LS nói gì về việc truy nã Trịnh Xuân Thanh?

Cac Bai Khac

No sub-categories

LS nói gì về việc truy nã Trịnh Xuân Thanh?
Image copyrightTRINH XUAN THANH
Image caption Ông Trịnh Xuân Thanh chưa được xác định đang ở đâu
21/09/2016
Một luật sư Hà Nội bình luận với BBC về chuyện ‘truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh’ và giải thích vì sao tên ông này chưa có trên website của Interpol.
Bộ Công an Việt Nam ngày 16/9 ra quyết định truy nã ông Trịnh Xuân Thanh, người đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản.
Thông cáo của Bộ Công an Việt Nam nói việc truy nã liên quan vụ án ‘Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng’ xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC).
Quyết định khởi tố ông Thanh, cùng lệnh bắt tạm giam và khám nhà ông Thanh được đưa ra hôm 16/9.
Hôm 21/9, trả lời BBC, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, nói: “Việc tên của một nghi can xuất hiện trên website truy nã của Interpol hay không tùy thuộc vào mức độ cập nhật của tổ chức này.”
“Đến nay, đã có một số trường hợp nghi phạm đã bị bắt giam tại Việt Nam nhưng không rõ vì sao tên họ vẫn còn trong danh sách truy nã trên website Interpol.”
“Trong trường hợp nghi can bỏ trốn như ông Thanh, vấn đề là nếu sau khi gia hạn điều tra ba lần mà vẫn không xác định họ đang ở đâu thì vụ án có khả năng phải tạm đình chỉ.”
“Truy nã quốc tế trong tiền lệ thì Việt Nam đã tiến hành nhiều vụ, nhưng hiệu quả đến đâu thì tôi không nắm được số liệu để đánh giá.”

‘Minh bạch’

Bình luận về thông tin trên mạng xã hội nói Trịnh Xuân Thanh “sẽ xuất hiện khi có phiên tòa xét xử vụ thất thoát 3.300 tỷ đồng nhưng phải có luật sư, nhà báo, đại diện nhân quyền quốc tế”, luật sư cho hay: “Ông Thanh có quyền yêu cầu mở một phiên tòa như vậy.”
“Các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền xem xét đồng ý hay không.”
“Nhưng ông Thanh có quyền bào chữa và chứng minh mình không phạm tội.”
“Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, điều tôi quan tâm nhất là phải đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, cũng như quyền lợi các bên được bảo vệ, tranh biện công khai, minh bạch.”
“Bất kể cơ quan tố tụng nào của Việt Nam cũng đều phải tuân theo pháp luật vì nếu làm sai và truy tố nghi can khi không đủ chứng cứ, họ cũng phải chịu trách nhiệm.”
“Luật Hình sự Việt Nam có quy định, những hành vi sai trong hoạt động tư pháp, anh khởi tố sai hay làm án theo chỉ đạo thì anh cũng chết.”
“Những vụ dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Trịnh Xuân Thanh thì khó có ai có thể làm sai được.”
Ông Truyền cũng nói thêm: “Việc cơ quan điều tra có phần chậm khi công bố quyết định khởi tố ông Thanh là do đây là đại án kinh tế, việc thu thập và xác minh chứng cứ, tài liệu mất nhiều thời gian, thường thì cần từ 3 đến 6 tháng mới đủ căn cứ để khởi tố nghi can.