diễn ra tại Hà Nội hôm 8 Tháng Giêng, 2018.
Vụ xử án 22 quan chức từng cầm đầu tập đoàn dầu khí quốc doanh Petro Vietnam và công ty con, Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC), bắt đầu diễn ra với hai nhân vật chính là Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN, và ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch Tổng Công Ty PVC. Tuy nhiên, hai ông Thanh và Thăng đã bị cách ly ngay sau phần thủ tục và phiên xử tiến hành với lời chất vấn các bị can khác.
Đinh La Thăng, 57 tuổi, bị cáo buộc tội “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng…” với bản án có thể lên đến 20 năm tù.
Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, bị cáo buộc không những tội “cố ý làm trái…” mà còn thêm tội “tham ô tài sản” nhiều tỷ đồng nên đối diện với án tử hình.
Ngoài Trịnh Xuân Thanh, còn 7 ông nữa cũng bị truy tố thêm cả tội tham ô, trong đó có em trai Đinh La Thăng là Đinh Mạnh Thắng, tức cũng đều đối diện với án tử hình theo luật hình sự CSVN.
Vụ bắt giữ Đinh La Thăng cũng như bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, nước Đức, không những rúng động dư luận trong nước mà còn được chú ý trên dư luận thế giới về nội tình chính trị của Việt Nam qua các màn chống tham nhũng và thủ đoạn phe phái triệt hạ nhau.
Theo tường thuật của tờ Thanh Niên “Các bị cáo khai hoàn toàn thực hiện theo ‘mệnh lệnh’ của ông Đinh La Thăng.”
Cuộc chất vấn các bị cáo mới chỉ tập trung vào sự thất thoát hơn 119 tỷ đồng của PVN tại dự án Nhà Máy Nhiệt Điện Thái Bình II do công ty con của PVN là PVC được chỉ định làm “nhà thầu.” Sự sai trái bắt đầu từ bản hợp đồng “chỉ định thầu” có “nhiều điều khoản không có thật, trái quy định pháp luật,” đến khi “PVN đã cho PVC tạm ứng hơn $6.6 triệu và hơn 1,312 tỷ đồng” thì băng nhóm Trịnh Xuân Thanh tại PVC lại dùng số tiền này để trả nợ 700 tỷ đồng và chia nhau “tư túi” ít chục tỷ đồng.
Theo tờ Thanh Niên dẫn lời bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên phó tổng giám đốc PVN, người được phân công theo dõi dự án, “nhìn nhận bản hợp đồng số 33 rất sơ sài có 8 trang 10 điều, không có điều khoản và phục lục quy định về thanh, thanh toán, tạm ứng: “Hợp đồng không đủ cơ sở để thực hiện cũng như tạm ứng được.”
Sau đó, hợp đồng số 33 được thay thế bằng hợp đồng khác nmang số 4194. Khi bị truy vấn về việc bản hợp đồng số 4194 “vẫn chưa đủ căn cứ pháp lý nhưng vẫn ký, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh không trả lời thẳng mà cho rằng mình là phó tổng giám đốc, chỉ là người giúp việc cho tổng giám đốc và thực hiện theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực.”
Còn bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó tổng giám đốc PVN “cũng khai nhận việc cho tạm ứng, chuyển tiền cho PVC là theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng.”
Nguyễn Xuân Sơn, từ PVN được cử sang làm tổng giám đốc ngân hàng Đại Dương, đã bị kết án tử hình về tội tham ô hồi cuối Tháng Chín năm ngoái.
Theo tường thuật phiên tòa của tờ Trí Thức Trẻ, bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên trưởng Ban Quản Lý Dự An Điện Lực Dầu Khí Thái Bình 2 khai rằng: “Tôi phải chịu sức ép ghê gớm quá, ai lại yêu cầu chuyển tiền ngay trong ngày. Tôi là đơn vị cấp dưới, hạch toán phụ thuộc nên phải nghe lệnh của cấp trên.”
Khi bị vặn hỏi cấp trên là ai, Chương nói “Cụ thể là anh Đinh La Thăng.”
Người ta chờ đợi xem Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh sẽ nói gì những ngày tới đây.
Vụ án 22 quan chức của PVN và PVC còn kéo dài thêm nhiều ngày nữa trong sự chú ý theo dõi của dư luận.
Petro Vietnam là một tập đoàn quốc doanh hàng đầu của CSVN được coi như một trong những “mũi nhọn” kiếm tiền nuôi chế độ và kích thích nền kinh tế tiến lên. Các đảng viên của chế độ trong tập đoàn đã lợi dụng quyền hành và cơ hội để làm bậy, tham nhũng, dẫn đến thất thoát hàng trăm triệu đô la.
Tập đoàn PVN gồm 15 tổng công ty, 18 công ty con và 46 liên doanh dàn trải từ khai thác dầu khí, làm nhiệt điện, dệt sợi, ngân hàng. Một số đại dự án đang “đắp chiếu” hiện không biết giải quyết ra sao.
Chiến dịch bài trừ tham nhũng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được dư luận quốc tế coi như ông muốn khôi phục lại hình ảnh một cái đảng độc tài đang bị đục khoét rất bạo từ bên trong. Có vẻ như ông ta đang ngày một thắng thế trong cuộc đấu đá chiếm vị thế độc tôn trong nội bộ đảng.
Việc triệt hạ Đinh La Thăng và một số quan chức ngành dầu khí và cả tại Bộ Công Thương gồm cả cựu Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng được coi như đánh vào đồng đảng tay chân của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối thủ từng muốn tiếm ghế tổng bí thư của ông Trọng, là chỉ dấu. – Theo nguoiviet