“Bụi Chương Mỹ” không vô ích!
LS Đặng Đình Mạnh – 2-12-2015
Tháng 11/2015 đã khép lại. Nhưng công bằng thì lịch sử nghề nghiệp luật sư sẽ phải dành một trang đặc biệt để ghi nhận về thời điểm tháng 11/2015, một tháng với quá nhiều biến động đối với nghề nghiệp luật sư. Biến động không đến từ các hoạt động thuần túy tố tụng hay tư vấn là những hoạt động chuyên môn thường nhật của nghề nghiệp luật sư, mà lại xuất phát từ các hoạt động ngoài chuyên môn. Theo đó, công chúng được dịp chứng kiến sự thử thách đến với luật sư, sự trả giá của luật sư, nhưng cũng kèm theo sự thu hoạch cho nghề nghiệp luật sư, mà phần quan trọng là dần giúp định hình nghề nghiệp theo chiều hướng tiệm cận hơn với thế giới văn minh, ít nhất cũng ở sự điển chế của pháp luật. Thế nhưng, ý nghĩa tích cực nhất là đã đánh thức đến phần sĩ diện nghề nghiệp tưởng chừng đã ngủ quên trong sự sợ hãichung thân của mỗi luật sư hành nghề tại xứ sở này…
Có thể điểm vài sự kiện trong tháng 11 đáng nhớ.
- Đầu tiên, là sự kiện vận động cùng ký “Đơn kiến nghị chung” yêu cầu bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, sự kiện này do LS Ngô Ngọc Trai chủ trương.
- Kế, phải kể đến sự kiện “Bụi Chương Mỹ” gắn liền với hình ảnh hai khuôn mặt đẫm máu của luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân tràn lan trên báo giấy lẫn báo mạng, lề phải hay lề trái,sau khi họ bị hành hung.
- Sự kiện “Bụi Chương Mỹ” đã “suýt” trở thành một cuộc tuần hành chung ở Hà Nội của giới luật sư khi được vận động đồng hành với sự kiện nộp “Đơn kiến nghị chung”.
- Ồn ào không kém với sự kiện luật sư Trần Vũ Hải bị cơ quan công an triệu tập theo cách cưỡng chế như “bắt cóc” trong phim ảnh, để “điều tra” về những tố cáo (thực hư) liên quan đến hoạt động nghề nghiệp luật sư.
- Sự kiện trao đổi bên lề cuộc họp quốc hội về những vấn đề liên quan đến sự kiện “Bụi Chương Mỹ” giữa hai đại biểu quốc hội, gồm ông luật sư Trương Trọng Nghĩa và ông giám đốc công an TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
- Cuối cùng là sự kiện quốc hội thông qua Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự sửa đổi, trong đó đã chấp nhận bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Sự kiện vận động yêu cầu bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa do LS Ngô Ngọc Trai chủ trương là một sự kiện mang tính chất nghề nghiệp. Tuy rất có ý nghĩa trong giới luật sư, nhưng có sự khởi đầu khá lặng lẽ, mà thậm chí, không phải luật sư nào cũng biết để cùng tham gia biểu thị sự đồng tình.
Thì trái lại, sự kiện “Bụi Chương Mỹ” với hai luật sư bị hành hung lại là một sự kiện gây chấn động sâu sắc không chỉ trong giới luật sư, vượt qua cả sự quan tâm rộng rãi của công chúng trong nước, tin tức lan truyền đến cả với thế giới bên ngoài đang tò mò về hoạt động tư pháp Việt Nam.
Tuy công khai chưa ai nói đến việc hành hung các luật sư có bàn tay tổ chức của cá nhân nào đó đang là thành viên lực lượng chức năng giữ gìn trật tự trị an ở Chương Mỹ, nhưng với việc một công an xã bị chỉ mặt đích danh là một trong số côn đồ ra tay hành hung hai luật sư thì mọi cặp mắt đều hướng về phía ấy với ánh nhìn đầy nghi hoặc…
Tiếp ngay sau đó là sự kiện LS Trần Vũ Hải bị cơ quan công an triệu tập theo cách cưỡng chế như “bắt cóc” trong phim ảnh, ông bị những người mặc thường phục sử dụng sức mạnh cơ bắp tống lên xe ô tô chở đi theo một cách thức không có trong luật định, khiến ông và con trai ông cũng là một đồng nghiệp luật sư phải lên tiếng kêu cứu …
Và đương nhiên, một lần nữa, công chúng lại chống mắt để nhìn xem các luật sư sẽ có hành động gì để mưu tìm công lý cho chính mình, khi chính luật sư là người bị xâm phạm ?! “Luật sư không bảo vệ được cho chính mình, thì họ sẽ bảo vệ cho thân chủ như thế nào ?” và đó cũng chính là suy nghĩ chung được công chúng chia sẻ với nhau nhan nhãn trên các trang mạng xã hội.
Chưa bao giờ trong suốt hơn 100 năm khai sinh nghề luật sư thì giới luật sư ở xứ sở này lại bị đưa vào tình huống thử thách nặng nề như thế ? Thậm chí, nếu ai nặng lòng với nghề nghiệp mà đặt câu hỏi “To be or not to be / Tồn tại hay không tồn tại ?” [1], thì cũng không còn là quá đáng!
Với tình hình hiện nay, việc mưu tìm công lý triệt để tựa như “đội đá vá trời”, một sứ vụ bất khả thi, nhưng có vẻ như, sau những “khổ nhục kế” bất đắc dĩ có sự tham gia đầy phô trương của sức mạnh cơ bắp, đủ để làm đổ máu, đủ để bắt cóc người, đủ gây nên sự ồn ào tai tiếng không đáng có … thì cuối cùng, cũng đã làm động lòng 500 con người ngồi trong phòng hội nghị Diên Hồng, để họ gật đầu một cách chóng vánh ban cho đặc ân miễn thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho giới luật sư … Điều này tựa như là một sự bù đắp, xoa nhẹ bớt đi những sự bất công mà giới luật sư đang gánh chịu và là một bước tiến về phía trước, tiệm cận gần hơn với nền tư pháp văn minh của thế giới.
Bởi lẽ, tôi chưa bao giờ có niềm tin rằng một con én cô đơn Trương Trọng Nghĩa sẽ làm lay chuyển được sức ỳ của 500 con người đó, có chăng, tiếng nói của ông chỉ đủ đánh động chứ không đủ át đi tiếng nói đầy nội lực của những miệng nhà quan có gang có thép như Trương Hòa Bình, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Đức Chung, Đỗ Văn Đương … luôn sẵn sàng giữ chặt nghề nghiệp luật sư trong vòng tay “thân ái” !
Nỗi đau thân xác, tinh thần của các luật sư Trần Thu Nam, Lê Văn Luân, Trần Vũ Hải chưa bao giờ là nỗi đau riêng của họ, mà từ khởi thủy đã là nỗi đau chung của đồng nghiệp với họ … Không ai ngây thơ nghĩ rằng những nắm đấm ấy chỉ vung vào cá nhân, mà thực tế, những nắm đấm ấy vung vào tư cách luật sư của họ, khi họ đang hành nghề luật sư của mình. Theo đó, bất luận ai là luật sư bảo vệ cho cháu Đỗ Đăng Dư thì đều có khả năng phải chịu đựng những nắm đấm ấy. Và dù rằng muốn hay không ? Dù rằng không trực tiếp bị vung nắm đấm vào mặt, thế nhưng, giới luật sư cả nước vẫn phải chịu đựng chung sự bẽ bàng trước ý nghĩ chất vấn của công chúng “Luật sư không bảo vệ được cho chính mình, thì họ sẽ bảo vệ cho thân chủ như thế nào ?”.
Tôi tin rằng, tháng 11/2015, với nắm đấm vung vào giới luật sư đã làm tỉnh thức đến cội rễ phần sĩ diện nghề nghiệp đang ngủ quên của mỗi luật sư hành nghề tại xứ sở này. Nếu ai đó vẫn chưa tỉnh, xin hãy lay họ dậy. Nhưng nếu họ vẫn chưa muốn tỉnh, xin hãy quên họ đi, vì ngoài chiếc huy hiệu luật sư còn tồn tại trên ve áo, thì phần hồn luật sư với thiên chức bảo vệ công lý trong họ đã chết trong giấc ngủ sợ hãi.
Lịch sử nghề nghiệp luật sư giai đoạn hiện tại ở xứ sở này đã từng ghi nhớ các luật sư Lê Công Định,Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân … phải rời bỏ nghề nghiệp khi lý tưởng xây dựng xứ sở của họ không tương thích với chính quyền, thì chắc chắc, sẽ phải ghi tiếp các tên tuổi Ngô Ngọc Trai, Trần Thu Nam, Lê Văn Luân, Trần Vũ Hải vào trang sử nghề nghiệp luật sư như là những người đóng góp, xả thân vì nghề nghiệp …
Hôm nay, “Bụi Chương Mỹ”, ngày mai có thể là “Bụi Hà Nội” và ngày mốt có thể là “Bụi Sài Gòn”, “Bụi” có thể ở bất cứ nơi nào mà giới luật sư đang định chỉ lưu dấu chân mình như là những nạn nhân mới, làm dài thêm danh sách sau những cái tên Trần Thu Nam, Lê Văn Luân, Trần Vũ Hải ? Trừ khi, chỉ trừ khi giới luật sư có đủ dũng khí, có sự đoàn kết để trở thành luật sư bảo vệ hữu hiệu được cho chính mình trong cơn “Bụi” mờ thử thách sự tồn vong nghề nghiệp !
Thế nên, với tôi, “Bụi Chương Mỹ” không hề vô ích.
[1] Lời của nhân vật Hamlet trong tác phẩm cùng tên của Shakerpeare