Luận Về Vàng Bàn Về Bạc: Vàng Thay Tiền? Hay Tiền Mua Vàng? – Phan Văn Song
«Vàng, mới là thật sự là tiền, còn lại tất cả cái khác, chỉ là đi vay, mượn nợ thôi –
L’or, c’est l’argent, et tout le reste, c’est du crédit» Ferdinand Lips 1931-2005.
«Vàng là một sự tuyệt vời! Ai sở hữu vàng là chủ của tất cả những ham muốn! Với vàng, chúng ta có thể mở cửa Thiên Đàng để rước mọi linh hồn –
L’or est une chose merveilleuse! Qui le possède est maître de tout ce qu’il désire ! Par la grâce de l’or, on peut même ouvrir aux âmes les portes du Paradis» -Christophe Colomb 1492.
Tuần qua, Anh, Đức, Pháp, Ý lần lượt xé rào cản của đồng mình Mỹ, hùn vốn đầu tư vào Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc khởi xướng một định chế tài chánh, kinh tế quốc tế. Họ đã cùng với các quốc gia trong nhóm “BRICS” (Brazil, Russia, India, China và South Africa) lập một Ngân Hàng Phát Triển mới. Năm ngoái họ cũng lập một Quỹ Phát Triển Đường Tơ Lụa (Silk Road Fund). Thành lập AIIB là một điều cũng dễ hiểu thôi! Beijing có dư dã nhiều tiền đô (đô la Huê kỳ), cần sử dụng. Ngay đầu năm 2015, đã có 3,850 tỷ đô la Mỹ dự trữ ngoại tệ. Họ không thể sử dụng số tiền bằng ngoại tệ nầy – số tiền thâu được nhờ khai thác sức lao động, bán rẽ sức của công dân, buộc làm người công nhơn rẽ tiền để tạo hàng hóa cho toàn thế giới tiêu thụ và xuất cảng khai thác và bán rẽ tài nguyên quốc gia – chỉ để vào việc nâng cao nếp sống cho người dân tiêu thụ nôi địa Tàu, vì những trở ngại do chính cơ cấu kinh tế quốc doanh quá phức tạp, quá hành chánh, cửa quyền, quá nặng nề và một thị trường nội địa thiếu tổ chức, kém hiệu quả.
Thay vì đầu tư để phát triển cho hạ tầng xã hội Tàu, Đảng Cộng sản Trung quốc đương quyền đem tiền đi tìm ảnh hưởng ngoại giao để: trước mắt tạo một định chế tài chánh cạnh tranh và thoát ảnh hưởng của Tây phương, qua hai định chế đang làm mưa làm gió trên thế giới: Ngân Hàng Thế Giới World Bank và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF; và sau đó tìm một thế đứng thực sự là một cường quốc kinh tế ngang ngữa với Huê Kỳ; và cuối cùng cứu vãn sự hao mòn giá trị ngoại tệ, vì đơn vị ngoại tệ là đô la, đơn vị tiền tệ của Huê kỳ, nên nếu không đầu tư thành hàng hóa thực dụng thì sẽ bị xoáy mòn và giảm giá trị, hoàn toàn tùy thuộc quyết định, chánh sách kinh tế Mỹ, tùy hứng, tùy tâm, tùy ý thích của Mỹ, chủ nhơn đơn vị tiền tệ.
Tập Cận Bình đã đưa dự án AIIB ngày 24 Tháng Mười năm 2014. Bắt buộc phải khởi xướng AIIB vì trong tay Trung Cộng sở hữu gần bốn ngàn tỷ Mỹ kim, lớn bằng nửa GDP Tàu, không biết làm gì. Đứng về mặt tài chánh, số dự trữ ngoại tệ đó đều là “tiền gửi” của các công ty và ngân hàng trong nước, và của các nhà đầu tư ngoại quốc.
Giữ số dự trữ đó vì người ta còn tin vào kinh tế Trung Quốc. Vì vậy phải tạo Ngân Hàng Đầu Tư nhanh, trước để không mất lòng tin ấy, sau để không làm mất giá (vì dự trử nầy (trị giá bằng đô la Mỹ, trồi sụt do Mỹ). Và lần nầy với 4 cường quốc của G7 hùn vốn, Trung Quốc qua AIIB có tương lai thành công, vì tất cả rủi ro sẽ có 4 anh Tây chia xẻ.
Tiền Tệ:
Từ ngàn xưa, con người đã biết đi tìm một đồng tiền thật sự, một đồng tiền đúng nghĩa Tiền Tệ. Đồng tiền đúng là một đồng tiền tạo tin tưởng. Đồng tiền đúng là một đồng tiền giúp ta và đối tượng ta tin tưởng để mua bán đổi chác. Một đồng tiền đúng là một đồng tiền có giá, giữ giá với thời gian, làm thước đo để giữ gia tài, giữ tiết kiệm.
Chả bù có loại đồng tiền biểu tượng tiền dỏm, tiền không đúng, của một đất nước đau khổ, giá trị đồng tiền mất dần theo vận nước nổi trôi. Thoạt năm đầu khi vào cướp nước người, dưới ngụy từ là giải phóng (30 tháng 4 năm 1975), bọn chủ mới chế tạo ngay một loại tiền mới. Vì là ông chủ mới, nên khi đổi tiền lần đầu, lấy le, quyết định một cách độc đoán, một đồng giải phóng mới thay thế 500 đồng tiền cũ của chế độ thua cuộc. Lúc bấy giờ, người công nhơn lãnh lương được vài chục đồng. Sau vài lần đổi tiền, sau 40 năm giải phóng, ngày hôm nay tiền giải phóng thay đổi giá trị thê thảm, lương người công nhơn phải trả cả 2 triệu. Công nhơn triệu phú? Đồng tiền mất giá? Hay kinh tế lạm phát? Hay…?
Vậy thì nên dùng kim loại Vàng để thay thế những loại tiền như trên ? Vàng, kim loại bền vững, tinh khiết, không thay màu đổi sắc. Một lượng là một lượng, cắt nhỏ, bẻ đôi, bẻ ba dễ dàng. Vàng biểu tượng tinh khiết, vàng biểu tượng hào quang, vàng biểu tượng giàu có, vẻ đẹp. Cũng như một kim loại quý khác là bạc. Thảo nào việt ngữ ta gọi tiền tệ là bạc là đồng, toàn là tên kim loại. Nhưng theo các nhà khoa học kinh tế tài chánh, vàng không thể thay thế tiền.
Dùng Vàng làm Tiền Tệ:
Thuở xưa con người đã biết tạo những đơn vị tiền tệ để buôn bán rồi. Lịch sử có ghi nhận dưới thời Summer ở khoản thế kỷ thứ Ba trước Thiên Chúa, ở vùng Lưởng Hà, có những Nhà Thờ – Ngân Hàng biết tạo tiến tệ rồi ! Nhưng vài thế kỷ sau đó, kim loại vàng được sử dụng để làm đơn vị trao đổi thương mại, và làm đơn vị đo lường sự giàu có.
Thoạt đầu ở xứ Lydie, vùng Tiểu Á, nơi đất đai rất giàu về hầm mỏ vàng và có một con sông đầy bụi vàng chảy qua, con sông Pactole (Pháp ngữ ngày nay dùng từ un pactole để gọi một số bạc khổng lồ – « dậu lúi » nói theo tàu quảng đông). Các Vua xứ Lydie, giàu nhứt là Vua Crésus (Un crésus trong pháp ngữ hằng ngày là một người rất giàu có – một đại gia nói theo từ Việt Cộng) tạo tiền tệ bằng cho đúc những đồng xu bằng vàng, (khoảng 600 năm trước Thiên Chúa). Khổ một cái là trị giá tiền tệ ở đồng xu vàng nầy tùy thuộc ở sức nặng của đồng xu và giá trị tỷ lệ tinh khiết của vàng. Và vì vậy phải có bàn cân – le trébuchet, và một bàn đá – la pierre de touche. Bàn đá trên ấy người gỏ đồng xu để nghe tiếng reo, tiếng reo đo tỷ lệ tinh khiết của vàng, nghe quen thuộc biết được tỷ lệ vàng ròng (ngày nay đơn vị đo là carat 21, 18, 14, 9 carats). Pháp ngữ bình dân có câu «de l’argent sonnant et trébuchant», sonnant là gỏ trên bàn đá để nghe tiếng reo (sonner) và dùng bàn cân nhỏ trébuchet để biết sức nặng của đồng xu. Đồng xu có vẽ một viền vòng quanh để tránh người bất lương gọt bớt vàng, sau nầy chung quanh đều có khứa để giữ không cho thiên hạp cạp bớt vàng đi.
Những quy định kích thước, sức nặng, tỷ lệ vàng ròng được biến thành quy định để bảo đảm sự thành thật của đồng tiền vàng ấy. Nhưng ai bảo đảm, ai kiểm soát? Ai kiểm soát anh kiểm soát? Và ai chứng thực? Ngay vừa được chứng thực xong, thì đã có đồng tiền giả ngay. Vì ai làm tiền giả? Chính là Nhà cầm quyền, chính là Nhà Vua. Vì nhà Vua là luật và tạo quy định kích thước đồng tiền.
Ngày nay đồng Dollars Huê Kỳ do Chúa bảo đảm «In God We Trust». OK Chúa bảo đảm tiền của tôi. Nhưng Chúa nào? Allah? Đức Phật? Jêsus? Christna? Jéhovah? Brahma?
Nhà Cầm Quyền Tạo Tiền Giả hay Tiền Giả Chánh Thức:
Thoạt đầu tại Roma, người ta đúc tiền ngay trong đền thờ của thánh nữ Juno moneta (Junon, thánh nữ được cảnh báo – l’avertie) thánh nữ của Sự Thật. Moneta biến thành monnaie, money – tiền.
Không ai dám chối từ sự thật, sự thành thật của đồng tiền được đúc tại đấy, đặc biệt lại có thêm hình của César. Nghi kỵ sự thành thật của đồng tiền là nghi kỵ César, phủ nhận chánh thống của César sao? Truyền thống tờ giấy bạc ngày nay in hình các Thủ lãnh đất nước phải chăng phát xuất từ thuở ấy.
Nhưng khi Roma bắt đầu bị khó khăn vì sự bành trướng của đế quốc càng ngày càng rộng, chi phí để quản trị và giữ ổn định càng ngày càng cao, công nợ chồng chất, tiền cần phải đúc càng ngày càng nhiều và dỉ nhiên tỷ lệ vàng trong các đồng tiền đúc càng ngày càng bớt đến cuối cùng chẳng còn chi là vàng cả, chỉ có đồng thôi : nhưng giá trị đồng tiền vẫn như xưa, chỉ vì sự tin tưởng nơi quyền lực của César. Đồng tiền giả do như vậy. Và Chính César đúc tiền giả. Nhưng người dân tuy chấp hành lệnh Vua, nhưng giá cả được chỉnh theo, lạm phát phi mã bắt đầu. César Dioclétien (284-305) năm 301, ra một đạo luật để kiểm soát giá cả nhưng không thành công.
Vào thời Trung Cổ khoảng thế kỷ thứ XI đủ loại đồng tiền được sử dụng, vì thời gian ấy cũng là thời của thương mại thịnh hành, Âu Châu tương đối khá ổn định. Ai cũng có quyền đúc tiền cả ! NhàVua trung ương đã đành, nhưng các Chúa Vùng cũng đúc tiền, thậm chí cả Nhà Thờ.
Hai loại tiền có mặt, loại đồng tiền do các Thành phố-Thương mãi như Venise, hay ở các tỉnh vùng Lombardie của Ý, có bảo đảm vàng đúng tỷ lệ, đúng chất phẩm (tiền ducats hay florins). Đấy là đồng tiền các nhà doanh thương.
Song song cạnh một bên, là các đồng tiền các quyền lực: Vua Chúa với những Công nợ khổng lổ, (một quan niệm rất thế kỷ 21). Đấy là tiền của Vương quyền. Tiền của Công quỹ.
Sau cùng để dễ kiểm soát và ăn cắp hơn nữa, các Vua Pháp và Anh ra Luật cấm thường dân đúc tiền. Một cách để ăn cắp tiền các chủ nợ cho Công quỹ vay: Chủ nợ? Do Thái và Templiers – Thập Tự Quân.
Vua Pháp Philippe le Bel (1268-1314) và các hậu duệ gia đình ông lập ra truyền thống các Vua đúc tiền giả – Les Rois faux monnayeurs.
Vàng bảo đảm giấy bạc:
Vào thế kỷ thứ XVI, Thế Giới Mỹ Châu xuất hiện xáo trộn trât tự suy nghĩ kinh tế. Quá nhiều vàng, quá nhiều bạc – cái gì hiếm mới quý – trật tự giá trị hàng hóa không ổn định. Phải có sáng kiến mới. Thế kỷ thứ XVII, sáng kiến tiền giấy ra đời, được các ngân hàng bảo đảm bằng vàng. Giá trị tiền được ngân hàng bảo đảm bằng một tương đương vàng. Dần dần giá trị vàng được bảo đảm bằng trị giá các con nợ của ngân hàng. Nhưng nhiều ngân hàng ham ăn, nhiều chủ ngân hàng ăn gian, dùng bảo đảm bằng sức trả nợ tương của những thương nghiệp con nợ. Con nợ vỡ nợ, nhà băng vỡ nợ theo.
Do đó, phải dẹp Ngân hàng thương mại, phải tạo một Ngân Hàng Trung Ương Quốc Gia. Và gởi vàng vào ngân hàng Trung ương để Ngân hàng Trung Ương bảo đảm và in tiền.
Ngân Hàng Trung Ương Anh Quốc ra đời năm 1694. Ngân hàng do tư nhơn chủ nhiệm và độc lập đến năm 1844, với Công Ước Peel, do tên ông Thủ Tướng đương thời giao hẳn nhiệm vụ in tiền với điều kiện phải có đủ số vàng bảo đảm thế chưn (Chấp nhận một vượt mức độ 10 %).
Cùng thời ấy, Napoléon cho phép ra đời Ngân Hàng Quốc Gia Pháp. Ngân Hàng Pháp nầy cũng do tư nhơn điều khiển, nhưng các cổ đông phài được Chánh Phủ giới thiệu cho đến năm 1936. Tổng số tiền in cũng phải được bảo đảm bởi số vàng tương đương, nhưng Pháp có phép dùng thêm một kim loại dùng làm bảo đảm khác là bạc.
Cách mạng Pháp tạo đồng tiền Franc Germinal với bảo đảm bằng hai kim loại, vàng và bạc với tỷ lệ tương đương 1 kilô vàng = 15,50 kilô bạc. Với thời gian, bảo đảm bằng kim loại dần dần bị quên đi. Dưới Đệ nhị Cộng Hòa Pháp từ 1848 đến 1850 chẳng hạn, rồi đến 1870, cho đến Đệ Nhứt Thế chiến. Mãi đến 1928, vàng mới trở về bảo đảm giấy bạc với đồng Franc Poincaré, tên vị Thủ Tướng đương thời, nhưng tương đương vàng chỉ bằng 1/5 đồng Franc Germinal, mệnh giá đồng giá trị. Năm 1922, Hôi nghị Gênes bên Ý tổ chức lại quan niệm giữa giấy bạc và vàng. Quan niệm «Giấy bạc bảo đảm bằng vàng giống như kim loại vàng». Dollars Mỹ bảo đảm bằng vàng, được xem như vàng.
Quan niệm «Gold Exchange Standard» sẽ là quan niệm mở màn cho thương thuyết Bretton Wood bắt đầu từ 1945.
Từ Giấy Bạc đến Chi Phiếu, Tín dụng Thư:
Đồng xu bằng kim loại, giấy bạc bằng giấy, còn phải cầm trong tay, là những thực thể, rất nguy hiểm, khi di chuyền cầm trong tay như một đồ vật, vô danh, đễ đánh mất dễ bị đánh cắp. Nếu trao bằng những chữ viết, những giấy nợ trao đổi. Những ngân hàng tư nhơn thương mại không có quyền in tiền, nhưng có quyền làm giấy khất nợ, chịu nợ, chuyễn nợ. Tín dụng thư, Chi phiếu là những tấm giấy bạc phát ra giữa tư nhơn với nhau. Cầm một Chi phiếu bảo đảm ngân hàng trị giá 10 ngàn euros để trả tiền mua một chiếc xe, kể như ta trả tiền mua xe với một tờ giấy bạc 10 ngàn euros.
Vậy thì vàng ở đâu ? Vàng là bảo đảm của Ngân hàng Trung Ương cho ngân hàng thương mại mượn tiền với lãi suất. Từ nay lãi suất là cái chìa khóa để điều hành chánh trị kinh tế một quốc gia. Thắng hay thả một phát triển kinh tế một quốc gia chỉ cần Nhà nước lên hay hạ lãi suất Ngân Hàng Quốc Gia.
Nhưng cuối cùng, Vàng chỉ là một bảo đảm vô ích :
Nền Chánh trị Kinh tế bắt đầu từ thế kỷ thứ XX là một đòn bẩy, một chìa khóa để điều khiển. Từ nay, tạo nguồn tiền ra vào Ngân Hàng Trung Ương là tạo phát triển, tạo công ăn việc làm, tạo sự đầu tư, tránh lạm phát, tránh khủng hoảng…Nhưng đó là lý thuyết!
Theo lý thuyết của Keynes, chẳng hạn, người ta có thể quên hẳn vai trò của đồng tiền : mở cửa cho vay, sống với nợ, sống với công nợ, sống với sự tiêu xài của các cơ quan công quyền sẽ tạo công ăn việc làm, tạo nguồn tiêu thụ, tạo thị trường tạo luân chuyển cho tiền bạc, công việc kỹ nghệ.
Vai trò của Vàng làm bảo đảm ? Vô ích ! Quan niệm theo lý thuyết Keynes, lạm phát có thể là một điểm tốt để tạo phát triển ? Ve sầu ăn chơi ca hát mùa hè sẽ thắng chú kiến cần cù tiết kiệm. Sau tôi là lũ lụt. Après moi le déluge!
Những quá lố ấy đều do Vàng mà ra cả ? Tôi nghiệp, vàng bị lạm dụng. Do chính các quyền lực kiểm soát vàng đã lạm dụng cho máy đúc đồng xu, máy in giấy bạc chạy quá trớn, nhiều hơn số lượng vàng tương đương bảo đảm. Ngày nay có vài nhà nghiên cưú chuyên môn đòi trở về dùng vàng để bảo đảm. Khổ nổi ngày nay số lượng tiền khổng lồ đang luân chuyển trên toàn cầu không có số vàng nào bảo đảm nổi.
Để Kết luận:
Hai bài học : Vàng không phải là tiền. Tiền ngày nay trăm hình vạn trạng, tiền kim loại, tiền đá : kim cương, tiền giấy, tiền nhựa, thẻ tín dụng, tiền qua viết chữ, tiền qua tin học …Ngày nay tổng số tiền bằng con số trao đồi qua hệ thống tin học nhiều hơn tổng số tiền trên thực tế.
2/ Ngày hôm nay hệ thống tài chánh tiền bạc trên toàn cầu dựa trên quan niệm sự tin tưởng, dựa trên Chữ Tín, của chế độ Đồng tiền do tín dụng – le Fiat Money. Chính các quốc gia, chính các nhà nước, chính các quyền lực tạo tin tưởng cho đồng tiền.
Nhưng cũng chính các anh quyền lực, các anh nhà nước làm mất «lòng tin» nhiều nhứt. Chính các Nhà Nước đã biến các thỏi Vàng quý hóa thành những cục Chì vô dụng!
Hồi Nhơn Sơn, sau Vòng Một Bầu cử Hội đồng Tỉnh Pháp Đảng Mặt Trận Dân Tộc cực Hữu Pháp về nhì Với thuyết Xoá đồng Euros, trở về đồng Franc với bảo đảm bằng Vàng!
Phan Văn Song.