Ls Trần Hồng Phong – Vụ hai luật sư bị đánh: có dấu hiệu phạm tội và Ai chủ mưu?
Nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho 2 luật sư bị hành hung tại Chương Mỹ, Hà Nội.
Ls Trần Hồng Phong
Dân Luận: Theo FB Luật sư Trần Thu Nam, hai luật sư nạn nhân của vụ tấn công đã làm đơn yêu cầu khởi tố nhóm người gây thương tích cho họ:
Ông cho biết thêm: “Một nhóm hơn 200 Luật sư có thông báo và đề nghị tôi tham gia buổi tuần hành đến Bộ tư pháp, VKS ND Tối cao và Công an TP. HN để thực hiện các công việc:
1. Nộp văn bản yêu cầu bỏ quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi trong tố tụng hình sự và dân sự.
2. Đề nghị Công an Hà Nội khởi tố vụ án và làm sáng tỏ một số tình tiết liên quan đến các đối tượng hành hung hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân trong khi đi tác nghiệp tại Chương Mỹ vào chiều ngày 03/11/2015.
Khi đi tuần hành, các Luật sư mặc vest đen, sơ mi trắng và đeo caravat cũng như phù hiệu của Liên đoàn luật sư. Thời gian và địa điểm xuất phát sẽ thông báo công khai để phóng viên và những người quan tâm được biết.
Trân trọng cảm ơn các Luật sư đã ủng hộ hai chúng tôi trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng mong muốn được sự quan tâm, ủng hộ của các đồng nghiệp trong thời gian tới.”
* * *Tuy tới nay chưa là vụ án (chưa khởi tố vụ án), nhưng cho thấy đã có những dấu hiệu hình sự, việc đánh người là có tổ chức, được phân công, tính toán trước, tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kỷ cương pháp luật, liên quan đến an ninh trật tự xã hội. Thậm chí liên quan đến hoạt động hành nghề của luật sư. Nếu không đủ điều kiện khởi tố về tội cố ý gây thương tích, thì vẫn có thể khởi tố về tội “gây tổn hại cho sức khỏe người khác”, hoặc tội “gây rối trật tự công cộng”.
Trước hết, tôi cho rằng việc công an TP. Hà Nội nhanh chóng điều tra và kết quả điều tra ban đầu chỉ ra được danh tính của 8 người đã trực tiếp đánh hai luật sư là điều đáng ghi nhận.
Với kết quả điều tra này, dù là bước đầu, đã xác định được việc đánh người (hai luật sư) là có thật, chứ không phải là tin đồn, hay do các luật sư tự đánh mình rồi bịa đặt ra. Công an đã vạch được mặt, vứt đi được những tấm khăn che mặt của các hung thủ (theo lời các nạn nhân thì khi đánh, những kẻ hành hung che mặt). Theo tôi điều khó khăn nhất công an đã “vượt qua” được.
Bây giờ đây, vấn đề là xác minh cho đúng được bản chất vụ việc. Mặc dù bước đầu công an đã xác định nguyên nhân dẫn đến việc các hung thủ đánh người là do khi lái xe ô tô vào làng, hai luật sư đã gây ra “khói bụi” bay vào những người này. Nên họ tức, tổ chức đánh để “trả thù”.
Một dấu hiệu khác cũng rất quan trọng đã được công an Hà Nội xác định. Đó là trong việc đánh người này có tới 8 đối tượng cùng tham gia. Đây là dấu hiệu cho thấy có sự tổ chức, bàn bạc, phân công nhiệm vụ, vai trò rõ ràng: người thì chặn xe, người thì đánh… Và có dùng “phương tiện gây án” là xe máy – để chặn ô tô của các luật sư. Tức là có tang vật gây án.
Đặc biệt, xét về mặt ý thức chủ quan, đây là trường hợp đánh “nguội” – tức là không diễn ra ngay sau khi bị vung bụi vào (giả sử là vậy) theo kiểu bùng phát, nóng nảy thường gặp. Mà ở đây các hung thủ đã có sự kiên nhẫn chờ đợi, hàng tiếng đồng hồ. Chỉ riêng tình tiết này cũng đã cho thấy đây là vụ đánh người có tổ chức, có kẻ cầm đầu và thực sự nghiêm trọng.
Theo quy định tại Bộ luật hình sự, nếu một vụ đánh người gồm nhiều người, thì được xác định thuộc trường hợp “có tổ chức” – đây chính là tình tiết định khung hoặc tăng nặng. Rất quan trọng.
Trong vụ đánh hai luật sư, cho thấy chắc chắn phải có kẻ chủ mưu. Kẻ này thậm chí có thể không trực tiếp tham gia đánh hai luật sư, thậm chí có thể không nằm trong số 8 người có danh tính đã được công an công bố, mà có thể khi đó đang ung dung ngồi trong phòng máy lạnh uống nước trà. Nhưng có vai trò nguy hiểm nhất. Quyết định đến toàn bộ cục diện vụ việc.
Ví dụ như trong vụ án trùm giang hồ Năm Cam sát hại một nữ trùm giang hồ khác là Dung Hà ở Sài Gòn đầu những năm 2000. Khi đó, vì tranh giành địa bàn hoạt động, Năm Cam đã quyết định loại bỏ Dung Hà. Chỉ bằng một câu “anh không muốn nhìn thấy mặt Dung Hà nữa” – có giá trị như một mệnh lệnh, mà đàn em thân cận của Năm Cam là Hải bánh đã chỉ đạo hai thuộc hạ cấp dưới của mình, khoảng 22giờ đêm mang súng đi xe máy đến ngay chỗ Dung Hà đang ngồi hóng mát trên lề đường trên đường Bùi Thị Xuân, bắn gục Dung Hà ngay tại chỗ.
Sau đó, cả hai cấp tòa qua xét xử đều đã xác định Năm Cam là chủ mưu vụ giết người này và bị tuyên án tử hình về hành vi giết người – hình phạt cao nhất trong số các đồng phạm.
Như vậy, trong vụ đánh hai luật sư này, kẻ chủ mưu là ai? mục tiêu là gì: có phải thực sự chỉ là để trả thù việc bị gây bụi? Mục đích chỉ là đánh cảnh cáo cho sợ? Hay còn có mục đích nào khác?
Kể chủ mưu ấy có nằm trong nhóm 8 người trực tiếp đánh? Hay là một kẻ khác chưa lộ mặt? Rất nhiều câu hỏi, cũng là nghi vấn cần đặt ra:
– Động cơ và mục đích thực sự của việc đánh hai luật sư là gì?
– Có liên quan gì đến vụ Đỗ Đăng Dư hay không?
Theo quan điểm của chúng tôi, trước mắt cần xác định bằng được, làm rõ ai là chủ mưu vụ đánh người này? Đây là bước tiếp theo rất quan trọng. Từ kết quả này sẽ truy tiếp.
Một vấn đề mang tính nguyên tắc, cũng cần đặt ra là: để có thể điều tra làm rõ bản chất vụ việc một cách chính thức, đầy đủ, thì rất cần và nên khởi tố thành vụ án hình sự, khởi tố bị can.
Theo thông tin chúng tôi biết qua báo chí, thì có vẻ như là phía công an chờ kết quả giám định tỷ lệ thương tật của hai luật sư nạn nhân. Nếu đủ điều kiện thì mới có thể khởi tố được.
Ý kiến của phía cơ quan công an như vậy cũng không hẳn là sai. Và có vẻ đi theo hướng sẽ khởi tố về tội “cố ý gây thương tích” nếu tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên.
Nhưng theo tôi, cho dù là tỷ lệ thương tật của hai nạn nhân chưa đủ 11% để có thể truy tố về tội cố ý gây thương tích, thì trong trường hợp, căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của vụ việc, vẫn có thể xem xét, khởi tố vụ án – về hành vi có dấu hiệu phạm tội “gây tổn hại cho sức khỏe người khác” – theo điều 104 Bộ luật hình sự.
Hoặc cũng có thể truy tố theo điều 245 về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Xét về tính chất nghiêm trọng, liên quan đến trật tự an toàn xã hội, liên quan đến hoạt động hành nghề của luật sư – được pháp luật bảo vệ, tôi cũng đồng ý với quan điểm của Ban chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nhiều cá nhân khác. Đó là cần thiết khởi tố vụ án để làm rõ. Cũng chính là bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm công bằng, khách quan.
___________________________
Câu hỏi dành cho các đối tượng tham gia đánh hai luật sư:
Nếu tôi là thành viên trong tổ điều tra, tôi sẽ đặt những câu hỏi sau đây cho các đối tượng đã đánh hai luật sư hay có liên quan:
Hỏi 8 người trực tiếp đánh:
– Ai là người đầu tiên hẹn đi ăn tại Nhà hàng Ngân Trinh lúc 12h ngày 3-11-2015? Ăn xong trả tiền như thế nào, ai trả?
– Khi ô tô phóng nhanh gây “bụi bẩn” đã đuổi theo, các anh dừng lại chờ. Ai là người đã đề nghị chờ?
– Chờ trong bao lâu? Lúc này các anh có gọi điện thoại liên lạc, nói chuyện với ai (xác minh số điện thoại đã liên lạc).
– Các anh đã bàn việc chặn đánh hai người trong xe ô tô như thế nào? Ai là người đưa ra phương án chặn đầu xe?
– Sau khi đánh xong, các anh có nhận tiền hay thù lao của ai không?
– Theo quy định của pháp luật, các anh phải bồi thường chi phí thuốc men, điều trị cho các nạn nhân. Anh sẽ là người phải bồi thường toàn bộ, 7 người khác thì không. Anh có ý kiến gì không?
– Theo anh việc bồi thường cho nạn nhân nên thế nào? có nên chia đều không? vì sao?
– Vì sao công an biết mà mời các anh lên làm việc?
– Các anh có đeo khẩu trang khi đánh hai người trong ô tô không? Nếu đeo thì ai nói đeo? Nếu không đeo, thì ai nói không đeo?
– Ai là người nói dừng lại không đánh nữa?
Hỏi đối tượng Cao Văn Huân – người dùng mô tô chặn đầu xe ô tô của hai luật sư:
– Tự anh, hay ai đã đề nghị anh là người dùng mô tô chặn đầu xe?
– Cụ thể những ai đã đánh hai luật sư? Đánh như thế nào? Chỉ dùng tay, hay có khí giới gì không?
– Sau khi đánh xong có gọi điện hay trao đổi với ai không?
– Khi báo đăng tin vụ việc, tại sao anh không ra đầu thú?
Hỏi công an xã Nguyễn Văn Cửu – người “đi ngang qua”:
– Anh đi xe máy qua khu vực đó, có thấy sự việc ẩu đả không? thấy như thế nào?
– Vì sao anh là công an mà không can thiệp?
– Vì sao anh không báo cáo vụ việc cho Trưởng công an xã?
– Sau khi báo đăng vụ việc, anh có chủ động đến trình bày sự việc với công an xã, huyện không?
– Trước và sau vụ đánh nhau, anh có gọi điện thoại trao đổi với ai không? (vui lòng cho kiểm tra điện thoại các số đã gọi tại thời điểm đó).
—————-
Qui định tại Bộ luật hình sự:
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;
b) Có tổ chức;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.