Luật Khoa 360: Vụ tấn công trụ sở công quyền xã tại Đắk Lắk
June 11, 2023 . 5:19 PM
LUẬT KHOA 360 — TÂY NGUYÊN
Công an tại hiện trường – trụ sở UBND và Công an xã Ea Tiêu. Ảnh: Ngọc Oanh/ VnExpress.
Khi nhận được thư tin này, chắc bạn đã nghe nói tới vụ một nhóm người có vũ trang tấn công trụ sở công quyền tại hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Nếu bạn chưa nghe thì đây là một số thông tin tổng hợp cho đến thời điểm 15:30 ngày 11/6/2023:
- Theo Bộ Công an, vụ việc xảy ra sáng sớm ngày 11/6, với một nhóm người chưa xác định danh tính dùng súng tấn công trụ sở Công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur, giết chết và làm bị thương một số cán bộ và thường dân. [1]
- Công an đã bắt được sáu nghi phạm và giải cứu được hai con tin, theo Thông tấn xã Việt Nam. [2]
Đây là vụ việc có tính chấn động quốc gia, nhưng thông tin được báo chí và chính quyền đưa ra rất ít, dựa hoàn toàn vào nguồn tin từ Bộ Công an và Thông tấn xã Việt Nam, chưa kể nhiều thông tin đã bị gỡ.
Những thông tin đã bị gỡ
Một bài trên VnExpress đã bị xóa hoặc sửa, trong đó có đưa thêm một số thông tin như sau:
- Vụ việc xảy ra lúc 0:35 sáng ngày 11/6.
- Khoảng 10 người đi xe máy đến tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân (UBND) và Công an xã Ea Tiêu, sát hại hai cán bộ công an, sau đó chặn ô-tô bán tải và bắn chết tài xế.
- Cùng lúc, một nhóm khác tấn công trụ sở UBND và Công an xã Ea Ktur, sát hại ba cán bộ, sau đó ra đường bắn chết ba người.
Bối cảnh
Những thông tin sau đây không nhất thiết liên quan tới vụ tấn công này, nhưng là bối cảnh chính trị – xã hội trên địa bàn hai xã kể trên, vốn là hai xã liền kề trong huyện Cư Kuin. Huyện này gần đây là điểm nóng liên quan tới đất đai và một vụ dọa giết phóng viên điều tra Nguyễn Văn Tuấn của báo Tiền Phong, bên cạnh vấn đề tôn giáo.
Trước hết, hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur liên quan trực tiếp tới hai dự án xây dựng lớn trong thời gian vừa qua:
- Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn đường tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, với chiều dài hơn 39km, có tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng, do Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Dự án này đi qua các thửa đất nông nghiệp do một số công ty cà phê đang quản lý. Các công ty cà phê này lại đang khoán đất cho các hộ nông dân canh tác. [3]
- Khu đô thị mới Trung Hòa, đã được quy hoạch, nằm gọn trong hai xã này. [4] Để xây dựng khu đô thị mới, chính quyền dự kiến sẽ phải thu hồi đất nông nghiệp từ các công ty cà phê dọc quốc lộ 27. Theo báo chí nhà nước, từ khi có quy hoạch khu đô thị này, tình trạng sốt đất gia tăng, nhiều hộ dân đang canh tác trên các phần đất nông nghiệp này đã sang tay một số thửa đất cho những người đầu tư, đầu cơ. Hiện có đến 500 trường hợp được cho là lấn chiếm, mua bán, sử dụng đất, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp do các công ty cà phê quản lý, trong đó có nhiều hộ nằm gọn trong khu vực quy hoạch khu đô thị mới. [5]
Liên quan tới hai dự án nói trên, trong thời gian gần đây, hoạt động giải phóng mặt bằng và cưỡng chế thu hồi đất diễn ra liên tục.
- Từ ngày 27-31/5/2022, UBND huyện Cư Kuin cưỡng chế tháo dỡ 64 công trình của 58 hộ được cho là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cà phê Việt Thắng quản lý tại xã Ea Tiêu. Theo quy hoạch, các công trình này nằm trong khu đô thị mới Trung Hòa. [6]
- Ngày 1/3/2023, có 29 hộ dân được cho là đã tự nguyện bàn giao đất nông nghiệp cho UBND huyện trước thời điểm cưỡng chế đất để giải phóng mặt bằng cho dự án đường tránh phía Đông, dự kiến diễn ra trong hai ngày 2-3/3. Trước đó, các hộ này không bàn giao vì chưa thỏa thuận được tiền đền bù với các công ty cà phê đang quản lý các thửa đất nông nghiệp này. [7]
Điều đáng chú ý là các thông tin liên quan tới hai vụ cưỡng chế trên đều không phỏng vấn các hộ dân bị cưỡng chế mà chỉ có thông tin từ phía chính quyền. Dựa trên các thông tin này, chúng ta không thể biết được lý do vì sao các hộ dân này không chịu bàn giao đất khi có quyết định thu hồi mà phải để chính quyền phải ra quyết định cưỡng chế.
Cũng liên quan tới dự án đường tránh phía Đông nói trên, tháng Năm vừa qua, báo Tiền Phong có đăng một phóng sự điều tra về nạn “đất tặc”, cụ thể như sau: [8]
- Phóng sự được thực hiện ngày 27-28/4/2023, ghi nhận hai chiếc máy xúc hoạt động trong khu vực đất của ông Hương ở thôn 8, xã Ea Ktur. Các máy xúc này liên tục cào đất từ quả đồi nằm trong thửa đất này, chất lên các xe tải lớn.
- Các xe tải này chở và đổ đất tại khu vực đang thi công công trình đường tránh phía Đông. Ước tính có hàng chục ngàn mét khối đất đã bị xúc mang đi.
- Ông Hương được cho là đã cho ông N.D.T. đào và xúc đất mang đi. Theo Luật Khoáng sản, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
- Chính quyền xã Ea Ktur cho biết đã xử phạt ông Hương 4 triệu đồng, đồng thời nói rằng tình trạng đào đất quanh khu vực này để phục vụ cho “dự án khác” cũng đã xảy ra trước đó.
- Ngày 18/5, phóng viên Nguyễn Văn Tuấn – người thực hiện phóng sự điều tra này – nhận được các cuộc điện thoại dọa giết cả nhà nếu tiếp tục điều tra. [9]
Vấn đề tôn giáo ở huyện Cư Kuin cũng được báo chí nhà nước khắc họa như một điểm nóng, liên quan tới các nhóm Tin Lành và Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức (FULRO). Tuy nhiên, không có nhiều thông tin trong vài năm gần đây liên quan tới hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu – nơi xảy ra vụ tấn công.
- Trích theo báo Đắk Lắk (2017): “Tại buôn K’nia (xã Ea Tiêu) có Ama Chới, tín đồ đạo Tin Lành, trước đây do lầm lạc nghe lời các đối tượng phản động Fulrô làm điều xấu với buôn làng. Sau khi được chính quyền, cán bộ Công an các cấp giáo dục, cải tạo, Ama Chới đã hiểu ra sai trái của mình, hồi tâm, hối cải, vượt khó vươn lên, chăm lo làm ruộng rẫy để cải thiện cuộc sống.” [10]
- Trích theo VOV (2021): “Tại Mỹ, đầu năm 2019, Y Hin Niê đã tăng cường liên lạc, tiếp tục chỉ đạo số cốt cán trong nước mà đứng đầu là con trai hắn là Yjôl Bkrông ở buôn Ea Khít, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, Đăk Lăk phục hồi, phát triển lực lượng, kiện toàn lại cái gọi là ‘Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam – ECCV’.” [11]
- Trang thông tin điện tử của Công an tỉnh Đắk Lắk (2023) có bài nói về các nhân vật Y Pher Hdrue, Y Quynh Bđăp ở huyện Cư Kuin đã tham gia tổ chức FULRO, bị bắt và bị kết án tù giam vì tội “Phá hoại chính sách đoàn kết và hủy hoại tài sản”. Sau khi ra tù, họ đã vượt biên sang Thái Lan từ tháng 8/2018. [12]
Xin lưu ý lại một lần nữa: Thông tin bối cảnh trên đây không nhất thiết liên quan tới vụ tấn công vào các trụ sở công quyền ở Ea Tiêu và Ea Ktur.
Bình luận của Luật Khoa
Lưu ý: Đây chỉ là một quan điểm trong vô số quan điểm khác nhau. Nếu bạn có ý kiến phản hồi hoặc phản bác, bạn có thể hồi âm vào email này cho Luật Khoa.
- Trong tình hình khủng hoảng này, việc minh bạch thông tin là tối quan trọng. Tuy nhiên, báo chí chính thống đang đưa tin rất vắn tắt và nhỏ giọt theo Bộ Công an mà không có các nguồn tin độc lập từ các nhân chứng và người dân, khiến dư luận không có bức tranh đầy đủ (dù chỉ là tương đối) về vụ việc. Ngay cả thông tin chi tiết hơn về các nạn nhân của vụ tấn công này cũng chưa được công bố, dù là thông tin đã khử danh tính đi chăng nữa. Đây là cách kiểm soát thông tin điển hình của chính quyền trong các tình huống khủng hoảng, mà gần đây là cuộc khủng hoảng Đồng Tâm năm 2020. Và sau cùng, không có gì đảm bảo thông tin trên báo hiện nay là chính xác.
- Các nghi phạm bị bắt trong vụ việc này rất có khả năng sẽ bị tra tấn nặng nề để ép cung nhằm phục vụ mục tiêu phá án nhanh của cơ quan điều tra. Điều đáng quan ngại là do thông tin trên báo đang định hình họ là một nhóm khủng bố, nên dù họ có bị tra tấn đi chăng nữa cũng sẽ không được mấy ai quan tâm. Việc tra tấn cũng sẽ dễ dàng được biện minh bằng lý do an ninh, trong khi khía cạnh nhân quyền và động cơ gây án của các nghi phạm sẽ bị phớt lờ.
- Một số trang mạng thân chính quyền, chẳng hạn Tifosi, đã đăng bài ám chỉ vụ việc có thể liên quan tới vấn đề tôn giáo và FULRO. [13] Việc này có thể biến các hội nhóm tôn giáo ở huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk nói chung trở thành “dê tế thần”, đặc biệt là các hội nhóm Tin Lành và một số nhóm mà chính quyền gọi là “tà đạo”. Các cáo buộc vô căn cứ nhắm vào các hội nhóm tôn giáo là chuyện thường thấy ở nước ta, mà điển hình là vụ Hội thánh Truyền giáo Phục hưng trong thời kỳ đại dịch COVID-19. [14]