Long Hổ Tranh Hùng?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Long Hổ Tranh Hùng?
Thursday, December 15, 2016
Trần Khải 
Theo Vietbao 

Không ai muốn sóng gió Biển Đông… nhưng hễ nhẫn nhịn, là Trung Quốc ngày càng lấn bước.

Do vậy, dễ hiểu là Mỹ phải có lập trường cứng rắn.

Bản tin RFA kể rằng Đô đốc Harry Harris chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng nước ông vẫn sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông đưa ra lời tuyên bố vừa nêu tại Học viện Lowy ở thành phố Sydney, Australia.

Đô đốc Harry Harris nói rằng nước Mỹ có thể hợp tác với Trung Quốc nhưng cũng sẵn sàng đối đầu với nước này, và không bao giờ chấp nhận một khu vực biển chung bị đóng cửa dù cho có bao nhiêu căn cứ quân sự được xây dựng đi chăng nữa. Ý ông Harris muốn nhắc đến việc bối đắp các bãi đá do Trung quốc chiếm đóng thành đảo nhân tạo, cũng như việc Bắc Kinh tăng cường các căn cứ không quân ở Hải Nam, bố trí các giàn tên lửa ở Hoàng Sa, cũng như xây dựng phi đạo mới trên các đảo nhân tạo tại Trường Sa.

RFA ghi rằng Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng trong bối cảnh Hải quân Trung Quốc ngày càng phát triển và vươn ra đến tầm toàn cầu thì phải tôn trọng tự do hàng hải ở các nước và khu vực khác trên thế giới.

Trong thời gian qua Hải quân Mỹ đã nhiều lần thực hiện chiến dịch tự do hàng hải, cho tàu chiến đi sát khu vực 12 hải lý xung quanh các bãi đá do Trung Quốc chiếm giữ tại biển Đông nhằm khẳng định rằng Bắc Kinh không có chủ quyền trên vùng biển xung quanh các bãi đá theo như luật lệ quốc tế qui định.

Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận Bắc Kinh đang gầm gừ: Hôm Thứ Tư 14/12/2016, gần hai tuần sau cuộc điện đàm «lịch sử» giữa tổng thống tân cử Mỹ và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, Bắc Kinh lên tiếng cảnh cáo chính phủ Đài Bắc: coi chừng đi vào đường cùng.

Theo hãng tin China News, trong một tuyên bố được xem như lời cảnh cáo đối với hải đảo bất trị, phát ngôn viên cơ quan chính phủ đặc trách quan hệ với Đài Loan, cho rằng Trung Quốc có «quyết tâm không gì lay chuyển và khả năng (quân sự ?) để ngăn chận mọi ý đồ độc lập và ly khai ở Đài Loan». Do vậy, «thực tế sẽ chứng minh độc lập là tử lộ».

Vào đầu tháng 12, tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã làm Bắc Kinh chới với vì cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, một sự kiện chưa bao giờ xảy ra từ gần 40 năm nay, từ khi Washington bang giao với Bắc Kinh, giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm hay tân cử với một nguyên thủ Đài Loan.

Đến Chủ Nhật 11/12/2016, ông Donald Trump lại tiến xa thêm một bước khi đe dọa có thể sẽ không công nhận nguyên tắc « một nước Trung Hoa ».

Trong khi đó, bản tin VOA ghi nhận: VN phản đối Trung Quốc phát hành tem vi phạm chủ quyền.

Cơ quan Bưu chính Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc gần đây phát hành những loại tem xâm phạm chủ quyền quần đảo Trường Sa trên biển Đông.

Theo phía Việt Nam, đây là lần thứ ba Trung Quốc phát hành một bộ tem xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Bộ tem “Đèn Biển Trung Quốc” được phát hành ngày 28/10 thể hiện 5 đèn biển xây dựng trên 5 bãi đá Châu Viên, Gạc Ma, SuBi, Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

VOA ghi rằng Bưu Chính Việt Nam đưa ra thông cáo phản đối hôm 13/12 và gọi việc phát hành bộ tem này là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam” và “yêu cầu Bưu chính Trung Quốc hủy ngay bộ tem, phong bì và các ấn phẩm có in hình ảnh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam”.

Chính quyền Hà Nội cáo buộc Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm lược một phần quần đảo Trường Sa năm 1988. Hơn 60 chiến sỹ Việt Nam đã tử nạn trong trận chiến bảo vệ quần đảo này. Trước đó, Trung Quốc đã đưa quân và cờ lên chiếm đóng các đảo ở Hoàng Sa từ tay Việt Nam vào năm 1974.

Tuy nhiên, TQ có thể trả đũa Hoa Kỳ thế nào?

Bản tin RFI cho biết Trung Quốc có trong tay cả chục cách để trả đũa Hoa Kỳ, từ kinh tế đến quân sự, trong đó có việc tập trận gần Đài Loan và nhất là gây sự tại Biển Đông.

Tình hình Biển Đông hiện nay đã chuyển biến đến mức rất dễ trở thành đấu trường Mỹ-Trung, và Trung Quốc cũng có thể răn đe chính quyền Donald Trump bằng cách gây nên một sự cố. Điều này đặc biệt có ý nghĩa sau vụ ông Trump chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa vùng Trường Sa.

RFI nhắc rằng mọi người đều nhớ đến cuộc khủng hoảng năm 2001, khi một phi cơ do thám của Mỹ đã bị buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam của Trung Quốc sau khi va chạm với một chiến đấu cơ Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng có thể chơi lại trò dùng tàu cá sách nhiễu tàu Mỹ, như họ đã từng làm vào năm 2009 với chiếc khảo sát USNS Impeccable.

Có điều là khi gây sự trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc hai điểm: Một là chính Bắc Kinh cũng cần đến một vùng Biển Đông hòa bình và ổn định vì đó là nơi có các tuyến thương mại sinh tử đối với Trung Quốc.

Một điểm thứ hai mà Bắc Kinh phải chú ý là tính khí khó lường của ông Donald Trump, không ai biết là ông có thể phản ứng ra sao trong trường hợp Mỹ bị khiêu khích.

Một cách trực tiếp hơn, theo Reuters, Bắc Kinh có thể cho thấy rõ quyết tâm không buông Đài Loan của mình bằng một cuộc tập trận gần hòn đảo này. Khi làm vậy, Trung Quốc sẽ đồng thời đạt được hai mục tiêu, vừa «dằn mặt» chính quyền mới Washington, vừa cảnh cáo chính phủ tại Đài Bắc trong tay đảng Dân Tiến chủ trương đòi độc lập.

Theo Reuters, Bắc Kinh còn có thể viện đến một loạt những biện pháp khác, chẳng hạn như ồ ạt bán đi lượng trái phiếu Mỹ khổng lồ (1.160 tỷ đô la tính đến tháng 9/2016) mà họ nắm trong tay, gây áp lực trên các tập đoàn Mỹ làm ăn với Trung Quốc, giảm nhẹ áp lực trên Bắc Triều Tiên…

Tóm lại, Bắc Kinh không thiếu biện pháp để đấu với Washington, nhưng biện pháp nào cũng sẽ có hậu quả tai hại cho Trung Quốc, và chính đây là điểm khiến Bắc Kinh không dám manh động.

Trong khi đó, báo Pháp Luật ghi nhận rằng hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc dường như đã lắp đặt các loại vũ khí phòng thủ quan trọng trên một loạt đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây trái phép tại biển Đông.

Theo hãng tin AFP, ngày 14-12, Cơ quan sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), trụ sở tại Washington DC, tiết lộ các hình ảnh vệ tinh trên. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã ngang nhiên lắp đặt các loại vũ khí phòng thủ quan trọng trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở biển Đông. Cho tới nay, Trung Quốc đã xây dựng trái phép bảy đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nghĩa là, Biển Đông sóng gió chập chùng..